Thứ Hai, 26 tháng 9, 2016

VẤN ĐỀ CƠ BẢN CỦA TRIẾT HỌC



Vấn đề quan hệ giữa vật chất và ý thức, giữa tồn tại và tư duy hay giữa tự nhiên và tinh thần là vấn đề cơ bản của triết học.
Đây là vấn đề cơ sở, nền tảng, xuyên suốt mọi học thuyết triết học trong lịch sử, quyết định sự tồn tại của triết học. Quan hệ vật chất ý thức là vấn đề mọi nhà triết học, mọi thời kỳ lịch sử đều phải giải quyết
Kết quả và thái độ của việc giải quyết vấn đề cơ bản triết học quyết định sự hình thành thế giới quan và phương pháp luận của các triết gia, xác định bản chất  của các trường phái triết học.
Giải quyết vấn đề này là cơ sở, điểm xuất phát để giải quyết các vấn đề khác của triết học, đồng thời quyết định cách xem xét các vấn đề khác trong đời sống xã hội.
Vấn đề cơ bản của triết học có hai mặt. Mặt thứ nhất trả lời câu hỏi: giữa vật chất và ý thức, giới tự nhiên và tinh thần cái nào có trước, cái nào có sau, cái nào quyết định cái nào? Mặt thứ hai trả lời câu hỏi: con người có khả năng nhận thức được thế giới hay không?
Tuỳ thuộc vào lời giải đáp cho câu hỏi thứ nhất, các học thuyết triết học khác nhau chia thành hai trào lưu cơ bản là chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm.
Chủ nghĩa duy vật khẳng định vật chất có trước, ý thức có sau; thế giới vật chất tồn tại một cách khách quan, độc lập với ý thức con người và không do ai sáng tạo ra; còn ý thức là sự phản ánh thế giới khách quan vào bộ óc con người; không thể có tinh thần, ý thức nếu không có vật chất.
 Quan hệ giữa vật chất và ý thức, giữa tồn tại và tư duy là vấn đề cơ bản của triết học với những cơ sở sau đây:
Giải quyết mối quan hệ giữa vật chất và ý thức đã phân chia các nhà triết học thành các môm phái, chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm.
Vấn đề quan hệ giữa vật chất và ý thức là vấn đề cơ sở nền tảng, xuyên suốt mọi học thuyết triết học trong lịch sử, quy định sự tồn tại, phát triển của triết học. Thừa nhận hay không thừa nhận thì việc nhận  thức, giải quyết vấn đề quan hệ giữa vật chất và ý thức luôn luôn  là điểm xuất phát, cơ sở nền tảng  để giải quyết các vấn đề còn lại  của tất cả các loại hình triết học trong lịch sử.
Những nhà triết học nào cho vật chất có trước, quyết định ý thức được gọi là các nhà duy vật; ngược lại những nhà triết học nào cho rằng ý thức có trước, quyết định vật chất được gọi là các nhà duy tâm. Kết quả và thái độ giải quyết quan hệ vật chất - ý thức sẽ quyết định thế giới quan, phư­ơng pháp luận của các nhà triết học, các trư­ờng phái và các hệ thống triết học.

                                                                                                                L.M

PHÂN BIỆT TRIẾT HỌC PHƯƠNG ĐÔNG VÀ TRIẾT HỌC PHƯƠNG TÂY



Sự khác nhau về điều kiện tự nhiên, kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá,  đã quy định nét đặc thù, sự khác nhau căn bản giữa triết học phương Đông và triết học phương Tây.
Về loại hình triết học, triết học phương Đông là loại hình triết học chính trị - xã hội, đạo đức, tôn giáo. Ngay từ đầu những nhà triết học phương Đông đã lấy con người và xã hội làm trung tâm và đối tượng nghiên cứu chủ yếu nhằm giải quyết các vấn đề về chính trị, đạo đức, tôn giáo và về đời sống tâm linh của con người, triết học nhấn mạnh mặt thống nhất mối quan hệ con người với vũ trụ. Triết học phương Tây thường gắn chặt với khoa học tự nhiên, lấy giới tự nhiên làm đối tượng nghiên cứu, chinh phục, Triết học chú trọng nghiên cứu về các phương diện: bản thể luận, nhận thức luận. Vấn đề con người được bàn tới cũng chỉ nhằm để giải thích thế giới.
Trong thế giới quan của triết học phương Đông có sự đan xen giữa duy vật và duy tâm, không rõ ràng giữa chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm, đấu tranh giữa chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm không gay gắt, quyết liệt. Các trào lưu học thuyết triết học phương Tây duy vật vô thần, duy tâm và siêu hình được thể hiện rõ nét, sự phân chia và đối lập giữa các trường phái triết học: duy vật và duy tâm, biện chứng và siêu hình, vô thần và có thần ngay từ thời cổ đại, cho nên cuộc đấu tranh giữa các trường phái triết học diễn ra gay gắt và quyết liệt hơn ở phương Đông.
Tư duy triết học, ở phương Đông tư duy triết học thường khái quát, thâm thuý, ít tư biện, ít bút chiến, phê phán. Tư tưởng triết học thường được trình bày xen kẽ hoặc ẩn dấu ngay trong những vấn đề chính trị –xã hội, đạo đức, các giáo lý tôn giáo, nghệ thuật ... ít có những triết gia và tác phẩm triết học độc lập. Tư duy triết học phương Tây thường thiên về lý luận, tư biện, tính bút chiến phê phán cao. Tri thức triết học được hình thành và có tính độc lập tương đối sớm.
Trong  triết học phương Đông sự phân kỳ không rõ ràng, ít có bước phát triển nhảy vọt về chất, có tính vạch thời đại. Các nhà triết học sau thường kế thừa, cải biến, phát triển mở rộng, làm sáng tỏ sâu sắc thêm những tư tưởng của các trường phái triết học  trước. Trong lịch sử triết học phương Đông không diễn ra một cuộc cách mạng triết học nào. Trong khi ở phương Tây lại  thường xuất hiện những trường phái, hệ thống triết học mới phủ định các tư tưởng của các trường phái triết học trước đó.
Về hệ thống thuật ngữ triết học. Nếu triết học phương Tây thường  trực tiếp sử dụng các thuật ngữ  triết học thì  các thuật ngữ  triết học phương Đông lại ẩn trong các thuật ngữ chính trị xã hội. Khi triết học phương Đông  sử dụng các thuật ngữ: “động”, “tĩnh”, “biến dịch”, “vô thường”, “vô ngã”,“đạo”, “lý”... thì triết học phương Tây lại sử dụng các thuật ngữ: “biện chứng”, “siêu hình”, “thuộc tính” “quy luật”, “liên hệ”…
Về các triết gia, ở phương Đông nhà triết học thường là những nhà hiền triết, đạo sĩ thông qua việc làm quan, truyền đạo để xây dựng nên học thuyết triết học của mình. Trong khi  các nhà triết học phương Tây, thường là những nhà khoa học tự nhiên, thông qua nghiên cứu toán học, vật lý học, tâm lý học, lô gíc học, thiên văn học …mà họ xây dựng  học thuyết triết học.

                                                                                                                L.M

MÂU THUẪN GIỮA HỆ THỐNG VÀ PHƯƠNG PHÁP TRONG TRIẾT HỌC HÊGHEN



Theo các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác, hạn chế lớn nhất của triết học Hêghen là mâu thuẫn sâu sắc giữa hệ thống duy tâm mang tính bảo thủ với phương pháp biện chứng mang tính cách mạng.
Về mặt hệ thống, triết học Hêghen mang tính chất duy tâm khách quan và bảo thủ.
Hêghen coi “ý niệm tuyệt đối”  là điểm xuất phát và là nền tảng thế giới quan triết học của mình. Ý niệm tuyệt đối được hiểu như một đấng tối cao sáng tạo ra thế giới. Mọi sự vật, hiện tượng chỉ là hiện thân (sự biểu hiện khác) của ý niệm tuyệt đối. Con người là sản phẩm và là giai đoạn phát triển cao nhất của ý niệm tuyệt đối. Hoạt động nhận thức của con người là công cụ để ý niệm tuyệt đối nhận thức bản thân mình.
Theo Hêghen, ý niệm tuyệt đốỉ ở giai đoạn sơ khai là ý niệm thuần tuý, nguyên chất, nó tự phát triển trong lòng nó. Khi ý niệm tuyệt đối phát triển đến độ nhất định sẽ “ tha hoá” thành giới tự nhiên. Như vậy, giới tự nhiên ( bao gồm cả xã hội và con người) chỉ là hiện thân của ý niệm tuyệt đối. Bản thân giới tự nhiên không hoàn chỉnh nên nó phải trở về với tinh thần tuyệt đối ( tinh thần tuyệt đối là sự thống nhất tư duy và tồn tại, vật chất và tinh thần ) thông qua hoạt động nhận thức của con người. Trong đó, nhận thức triết học và nhận thức triết học của Hêghen là đỉnh cao, tuyệt đích.
Đây là một hệ thống triết học mang tính duy tâm thần bí và bảo thủ. Tuy nhiên, phép biện chứng của Hêghen lại mang tính cách mạng.
Mặc dù là biện chứng duy tâm như­ng Hêghen là người đầu tiên trình bày phép biện chứng mang tính hệ thống hoàn chỉnh. Trong quá trình luận giải sự vận động, phát triển của ý niệm tuyệt đối qua các giai đoạn, Hêghen đã phát hiện ra các nguyên lý, quy luật, cặp phạm trù cơ bản của phép biện chứng.
Theo Hêghen, các giai đoạn phát triển của ý niệm tuyệt đối có liên hệ với nhau, phát triển không chỉ là sự tăng, giảm về lượng hay sự dịch chuyển vị trí đơn thuần, mà là một quá trình phủ định biện chứng liên tiếp diễn ra, cái mới thay thế cái cũ. Động lực của sự phát triển là do “ xung đột” - đấu tranh của các mặt đối lập…
Phép biện chứng là mặt cách mạng của Hêghen, như­ng phép biện chứng  lại mâu thuẫn với hệ thống triết học siêu hình duy tâm bảo thủ của Ông. Mác và Ăngghen đã kế thừa những hạt nhân hợp lý trong triết học Hêghen. Các Ông đã kết hợp chủ nghĩa duy vật của Phơibăc với phép biện chứng của Hêghen để sáng tạo ra chủ nghĩa duy vật biện chứng khoa học.

                                                                                                                      L.M

SỰ RA ĐỜI CỦA TRIẾT HỌC MÁC – LÊNIN LÀ MỘT TẤT YẾU LỊCH SỬ



Điều kiện kinh tế – xã hội, Chủ nghĩa tư bản ra đời, lực lượng sản xuất phát triển, giai cấp vô sản phát triển cả số lượng chất lượng; mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuấtl mâu thuẫn giữa giai cấp vô sản và tư sản, đấu tranh giai cấp và các cuộc khởi nghĩa vũ trang tiêu biểu - cơ sở vật chất xã hội và nhu cầu thực tiễn cho lý luận triết học khoa học và cách mạng. 
 Cái có ý nghĩa quyết định nhất đối với sự ra đời của triết học Mác chính là sự phát triển ngày càng gay gắt của những mâu thuẫn đối kháng trong lòng xã hội tư bản nửa đầu thế kỷ XIX, và đi liền với nó là nhu cầu ngày càng tăng của phong trào công nhân về một lý luận thực sự khoa học và cách mạng dẫn đường trong cuộc đấu tranh chống  giai cấp tư sản.
Bên cạnh đó, những thành tựu mới nhất của khoa học tự nhiên đương thời, tiêu biểu là định luật bảo toàn và chuyển hoá năng lượng, học thuyết về tế bào và thuyết tiến hoá của các giống loài đã tạo ra tiền đề khoa học tự nhiên vững chắc cho sự ra đời của triết học Mác
Đồng thời, toàn bộ lịch sử tư tưởng - văn hoá nhân loại, đặc biệt là những thành tựu lý luận đầu thế kỷ XIX – triết học cổ điển Đức, kinh tế chính trị học Anh và chủ nghĩa xã hội không tưởng Pháp - đã chuẩn bị đầy đủ những tiền đề lý luận cho sự ra đời của triết học Mác. Trong đó, những hạt nhân hợp lý của triết học duy tâm khách quan của Hêghen và những thành tựu to lớn trong chủ nghĩa duy vật nhân bản của Phoiơbắc trở thành nguồn gốc lý luận trực tiếp của triết học Mác.
(Trí tuệ thiên tài tình cảm cách mạng với giai cấp, hoạt động thực tiễn cá nhân, tình bạnvĩ đại, bước chuyển lập trường giai cấp)
Tất nhiên, sự ra đời của triết học Mác không chỉ là kết quả vận động hợp quy luật của các nhân tố khách quan mà còn mang dấu ấn sâu sắc của các phẩm chất chủ quan của C. Mác và Ph. Ăngghen. Chính những phẩm chất cá nhân đặc biệt của C. Mác và Ph. Ăngghen - những phẩm chất mà suy đến cùng thì cũng do lịch sử lịch sử  quy định - đã tạo nên tính độc đáo của triết học Mác trong tiến trình khách quan của lịch sử tư tưởng nhân loại

                                                                                                                              L.M