Thứ Sáu, 19 tháng 1, 2018

Vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa



Tàu dịch vụ phục vụ khai thác dầu ngoài khơi Vũng Tàu.



Tổng kết thực tiễn 10 năm đổi mới, phù hợp với sự biến đổi của đời sống kinh tế - xã hội, Đại hội VIII (1996) của Đảng lần đầu tiên thay thế cụm từ: kinh tế quốc doanh bằng cụm từ kinh tế nhà nước (KTNN): Chủ động đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế nhà nước, kinh tế hợp tác. KTNN đóng vai trò chủ đạo, cùng với kinh tế hợp tác xã dần dần trở thành nền tảng… Từ đây, nội hàm của khái niệm KTNN được mở rộng hơn, bao quát được toàn bộ các hoạt động quản lý tài nguyên của đất nước; những cơ sở hạ tầng trọng điểm; các loại quỹ của quốc gia; bộ phận DNNN, bao gồm cả doanh nghiệp công ích và doanh nghiệp kinh doanh… Đại hội XII tiếp tục khẳng định: Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó KTNN giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật. Nếu ở Đại hội X, khu vực kinh tế tư nhân được đánh giá là “một trong những động lực” thì đến Đại hội XII, vai trò của khu vực kinh tế tư nhân đã được Đảng ta tiếp tục đánh giá cao hơn: kinh tế tư nhân là “một trong những động lực quan trọng”. Tuy vậy, vai trò chủ đạo vẫn thuộc khu vực KTNN.
Thời gian vừa qua, một số chủ thể đánh đồng khái niệm KTNN và doanh nghiệp nhà nước (DNNN), coi sự yếu kém của bộ phận DNNN là sự yếu kém của KTNN, thậm chí còn phủ nhận vai trò chủ đạo của KTNN. Tuy nhiên cần khẳng định, KTNN và DNNN là hai khái niệm không hoàn toàn đồng nhất. Nội hàm của KTNN rộng hơn và bao quát hơn DNNN. DNNN chỉ là một bộ phận cấu thành của KTNN.
Trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội, nội hàm khái niệm KTNN có sự thay đổi phù hợp với từng điều kiện hoàn cảnh, tuy nhiên về cơ bản, KTNN vẫn được cấu thành từ hai bộ phận chính: (1) Bộ phận doanh nghiệp gồm các Doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu 100% vốn và doanh nghiệp mà Nhà nước nắm cổ phần hoặc phần vốn chi phối; (2) bộ phận phi doanh nghiệp bao gồm cả đất đai, rừng, biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên, tư liệu sản xuất, ngân sách nhà nước, dự trữ quốc gia…
Đề cập đến vai trò chủ đạo của KTNN, Đại hội XII nhất quán: “Định hướng và điều tiết nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và bảo vệ môi trường; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển. Phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội”.
Nhìn tổng quát từ sau Đại hội VIII đến nay, quan niệm của Đảng ta về KTNN và vai trò chủ đạo của thành phần KTNN trong nền kinh tế thị trường đã có sự phát triển đáng kể. Hai điểm nổi bật nhất là:

Thứ nhất, do có sự phân biệt giữa sở hữu nhà nước với hình thức DNNN và cũng do có sự phân biệt giữa quyền chủ sở hữu với quyền kinh doanh trong DNNN mà chúng ta đã chuyển từ khái niệm kinh tế quốc doanh sang khái niệm KTNN.
Thứ hai, để tránh sự nhầm lẫn trong nhận thức giữa vai trò chủ đạo của thành phần KTNN với vai trò quản lý, điều hành của Nhà nước, Đảng ta đã khẳng định, thành phần KTNN không lãnh đạo các thành phần kinh tế khác mà “là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết nền kinh tế, tạo môi trường và điều kiện thúc đẩy các thành phần kinh tế cùng phát triển”.

Vai trò chủ đạo của KTNN thể hiện trên một số phương diện chủ yếu sau:

1. Trình độ công nghệ, trình độ quản lý, hiệu quả kinh tế - xã hội và năng lực cạnh tranh.

2. Đóng vai trò hàng đầu trong việc khắc phục, hạn chế những khuyết tật của cơ chế thị trường.
3. Độc quyền những lĩnh vực có quan hệ trực tiếp đến an ninh quốc gia
4. Là công cụ để thúc đẩy các thành phần kinh tế khác trong nền kinh tế quốc dân cùng phát triển.

Tỷ trọng GDP chỉ là tiêu chí đánh giá vị trí, vai trò chủ đạo của KTNN trong nền kinh tế quốc dân. Không giống như cả các thành phần kinh tế khác, ngoài mục tiêu lợi nhuân, KTNN còn phải đảm nhận thêm mục tiêu phi lợi nhuận (mục tiêu cộng đồng) khó có thể đo đếm.
Vai trò chủ đạo của khu vực KTNN trong thời gian tới sẽ ngày càng được tập trung vào các nội dung và mục tiêu: ngành, lĩnh vực then chốt, là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng, điều tiết và ổn định kinh tế vĩ mô…Nghị định 94/2017/NĐ-CP mà Chính phủ vừa ban hành đã nêu rõ 20 ngành nghề mà Nhà nước sẽ độc quyền, trong đó tinh thần cơ bản là chỉ thực hiện độc quyền Nhà nước trong hoạt động thương mại đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu liên quan đến quốc phòng, an ninh, bảo đảm lợi ích quốc gia hoặc các thành phần kinh tế khác không có nhu cầu và khả năng tham gia.
Với chủ trương thu hẹp dần phạm vi quản lý và điều hành trực tiếp của KTNN, Đảng và Nhà nước đã sớm nhận thức theo quy luật tất yếu khách quan, tỷ trọng cao nhất trong GDP sớm muộn cũng thuộc về khu vực kinh tế tư nhân. Đảng ta cũng không chủ trương chỉ lấy tỷ trọng GDP làm căn cứ tuyệt đối để đánh giá vai trò chủ đạo của một thành phần kinh tế và cũng không bằng mọi cách “nắn” tỷ trọng GDP vào cho bất kỳ một thành phần kinh tế nào.

Nhiều nhà kinh tế nổi tiếng thế giới cảnh báo rằng, phải nâng cao hiệu quả của khu vực kinh tế nhà nước song đừng vì tính kém hiệu quả của khu vực này, nhất là của một số doanh nghiệp nhà nước, trong một số ngành, lĩnh vực và ở một số thời điểm mà phủ nhận vai trò KTNN nói chung và DNNN nói riêng; họ không ủng hộ độc quyền nhà nước trong kinh doanh, nhưng luôn cảnh báo rằng sẽ là vô cùng nguy hiểm nếu điều đó dẫn tới độc quyền tư nhân.
Ở trình độ phát triển chưa cao như nền kinh tế nước ta, Nhà nước đóng vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội. Nhà nước sử dụng các nguồn lực của mình, cùng các công cụ, chính sách để định hướng và điều tiết nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường.
Để tiếp tục khẳng định vai trò chủ đạo của khu vực KTNN, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau
Một là, tập trung tái cấu trúc DNNN, mà trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Cần phân định rõ vai trò kinh tế của Nhà nước với vai trò của DNNN để không đồng nhất độc quyền của KTNN với độc quyền của DNNN.
Hai là, đối với các bộ phận phi doanh nghiệp của KTNN phải được quản lý, sử dụng hợp lý để thực sự trở thành công cụ đắc lực cho Nhà nước trong việc định hướng, hỗ trợ, tạo môi trường phát triển cho tất cả các thành phần kinh tế, giải quyết tốt các vấn đề xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng chuyên nghiệp hóa bộ máy Nhà nước và tái cấu trúc đầu tư công cũng như sắp xếp lại hệ thống tài chính, tiền tệ.

Ba là
, quy định rõ tính chất kinh doanh và tính chất công ích của bộ phận DNNN trong từng điều kiện, hoàn cảnh để từ đó xây dựng cơ chế quản lý phù hợp, khắc phục sự không rõ ràng giữa nguồn vốn hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận với nguồn vốn hoạt động vì mục tiêu phi lợi nhuận.Bốn là, khẳng định KTNN giữ vai trò chủ đạo không có nghĩa là phân biệt, đối xử hay hạn chế các thành phần kinh tế khác mà phải thực hiện chế độ pháp lý kinh doanh không phân biệt hình thức sở hữu, thành phần kinh tế.
Mối quan hệ giữa KTNN và các thành phần kinh tế khác có mối quan hệ hữu cơ trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Các thành phần kinh tế ngoài nhà nước càng phát triển thì đóng góp vào ngân sách càng lớn, tức là làm cho bộ phận phi doanh nghiệp của KTNN phát triển. Với vai trò chủ đạo là thúc đẩy các thành phần kinh tế khác cùng phát triển, sự phát triển của khu vực KTTN thậm chí còn là một trong những tiêu chí đánh giá sự hoàn thành vai trò chủ đạo của khu vực KTNN. Sự phát triển năng động, hiệu quả của khu vực kinh tế ngoài nhà nước cũng là nhân tố vừa trực tiếp, vừa gián tiếp thúc đẩy khu vực KTNN phát triển.
Ở các nước tư bản cũng có KTNN và DNNN được xây dựng trên sở hữu nhà nước tư sản. Dù họ không khẳng định KTNN giữ vai trò chủ đạo, nhưng thực tế cho thấy, KTNN vẫn luôn giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế.Thực tiễn phát triển đất nước cũng như những thành quả kinh tế- xã hội lớn lao trong suốt hơn 30 năm qua là những minh chứng không thể phủ nhận việc Đảng ta nhất quán chủ trương KTNN giữ vai trò chủ đạo là phù hợp với quy luật phát triển.
Ths. Lưu Xuân CôngTS. Vũ Tiến Dũng Trường Đại học Xây dựngNguồn: http://www.xaydungdang.org.vn/Home/Lyluan-Thuctien-Kinhnghiem/2018/11169/Vai-tro-chu-dao-cua-kinh-te-nha-nuoc-trong-nen-kinh.aspx

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét