Thứ Ba, 30 tháng 1, 2018

NHẬN DIỆN BẢN CHẤT “HỘI THÁNH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI”


Hồng Thủy
Hội Thánh của Đức Chúa Trời, còn được biết đến với tên gọi Hội Thánh của Đức Chúa Trời Hiệp Hội Truyền giáo Tin Lành Thế giới hay Hội Thánh tin vào sự tồn tại Đức Chúa Trời Mẹ trong Kinh Thánh, là một Hội Thánh bắt nguồn từ Hàn Quốc và hiện nay đã có mặt tại 175 quốc gia. Hội thánh được thành lập năm 1985, sau sự qua đời của ĐẤNG CHRIST Ahn Sahng-hongKim Joo-cheol và Jang Gil-ja tiếp quản Hội Thánh của Đức Chúa Trời Nhân Chứng Jesus và tuyên bố Ahn Sahng-hong là người thành lập hội thánh của họ. Trụ sở chính của Hội đặt tại Bundang, thành phố Sungnam, tỉnh Kyunggi. Những người đi theo Hội thánhnyas, họ tin vào sự tồn tại của Đức Chúa Trời Cha và Đức Chúa Trời Mẹ, và cho rằng họ đã khôi phục lại lẽ thật của hội thánh sơ khai.
Hội thánh của Đức Chúa Trời tuyên truyền phát triển vào Việt Nam từ năm 2001 do một số giáo sỹ Hàn Quốc và một số công dân Việt Nam sau khi tham gia xuất khẩu lao động, học tập tại Hàn Quốc trở về. Hiện nay, tổ chức của Hội thánh này đang tích cực tuyên truyền trái phép để lôi kéo được nhiều người theo. Thời gian gần đây, hoạt động của tổ chức này xuất hiện ở nhiều địa bàn như: Nghệ An, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Nam Định, Hà Giang... Do vậy, cần nhận diện rõ bản chất của cái gọi là “Hội thánh của Đức Chúa Trời” trên một số vấn đề: Các đối tượng cầm đầu đi tuyên truyền không được đào tạo qua bất kỳ trường lớp nào về tôn giáo, thần học.
Các ấn phẩm tuyền truyền không rõ nguồn gốc, không phải do cá nhân, pháp nhân có tư cách ấn hành, phát hành. Nhiều tài liệu chỉ là sự góp nhặt từ một số nhân vật để nhằm thuyết phục người nghe, chúng lừa đảo bằng cách gắn với sự thật hiển nhiên của Thế giới như thiên tai, dịch bệnh… để tác động vào lo lắng, bế tắc của những người cả tin.
Người mà các đối tượng thường hướng đến để truyên truyền là những người hiền lành, chất phát, dễ tin, tò mò, người có hoàn cảnh éo le, bệnh tật, bế tắc...
Nội dung tuyên truyền cực đoan, phản khoa học “chỉ sống cho riêng mình, từ bỏ gia đình…”, nôi dung không phù hợp với văn minh của nhân loại như “có một đấng tiên tri ở nước ngoài về xem và nói về tương lai đúng 100%”, “không làm mà vẫn có ăn”. Trong khi đó vẫn phải nhờ sự đóng góp 1/10 thu nhập của người khác để sống. Mặt khác chúng yêu cầu thành viên đều phải có trách nhiệm đi tuyền giáo cho người khác (kết trái) thực chất là lôi kéo người khác để góp tiền cho chúng.

Như vậy, “Hội thánh của Đức Chúa Trời” không phải là tôn giáo hay tín ngưỡng, không nằm trong hệ phái và các nhóm đạo Tin lành Việt Nam được Nhà nước công nhận. Hoạt động của tổ chức này đã và đang gây nhiều phức tạp về trật tự xã hội, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tôn giáo, có dấu hiệu vi phạm tội hành nghề mê tín dị đoan, tội xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. 

Bài 2: Kiên định, sáng tạo phát triển nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động


QĐND - Thắng lợi của cách mạng 88 năm qua bắt nguồn từ yếu tố quan trọng hàng đầu là Đảng đã được vũ trang bằng lý luận của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

 Xây dựng Đảng ta thật trong sạch, vững mạnh, đạo đức, văn minh - xứng đáng là “người cầm lái”

Tổng kết 30 năm đổi mới, Đảng ta rút ra một số bài học mà bài học số một là: “Trong quá trình đổi mới, phải chủ động, không ngừng sáng tạo trên cơ sở kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vận dụng sáng tạo và phát triển Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh…”. Từ đó, Đảng ta chủ trương: Kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
 “Mặt trời” soi sáng và “kim chỉ nam”
Từ Luận cương chính trị tháng 10-1930 cho đến Văn kiện Đại hội VI đều khẳng định Chủ nghĩa Mác-Lênin là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và cách mạng Việt Nam. Từ Đại hội VII đến nay, Đảng ta phát triển, bổ sung: “Đảng lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng của Đảng”.
Thực tế chứng minh, Chủ nghĩa Mác-Lênin từ khi ra đời đến nay đã thể hiện rõ bản chất khoa học và cách mạng, giá trị và sức sống bền vững của nó. Học thuyết Mác-Lênin đã trang bị cho giai cấp vô sản, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức vũ khí tư tưởng lý luận sắc bén để đấu tranh xóa bỏ chế độ thống trị của giai cấp tư sản, tiến lên xây dựng một xã hội mới không còn áp bức, bóc lột, bất công. Ngay từ năm 1927, Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh đã viết: “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam… Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”.
Toàn cảnh Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ảnh: TTXVN
Theo Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh, Chủ nghĩa Mác-Lênin không những là kim chỉ nam mà còn là “mặt trời soi sáng” con đường để cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi cuối cùng. Trả lời phỏng vấn nhà báo Pháp ngày 15-7-1969, Người khẳng định: “Chúng tôi giành được thắng lợi là do nhiều nhân tố, nhưng cần phải nhấn mạnh rằng… chúng tôi giành được những thắng lợi đó trước hết là nhờ cái vũ khí không gì thay thế được là Chủ nghĩa Mác-Lênin”.
Chủ nghĩa Mác-Lênin là nguồn gốc lý luận chủ yếu quyết định sự hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh đã nghiên cứu, học tập và vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của cách mạng Việt Nam, kết hợp với những giá trị truyền thống của dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại cùng với trí tuệ, bản lĩnh của Người để hình thành nên tư tưởng Hồ Chí Minh-một di sản lý luận có ý nghĩa to lớn cho dân tộc Việt Nam.
Tổng kết thực tiễn lịch sử hoạt động lãnh đạo của Đảng và thực tiễn phong phú, sinh động của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa (XHCN), Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) tiếp tục khẳng định: “Đảng lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”. Đảng ta ngày càng nhận thức đầy đủ hơn, toàn diện, sâu sắc hơn về Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và khẳng định chỉ trên cơ sở trung thành, vận dụng sáng tạo, phát triển Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với thực tiễn Việt Nam thì Đảng mới có khả năng lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi cuối cùng và tránh được nguy cơ sai lầm về đường lối.
Bài học lịch sử và sự “cộng hưởng” các giá trị thời đại
Từ khi Đảng ra đời, cầm quyền, các thế lực thù địch, những kẻ cơ hội, bất mãn luôn tìm mọi cách để xuyên tạc, phủ nhận Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó thực chất là phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng, tiến tới thủ tiêu vai trò lãnh đạo của Đảng với cách mạng Việt Nam. Đặc biệt, sau sự sụp đổ của mô hình XHCN ở Liên Xô và các nước Đông Âu, cộng với những tác động tiêu cực của mặt trái cơ chế thị trường, một số người đã dao động, giảm lòng tin vào Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Ở đây cũng cần nói rõ thêm về sự sụp đổ của hệ thống các nước XHCN cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ trước dưới góc nhìn khách quan và khoa học. GS, TS Tạ Ngọc Tấn, Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, sự sụp đổ đó là bài học đau đớn không chỉ cho những người cộng sản, mà còn cho nhân loại tiến bộ. Đó là kết quả của sự bảo thủ, không nhìn thẳng vào thực tế, chậm đổi mới nhận thức, chậm đổi mới chính sách, thiếu giải pháp cần thiết để giải quyết các vấn đề nảy sinh từ bối cảnh lịch sử, từ thực tiễn quá trình xây dựng, phát triển đất nước... Sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu chỉ là sự sụp đổ của một mô hình xây dựng chủ nghĩa xã hội cụ thể, tuyệt nhiên không phải là sụp đổ của một học thuyết khoa học, càng không thể là sụp đổ lý tưởng về tương lai tốt đẹp mà nhân loại tiến bộ hướng tới.
Trong lịch sử 88 năm ra đời và phát triển, nhờ lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng, làm gốc nên Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân ta làm nên những kỳ tích lịch sử, trong đó nổi bật nhất là tiến hành Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vĩ đại, hai cuộc kháng chiến trường kỳ thắng lợi, thực hiện sự nghiệp đổi mới thành công, làm thay đổi căn bản thân phận, vai trò, vị thế của dân tộc ta, đất nước ta, nhân dân ta.
Đồng thời, lịch sử của Đảng đã chứng minh, khi nào, ở đâu mơ hồ, dao động, xa rời hay vận dụng Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh một cách giáo điều, không sáng tạo, sai quy luật khách quan… thì dẫn đến lúng túng, rồi sai lầm. Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, Đại hội VI của Đảng đã tổng kết và chỉ rõ những hạn chế, yếu kém, trong đó có nguyên nhân nhận thức còn giáo điều, tả khuynh, duy ý chí, vi phạm quy luật khách quan, tính biện chứng của Chủ nghĩa Mác-Lênin, làm cho đất nước lâm vào tình trạng khủng hoảng kinh tế-xã hội ngày càng trầm trọng. Nhờ đổi mới, thực hiện đúng đắn và sáng tạo học thuyết Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nhận thức đúng đắn về các quy luật phát triển, bám sát thực tiễn, nâng cao tư duy lý luận, dựa vào dân, đặt lợi ích của dân, của Tổ quốc lên trên, đất nước ta đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội, thoát khỏi tình trạng kém phát triển và ngày càng phát triển.
Trong mỗi giai đoạn cách mạng, nhất là những bước ngoặt lịch sử, Đảng ta không chỉ tự vũ trang lý luận Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho mình mà quan trọng là hệ tư tưởng đó được Đảng chuyển hóa vào quần chúng. Khi đường lối của Đảng thấm sâu vào quần chúng, nghĩa là “ý Đảng, lòng dân” hòa quyện vào nhau sẽ tạo thành động lực to lớn, thúc đẩy sự nghiệp cách mạng tiến lên. Đúng như các nhà kinh điển Mác-Lênin đã chỉ ra, lý luận khi đã thâm nhập vào quần chúng sẽ tạo nên sức mạnh vĩ đại. Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng chiêm nghiệm: "Cẩm nang của Bác là Chủ nghĩa Mác-Lênin, thì cẩm nang của ta phải là Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Tôi nghĩ phải làm sao để ảnh hưởng tư tưởng của Bác ăn sâu vào đời sống xã hội, đi đôi với phát triển kinh tế phải giữ gìn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc. Phải tạo đà cho tư tưởng lành mạnh và tích cực trở lại, bảo đảm ổn định đời sống xã hội...".
Trên thực tế, Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ là sự kết tinh trí tuệ của nhân loại và dân tộc, mà còn là sự cộng hưởng và nhân lên các giá trị đó. Bởi, bản chất của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là khoa học và cách mạng. Ngay từ đầu, những người sáng lập chủ nghĩa cộng sản khoa học đã tích hợp được các luồng tư tưởng của sự phát triển. Không ít lần C.Mác, Ph.Ăng-ghen, V.I.Lênin nhấn mạnh rằng: Học thuyết do các ông nêu ra không phải là giáo điều mà là kim chỉ nam cho hành động; là thế giới quan, phương pháp luận mở ra con đường tiếp tục phát triển trí tuệ.
Sáng tạo phát triển và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Thực tiễn hiện nay đã và đang đặt ra nhiều yêu cầu mới trong công tác xây dựng Đảng về tư tưởng. Đó là, đổi mới và nâng cao chất lượng công tác giáo dục lý luận chính trị; chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục quan điểm, đường lối của Đảng; nghiên cứu bổ sung lý luận, tổng kết thực tiễn; đấu tranh với những quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng... Trong đó, bao trùm là phải kiên định và vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Tổng kết 30 năm đổi mới, Đảng ta rút ra một số bài học, mà bài học số một là: “Trong quá trình đổi mới, phải chủ động, không ngừng sáng tạo trên cơ sở kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, vận dụng kinh nghiệm quốc tế, phù hợp với Việt Nam”.
Việc kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lấy đó làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động là nguyên nhân căn bản dẫn tới những thắng lợi trong quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng ta. Ngày nay, việc tiếp tục kiên định nền tảng tư tưởng đó là nguyên tắc bảo đảm cho Đảng ta tiếp tục hoàn thành sứ mệnh lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Từ thực tiễn lịch sử thế giới và Việt Nam, để cách mạng thành công đòi hỏi Đảng không chỉ thấm nhuần sâu sắc Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh mà còn phải vận dụng sáng tạo và phát triển trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, đưa công cuộc đổi mới toàn diện đất nước phát triển không ngừng bằng những chủ trương, chính sách phù hợp với điều kiện đất nước, hợp lòng dân.
Vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện hiện nay đòi hỏi phải nghiên cứu sâu sắc, toàn diện và có hệ thống những di sản tư tưởng, lý luận của C.Mác, Ph.Ăng-ghen, V.I.Lênin, Hồ Chí Minh. Cần phải đổi mới tư duy để trở về với chính thực chất hệ thống luận điểm của C.Mác, Ph.Ăng-ghen, V.I.Lê-nin, Hồ Chí Minh đã hình thành trong những điều kiện lịch sử cụ thể, trong đó cần hết sức chú ý đến những bổ sung, phát triển mà chính các ông phác họa trước những thay đổi của thực tiễn.
Công cuộc đổi mới đã và đang đặt ra nhiều vấn đề lớn về tư tưởng, lý luận, cần được nghiên cứu, luận giải, vừa để chỉ đạo hành động, vừa góp phần khẳng định, bổ sung, phát triển học thuyết Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong phát biểu tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu, trong công tác nghiên cứu hiện nay cần tập trung vào các vấn đề: Kinh tế thị trường định hướng XHCN; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát triển văn hóa, xây dựng con người; giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường; đổi mới, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát huy dân chủ, hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN; tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại... Đặc biệt, làm rõ và giải quyết tốt các mối quan hệ lớn được nêu trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011). Đó là: Quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa kinh tế thị trường và định hướng XHCN; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc XHCN; giữa độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ...
Vận dụng Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh phải trên cơ sở thực tiễn xây dựng đất nước và những điều kiện cụ thể của thế giới đương đại. Điều này đòi hỏi chúng ta phải kiên định mục tiêu cơ bản của chủ nghĩa xã hội, đồng thời phải luôn tìm tòi sáng tạo những giải pháp đặc thù cho sự phát triển đất nước. Trong khi đòi hỏi phải cảnh giác với nguy cơ chệch hướng, chúng ta cũng cần phải đặt ra vấn đề chống chủ nghĩa giáo điều, bảo thủ-một thứ nguy cơ có thể dẫn tới những hậu quả tiêu cực đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Đồng thời với đó, phải cương quyết phê phán những quan điểm đi ngược lại những gì thuộc về bản chất, nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác-Lênin và chủ nghĩa xã hội; phải dựa chắc trên cơ sở phương pháp luận khoa học của Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh để đánh giá đúng đắn tính chất, hiệu quả từng bước đi, từng sách lược xây dựng, phát triển đất nước, dám nhìn thẳng vào những sai lầm để khắc phục và hoạch định cho sự phát triển đi lên.
CÔNG MINH, KIM NGỌC, NGUYÊN MINH, HOÀNG TIẾN, TẤN TUÂN, VĂN HẢI, HỒNG HẢI
Nguồn: Báo QĐND

Xây dựng Đảng ta thật trong sạch, vững mạnh, đạo đức, văn minh - xứng đáng là “người cầm lái”


QĐND - LTS: Đất nước ta đang chào đón một mùa xuân mới cùng dịp kỷ niệm 88 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 / 3-2-2018). Nhìn lại chặng đường đã qua và con đường trước mắt, cùng với niềm tự hào, tin tưởng ở sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta càng ghi nhớ lời căn dặn của Bác Hồ-người sáng lập và rèn luyện Đảng ta: Phải ra sức xây dựng, giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, là đạo đức, là văn minh, xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Nhân dịp này, Báo Quân đội nhân dân đăng vệt bài chuyên luận bàn về công tác xây dựng Đảng. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Bài 1: Xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị - vấn đề quan trọng hàng đầu
Cha ông ta có câu: Dù ai cho bạc, cho vàng/ Không bằng chỉ lối dẫn đàng cho ta nói lên vai trò "dẫn đường chỉ lối" của lực lượng lãnh đạo trong đời sống xã hội nói chung, đời sống mỗi người dân nói riêng. Đối với Đảng ta, trên cương vị là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, để làm tốt công việc “dẫn đường chỉ lối”, Đảng đã không ngừng được xây dựng vững mạnh về chính trị, xứng đáng vai trò Đảng cầm quyền, người tổ chức và lãnh đạo mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam...
Sáng suốt dẫn đường chỉ lối
Xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức là câu nói quen thuộc về xây dựng Đảng, nhưng qua đó toát lên vị trí hàng đầu của xây dựng Đảng về chính trị. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết trong cuốn sách "Đường kách mệnh": “Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”. Người cũng thường nhắc quan điểm của Lênin: Sai lầm về đường lối là nguy cơ lớn nhất đối với Đảng…
Với tinh thần “Đảng cũng là người”, cũng đã có lúc sai lầm nhưng nhìn suốt chiều dài lịch sử, Đảng ta đã hoàn thành xuất sắc vai trò “người cầm lái”. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng tổng kết: “Với tất cả tinh thần khiêm tốn của người cách mạng, chúng ta vẫn có quyền nói rằng: Đảng ta thật là vĩ đại!”. “Đảng ta có thể tự hào là người kế tục những truyền thống vẻ vang của dân tộc ta, là người mở đường cho nhân dân ta tiến lên một tương lai rực rỡ”. Có được điều đó bởi vì Đảng ta là một đảng cách mạng chân chính; luôn kiên định mục tiêu, lý tưởng cách mạng. Ngoài lợi ích của nhân dân, dân tộc, Đảng ta không có lợi ích nào khác.
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, xây dựng Đảng về chính trị trước hết là xây dựng đường lối chính trị đúng đắn. Đó là một đường lối chính trị dựa trên học thuyết Mác-Lênin vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của nước ta, đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn cách mạng Việt Nam, phù hợp với truyền thống dân tộc và xu thế của thời đại. Xây dựng Đảng về chính trị còn bao gồm lãnh đạo thực hiện thắng lợi đường lối chính trị; củng cố và nâng cao uy tín chính trị của Đảng; bảo vệ cương lĩnh, đường lối của Đảng... Trong đó, xây dựng đường lối chính trị đúng đắn là nhiệm vụ bao trùm nhất.
Trong cuốn sách “Thời dựng Đảng” viết năm 1984, nhà văn Thép Mới đã có những phân tích sâu sắc về năng lực hoạch định đường lối của Đảng ta. Năm 1925, khi gieo những hạt giống cộng sản đầu tiên, Bác Hồ mới 35 tuổi; phần lớn trong 211 người cộng sản đầu tiên mới bước vào tuổi đôi mươi nhưng họ đã ánh lên nét tinh thần mới, gắn bó với tập thể, với tổ chức, đấu tranh gan góc, tiêu biểu cho một kiểu người Việt Nam trẻ mới nhất. Họ chinh phục thời đại bằng cái đúng và cái mới của trí tuệ, bằng cả vẻ đẹp của tâm hồn và ý chí. Nhưng cộng sản không phải chỉ có tấm lòng. Đối với lớp người vạch đường lối, dựng tổ chức và nhen phong trào, cộng sản là ở cái đầu trước hết. Những văn kiện đầu tiên của Đảng ta như "Chính cương vắn tắt" và "Sách lược vắn tắt" đã cho thấy tầm nhìn vạch thời đại. 88 năm đã trôi qua nhưng những nét phác thảo đầu tiên cho con đường đi tới của dân tộc vẫn vẹn nguyên giá trị.
Chỉ mới ở độ tuổi 15 với hơn 5.000 đảng viên nhưng Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân ta làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám. Nhìn lại sự kiện này, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: "Lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Ðảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc". Phát huy những thành quả đã đạt được, với 9 năm trường kỳ kháng chiến chống Pháp, Đảng đề ra đường lối "kháng chiến đi đôi với kiến quốc” thành công. 21 năm kháng chiến chống Mỹ và xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở miền Bắc, Đảng ta đã xác định đúng đắn hai nhiệm vụ chiến lược, sáng tạo lãnh đạo đánh bại các chiến lược chiến tranh của Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. 
Không ngừng đổi mới
Trong 88 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta đã 5 lần ra cương lĩnh và văn kiện có tính chất cương lĩnh thì có tới 2 lần tập trung cho nhiệm vụ xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Sau mỗi lần đại hội, con đường đi lên CNXH càng rõ hơn. Cũng từ thực tiễn lãnh đạo, với tinh thần của một Đảng “mạnh dạn, tiến bộ, chân chính”, Đảng ta thẳng thắn thừa nhận sai lầm, khuyết điểm và quyết tâm đổi mới.
Nhà sử học kinh tế Đặng Phong cho rằng: “Lịch sử thời kỳ đổi mới không phải là và không thể là chặng đường chỉ toàn những thành tích và thắng lợi. Nó là một chặng đường đầy những thử nghiệm và khai phá gian nan, đầy những khó khăn, vấp váp, trong đó có cả những sai lầm, thất bại, rồi chính từ đó mới bật ra những bước sáng tạo, bứt phá... Đó là sự chung đúc những trăn trở, những ý tưởng, những sáng kiến của rất nhiều bộ óc, nhiều cơ sở, nhiều địa phương. Đó cũng là một quá trình vừa đi vừa tìm đường, vừa đi vừa điều chỉnh, đấu tranh với cái cũ, đấu tranh với chính mình, thuyết phục nhau, chờ đợi nhau, rồi từng bước đi tới đồng thuận”. 
Trong cuốn sách “Đổi mới ở Việt Nam-nhớ lại và suy nghĩ”, tập thể tác giả là nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu đã nhìn nhận, đó là một con đường “vinh quang và khổ ải” nhưng tựu trung lại thì Đảng ta đã thành công, trong khi nhìn xa bối cảnh thời đại, không ít nơi đã thất bại, trả giá.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng tổng kết 30 năm đổi mới đã khẳng định rõ hơn nhận thức về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. GS, TS Tạ Ngọc Tấn, Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, đánh giá: “Nếu nhìn vào những mô hình “chủ nghĩa xã hội” hoặc đã sụp đổ, hoặc đang “lạc nhịp” với sự phát triển chung của thế giới, chúng ta mới thấy hết sức sáng tạo lớn lao của Đảng về mặt lý luận trong xây dựng mô hình CNXH mang đặc điểm Việt Nam”.
Nói về vai trò hoạch định đường lối của Đảng, có thể tham khảo câu chuyện mà TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, người từng tham gia nhóm cố vấn của Thủ tướng gần đây đã chia sẻ: Có lần, nhóm cố vấn làm việc với một giáo sư kinh tế nổi tiếng của Đại học Harvard (Hoa Kỳ) để được tư vấn về định hướng phát triển kinh tế. Các chuyên gia kinh tế Việt Nam đặt câu hỏi:
- Xin ngài cho biết, Việt Nam có thể trở thành một quốc gia hùng cường được không?
Vị giáo sư trả lời:
- Hoàn toàn được! Vì các ngài luôn có định hướng và khát vọng phát triển đúng đắn. Tôi đã nghiên cứu và thấy những chiến lược đó được thể hiện rất rõ trong các nghị quyết của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Những đòi hỏi mới trong xây dựng Đảng về chính trị
Đại hội XII của Đảng đề cập nội dung xây dựng Đảng về chính trị: Kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với thực tiễn Việt Nam; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH; kiên định đường lối đổi mới. Nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ trí tuệ, tính chiến đấu của toàn Đảng và của mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp; không dao động trong bất cứ tình huống nào. Giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng, vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên.
Theo PGS, TS Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương: Văn kiện Đại hội XI nêu: “Xây dựng Đảng về chính trị”. Đại hội XII bổ sung và nhấn mạnh: “Chú trọng xây dựng Đảng về chính trị” và đề ra một số giải pháp: Một là, kiên định những vấn đề có tính nguyên tắc trong công tác xây dựng Đảng. Nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng và bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng có hiệu lực, hiệu quả; giữ vững bản lĩnh chính trị của Đảng, của các tổ chức đảng, của cán bộ, đảng viên. Hai là, nâng cao năng lực hoạch định đường lối, chính sách phù hợp với quy luật khách quan và đặc điểm của Việt Nam, tạo bước đột phá để phát triển. Ba là, hoàn thiện cơ chế, quy chế và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả việc tự phê bình và phê bình, chất vấn trong các kỳ họp của Ban Chấp hành Trung ương, cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy các cấp. Bốn là, xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả cơ chế phát huy vai trò của nhân dân trong việc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Những nội dung, giải pháp trên cho thấy, cùng với đề cao sự sáng tạo, đổi mới trong xây dựng chủ trương, đường lối thì Đảng ta cũng nhấn mạnh phải kiên định những vấn đề có tính nguyên tắc, mà trước hết là phải kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH; kiên định đường lối đổi mới. Sự kiên định này không phải là giáo điều, sách vở dù hiện nay, xu thế toàn cầu hóa, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra rất nhiều cái mới, nhưng xét một cách toàn diện thì Chủ nghĩa Mác-Lênin vẫn là học thuyết cách mạng, khoa học, nhân văn và tiến bộ nhất.
Hơn 30 năm đổi mới, chúng ta ai chẳng khát vọng đưa đất nước bứt phá, tiến lên thật nhanh. Nhưng sứ mệnh người cầm lái đòi hỏi Đảng ta phải dẫn dắt con thuyền đất nước phát triển nhanh và bền vững, không thể đánh đổi bằng mọi giá để phát triển kinh tế đơn thuần theo kiểu “bong bóng”. Chúng ta một mặt phải quyết tâm đổi mới toàn diện hơn nữa nhưng cũng không mơ hồ, chủ quan để đổi mới dẫn đến “đổi màu”, “tự diễn biến", "tự chuyển hóa”, thay đổi chế độ chính trị. Không thể chấp nhận những tư tưởng như “mô hình đó có đâu mà tìm”, phải quay về “chủ nghĩa dân tộc”...
“Xây” và “chống” trong hoạch định đường lối
V.I.Lênin từng cảnh báo: Không một kẻ thù nào, cho dù nó nham hiểm và hung hãn nhất, có thể tiêu diệt được Đảng Cộng sản, ngoại trừ chính những người cộng sản tự tiêu diệt chính họ.
Cho nên, yêu cầu của Đại hội XII về nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng và bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng có hiệu lực, hiệu quả và nâng cao năng lực hoạch định đường lối, chính sách là rất quan trọng. Thời gian qua, nguồn lực đất nước bị suy yếu bởi hàng loạt vụ án kinh tế nghiêm trọng đã bộc lộ những hạn chế, yếu kém trong lãnh đạo quản lý của cấp ủy Đảng ở các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị... Những biểu hiện “lợi ích nhóm”, “tư duy nhiệm kỳ”, “nạn thăng tiến thần tốc đúng quy trình” trong công tác cán bộ... gây hậu quả nghiêm trọng, làm bức xúc dư luận và suy giảm niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước-cội nguồn làm nên sức mạnh của Đảng...
Để đường lối, nghị quyết của Đảng bắt nguồn từ cuộc sống và kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân thì cần có cơ chế thu hút ngày càng rộng rãi các tầng lớp nhân dân tham gia thảo luận xây dựng các quyết sách, nhất là các quyết sách lớn của Đảng và Nhà nước; phát huy được vai trò phản biện, giám sát của các tầng lớp nhân dân. Cũng thông qua đó, ngăn ngừa được nguy cơ “lợi ích nhóm” chi phối quá trình hoạch định đường lối, chính sách. Trong phát huy vai trò của nhân dân, cần hết sức chú trọng sử dụng đội ngũ chuyên gia, tư vấn cao cấp, trong đó có cả chuyên gia quốc tế cho những chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước.
Chúng ta cần rút kinh nghiệm bài học Liên Xô sụp đổ, có nguyên nhân sai lầm về đường lối, buông lỏng lãnh đạo kinh tế; cảnh giác với những quan điểm “Đảng không nên lãnh đạo kinh tế, Đảng chỉ lãnh đạo chính trị” như các lực lượng cực đoan, cơ hội chính trị “khuyến nghị” gần đây.  Trong cuốn sách “Bí ẩn diệt vong của Liên Xô-lịch sử những âm mưu và phản bội 1945-1991” của tác giả A.P.Sheviakin đã phân tích, vào những năm tháng cuối cùng của thời Xô viết, có 7 nhân vật, trong đó nổi lên là Gorbachev đã tạo nên công cuộc cải tổ để rồi chính họ phá tan Đảng Cộng sản Liên Xô, tách và gạt bỏ Đảng Cộng sản Liên Xô khỏi vai trò lãnh đạo đời sống kinh tế của đất nước.
Ngày nay, trong hoạch định đường lối, Đảng ta phải lãnh đạo toàn diện mọi mặt của đời sống xã hội, xác định lãnh đạo phát triển kinh tế-xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; xây dựng văn hóa, con người làm nền tảng tinh thần của xã hội; tăng cường quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên. Hiện nay cần tập trung lãnh đạo đề ra được chủ trương, đường lối phát triển kinh tế thật sự hiệu quả, xử lý triệt để những “lỗ hổng” và “điểm nghẽn”, để đất nước phát triển nhanh và bền vững.
CÔNG MINH, KIM NGỌC, NGUYÊN MINH, HOÀNG TIẾN, TẤN TUÂN, VĂN HẢI, HỒNG HẢI
Nguồn: Báo QĐND

Trao Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng tặng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng


QĐND Online - Ngày 29-1, trong không khí toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thi đua sôi nổi chào mừng 88 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và đón chào Xuân Mậu Tuất 2018, Đảng ủy Văn phòng Trung ương Đảng long trọng tổ chức lễ trao Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng tặng đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Các đồng chí lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu thực hiện nghi lễ chào cờ.
Tham dự buổi lễ có các đồng chí: Nông Đức Mạnh, nguyên Tổng Bí thư; Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước; Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thành viên Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương; Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh văn phòng Trung ương Đảng; Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương. Cùng dự còn có các đồng chí lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng; trợ lý, thư ký lãnh đạo Đảng; Ban thường vụ Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương; các đồng chí đảng viên của chi bộ Văn phòng Tổng Bí thư.
Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí Trần Quốc Vượng đã trân trọng trao Huy hiệu 50 tuổi Đảng và tặng hoa chúc mừng đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. 
Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thành viên Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương trao Huy hiệu 50 năm tuổi  Đảng tặng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Trần Quốc Vượng chúc mừng đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng và nhấn mạnh: Với 50 năm vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Nguyễn Phú Trọng luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; giữ vững bản lĩnh người cộng sản, kiên định Chủ nghĩa Mác-Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; giữ gìn phẩm chất đạo đức cách mạng, luôn nêu cao tinh thần tiền phong, gương mẫu, không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện.
Với những cương vị quan trọng của Đảng, Nhà nước mà đồng chí đã đảm nhiệm, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều đóng góp to lớn, quan trọng cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta, nhất là trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trên cương vị là Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí đã cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư xây dựng sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức, giành được nhiều thành tựu rất quan trọng trên các lĩnh vực, xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, củng cố và giữ vững niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta.
Là người đứng đầu của Đảng ta, đồng chí luôn phấn đấu học tập, làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”; tác phong sâu sát cơ sở, gần gũi với đồng bào, đồng chí; trong công việc luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, thái độ nghiêm túc, phương pháp làm việc khoa học, quyết đoán, giữ vững nguyên tắc phát huy dân chủ, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Trong cuộc sống đời thường, đồng chí luôn sống giản dị, khiêm tốn, mẫu mực, chân thành. Đồng chí thực sự là tấm gương sáng tiêu biểu để cán bộ, đảng viên noi theo.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi lễ.
Nhấn mạnh đây là vinh dự vô cùng to lớn đối với cá nhân, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu: “Suốt 50 năm được đứng trong hàng ngũ của Đảng, tôi đã được Đảng giáo dục, rèn luyện, dìu dắt rất nhiều, nhờ đó mà có làm được một số việc và từng bước trưởng thành. Tuy nhiên, tất cả những gì mà tôi làm được là vô cùng nhỏ bé so với sự giáo dục, rèn luyện của Đảng, sự kèm cặp, chỉ bảo của các đồng chí đi trước, sự ủng hộ cộng tác, giúp đỡ của các đồng chí, đồng nghiệp, sự động viên ủng hộ của nhân dân, mà trực tiếp là ở những nơi tôi từng sinh sống, công tác, học tập và làm việc”.
Đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với Đảng, Nhà nước, nhân dân, cảm ơn các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo và toàn thể các đồng chí. Tôi xin nguyện suốt đời phấn đấu, hy sinh, tuyệt đối trung thành với lý tưởng cách mạng của Đảng, ra sức tu dưỡng, rèn luyện, cố gắng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ để xứng đáng là Đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam”.
Nhân dịp Năm mới Mậu Tuất sắp đến, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kính chúc các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chúc các đồng chí đại biểu có mặt cùng gia đình một năm mới có thêm sức khỏe, nhiều niềm vui và hạnh phúc.
Trong buổi lễ, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tặng hoa, chúc mừng đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tin ảnh: TUÂN DŨNG TUẤN

Thứ Hai, 29 tháng 1, 2018

Ở VIỆT NAM THỰC HIỆN KINH TẾ NHIỀU THÀNH PHẦN TẤT YẾU DẪN ĐẾN "ĐA NGUYÊN CHÍNH TRỊ, ĐA ĐẢNG ĐỐI LẬP"?


                                                                                          Vĩnh Chân
Các lý luận gia tư sản lập luận rằng, kinh tế thị trường là kinh tế nhiều thành phần; ứng với mỗi thành phần có một giai cấp hoặc tầng lớp; mỗi giai cấp hoặc tầng lớp lại có một đảng phái hoặc tổ chức chính trị tương ứng. Do đó, ở Việt Nam thực hiện kinh tế nhiều thành phần mà lại chủ trương chỉ có một đảng duy nhất lãnh đạo là “mâu thuẫn”, là “nghịch lý”.
Cần thấy rằng, kinh tế thị trường là sản phẩm của quá trình phát triển kinh tế lâu dài của nhân loại, được vận dụng vào trong mỗi nước, trong các chế độ chính trị khác nhau, phụ thuộc vào mục đích cao nhất của phát triển kinh tế. Kinh tế thị trường dựa trên nền kinh tế nhiều thành phần, mỗi thành phần kinh tế có những lợi ích riêng khác nhau ở một số điểm nhất định, do đó có thái độ chính trị khác nhau đối với thể chế chính trị đang tồn tại. Tuy nhiên, điều ấy cũng không có nghĩa là thể chế kinh tế thị trường tất yếu và cần thiết phải có đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Vấn đề cần thiết nhất cho sự phát triển là phải đảm bảo ổn định về chính trị để vận hành nền kinh tế thị trường hiệu quả.
Thực tế cho thấy, có quốc gia chỉ có một đảng duy nhất cầm quyền nhưng là một nước có nền kinh tế thị trường rất phát triển với đời sống nhân dân sung túc, có quốc gia có chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng nhưng mất ổn định về chính trị đã dẫn tới phá hoại nền kinh tế, phá vỡ sự phát triển. Ở Ucraina từ năm 2004, ở Thái Lan từ năm 2006 là vi dụ điển hình.
Ở Việt Nam phát triển kinh tế thị trường nhưng không để nền kinh tế thị trường vận động một cách tự phát, mù quáng mà có sự lãnh đạo, hướng dẫn, điều tiết của nhà nước để phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực, vì lợi ích của đại đa số nhân dân lao động, vì một xã hội công bằng, văn minh. Lực lượng có khả năng và điều kiện thực hiện sứ mệnh đó không thể ai khác ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam - đội tiên phong có tổ chức và là tổ chức cao nhất của giai cấp công nhân, đại diện và bảo vệ lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn thể dân tộc. Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định nhất bảo đảm định hướng XHCN của kinh tế thị trường, cũng như toàn bộ sự nghiệp phát triển đất nước.
Với nền kinh tế thị trường ở Việt Nam, các thành phần kinh tế đều là những bộ phận quan trọng hợp thành nền kinh tế đất nước, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, có sự quản lý, điều tiết của nhà nước, phát triển theo định hướng XHCN. Quan điểm cho rằng, ở Việt Nam thực hiện kinh tế nhiều thành phần tất yếu dẫn đến “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”, đó là một trong những chiêu bài nhằm thực hiện âm mưu “đa nguyên chính trị, đa đảng” ở Việt Nam của các thế lực thù địch, nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với cách mạng mà thôi.


Tự hào lắm, Việt Nam !

    
18 giờ 16 phút ngày 27-1, sau 120 phút thi đấu, trọng tài người Ô-man, A.An Ka-phrít đã thổi hồi còi kết thúc trận chung kết Giải vô địch bóng đá U23 châu Á 2018 giữa Đội tuyển U23 Việt Nam và U23 U-dơ-bê-ki-xtan với tỷ số 2-1 nghiêng về đội bạn, trong sự tiếc nuối của hơn 90 triệu người dân Việt Nam.
Dù chỉ đoạt ngôi Á quân trong giải đấu này, Đội tuyển U23 Việt Nam vẫn đem lại chiến thắng cho đất nước trên nhiều phương diện.
Trong muôn vàn khó khăn, Đội tuyển U23 Việt Nam khi thần tốc, lúc trường kỳ, kiên cường đánh bại đội tuyển Ô-xtrây-li-a, một ứng cử viên vô địch; hạ gục I-rắc và Ca-ta hùng mạnh của Tây Á. Và, dù ra sân trong tuyết lạnh, trong cái rét dưới 0oC; dù bị dẫn bàn ngay từ phút thứ 7 của hiệp một, U23 Việt Nam đã nhanh chóng san bằng tỷ số, giữ thế cân bằng đến phút cuối cùng! Trời Thường Châu chưa từng lạnh như ngày 27-1. Người dân Thường Châu và khán giả truyền hình khắp thế giới chưa từng thấy tinh thần, ý chí chiến đấu rực lửa phá tan cả băng tuyết của những chàng trai Phương Nam! Chiến thắng liên tiếp và oai hùng của Đội tuyển U23 Việt Nam làm phấp phới, tưng bừng niềm kiêu hãnh Việt Nam. Nước mắt tự hào và sung sướng đã tuôn trào như để rửa đi tiếc nuối, lau sáng cuộc đời! Bóng đá kỳ diệu thay. Nhưng sự kỳ diệu này không chỉ còn là riêng bóng đá. Đó là sự kỳ diệu mang tên Việt Nam. Đây là trả lời cho câu hỏi: Người Việt, anh là ai? Nước Việt, người là ai?
Anh thấy không, bạn thấy không, và em thấy không: Thể hình, thể lực người Việt bây giờ đã rất tốt, đã không ngại ngần trước bất cứ đối thủ nào nữa! Anh thấy không, bạn thấy không, và em thấy không: Sức mạnh của một đội bóng, của một dân tộc là ở tổ chức và sự đoàn kết một lòng. Đoàn kết Việt Nam có cội rễ sâu xa của những người làm lúa nước. Phải mượn ruộng của nhau để lấy nước về ruộng của mình; phải hợp tác, đổi công; phải cùng nhau chống thú rừng, giặc dã... Bác Hồ đã dạy: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công! Anh thấy không, bạn thấy không, và em thấy không: khi ra biển lớn, chúng ta phải xem xét, bổ khuyết những điểm yếu của mình mà sự hỗ trợ quốc tế là rất cần thiết, không thể cứ “ở nhà nhất mẹ nhì con”. Chúng ta phải canh chừng sóng gió không một phút buông lơi; bởi chỉ một phút buông lơi là chúng ta sẽ đối mặt với thất bại...
Và chiến thắng vĩ đại nhất, đó là chiến thắng của lòng dân! Cả nước hướng về đội bóng vì đội bóng hướng về những gì cao cả, nhân văn, cống hiến.
Không sự nghiệp cao cả nào được hoàn thành nếu không tập trung thu hút được sức mạnh của nhân dân. Có sức mạnh của nhân dân, không điều gì không thể vượt qua; không có trận chiến nào lại không thể giành chiến thắng! Hoan hô Đội tuyển U23 Việt Nam!
Tuyệt vời lòng dân Việt Nam!
Lịch sử đã sang trang!
NGUYỄN SĨ ĐẠI
Nguồn: Báo Nhân dân

Vẫn cái nhìn hẹp hòi, thiển cận, xuyên tạc sự thật


QĐND - Tòa án nhân dân tỉnh An Giang vừa khép lại phiên tòa sơ thẩm xét xử nhóm đối tượng do Vương Văn Thả, sinh năm 1969, trú tại ấp Vĩnh Linh, xã Vĩnh Hậu, huyện An Phú, tỉnh An Giang cầm đầu về tội “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam” theo Điều 88 Bộ luật Hình sự, sửa đổi, bổ sung 2009. Sẽ chẳng có gì đáng bàn nếu như không có chuyện một vài trang mạng ở nước ngoài đã đưa ra những cái nhìn hẹp hòi, thiển cận, xuyên tạc bản chất vụ án.

Đặc biệt trong bài “Cựu tù chính trị Vương Văn Thả bị tuyên án tù theo Điều 88” trên RFA (Đài Á châu tự do) đã đưa ra những thông tin không đúng về tính công khai, dân chủ của phiên tòa cũng như những hành vi vi phạm pháp luật của Vương Văn Thả. Cũng trên RFA, VOA tiếng Việt và một vài trang mạng vốn xưa nay không thiện chí với Việt Nam đã gọi những người bị xử tù như Vương Văn Thả là "tù nhân lương tâm", "tù nhân chính trị". Rồi họ láy đi láy lại chuyện: Vương Văn Thả-cư sĩ Phật giáo Hòa Hảo bị phạt tù 12 năm chỉ vì treo cờ chế độ cũ... Thực chất của giọng điệu này là gán ghép vụ án hình sự đơn thuần với vấn đề tự do tôn giáo nhằm vu cáo Nhà nước Việt Nam đàn áp tôn giáo.
Thật lạ đời, cơ sở để RFA đưa ra cái nhìn về phiên tòa này là từ: “Một facebooker có liên hệ chặt chẽ với gia đình ông Thả... Nhưng vì lý do an toàn cho gia đình ông Thả và nguồn tin mà... không thể nêu danh tính người đưa tin”. Thử hỏi ai sẽ tin vào những điều dựa trên cái căn cứ ngụy tạo, hồ đồ ấy. Có chăng chỉ là đám "lòng lang, dạ sói" đội lốt "dân chủ", "nhân quyền" sống ở hải ngoại dựa vào đó mà thêu dệt, té nước theo mưa nhằm chống phá Đảng và Nhà nước ta.
Ảnh minh họa.
Theo hồ sơ vụ án, vào năm 2012, Vương Văn Thả từng bị kết án 3 năm tù về tội “Lợi dụng tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích của tổ chức, công dân”, theo Điều 258 Bộ luật Hình sự. Đầu tháng 10-2015, mãn án trở về những tưởng Vương Văn Thả đã tỉnh ngộ, nhưng không, y vẫn chứng nào tật ấy. Đặc biệt vào tháng 1 và tháng 3-2017, Vương Văn Thả sử dụng thiết bị âm thanh để tuyên truyền những lời lẽ bịa đặt, xuyên tạc, vu khống Đảng và Nhà nước đàn áp tôn giáo. Rồi chỉ đạo con trai là Vương Thanh Thuận dùng điện thoại quay video clip việc làm trên để tán phát lên mạng xã hội, nhằm đả kích, bôi xấu lãnh tụ, Đảng Cộng sản Việt Nam; kêu gọi công an, quân đội và nhân dân ly khai Đảng Cộng sản Việt Nam; kích động treo cờ vàng ba sọc vào ngày 30-4-2017, xuống đường biểu tình, bạo loạn, ném bom xăng khi bị ngăn cản, sẵn sàng giết cán bộ, đập phá trụ sở cơ quan Nhà nước; kêu gọi ký tên ủng hộ, tham gia tổ chức “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” của Đào Minh Quân (ở Hoa Kỳ), kêu gọi ủng hộ đưa Đào Minh Quân trở về Việt Nam làm tổng thống… Để đối phó với lực lượng chức năng, Vương Văn Thả lôi kéo, ép buộc bà Võ Thị Hai (82 tuổi, mẹ vợ), Lê Thị Lệ Hà (vợ), Vương Ngọc Thảo (con), cùng hai cháu ngoại (12 tuổi và 4 tháng tuổi) không được ra khỏi nhà, còn Thả chuẩn bị can xăng, đe dọa nếu bị bắt giữ sẽ thiêu sống cả gia đình.
Ngày 16-4-2017, nhận lời của Vương Văn Thả, hai anh em sinh đôi Nguyễn Nhật Trường và Nguyễn Văn Thượng (sinh năm 1985), ngụ tại khóm Tân Quới, phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ đem theo gạo, mỳ đến nhà Thả để ở. Tại đây, Vương Văn Thả chỉ đạo Trường, Thượng cùng Lê Thị Lệ Hà (vợ) và Thuận, Vương Ngọc Thảo (con) may cờ vàng ba sọc đỏ, rồi giao cho Thuận sử dụng điện thoại, Ipad quay video clip do Thả tuyên truyền, xuyên tạc… tiếp tục tán phát lên mạng xã hội. Đồng thời, Thả còn lôi kéo Thuận, Thảo, Trường, Thượng đăng ký tham gia “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” thông qua mạng xã hội.
Sáng 30-4-2017, Vương Văn Thả treo cờ ba sọc lên nóc nhà, dùng lời lẽ bôi nhọ, phỉ báng chính quyền. Khi lực lượng chức năng đến hạ lá cờ, Thả giao cho Trường, Thuận cầm hung khí canh giữ xung quanh nhà, không cho lực lượng chức năng tiếp cận. Thả và Thượng dùng súng chĩa, câu liêm ngăn cản tháo gỡ cờ và tiếp tục cố thủ trong nhà. Sau nhiều ngày được động viên, giáo dục, đến ngày 18-5-2017, Vương Văn Thả và đồng phạm vẫn không chấp hành, nên lực lượng chức năng đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức bắt Thả, Thuận, Trường, Thượng và thu giữ nhiều tang vật có liên quan đến hành vi phạm tội. Như vậy, hành vi phạm tội “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” theo Điều 88 Bộ luật Hình sự, sửa đổi, bổ sung năm 2009 của Vương Văn Thả và đồng phạm là rất rõ ràng. Việc bắt giữ, khởi tố điều tra, truy tố và xét xử Vương Văn Thả cùng đồng bọn về tội "tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam" đã được các cơ quan chức năng thực hiện đúng pháp luật.
Phiên tòa sơ thẩm đã xét xử công khai, nghiêm minh, đúng người, đúng tội. Riêng Vương Văn Thả, trong quá trình xét xử tại tòa, bị cáo không hợp tác, gây mất trật tự nghiêm trọng, luôn miệng chửi bới, xúc phạm Hội đồng xét xử (HĐXX), xuyên tạc, bôi xấu Đảng và Nhà nước. Mặc dù HĐXX đã nhiều lần nhắc nhở, nhưng bị cáo vẫn tiếp diễn, HĐXX lập biên bản vi phạm và áp dụng các biện pháp theo quy định pháp luật. Các bị cáo còn lại đều thừa nhận hành vi phạm tội, rất ăn năn, hối hận và mong HĐXX xem xét, giảm nhẹ hình phạt.
Một số người, một vài tổ chức mưu toan lợi dụng việc xử tù Vương Văn Thả-một cư sĩ Phật giáo Hòa Hảo, để vu cáo Việt Nam đàn áp tôn giáo, thì họ đã lầm. Không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới đã khẳng định quyền bình đẳng trước pháp luật của con người. Điều 6 Tuyên ngôn quốc tế Nhân quyền 1948 tuyên bố: “Mọi người đều có quyền được công nhận tư cách là con người trước pháp luật ở mọi nơi”. Điều 7 tuyên ngôn này cũng khẳng định: “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ một cách bình đẳng mà không có bất cứ sự phân biệt nào”. Việt Nam cũng không ngoại lệ. Mọi công dân Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước có trách nhiệm tôn trọng và bảo hộ quyền con người một cách bình đẳng. Điều này được thể hiện rõ trong hệ thống pháp luật của Việt Nam từ khi lập nước đến nay. Tại Điều 16, Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam tiếp tục khẳng định: “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội”.
Như vậy có thể thấy pháp luật của Việt Nam cũng như các quốc gia trên thế giới đều bình đẳng và công bằng với tất cả mọi người. Không một cá nhân, tổ chức nào, không một thế lực nào có thể đứng trên pháp luật, đứng ngoài pháp luật. Trước pháp luật, các chức sắc, nhà tu hành và công dân có tín ngưỡng, tôn giáo được hưởng mọi quyền công dân và có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ công dân. Là cư sĩ Phật giáo Hòa Hảo, trước hết Vương Văn Thả là một công dân, do đó trên hết y phải làm tròn nghĩa vụ công dân, chấp hành nghiêm pháp luật. Vương Văn Thả đã vi phạm pháp luật và việc các cơ quan bảo vệ pháp luật xử lý y theo đúng quy định của pháp luật là điều bình thường. Những việc mà các cơ quan bảo vệ pháp luật đã tiến hành là để xử lý với một công dân vi phạm pháp luật, chứ không phải là xử lý một cư sĩ Phật giáo Hòa Hảo. Mọi mưu toan lợi dụng việc này để vu cáo Đảng và Nhà nước Việt Nam đàn áp tôn giáo là không thể chấp nhận.
Một vài cá nhân, tổ chức gọi Vương Văn Thả và những người như ông ta là "tù nhân lương tâm", "tù nhân chính trị" thì chứng tỏ họ không hiểu gì về pháp luật Việt Nam. Nhà nước Việt Nam đã nhiều lần khẳng định: Ở Việt Nam không hề có cái gọi là "tù nhân lương tâm", “tù nhân chính trị” như một vài cá nhân, tổ chức thiếu thiện chí cáo buộc, mà chỉ có những công dân vi phạm pháp luật bị xử lý mà thôi. Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là nhà nước pháp quyền. Cũng như ở các quốc gia khác, ở Việt Nam, mọi hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lý theo đúng các quy định của pháp luật Việt Nam là hoàn toàn phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị. Thực chất của cái gọi là “tù nhân lương tâm”, “tù nhân chính trị” chỉ là chiêu trò mà các thế lực thù địch, các tổ chức phản động bày đặt ra nhằm kích động những đối tượng chống đối ở Việt Nam, những phạm nhân đang cải tạo tiến hành các hoạt động phá hoại đất nước. Ở Việt Nam không có chỗ cho những hành vi phạm tội đó tồn tại, bởi pháp luật Việt Nam vốn rất nghiêm minh. Những phát biểu dựng lên cái gọi là "tù nhân lương tâm", "tù nhân chính trị" là can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Chúng ta kiên quyết phản đối và bác bỏ những giọng điều hồ đồ đó. 
KIM NGỌC
Nguồn: Báo QĐND