Thứ Hai, 22 tháng 1, 2018

Ở VIỆT NAM KHÔNG CẦN ĐA NGUYÊN HÓA CHÍNH TRỊ


Cương Trực

Đa nguyên hoá chính trị hoàn toàn đối lập với nhất nguyên chính trị. Đó là sự tồn tại của hai hoặc nhiều thế lực chính trị trong phạm vi một quốc gia, đại diện cho những lợi ích khác nhau. Đối với các nước xã hội chủ nghĩa thì đa nguyên hoá chính trị là hiện tượng gây sự chia rẽ trong nội bộ chính đảng của giai cấp công nhân và giai cấp nông dân, thậm chí sẽ tạo ra chỗ dựa cho các phần tử cực đoan và các thế lực thù địch trong và ngoài nước tiến hành hoạt động chống chủ nghĩa xã hội.
Thực chất, kịch bản quá trình đòi thực hiện đa nguyên hoá chính trị được các thế lực đối lập tiến hành theo ba bước như sau: Trước tiên là tán dương sự cần thiết đa nguyên hoá chính trị, tạo dư luận cho sự ra đời và tồn tại hợp pháp của các phái đối lập. Bước thứ hai là thành lập các tổ chức tập đoàn chính trị với những tên gọi khác nhau, ngang hàng với Đảng Cộng sản nhằm tạo điều kiện thực hiện chế độ chính trị đa đảng. Bước thứ ba là dùng mọi thủ đoạn để tẩy chay và lật đổ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, hoàn thành chế độ dân chủ nghị viện dựa trên cơ sở chế độ đa đảng của giai cấp tư sản. Quá trình đó được bắt đầu từ việc chống lại sự lãnh đạo nhất nguyên của Đảng Cộng sản và kết thúc bằng sự hoàn thành nền thống trị nhất nguyên của giai cấp tư sản.
Về vấn đề này, cũng cần tiếp tục phân biệt rõ giữa đa đảng, đa nguyên với đa đảng, nhất nguyên. Một số người mơ hồ vẫn thường lấy thể chế chính trị của Mỹ để ca ngợi cho tính ưu việt của mô hình đa nguyên, đa đảng. Tuy nhiên, xét về bản chất, ở Mỹ chỉ có hai đảng thay nhau lãnh đạo đó là Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa, đó đều là Đảng của giai cấp tư sản. Nền chính trị Mỹ là đa đảng nhưng nhất nguyên chứ không phải đa đảng, đa nguyên như nhiều người nhầm tưởng.
Đối với Việt Nam, là một quốc gia phát triển theo con đường chủ nghĩa xã hội, do vậy, chỉ có thể do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Đó là sự lựa chọn tất yếu của lịch sử Việt Nam, của nhân dân Việt Nam. Trong xã hội tuy vẫn còn tồn tại các giai tầng xã hội khác nhau như: công nhân, nông dân, trí thức... nhưng lợi ích căn bản là thống nhất. Điều đó được phản ánh trong sự nhất trí về lợi ích chính trị. Đảng Cộng sản Việt Nam là đại biểu cho lợi ích căn bản và lợi ích lâu dài của toàn thể nhân dân. Cương lĩnh và tôn chỉ của Đảng là toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân, thực hiện xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Các phương châm, chính sách và đường lối của Đảng trong giai đoạn hiện nay phản ánh lợi ích và yêu cầu của toàn thể nhân dân, là bảo đảm cho công cuộc xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, nhà nước của dân, do dân, vì dân. Vì thế, ở nước ta không có cơ sở khách quan cho sự tồn tại đa nguyên hoá chính trị.

Đa nguyên, đa đảng không phải là biện pháp cứu cánh cho sự phát triển. Vấn đề quan trọng nằm ở chỗ đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng cầm quyền. Ở Việt Nam hiện nay, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, đất nước liên tục phát triển, nhân dân cả nước đều được hưởng thành quả của sự nghiệp đổi mới, dân chủ vẫn đang không ngừng được mở rộng và nhân quyền của người dân vẫn luôn được đảm bảo là những điều không ai có thể phủ nhận. Quan điểm đòi đa nguyên hóa chính trị thực chất là thủ đoạn “lập lờ đánh lận con đen” cổ vũ cho “trò hề” nhằm lật đổ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét