QĐND Online - Đúng 18 giờ ngày 18-1, tại Phòng họp Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Phiên khai mạc Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện Châu Á - Thái Bình Dương (APPF-26) đã diễn ra trọng thể.
Tham dự phiên khai mạc có Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa (CHXHCN) Việt Nam Trần Đại Quang; Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam-Chủ tịch APPF-26 Nguyễn Thị Kim Ngân; Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới Gabriela Cuevas Barron; Chủ tịch Quốc hội Fiji-Chủ tịch APPF-25 Jiko Luveni; Trưởng đoàn Nghị viện Nhật Bản-đại diện Chủ tịch danh dự APPF Takuji Yanagimoto, các vị Chủ tịch, Phó chủ tịch cùng các đoàn đại biểu nghị viện các nước thành viên APPF và các nước quan sát viên APPF.
Toàn cảnh phiên khai mạc APPF-26. Ảnh: THÙY LÂM.
|
Phát biểu khai mạc APPF-26, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch APPF-26 Nguyễn Thị Kim Ngân chào mừng các đoàn đại biểu nghị viện thành viên và quan sát viên APPF, các vị khách mời tham dự APPF-26; bày tỏ vinh dự khi lần thứ hai Việt Nam được lựa chọn là nước chủ nhà của hội nghị APPF.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, kể từ khi được thành lập với 15 thành viên sáng lập, APPF ngày nay đã phát triển và trở thành một diễn đàn quy tụ 27 Nghị viện thành viên đại diện cho ý chí, nguyện vọng của hơn 4,5 tỷ người trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. APPF tích cực triển khai các cam kết trong những tuyên bố lịch sử của mình, hướng tới một “ngôi nhà chung hài hòa và năng động”; góp phần đẩy mạnh xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực; ủng hộ và bổ trợ các nỗ lực của Diễn đàn Hợp tác kinh tế APEC, qua đó thúc đẩy tự do hóa thương mại, đầu tư và góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên, đem lại thịnh vượng cho người dân trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. APPF đã thúc đẩy các quốc gia thành viên thực hiện các cam kết quốc tế về phát triển nhất là thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs). Đặc biệt, quan trọng đó là cùng với các cơ chế hợp tác liên nghị viện khác, APPF đã đóng góp vào sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của nền ngoại giao nghị viện, nâng cao vị thế và tiếng nói của các nghị sĩ trong các vấn đề khu vực và quốc tế.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc APPF-26. Ảnh: THÙY LÂM
|
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, tại Hội nghị thường niên APPF 26 lần này, ngoài việc cùng nhau trao đổi về các vấn đề an ninh chính trị, kinh tế thương mại, hợp tác phát triển, văn hóa xã hội, môi trường..., một trong những mục tiêu phấn đấu chính của Hội nghị là xây dựng một Tầm nhìn mới trong giai đoạn tiếp theo sau 25 năm hình thành và phát triển của APPF, bám sát chủ đề của Hội nghị APPF-26 lần này là “Quan hệ đối tác nghị viện vì hòa bình, sáng tạo, tăng trưởng bền vững”. “Tầm nhìn đó cần phải được dựa trên mối quan hệ đối tác nghị viện bền chặt hơn, hiệu quả hơn, khẳng định những cam kết hành động mới để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa cơ chế hợp tác trong APPF, giữa APPF với các thể chế khu vực khác vì mục tiêu hòa bình, ổn định và phát triển bền vững, bao trùm”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, kể từ khi gia nhập APPF vào năm 1995, Quốc hội Việt Nam luôn là thành viên tích cực của APPF, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Việt Nam luôn đánh giá cao và ủng hộ các mục tiêu của diễn đàn APPF, coi đây là diễn đàn quan trọng góp phần thúc đẩy đối thoại về các vấn đề chính trị-an ninh và lợi ích chung ở Châu Á-Thái Bình Dương, thúc đẩy xây dựng lòng tin, hợp tác vì hòa bình, ổn định ở khu vực. Với chủ trương đối ngoại chung, Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, Quốc hội Việt Nam cũng vinh dự lần thứ hai được đảm nhiệm vai trò Chủ tịch APPF và tổ chức Hội nghị APPF lần thứ 26. Sự kiện đối ngoại quan trọng này mở đầu một năm mới 2018 sẽ góp phần truyền tải thông điệp và hình ảnh về Quốc hội Việt Nam năng động, tích cực.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ tin tưởng, APPF-26 tại Hà Nội sẽ đánh dấu một giai đoạn phát triển mới, thực hiện một Tầm nhìn mới về quan hệ đối tác nghị viện Châu Á-Thái Bình Dương, vì một APPF hòa bình, sáng tạo, bền vững và có khả năng thích ứng cao hơn đối với những thay đổi nhanh chóng của khu vực và thế giới.
Phát biểu tại phiên khai mạc, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Trần Đại Quang khẳng định, kể từ khi thành lập, APPF không chỉ chứng kiến những sự thay đổi mang tính bước ngoặt của khu vực và thế giới, mà còn là một phần của những thay đổi đó. Diễn đàn đã khẳng định là một cơ chế đặc biệt, phát huy tâm huyết và trí tuệ của nghị sĩ quốc hội các nước thành viên trong việc thúc đẩy xu thế đối thoại, hợp tác ở khu vực và trên thế giới, trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi, tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Đối thoại và hợp tác của APPF đã thúc đẩy hợp tác đa phương, đa tầng nhằm xử lý các thách thức chung, nhất là trong việc thực hiện các cam kết của Liên hợp quốc về phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại phiên khai mạc APPF-26. Ảnh: THÙY LÂM |
“Chúng tôi đánh giá cao các nước thành viên APPF đã ủng hộ các nỗ lực của Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) trong việc thúc đẩy thương mại và đầu tư tự do và mở, kết nối toàn diện khu vực”, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nói.
Cũng theo Chủ tịch nước, đối thoại và hợp tác APPF đã góp phần thúc đẩy Châu Á - Thái Bình Dương trở thành trung tâm đổi mới, sáng tạo, giữ vai trò tiên phong trong việc phát triển các ngành công nghệ, năng lượng mới, các lĩnh vực thương mại, đầu tư thế hệ mới, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đưa hàng trăm triệu người thoát khỏi cảnh đói nghèo.
Sau khi phân tích tình hình thế giới và khu vực với thời cơ và thách thức đan xen, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu quan điểm, những cơ hội và thách thức mới nổi lên trong một thế giới toàn cầu hóa và số hóa đòi hỏi APPF tiếp tục khẳng định vị thế trong cấu trúc đang định hình. Hơn bao giờ hết, APPF cần tiếp tục đi đầu thúc đẩy đối thoại và hợp tác đa phương, xây dựng một tương lai chung tốt đẹp hơn cho khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. “Chỉ bằng cách xây dựng quan hệ đối tác nghị viện có trách nhiệm vì hòa bình và phát triển bền vững, Diễn đàn mới có thể khẳng định vai trò trong cấu trúc khu vực đa tầng nấc”, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nói.
Nhấn mạnh rằng, hòa bình và phát phát triển bền vững luôn đồng hành với nhau, khẳng định niềm tự hào vì khu vực Châu Á-Thái Bình Dương là khu vực duy nhất không có xung đột từ khi kết thúc chiến tranh lạnh, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng: “Ưu tiên hàng đầu là duy trì môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới, thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và các chuẩn mực quốc tế” và “Cùng với đó, cần đẩy mạnh nỗ lực bảo đảm tính bao trùm của phát triển, đi đầu thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc để không ai bị bỏ lại phía sau”.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang bày tỏ mong muốn, APPF cần tích cực đóng góp xây dựng tầm nhìn mới của Châu Á - Thái Bình Dương, thúc đẩy hợp tác đa phương, phát huy vai trò là động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong kỷ nguyên số; bày tỏ tin tưởng, với đóng góp về trí tuệ, kinh nghiệm, các nghị sĩ sẽ đề xuất nhiều ý tưởng để cùng vun đắp tương lai chung vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở Châu Á - Thái Bình Dương.
Cũng tại lễ khai mạc, các đại biểu đã nghe Chủ tịch Quốc hội Fiji-Chủ tịch APPF-25 Jiko Luveni, Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới Gabriela Cuevas Barron và Ngài Yasuhiro Nakasone, Trưởng đoàn Nghị viện Nhật Bản, đại diện Chủ tịch danh dự APPF phát biểu.
CHIẾN THẮNG
Nguồn: Báo QĐND
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét