Bài 1: Xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị - vấn đề quan trọng hàng đầu
Cha ông ta có câu: Dù ai cho bạc, cho vàng/ Không bằng chỉ lối dẫn đàng cho ta nói lên vai trò "dẫn đường chỉ lối" của lực lượng lãnh đạo trong đời sống xã hội nói chung, đời sống mỗi người dân nói riêng. Đối với Đảng ta, trên cương vị là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, để làm tốt công việc “dẫn đường chỉ lối”, Đảng đã không ngừng được xây dựng vững mạnh về chính trị, xứng đáng vai trò Đảng cầm quyền, người tổ chức và lãnh đạo mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam...
Sáng suốt dẫn đường chỉ lối
Xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức là câu nói quen thuộc về xây dựng Đảng, nhưng qua đó toát lên vị trí hàng đầu của xây dựng Đảng về chính trị. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết trong cuốn sách "Đường kách mệnh": “Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”. Người cũng thường nhắc quan điểm của Lênin: Sai lầm về đường lối là nguy cơ lớn nhất đối với Đảng…
Với tinh thần “Đảng cũng là người”, cũng đã có lúc sai lầm nhưng nhìn suốt chiều dài lịch sử, Đảng ta đã hoàn thành xuất sắc vai trò “người cầm lái”. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng tổng kết: “Với tất cả tinh thần khiêm tốn của người cách mạng, chúng ta vẫn có quyền nói rằng: Đảng ta thật là vĩ đại!”. “Đảng ta có thể tự hào là người kế tục những truyền thống vẻ vang của dân tộc ta, là người mở đường cho nhân dân ta tiến lên một tương lai rực rỡ”. Có được điều đó bởi vì Đảng ta là một đảng cách mạng chân chính; luôn kiên định mục tiêu, lý tưởng cách mạng. Ngoài lợi ích của nhân dân, dân tộc, Đảng ta không có lợi ích nào khác.
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, xây dựng Đảng về chính trị trước hết là xây dựng đường lối chính trị đúng đắn. Đó là một đường lối chính trị dựa trên học thuyết Mác-Lênin vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của nước ta, đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn cách mạng Việt Nam, phù hợp với truyền thống dân tộc và xu thế của thời đại. Xây dựng Đảng về chính trị còn bao gồm lãnh đạo thực hiện thắng lợi đường lối chính trị; củng cố và nâng cao uy tín chính trị của Đảng; bảo vệ cương lĩnh, đường lối của Đảng... Trong đó, xây dựng đường lối chính trị đúng đắn là nhiệm vụ bao trùm nhất.
Trong cuốn sách “Thời dựng Đảng” viết năm 1984, nhà văn Thép Mới đã có những phân tích sâu sắc về năng lực hoạch định đường lối của Đảng ta. Năm 1925, khi gieo những hạt giống cộng sản đầu tiên, Bác Hồ mới 35 tuổi; phần lớn trong 211 người cộng sản đầu tiên mới bước vào tuổi đôi mươi nhưng họ đã ánh lên nét tinh thần mới, gắn bó với tập thể, với tổ chức, đấu tranh gan góc, tiêu biểu cho một kiểu người Việt Nam trẻ mới nhất. Họ chinh phục thời đại bằng cái đúng và cái mới của trí tuệ, bằng cả vẻ đẹp của tâm hồn và ý chí. Nhưng cộng sản không phải chỉ có tấm lòng. Đối với lớp người vạch đường lối, dựng tổ chức và nhen phong trào, cộng sản là ở cái đầu trước hết. Những văn kiện đầu tiên của Đảng ta như "Chính cương vắn tắt" và "Sách lược vắn tắt" đã cho thấy tầm nhìn vạch thời đại. 88 năm đã trôi qua nhưng những nét phác thảo đầu tiên cho con đường đi tới của dân tộc vẫn vẹn nguyên giá trị.
Chỉ mới ở độ tuổi 15 với hơn 5.000 đảng viên nhưng Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân ta làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám. Nhìn lại sự kiện này, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: "Lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Ðảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc". Phát huy những thành quả đã đạt được, với 9 năm trường kỳ kháng chiến chống Pháp, Đảng đề ra đường lối "kháng chiến đi đôi với kiến quốc” thành công. 21 năm kháng chiến chống Mỹ và xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở miền Bắc, Đảng ta đã xác định đúng đắn hai nhiệm vụ chiến lược, sáng tạo lãnh đạo đánh bại các chiến lược chiến tranh của Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. 
Không ngừng đổi mới
Trong 88 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta đã 5 lần ra cương lĩnh và văn kiện có tính chất cương lĩnh thì có tới 2 lần tập trung cho nhiệm vụ xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Sau mỗi lần đại hội, con đường đi lên CNXH càng rõ hơn. Cũng từ thực tiễn lãnh đạo, với tinh thần của một Đảng “mạnh dạn, tiến bộ, chân chính”, Đảng ta thẳng thắn thừa nhận sai lầm, khuyết điểm và quyết tâm đổi mới.
Nhà sử học kinh tế Đặng Phong cho rằng: “Lịch sử thời kỳ đổi mới không phải là và không thể là chặng đường chỉ toàn những thành tích và thắng lợi. Nó là một chặng đường đầy những thử nghiệm và khai phá gian nan, đầy những khó khăn, vấp váp, trong đó có cả những sai lầm, thất bại, rồi chính từ đó mới bật ra những bước sáng tạo, bứt phá... Đó là sự chung đúc những trăn trở, những ý tưởng, những sáng kiến của rất nhiều bộ óc, nhiều cơ sở, nhiều địa phương. Đó cũng là một quá trình vừa đi vừa tìm đường, vừa đi vừa điều chỉnh, đấu tranh với cái cũ, đấu tranh với chính mình, thuyết phục nhau, chờ đợi nhau, rồi từng bước đi tới đồng thuận”. 
Trong cuốn sách “Đổi mới ở Việt Nam-nhớ lại và suy nghĩ”, tập thể tác giả là nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu đã nhìn nhận, đó là một con đường “vinh quang và khổ ải” nhưng tựu trung lại thì Đảng ta đã thành công, trong khi nhìn xa bối cảnh thời đại, không ít nơi đã thất bại, trả giá.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng tổng kết 30 năm đổi mới đã khẳng định rõ hơn nhận thức về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. GS, TS Tạ Ngọc Tấn, Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, đánh giá: “Nếu nhìn vào những mô hình “chủ nghĩa xã hội” hoặc đã sụp đổ, hoặc đang “lạc nhịp” với sự phát triển chung của thế giới, chúng ta mới thấy hết sức sáng tạo lớn lao của Đảng về mặt lý luận trong xây dựng mô hình CNXH mang đặc điểm Việt Nam”.
Nói về vai trò hoạch định đường lối của Đảng, có thể tham khảo câu chuyện mà TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, người từng tham gia nhóm cố vấn của Thủ tướng gần đây đã chia sẻ: Có lần, nhóm cố vấn làm việc với một giáo sư kinh tế nổi tiếng của Đại học Harvard (Hoa Kỳ) để được tư vấn về định hướng phát triển kinh tế. Các chuyên gia kinh tế Việt Nam đặt câu hỏi:
- Xin ngài cho biết, Việt Nam có thể trở thành một quốc gia hùng cường được không?
Vị giáo sư trả lời:
- Hoàn toàn được! Vì các ngài luôn có định hướng và khát vọng phát triển đúng đắn. Tôi đã nghiên cứu và thấy những chiến lược đó được thể hiện rất rõ trong các nghị quyết của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Những đòi hỏi mới trong xây dựng Đảng về chính trị
Đại hội XII của Đảng đề cập nội dung xây dựng Đảng về chính trị: Kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với thực tiễn Việt Nam; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH; kiên định đường lối đổi mới. Nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ trí tuệ, tính chiến đấu của toàn Đảng và của mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp; không dao động trong bất cứ tình huống nào. Giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng, vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên.
Theo PGS, TS Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương: Văn kiện Đại hội XI nêu: “Xây dựng Đảng về chính trị”. Đại hội XII bổ sung và nhấn mạnh: “Chú trọng xây dựng Đảng về chính trị” và đề ra một số giải pháp: Một là, kiên định những vấn đề có tính nguyên tắc trong công tác xây dựng Đảng. Nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng và bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng có hiệu lực, hiệu quả; giữ vững bản lĩnh chính trị của Đảng, của các tổ chức đảng, của cán bộ, đảng viên. Hai là, nâng cao năng lực hoạch định đường lối, chính sách phù hợp với quy luật khách quan và đặc điểm của Việt Nam, tạo bước đột phá để phát triển. Ba là, hoàn thiện cơ chế, quy chế và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả việc tự phê bình và phê bình, chất vấn trong các kỳ họp của Ban Chấp hành Trung ương, cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy các cấp. Bốn là, xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả cơ chế phát huy vai trò của nhân dân trong việc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Những nội dung, giải pháp trên cho thấy, cùng với đề cao sự sáng tạo, đổi mới trong xây dựng chủ trương, đường lối thì Đảng ta cũng nhấn mạnh phải kiên định những vấn đề có tính nguyên tắc, mà trước hết là phải kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH; kiên định đường lối đổi mới. Sự kiên định này không phải là giáo điều, sách vở dù hiện nay, xu thế toàn cầu hóa, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra rất nhiều cái mới, nhưng xét một cách toàn diện thì Chủ nghĩa Mác-Lênin vẫn là học thuyết cách mạng, khoa học, nhân văn và tiến bộ nhất.
Hơn 30 năm đổi mới, chúng ta ai chẳng khát vọng đưa đất nước bứt phá, tiến lên thật nhanh. Nhưng sứ mệnh người cầm lái đòi hỏi Đảng ta phải dẫn dắt con thuyền đất nước phát triển nhanh và bền vững, không thể đánh đổi bằng mọi giá để phát triển kinh tế đơn thuần theo kiểu “bong bóng”. Chúng ta một mặt phải quyết tâm đổi mới toàn diện hơn nữa nhưng cũng không mơ hồ, chủ quan để đổi mới dẫn đến “đổi màu”, “tự diễn biến", "tự chuyển hóa”, thay đổi chế độ chính trị. Không thể chấp nhận những tư tưởng như “mô hình đó có đâu mà tìm”, phải quay về “chủ nghĩa dân tộc”...
“Xây” và “chống” trong hoạch định đường lối
V.I.Lênin từng cảnh báo: Không một kẻ thù nào, cho dù nó nham hiểm và hung hãn nhất, có thể tiêu diệt được Đảng Cộng sản, ngoại trừ chính những người cộng sản tự tiêu diệt chính họ.
Cho nên, yêu cầu của Đại hội XII về nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng và bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng có hiệu lực, hiệu quả và nâng cao năng lực hoạch định đường lối, chính sách là rất quan trọng. Thời gian qua, nguồn lực đất nước bị suy yếu bởi hàng loạt vụ án kinh tế nghiêm trọng đã bộc lộ những hạn chế, yếu kém trong lãnh đạo quản lý của cấp ủy Đảng ở các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị... Những biểu hiện “lợi ích nhóm”, “tư duy nhiệm kỳ”, “nạn thăng tiến thần tốc đúng quy trình” trong công tác cán bộ... gây hậu quả nghiêm trọng, làm bức xúc dư luận và suy giảm niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước-cội nguồn làm nên sức mạnh của Đảng...
Để đường lối, nghị quyết của Đảng bắt nguồn từ cuộc sống và kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân thì cần có cơ chế thu hút ngày càng rộng rãi các tầng lớp nhân dân tham gia thảo luận xây dựng các quyết sách, nhất là các quyết sách lớn của Đảng và Nhà nước; phát huy được vai trò phản biện, giám sát của các tầng lớp nhân dân. Cũng thông qua đó, ngăn ngừa được nguy cơ “lợi ích nhóm” chi phối quá trình hoạch định đường lối, chính sách. Trong phát huy vai trò của nhân dân, cần hết sức chú trọng sử dụng đội ngũ chuyên gia, tư vấn cao cấp, trong đó có cả chuyên gia quốc tế cho những chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước.
Chúng ta cần rút kinh nghiệm bài học Liên Xô sụp đổ, có nguyên nhân sai lầm về đường lối, buông lỏng lãnh đạo kinh tế; cảnh giác với những quan điểm “Đảng không nên lãnh đạo kinh tế, Đảng chỉ lãnh đạo chính trị” như các lực lượng cực đoan, cơ hội chính trị “khuyến nghị” gần đây.  Trong cuốn sách “Bí ẩn diệt vong của Liên Xô-lịch sử những âm mưu và phản bội 1945-1991” của tác giả A.P.Sheviakin đã phân tích, vào những năm tháng cuối cùng của thời Xô viết, có 7 nhân vật, trong đó nổi lên là Gorbachev đã tạo nên công cuộc cải tổ để rồi chính họ phá tan Đảng Cộng sản Liên Xô, tách và gạt bỏ Đảng Cộng sản Liên Xô khỏi vai trò lãnh đạo đời sống kinh tế của đất nước.
Ngày nay, trong hoạch định đường lối, Đảng ta phải lãnh đạo toàn diện mọi mặt của đời sống xã hội, xác định lãnh đạo phát triển kinh tế-xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; xây dựng văn hóa, con người làm nền tảng tinh thần của xã hội; tăng cường quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên. Hiện nay cần tập trung lãnh đạo đề ra được chủ trương, đường lối phát triển kinh tế thật sự hiệu quả, xử lý triệt để những “lỗ hổng” và “điểm nghẽn”, để đất nước phát triển nhanh và bền vững.
CÔNG MINH, KIM NGỌC, NGUYÊN MINH, HOÀNG TIẾN, TẤN TUÂN, VĂN HẢI, HỒNG HẢI
Nguồn: Báo QĐND