Chúng ta đang sống trong một thế giới hết sức năng động, đầy những diễn
biến nhanh chóng, phức tạp, những xáo động, bất trắc, khó lường. Trong xu thế
toàn cầu hoá, các quốc gia dân tộc đều nhận thức rõ ràng họ đang sống trong một
thế giới gồm các nước phụ thuộc lẫn nhau, rất cần đến hoà bình, nhưng xung đột
vũ trang vẫn cứ xảy ra như là một phương tiện để giải quyết mâu thuẫn. Trong
khi kêu gọi thực hiện các giải pháp hoà bình, pháp lý để giải quyết mâu thuẫn,
thì các nước vẫn gia tăng sức mạnh quân sự, quốc phòng và có cả những hành động
đe doạ vũ lực.
Sức mạnh quân sự, quốc phòng vẫn được các quốc gia đặc biệt chú trọng để
bảo vệ độc lập, chủ quyền, lợi ích của mình và đối phó với các mối đe doạ từ
bên ngoài, cả truyền thống và phi truyền thống. Với những mâu thuẫn, sự phân
hoá giàu nghèo, phân tầng xã hội ngày càng sâu sắc trên quy mô toàn cầu, và với
những quan hệ phức tạp, lợi ích, lập trường khác nhau giữa các quốc gia trên thế
giới, nhất là giữa các nước lớn, nhân loại vẫn chưa thể hy vọng vào một thế giới
bình yên hơn. Xung đột vũ trang vẫn hiển hiện lên như là một cách thức hữu hiệu
để giải quyết mâu thuẫn, bất đồng, tiếp tục diễn biến phức tạp, có thể có những
đột biến, rất khó dự lường, đoán định. Môi trường hoà bình, ổn định cho sự phát
triển của các quốc gia đang bị de doạ từ nhiều phía.
Trong bối cảnh đó, Đại hội XII của Đảng đã chỉ rõ những vấn
về cơ bản về mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, đó là: “Kiên quyết, kiên trì đấu
tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của
Tổ quốc; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước”[1].
Đây là thể hiện sâu sắc tư duy mới của Đảng, phù hợp với thực
tiễn đặt ra. Mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc được Đảng ta xem xét một
cách toàn diện, tổng thể trong mối quan hệ mật thiết với sức mạnh, lực lượng và
phương thức bảo vệ Tổ quốc, đồng thời gắn bó khăng khít với nhiệm vụ xây dựng đất
nước. Để “kiên quyết, kiên trì” bảo vệ Tổ quốc Đảng ta xác định phải có kế sách
“ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; chủ động phòng ngừa,
phát hiện sớm và triệt tiêu các nhân tố bất lợi, nhất là các nhân tố bên trong
có thể gây ra đột biến”[2].
Ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa là
nhiệm vụ phản ánh tính tích cực, chủ động giữ nước từ khi nước chưa nguy - một
giá trị văn hoá giữ nước đặc sắc, được sinh ra và ngày càng khẳng định mạnh mẽ
trong lịch sử giữ nước của dân tộc; một tư tưởng chỉ đạo, phương châm hành xử
giữ nước của ông cha ta, đặc biệt trong thời kỳ quốc gia phong kiến Việt Nam
độc lập, tự chủ; một bài học lớn đối với sự tồn tại và phát triển của dân tộc
Việt Nam.
Quan điểm
bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa của Đại hội XII là sự thể hiện tầm nhìn chiến lược
mới về quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới; nắm vững tình
hình thế giới, khu vực, đất nước và dự lường các xu hướng phát triển trong thời
gian tới. Trong một “thế giới phẳng”, những vấn đề toàn cầu, an ninh truyền
thống và an ninh mới nổi lên hiện nay, chủ động bảo vệ độc lập chủ quyền, lãnh
thổ, lợi ích quốc gia là việc làm bình thường và là chiến lược trọng tâm của
bất cứ quốc gia nào. Tuỳ theo thế và lực, có nước luôn chủ động phòng ngừa bên
trong; có nước luôn hướng giải quyết các vấn đề nảy sinh từ bên ngoài; có thể
liên kết, hợp tác về mọi mặt để tăng cường sức mạnh quốc phòng. Nhiều chiến
lược kết hợp giữa “sức mạnh mềm” với sức mạnh quân sự, “đánh đòn phủ đầu”,
“tiến công từ trước” đã được thể hiện… Mới đây là các tuyên bố công khai như:
“sẵn sàng bảo vệ lợi ích quốc gia ở bất cứ nơi đâu”, hay quyết liệt thực hành
phương châm “chủ động phòng vệ và tăng cường hợp tác an ninh quốc tế”, “duy trì
uy hiếp chiến lược”, “nỗ lực giành lấy sự chủ động chiến lược trong đấu tranh
quân sự”, “ứng phó vững vàng với tình huống khó khăn nhất, phức tạp nhất”…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét