Thứ Hai, 26 tháng 9, 2016

NHỮNG ĐẶC TÍNH MỚI ĐƯỢC C.MÁC VÀ PH. ĂNGGHEN BỔ SUNG VÀO TRIẾT HỌC



Cùng với quá trình thực hiện bước ngoặt cách mạng trong lĩnh vực triết học, C. Mác và Ph. Ăngghen cũng đư­a vào triết học những đặc tính mới.
Thứ nhất, đó là sự thống nhất giữa lí luận và thực tiễn.
Thực chất của cuộc cách mạng trong triết học do C. Mác và Ph. Ăngghen thực hiện, được C. Mác nêu lên ngắn gọn và sâu sắc trong luận điểm “Các nhà triết học đều chỉ giải thích thế giới bằng nhiều cách khác nhau, song vấn đề là cải tạo thế giới”[1].
Với tư cách là sản phẩm hợp quy luật của lịch sử tư tưởng nhân loại và phát triển nhằm đáp ứng yêu cầu khách quan của thực tiễn cách mạng của đông đảo quần chúng nhân dân lao động, nên khác với tất cả các hệ thống triết học trước đó, triết học Mác không chỉ  chú trọng nhận thức thế giới mà còn đặc biệt chú trọng cải tạo thế giới. Lý luận liên hệ với thực tiễn là nguyên tắc tối cao, là một trong những động lực nội tại của triết học Mác. Việc gắn liền lí luận triết học với thực tiễn cách mạng, đến lư­ợt nó, lại làm cho triết học Mác  hàm chứa trong mình đặc tính sáng tạo. Chính vì thế, các nhà kinh điển của triết học C. Mác luôn nhắc nhở không được xem học thuyết cách mạng của giai cấp vô sản như là một hệ thống giáo điều, mà phải coi đó như một hệ thống mở, không ngừng được bổ sung, phát triển một cách đúng đắn, sáng tạo cùng thực tiễn.
Thứ hai, đó là sự thống nhất giữa tính đảng và tính khoa học.
Nói đến tính đảng trong triết học, trước hết là nói đến tính phe phái giữa chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm. Nhưng triết học không có mục đích tự thân, mà trái lại, nó ra đời từ nhu cầu cuộc sống và nhằm phục vụ lợi ích của các cộng đồng người khác nhau trong lịch sử. Chính vì vậy, trong xã hội có phân chia giai cấp, tính đảng của triết học thể hiện tập trung trước hết ở tính giai cấp của nó.
Tính đảng của triết học Mác là tính duy vật biện chứng – nó là vũ khí tư tưởng sắc bén của giai cấp vô sản trong cuộc đấu tranh nhằm thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình. Như­ng triết học Mác cũng đồng thời là một thế giới quan hết sức khoa học, phản ánh đúng đắn những quy luật khách quan của tồn tại. Do vậy, khác với tất cả các hệ thống triết học khác, trong triết học Mác, tính đảng luôn thống nhất chặt chẽ với tính khách quan khoa học. Đây cũng là lí do cơ bản giải thích vì sao chỉ  có triết học Mác mới công khai tính đảng của mình.
Thứ ba, thực hiện sự liên minh chặt chẽ với các khoa học cụ thể.
Triết học Mác ra đời, một mặt, đã chấm dứt tham vọng của nhiều nhà triết học muốn biến nó thành “khoa học của mọi khoa học”, mặt khác cũng chặn đứng mư­u toan của một số nhà triết học khác muốn tách rời, đối lập triết học với các khoa học khác, và qua đó, thực hiện sự liên minh chặt chẽ  giữa chúng với nhau.
Trong thực tế, C. Mác và Ph. Ănghen đã xây dựng hệ thống triết học của mình trên cơ sở khái quát các thành tựu của khoa học xã hội và khoa học tự nhiên. Đến lư­ợt mình, triết học Mác lại trở thành thế giới quan khoa học và phương pháp luận chung cần thiết cho sự phát triển của các khoa học cụ thể. Mối quan hệ qua lại và sự liên minh chặt chẽ giữa triết học và khoa học cụ thể sẽ tạo thêm những động lực thúc đẩy chúng cùng nhau phát triển.

[1] C. Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 3, Nxb CTQG, H. 1995, tr. 12

                                                                                                                       L.M

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét