Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2016

TƯ TƯỞNG CHỈ ĐẠO CỦA ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XII CỦA ĐẢNG VỀ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA

Trên cơ sở kế thừa Nghị quyết Trung ương 9 khoá XI về “Xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” và xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ 5 năm tới, Văn kiện Đại hội XII nhấn mạnh: “Các cấp, các ngành phải nhận thức đầy đủ và thực hiện có kết quả mục tiêu: Xây dựng nền văn hoá và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hoá thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh"[1].
Trong tư tưởng chỉ đạo này, có hai điểm mới nổi bật:
Thứ nhất, xây dựng, phát triển nền văn hoá phải gắn chặt với xây dựng, phát triển con người không tách khỏi cội nguồn dân tộc. Đây là tư tưởng đã chỉ rõ quan hệ biện chứng giữa văn hoá với con người, thực sự coi phát triển toàn diện con người không chỉ là khâu trung tâm của phát triển văn hoá mà còn là một mục tiêu của chiến lược phát triển tổng thể về kinh tế - xã hội. Văn kiện Đại hội XII chỉ rõ: “Đúc kết và xây dựng hệ giá trị văn hoá và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế; tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật”[2]. Các giải pháp thực hiện cũng được chỉ ra rất cụ thể, trong đó nhấn mạnh giải pháp về nhận thức, giải pháp kết hợp xây và chống…
Thứ hai, văn hoá không chỉ là nền tảng tinh thần của xã hội, mà là sức mạnh nội sinh trực tiếp để phát triển bền vững.
Quan điểm nhất quán của Đảng trong công cuộc đổi mới đất nước là xây dựng và phát triển kinh tế phải nhằm mục tiêu văn hóa, vì xã hội công bằng, văn minh, con người phát triển toàn diện. Văn hóa là kết quả của quá trình phát triển kinh tế, xã hội và cũng là động lực của sự phát triển kinh tế. Các nhân tố văn hóa gắn kết chặt chẽ với đời sống và hoạt động xã hội trên mọi phương diện chính trị, kinh tế, xã hội, pháp luật… và văn hóa trở thành nguồn lực nội sinh quan trọng nhất của sự phát triển đất nước, chính vì vậy, “văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”.


[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 126
[2] Sđd, tr. 126 - 127

                                                                                                                                    B.T


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét