Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2016

QUAN ĐIỂM ĐẠI HỘI XII CỦA ĐẢNG VỀ ĐẶC TRƯNG NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM



Trước Đại hội XII, Văn kiện Đại hội XI của Đảng đã khái quát: “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta là nền kinh tế nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Đây là một hình thái kinh tế thị trường vừa tuân theo những quy luật của kinh tế thị trường, vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội”[1].
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, lần đầu tiên Đảng ta đã đưa ra định nghĩa tổng quát về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đại hội XII xác định: “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh[2].
Trên cơ sở định nghĩa tổng quát này, Đại hội XII của Đảng đã nhận thức rõ hơn về những đặc trưng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội hội chủ nghĩa ở nước ta:
- Thứ nhất, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất;
- Thứ hai, có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế;
- Thứ ba, các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật;
- Thứ tư, thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực phát triển, là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất; các nguồn lực nhà nước được phân bổ theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phù hợp với cơ chế thị trường;
- Thứ năm, nhà nước đóng vai trò định hướng, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh; sử dụng các công cụ, chính sách và các nguồn lực của Nhà nước để định hướng và điều tiết nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và bảo vệ môi trường; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển.
- Thứ sáu, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội.
Định nghĩa tổng quát và những đặc trưng cơ bản của nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng xác định có ý nghĩa rất quan trọng tạo sự thống nhất nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Là cơ sở để xác định phương hướng, nhiệm vụ tiếp tục hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta trong thời gian tới. Làm căn cứ để bác bỏ những quan điểm sai trái nhằm phủ nhận chủ trương phát triển kinh tế thị trường định hướng định hướng xã hội chủ nghĩa trong đường lối phát triển kinh tế của Đảng ta.


[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 204 - 205
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 102

                                                                                                                                        B.T

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét