Thứ Hai, 8 tháng 1, 2018

Thành công của Hội nghị APEC - 2017 bác bỏ mọi xuyên tạc, hạ thấp vị thế của Việt Nam


Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 25, mà Việt Nam là nước chủ nhà, diễn ra tại thành phố Đà Nẵng đã thành công tốt đẹp. Điều đó nói lên vị thế, uy tín của Việt Nam không ngừng được nâng cao, được bạn bè quốc tế ghi nhận. Thế mà, vẫn có những kẻ cố tình xuyên tạc, bóp méo về sự kiện quan trọng này. Trò hề lố bịch đó của họ không lừa được ai.
1. Năm 2017 ghi nhận một mốc son mới trong tiến trình hội nhập quốc tế và thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế của Việt Nam, với đỉnh cao là sự thành công của Tuần lễ cấp cao APEC tại Đà Nẵng. Đó là sự thật, mang tính thời sự, đang tác động rất tích cực đến đời sống tinh thần xã hội đất nước. Người dân Việt Nam trên khắp mọi miền Tổ quốc đều quan tâm dõi theo, cảm nhận sâu sắc, rõ ràng về sự thành công của sự kiện này và phấn khởi, tự hào về vị thế, uy tín của đất nước được nâng cao, được bạn bè quốc tế nể trọng, trong đó có cả các cường quốc hàng đầu thế giới. Đúng như Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhận định: “Đây là thành tích đối ngoại nổi bật của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong năm nay, góp phần nâng cao vai trò của APEC là cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu khu vực trong một thế giới đang đổi thay nhanh chóng với những chuyển biến mang tính bước ngoặt. Thành công đó đánh dấu một mốc son mới trong tiến trình hội nhập quốc tế và triển khai đối ngoại đa phương, góp phần củng cố xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển và nâng cao uy tín, vị thế của nước ta trên trường quốc tế”.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang chụp ảnh với các Trưởng đoàn dự
Hội nghị APEC lần thứ 25 tại Đà Nẵng. (Ảnh: Reuters)
Tuần lễ cấp cao APEC tại Đà Nẵng đưa Việt Nam trở thành “tâm điểm chú ý” của cả thế giới. Chỉ cần có thái độ khách quan và thiện chí thì đều có thể hòa vào tình cảm của mọi người dân Việt Nam và thống nhất với nhận định trên. APEC-2017 chứng tỏ rằng, dân tộc Việt Nam đang vững bước phát triển đi lên với một tư thế mới, tư thế của những người làm chủ và biết làm chủ vận mệnh của mình; với một vị thế mới, vị thế của một đất nước độc lập, tự chủ đang trên đà phát triển, ổn định, hòa bình và chủ động, tích cực trong các “sân chơi” khu vực và toàn cầu.
2. Ấy thế mà, vẫn có những thế lực có thái độ hằn học, cố tình xuyên tạc thành công của APEC-2017, xuyên tạc, hạ thấp vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Như một quy luật, mỗi khi đất nước diễn ra sự kiện trọng đại nào, thì đó lại là cơ hội để các thế lực thù địch đẩy mạnh chống phá. Chúng coi APEC là một cơ hội tốt và tìm mọi “yếu tố”, tình huống có thể để “la làng” với những giọng điệu đầy hằn học, thù địch.
Trước khi Tuần lễ cấp cao APEC diễn ra, Tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế (Human Rights Watch-HRW) đã gây sự chú ý bằng việc đưa ra danh sách 105 blogger và “nhà hoạt động nhân quyền” mà tổ chức này cho là Việt Nam đang giam giữ, trong đó có Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (tức blogger Mẹ Nấm), Trần Thị Nga, Cấn Thị Thêu, Trần Thị Xuân, v.v. Họ kêu gọi lãnh đạo các nền kinh tế dự APEC can thiệp để Việt Nam ngay lập tức thả tự do cho 15 trường hợp. Không những thế, họ còn kêu gọi quốc tế tẩy chay Hội nghị APEC, vì Việt Nam “đàn áp nhân quyền”; bịa ra chuyện Tổng thống Đô-nan Trăm “dằn mặt” Việt Nam vì vi phạm nhân quyền!
