Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2016

QUAN ĐIỂM VỀ HỆ GIÁ TRỊ CHUẨN MỰC CỦA CON NGƯỜI VIỆT NAM TẠI ĐẠI HỘI XII CỦA ĐẢNG



Trong xây dựng, phát triển văn hoá, con người của nước ta hiện nay thì hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam vừa là một trong những phạm trù trung tâm của khoa học văn hoá, vừa là một nội dung then chốt giữ vai trò định hướng, kiểm định việc xây dựng, phát triển văn hoá, con người Việt Nam. Hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam có vai trò to lớn như vậy nên việc xác định hệ giá trị chuẩn mực đó đã được Đảng ta rất quan tâm.
Ở thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước, Đảng ta ngày càng nhận thức rõ hơn hệ giá trị của con người Việt Nam. Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII của Đảng xác định mô hình con người Việt Nam trong giai đoạn mới gồm 5 đức tính chủ yếu là: Có tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc, phấn đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có ý chí vươn lên đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu, đoàn kết với nhân dân thế giới trong sự nghiệp đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội; có ý thức tập thể, đoàn kết, phấn đấu vì lợi ích chung; có lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh, cần kiệm, trung thực, nhân nghĩa, tôn trọng kỷ cương phép nước, quy ước của cộng đồng, có ý thức bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái; lao động chăm chỉ với lương tâm nghề nghiệp, có kỹ thuật, sáng tạo, năng suất cao vì lợi ích của bản thân, gia đình, tập thể và xã hội; thường xuyên học tập, nâng cao hiểu biết, trình độ chuyên môn, trình độ thẩm mỹ và thể lực[1].
Trên tinh thần đó, các văn kiện Đại hội IX, X, XI của Đảng và một số nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương trong các khoá đó tiếp tục hoàn thiện, khái quát mô hình con người Việt Nam và đưa ra những chủ trương cụ thể. Đặc biệt, trên phượng diện con người, Nghị quyết Trụng ương lần thứ chín khoá XI đặt vấn đề xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, giáo dục đạo đức, lối sống, hoàn thiện nhân cách con người. Đó là những con người yêu nước, trung thực, lao động tự giác, tận tuỵ, sáng tạo, khiêm tốn, có lối sống giản dị, có lòng vị tha, nhân ái, bao dung, đó là những giá trị, những phẩm chất của nhân cách mà con người Việt Nam phải thể hiện.
Trong tổ chức thực tiễn, Đảng, Nhà nước ta đã chỉ đạo các cấp, các ngành bám sát và cụ thể hoá những đức tính của con người Việt Nam phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của mình, gắn chặt mục tiêu xây dựng con người với các phong trào thi đua yêu nước sâu rộng của quần chúng. Theo đó, con người Việt Nam trong thời kỳ đổi mới đã bước đầu thể hiện được tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, lao động sáng tạo, ý chí, khí phách tự cường dân tộc của mình trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. 
Tuy nhiên, bên cạnh những phẩm chất cao đẹp thì con người Việt Nam vẫn còn bộc lộ không ít những nhược điểm đang cản trở chính mình trong bước đường phát triển đi lên. Đánh giá tổng quát về những hạn chế trong xây dựng, phát triển văn hoá, con người Đại hội XII nhận định: “so với những thành quả trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thành quả trong lĩnh vực văn hoá chưa tương xứng; chưa đủ tầm mức để tác động có hiệu quả xây dựng con người và môi trường văn hoá lành mạnh. Đạo đức, lối sống có mặt xuống cấp đáng lo ngại… Môi trường văn hoá còn tồn tại những biểu hiện thiếu lành mạnh, ngoại lai, trái với thuần phong mỹ tục; tệ nạn xã hội và một số loại tội phạm có chiều hướng gia tăng”[2]. Việc xây dựng hệ giá trị của con người Việt Nam đến nay chưa đạt được mục tiêu mong muốn. Sau 30 năm đổi mới, đời sống tinh thần tuy đã có nhiều thay đổi, song tàn dư lạc hậu, tâm lý, lối sống tiểu nông, sản xuất nhỏ, phong cách trong cơ chế cũ vẫn còn hằn sâu trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Nhiều thói hư, tật xấu và những mặt hạn chế của người Việt Nam vẫn tồn tại dai dẳng, trở thành lực cản quá trình sáng tạo văn hoá xây dựng đạo đức, nhân cách, lối sống của con người Việt Nam thời kỳ mới.
Nhận thức về hệ giá trị văn hoá, con ngươi Việt Nam, dân tộc Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế chưa đầy đủ, chưa hệ thống, chưa đáp ứng được yêu cầu định hướng xây dựng phát triển văn hoá, con người trong thực tiễn. Vì vậy, đến nay vấn đề xây dựng hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam vẫn đang là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hoá, con người ở nước ta. Để thực hiện mục tiêu chiến lược xây dựng văn hoá, con người Việt Nam phát triển toàn diện hiện nay, Đảng ta chỉ ra rằng, phải “đúc kết… hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế” trên các vấn đề cốt lõi: “nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật”[3]. Hội tụ đủ 9 nội dung: Nhân cách, Đạo đức, Trí tuệ, Năng lực sáng tạo, Thể chất, Tâm hồn, Trách nhiệm xã hội, Nghĩa vụ công dân, Ý thức tuân thủ pháp luật mà Đại hội XII nêu lên về chuẩn mực con người Việt Nam vừa phản ánh sự kế thừa cốt cách con người Việt Nam truyền thống, bước đầu bổ sung, định hình, phát triển một số giá trị theo yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, và vừa là mục tiêu vươn tới, phải không ngừng hoàn thiện, khẳng định sự phát triển bền vững của văn hoá, con người Việt Nam. Chỉ có như thế thì văn hoá, con người Việt Nam mới thực sự trở thành động lực nội sinh quan trọng, mới thực sự trở thành “nền tảng tinh thần” để phát triển toàn diện đất nước, sớm hiện thực hoá mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.


[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998, tr. 59.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 125.  
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 127.

                                                                                                                                  B.T

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét