Trong suốt 70 năm qua, Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền vẫn là bản tuyên ngôn có ý nghĩa nhân văn cao cả, đã và đang là mục tiêu phấn đấu của toàn thể nhân loại. Là thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc, Việt Nam luôn coi việc bảo đảm quyền con người là bản chất, mục đích của chế độ xã hội chủ nghĩa và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên lĩnh vực này, được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Những hậu quả mà Cuộc chiến tranh thế giới thứ Hai, do chủ nghĩa phát xít gây ra đã thức tỉnh nhân loại về một nhiệm vụ chung là bảo vệ hòa bình, tôn trọng độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia và quyền con người. Đây được xem là một nhu cầu cấp bách của cộng đồng quốc tế. Vì vậy, ngay sau khi được thành lập (24-10-1945), với sự làm việc khẩn trương của các chuyên gia hàng đầu, các cơ quan có trách nhiệm, ngày 10-12-1948, “Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền” đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua.
Tuyên ngôn không chỉ chọn lọc kế thừa những tư tưởng tiến bộ của nhân loại, mà còn đề cập tới những vấn đề mang tính thách thức đối với các hệ thống xã hội vào thời điểm đó. Đó là quyền không bị kỳ thị, phân biệt đối xử về chủng tộc, màu da, giới tính; quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng tôn giáo, tự do hội họp, lập hội; quyền được tham gia vào việc quản lý đất nước, v.v. Đây là những nhu cầu bức thiết của đại bộ phận dân chúng vẫn chưa được đáp ứng ngay cả ở những nước tư bản phát triển nhất. Các quyền về kinh tế, xã hội và văn hóa; quyền làm việc, bao gồm quyền được bảo vệ, chống lại thất nghiệp; quyền được giáo dục,… được xem là những ưu việt của hệ thống xã hội chủ nghĩa (vào thời điểm đó), sau nhiều cuộc tranh luận đã được đưa vào văn kiện quan trọng này.
Thể chế hóa tư tưởng của Tuyên ngôn, cho đến nay, Liên hợp quốc đã thông qua nhiều công ước, đặc biệt là: “Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị”, “Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa” (năm 1966). Hai công ước này xác định cụ thể và chi tiết các quyền tự do cơ bản của con người trên lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa; đồng thời, xác lập trách nhiệm, nghĩa vụ của các quốc gia thành viên phải tôn trọng và bảo vệ các quyền tự do cơ bản của con người. Cùng với đó, Liên hợp quốc đã thông qua nhiều công ước, nghị định thư khác,... góp phần tạo lập hệ thống nguyên tắc, quy phạm và chuẩn mực quốc tế về quyền con người.
Tuy nhiên, một hạn chế của Tuyên ngôn là không đề cập đến quyền con người của các dân tộc thuộc địa và ai là người phải chịu trách nhiệm tôn trọng và bảo vệ quyền của họ? Vì, đối với các dân tộc bị áp bức, điều kiện tiên quyết của quyền con người là độc lập dân tộc. Đây chính là một lỗ hổng lớn về tư tưởng chính trị - pháp lý của văn kiện này. Điều đó cho thấy, trong thực tế, không một đế quốc nào thừa nhận quyền này và tự nguyện trao lại độc lập cho các dân tộc thuộc địa. Muốn có độc lập thật sự, các dân tộc bị áp bức phải đứng lên giành lấy quyền đó bằng con đường đấu tranh cách mạng. Vì vậy, trải qua rất nhiều đấu tranh, tới ngày 14-12-1960, Liên hợp quốc mới ra Bản “Tuyên bố về trao trả độc lập cho các nước và dân tộc thuộc địa”1.
Mặc dù vậy, 70 năm qua, các quy định của Tuyên ngôn vẫn còn nguyên giá trị. Đó là văn kiện chính trị đặc biệt, được tất cả các quốc gia, dân tộc trên thế giới, không phân biệt chế độ chính trị, hệ tư tưởng, trình độ phát triển, bản sắc văn hóa đều thừa nhận và được xem là giá trị chung của nhân loại, góp phần thúc đẩy các quốc gia, dân tộc xây dựng, thực thi quyền con người, làm cho thế giới phát triển, tiến bộ hơn.
Đối với Việt Nam, trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, nhân dân ta hoàn toàn không biết đến quyền con người, quyền công dân; nhiều lắm, người dân chỉ biết đến khái niệm quyền con người qua luận điệu tuyên truyền của bọn thực dân và tay sai. Chỉ đến khi cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam thành công, thì quyền công dân và quyền con người của nhân dân ta mới giành lại được. Điều đặc biệt là, bản Tuyên độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố trước quốc dân đồng bào và thế giới đã kế thừa những giá trị tiến bộ của nhân loại, bao quát đầy đủ về dân chủ, quyền con người, quyền công dân, đồng thời có tính tương đồng, thống nhất với Tuyên ngôn của Liên hợp quốc về quyền con người. Ngay sau đó một năm, Việt Nam đã ban hành Hiến pháp năm 1946 - Hiến pháp dân chủ đầu tiên của nền cộng hòa - đã thiết lập và đảm bảo cho công dân thực hiện và hưởng thụ các quyền và tự do dân chủ.
Tuy nhiên, do điều kiện đất nước có chiến tranh, hậu quả nặng nề, kinh tế chưa phát triển, nên việc đảm bảo quyền con người còn hạn chế, nhất là các quyền về kinh tế, văn hóa, xã hội. Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Việt Nam trở thành thành viên của Liên hợp quốc (năm 1977), nhất là bước vào thời kỳ đổi mới, với quan điểm: con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển; gắn mỗi bước tăng trưởng kinh tế với đảm bảo an sinh xã hội, tất cả vì con người, vì hạnh phúc của nhân dân, Việt Nam đã tham gia hầu hết các điều ước quốc tế về nhân quyền do Liên hợp quốc ban hành và đảm bảo tốt trên thực tế.
Trên lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, có thể nói, quyền con người đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Cho đến nay, hầu hết các xã, cụm dân cư, kể cả ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người đều có điện, trường học, trạm y tế, hệ thống giao thông phát triển; tỷ lệ hộ đói nghèo giảm nhanh, luôn đạt và vượt mục tiêu đề ra qua các giai đoạn. Đặc biệt, Việt Nam đã hoàn thành Mục tiêu thiên niên kỷ về giảm nghèo trước 10 năm. Đến hết năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam là 9,45%, vượt mức mục tiêu đề ra là 10%. Chính phủ Việt Nam đã xây dựng định hướng giảm nghèo giai đoạn 2011 - 2020, với mục tiêu giảm số hộ nghèo còn 4% - 5% vào năm 2020.
Trên lĩnh vực quyền dân sự và chính trị, kế thừa các Hiến pháp trước đó, Quốc hội (khóa XIII) đã xây dựng và ban hành Hiến pháp năm 2013. Đây là văn kiện chính trị, pháp lý thể hiện đầy đủ về “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”. Có thể nói, những quy định về quyền con người tại Hiến pháp năm 2013 hoàn toàn tương thích với các công ước quốc tế về quyền con người, trong đó có những quyền được xem là “nhạy cảm” cũng đã được đưa vào văn kiện này. Chẳng hạn, Điều 14, quy định: (1). “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. (2). Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Hoặc Điều 25 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Ngoài ra, Quốc hội đã sửa và xây dựng nhiều đạo luật mới, như: Luật Báo chí (năm 2016); Luật Tiếp cận thông tin (năm 2013); Luật An ninh mạng (năm 2018), v.v. Các quy định của những bộ luật này đều nhằm bảo đảm an ninh Quốc gia, trật tự công cộng và quyền con người.
Trong bối cảnh internet, mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, Đảng và Nhà nước ta đã bảo đảm quyền tự do ngôn luận, báo chí và đáp ứng đầy đủ nhu cầu thông tin của nhân dân. Việt Nam hòa mạng internet toàn cầu khá sớm so với nhiều quốc gia trong khu vực, từ ngày 01-12-1997. Theo tổ chức nghiên cứu về mạng xã hội quốc tế - Next Web, hiện nay, Việt Nam nằm trong “Top 10 quốc gia có nhiều người dùng Facebook nhất thế giới” với 64 triệu người, chiếm 3% tổng số tài khoản Facebook toàn cầu. Người dân Việt Nam ngày nay có thể đăng lên mạng và tải về các video/clip hoàn toàn không bị cấm đoán nếu không vi phạm pháp luật. Ngoài các đài phát thanh, truyền hình của quốc gia và các tỉnh, thành phố, hiện nay, Việt Nam có tới 74 báo và tạp chí điện tử, 336 mạng xã hội, 1.174 trang thông tin điện tử được cấp phép hoạt động. Người nước ngoài và người dân Việt Nam có thể tiếp cận tin tức của các cơ quan thông tấn, báo chí trên thế giới, như: AFP, AP, BBC, VOA, Reuters,… mà không có bất kỳ hạn chế nào.
Những thành tựu trên là rất cơ bản và to lớn, nhất là hệ thống pháp luật Việt Nam về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu đặt ra cho việc thúc đẩy, bảo vệ và phát triển quyền con người, quyền công dân. Nhờ đó, Việt Nam được bầu làm ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2008 - 2009) và thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2014 - 2016). Đó là sự ghi nhận và đánh giá cao của quốc tế đối với Việt Nam trong việc bảo đảm, thực thi quyền con người.
Có thể khẳng định rằng, đi theo con đường chủ nghĩa xã hội dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Việt Nam không chỉ giành được quyền con người, mà còn có những đóng góp to lớn trên lĩnh vực này từ tư tưởng chính trị đến thực tiễn. Công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế là một thời kỳ phát triển vượt bậc của Việt Nam về các phương diện, trong đó tư duy và nhận thức về quyền con người, về giá trị đích thực của nhân quyền ngày càng sáng rõ và luôn ý thức rằng: nhân quyền là thuộc bản chất của chế độ và là mục tiêu phấn đấu của cách mạng xã hội chủ nghĩa. Sự nghiệp cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đến sự nghiệp đổi mới ngày nay, tất cả chỉ vì mục đích là giải phóng con người, vì tự do và hạnh phúc của nhân dân, vì nhân quyền cao cả.
Tuy nhiên, quyền con người, như có người nói, đó là đường chân trời, khi người ta càng tiến đến thì dường như nó càng lùi xa, đảm bảo thực hiện nó là cả một quá trình phấn đấu lâu dài, không thể một sớm một chiều, vì nhu cầu của con người không ngừng phát triển, nhất là đối với Việt Nam - nước đã chịu biết bao hy sinh mất mát, đau thương về người và của do thực dân, đế quốc gây nên, hiện hậu quả chiến tranh để lại còn rất nặng nề. Do đó, những thành quả nhân quyền đã đạt được, chúng ta cũng không bao giờ tự mãn, bởi trước mắt, đất nước còn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Nhận thức rõ điều đó, Đảng, Nhà nước ta đang đẩy mạnh công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhằm phát huy hơn nữa quyền làm chủ của nhân dân, hướng tới mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đó là cách tốt nhất để bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, công dân ngày càng tốt hơn.
TS. CAO ĐỨC THÁI
___________
___________
1 - Viện Nghiên cứu quyền con người - “Các văn kiện quốc tế cơ bản về quyền con người”, H. 2002, tr. 83.
Chúng ta phải nâng cao cảnh giác và đấu tranh chống lại âm mưu của các thế lực thù địch, phản động
Trả lờiXóa