Khi diễn ra Hội nghị, một số trang mạng, đặc biệt là trang mạng của Tổ chức phản động Việt Tân tung lên những bài viết xuyên tạc rằng: “APEC không mang lại lợi ích gì nhiều cho nhân dân Việt Nam”; rằng, “nhiều người dân thờ ơ với APEC”. Họ cố tình hạ thấp uy tín của Việt Nam, với luận điệu rằng hành trang mà Việt Nam mang đến APEC vẫn chỉ là “những phát biểu ngây ngô về “lợi thế quốc gia”, là lao động giá rẻ, tài nguyên giàu có và con người thân thiện” - những điều đã quá “cũ rích” suốt hơn thập kỷ qua. Đó chỉ là kiểu nói xằng theo giọng “chợ búa” để xuyên tạc vị thế và uy tín của Việt Nam. Trên trang mạng danlambaovn.blogspot.com có bài “A-PECH…A-PIẾC có nhiều điều ai cũng biết mà khối anh như tớ lại… cóc biết” của Tô Hải là một ví dụ điển hình của việc xuyên tạc, bóp méo, làm xấu hình ảnh quốc gia và làm sai lệch ý nghĩa, tầm quan trọng của APEC đối với Việt Nam. Không cần bận tâm tranh luận với những kẻ viết theo kiểu trẻ con và “chợ búa” này, nhưng qua đó, chúng ta càng hiểu rõ tâm địa của những thế lực luôn hằn học với sự phát triển của Việt Nam đã không từ một thủ đoạn nào, một ngón đòn nào để xuyên tạc, bôi nhọ chính nơi mình sinh ra, nuôi dạy mình nên người.
3. Vị thế, uy tín của một con người, một quốc gia - dân tộc không thể cứ nói là có được và cũng không thể tự nhiên mà có. Vị thế, uy tín của Việt Nam là vị thế, uy tín của một nước chủ nhà đã nỗ lực, quyết tâm góp phần rất quan trọng vào thành công của Tuần lễ cấp cao APEC và nhiều sự kiện mang tầm quốc tế khác. Điều đó không những khẳng định vị trí chiến lược của Việt Nam ở khu vực, mà còn nói lên sự quan tâm, tình cảm đặc biệt mà các nền kinh tế thành viên APEC và cá nhân các nhà lãnh đạo kinh tế APEC dành cho Việt Nam. Đó là điều mà ai cũng thấy, ngoại trừ những kẻ cố tình chống đối, xuyên tạc vị thế và uy tín của Việt Nam.
Tuần lễ cấp cao APEC-2017 có sự hiện diện của lãnh đạo các nền kinh tế thành viên, trong đó có lãnh đạo các nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới, như: Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc thăm Việt Nam ngay sau Đại hội Đảng và cũng là lần đầu tiên Tổng thống Mỹ thăm Việt Nam ngay trong năm đầu tiên lên cầm quyền. APEC-2017 cũng đã thu hút một số lượng kỷ lục doanh nghiệp trong nước và quốc tế tham gia (hơn 4.000 lượt doanh nghiệp). Nỗ lực của Việt Nam trong việc thể hiện vai trò trong khu vực không chỉ vào những ngày diễn ra các hội nghị chính thức, mà còn là chuỗi những cuộc hội đàm và hội nghị cũng như hội thảo với đủ các cấp.
Việt Nam đã để lại nhiều dấu ấn trong Năm APEC-2017, thông qua hàng loạt sáng kiến, nhằm góp phần nâng tầm hợp tác và xác lập hướng đi chiến lược của APEC trong trung và dài hạn. Có 08 văn kiện được thông qua tại Tuần lễ cấp cao APEC-2017, trong đó quan trọng nhất là Tuyên bố cấp cao Đà Nẵng: “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”. Có thể liệt kê những sáng kiến chính của Việt Nam đã được thông qua, như: Chương trình Nghị sự APEC về phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội, thể hiện cách tiếp cận chiến lược và toàn diện của APEC về tăng trưởng kinh tế, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững và thịnh vượng khu vực; sáng kiến Khuôn khổ phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số; lần đầu tiên các nhà lãnh đạo APEC và ASEAN đã có cuộc đối thoại mang tính lịch sử với chủ đề “Cùng tạo động lực mới, vì một châu Á - Thái Bình Dương kết nối toàn diện”, v.v.
Điều cần lưu ý là, trong điều kiện cơn bão số 12 được coi là lớn nhất trong mấy chục năm qua đổ vào miền Trung, gây ra những thiệt hại lớn về người và của, nhưng Việt Nam đã vượt lên tất cả để tập trung cao nhất cho sự thành công của APEC. Điều đó đã tỏ rõ vai trò nước chủ nhà với sự dung hòa các quan điểm và lợi ích của các quốc gia thành viên nhằm đi đến sự thống nhất, làm nên thành công của APEC. Có hiểu rõ bối cảnh như thế, mới có thể thấy rõ được trách nhiệm, bản lĩnh và sự cố gắng của Việt Nam vì sự phát triển chung của APEC.
Việt Nam đã thể hiện bản lĩnh “trong việc xử lý những khác biệt rất lớn giữa các nền kinh tế thành viên, vững vàng trong những thời điểm khủng hoảng, thậm chí gần đổ vỡ trong thương lượng văn kiện”. Và rất nỗ lực, khéo léo cùng với Nhật Bản, bên lề Tuần lễ cấp cao APEC, đồng chủ trì Hội nghị của các bộ trưởng phụ trách kinh tế của 11 nền kinh tế tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) (không có Mỹ). Tuy gặp không ít khó khăn, nhưng Hội nghị đã thành công, làm cho TPP hồi sinh với một tên gọi mới: Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương toàn diện và tiến bộ (CPTPP) - một hiệp định toàn diện và có tiêu chuẩn cao nhưng cân bằng hơn, do tính tới những khác biệt về lợi ích và trình độ phát triển của các thành viên.
4. Thành công của Năm APEC-2017 được bạn bè quốc tế chia sẻ, Việt Nam được thế giới tôn trọng, ghi nhận và đánh giá cao. Báo giới và dư luận Mỹ đánh giá tích cực vị thế đang lên của Việt Nam với tư cách là chủ nhà APEC- 2017 và xu hướng phát triển lành mạnh quan hệ song phương Việt Nam - Hoa Kỳ. Việt Nam đã “cầm cương” cho tiến trình phát triển, đặt ra chủ đề cũng như những ưu tiên trong hoạt động của Năm APEC-2017. Bà Ba-bet Ngọc Hân Le-phơ, Giám đốc Quốc gia, Tổ chức Oxfam tại Việt Nam, một liên minh quốc tế của 17 tổ chức làm việc tại 94 quốc gia trên thế giới để tìm giải pháp khắc phục nghèo đói, bất công, cũng đánh giá cao vấn đề tăng trưởng bao trùm của APEC-2017. Trong đó, rất cần hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa do phụ nữ lãnh đạo và làm chủ, để “thúc đẩy nền kinh tế nhân văn mà ở đó không ai bị bỏ lại phía sau, một thế giới tươi sáng cho các thế hệ sau”. Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Phi-lip-pin Trương Triều Dương đưa thông tin: “Bạn bè của tôi ở các nước đến dự APEC đều phản hồi lại với tôi bằng thái độ hài lòng và chỉ gói gọn trong hai chữ: Tuyệt vời!”. Tổng thống Nga V.I. Pu-tin đánh giá: “Việt Nam thể hiện thành công vai trò chủ nhà Năm APEC-2017”. Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm nhận định: “Việt Nam là một đối tác tuyệt vời trong khu vực và có rất nhiều cơ hội để chúng tôi tìm ra phương cách hợp tác song phương nói riêng và cả khu vực nói chung nhằm thúc đẩy tăng trưởng ở khu vực”.
Thành công toàn diện của Năm APEC-2017, đặc biệt là Tuần lễ cấp cao diễn ra tại Đà Nẵng không những khẳng định vị thế, uy tín của Việt Nam, mà còn là thực tế bác bỏ, làm phá sản mọi sự chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch, cũng như sự a dua của các phần tử cơ hội. Những kẻ đưa ra luận điệu nhằm bóp méo, xuyên tạc, hạ thấp vị thế, uy tín của Việt Nam đã tự trở thành tên hề lố bịch.
PGS, TS. NGUYỄN MẠNH HƯỞNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét