QĐND Online – HIV/AIDS là một đại dịch nguy hiểm, hủy hoại sức khỏe cộng đồng và gây ra ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình an ninh, trật tự xã hội cũng như kinh tế gia đình và toàn xã hội. Trong gần 3 thập kỷ kể từ khi Việt Nam phát hiện ca HIV/AIDS đầu tiên (1990) tại Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam đã nỗ lực chung tay cùng cộng đồng quốc tế đương đầu với căn bệnh thế kỷ và giải quyết những ảnh hưởng xã hội sâu rộng của nó.
Tình hình chung
Theo nghiên cứu “Bảo trợ xã hội cho những nhóm thiệt thòi ở Việt Nam” của Lê Bạch Dương, Đặng Nguyên Anh và Khuất Thu Hồng do Nhà xuất bản Thế giới ấn hành năm 2005, người có HIV/AIDS thuộc nhóm đặc biệt dễ tổn thương, rất cần sự trợ giúp xã hội từ phía gia đình, cộng đồng và Nhà nước. Tại thời điểm điều tra của nghiên cứu (trước 2005), nhiều người có HIV/AIDS có điều kiện kinh tế khó khăn, nếu chỉ dựa trên thu nhập của bản thân thì rất khó có thể đi thăm khám thường xuyên và mua thuốc điều trị, dẫn đến sức khỏe thêm giảm sút và không thể đảm bảo được công ăn việc làm, trở nên phụ thuộc hoàn toàn vào gia đình. Bên cạnh đó, sự kỳ thị của xã hội cũng còn nặng nề, khiến người có HIV tự ti, tuyệt vọng, có nguy cơ bị mất sinh kế và nguồn thu nhập, không có điều kiện tiếp cận các dịch vụ điều trị cơ bản, dẫn đến tâm lý không muốn điều trị, phó mặc cho số phận. Cũng theo Lê Bạch Dương và các cộng sự, bên cạnh mặc cảm tự ti, hiểu biết của người có HIV/AIDS về các chính sách bảo trợ xã hội dành cho họ là rất hạn chế. Họ không biết mình được hưởng những quyền lợi gì, được miễn phí những gì trong điều trị. Số lượng người có HIV/AIDS có bảo hiểm y tế cũng rất ít do nhiều lý do, trong đó có việc bản thân người có HIV/AIDS không muốn tiết lộ danh tính, tình trạng của mình. Đây là cản trở không nhỏ đối với công tác tăng cường chất lượng điều trị, chăm sóc cho người có HIV/AIDS.
Ảnh minh họa: tuoitre.vn. |
Trước những khó khăn đó, Việt Nam đã đưa ra nhiều chính sách, cơ chế ưu tiên trong điều trị và tạo sinh kế cho người có HIV/AIDS. Có thể khẳng định rằng, sau gần 30 năm thực thi các chính sách, cơ chế ưu tiên, Việt Nam đã thu được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần giảm số lượng người nhiễm mới, kéo dài thời gian sống cho người bệnh, xóa bỏ định kiến xã hội về HIV/AIDS, tăng cường phổ biến kiến thức về HIV/AIDS và phòng, chống HIV/AIDS tới mọi cộng đồng dân cư. Kết quả bước đầu cho thấy những nỗ lực quan trọng của cả hệ thống chính trị cũng như toàn xã hội đã góp phần nối vòng tay lớn, chung sức đẩy lùi tác động tiêu cực của HIV/AIDS lên cộng đồng cũng như giảm nguy cơ tổn thương xã hội cho người bệnh.
Chính sách, cơ chế ưu tiên
Về tổng thể, không chỉ trong những năm gần đây mà đã từ lâu, Việt Nam đã đề ra và thực hiện chiến lược chăm lo sức khỏe cho công dân và hỗ trợ nghề cho lao động thuộc nhóm yếu thế, trong đó có chính sách, cơ chế ưu tiên đảm bảo quyền được chăm sóc sức khỏe cũng như hỗ trợ sinh kế…cho người có HIV/AIDS, hỗ trợ người có HIV/AIDS hòa nhập cộng đồng và hạn chế gia tăng số lượng nhiễm mới.
Những chính sách, cơ chế ưu tiên này được cụ thể hóa bằng một hệ thống văn bản pháp luật, bao gồm Luật Phòng chống HIV/AIDS; Luật Phòng, Chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng chống bạo lực gia đình; Quyết định số 61/2000/QĐ-TTg thành lập “Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm”; Quyết định số 432/QĐ-TTg thành lập “Cục phòng chống HIV/AIDS Việt Nam” thuộc Bộ Y tế; Quyết định 29/2014/QĐ-TTg về tín dụng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV/AIDS và người sau cai nghiện… Việt Nam cũng ban hành “Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030” nhằm tiếp tục đặt ra những mục tiêu, chương trình và giải pháp phòng chống HIV/AIDS tổng thể và dài hạn, bảo đảm cho công tác này được thực hiện với hiệu quả cao và bền vững. Những văn bản pháp luật và cơ chế này đảm bảo người có HIV/AIDS có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ pháp luật quy định, có quyền sống hòa nhập với cộng đồng và xã hội, có quyền có công ăn việc làm, quyền được giữ bí mật riêng tư, và có trách nhiệm phòng lây nhiễm sang người khác. Tất cả những quy định này không gì khác là nhằm đảm bảo cho người có HIV/AIDS có được một cuộc sống bình thường, bình đẳng với tất cả mọi người trong xã hội và đảm bảo ngăn chặn sự lây lan của virus HIV trong cộng đồng.
Hiệu quả thực thi
Từ hệ thống văn bản pháp luật cụ thể cũng như những hoạch định từ Chiến lược quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS, các tổ chức, địa phương đã tiến hành các hoạt động hỗ trợ pháp lý, tư vấn sức khỏe y tế, điều trị kết hợp hỗ trợ bảo hiểm y tế cho người có HIV/AIDS. Số lượng người có HIV/AIDS có thẻ bảo hiểm y tế đã tăng lên đáng kể. Thuốc ARV đã được đưa vào danh mục thuốc do Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả. Theo quy định hiện hành, trẻ em có HIV/AIDS dưới 6 tuổi, người có HIV/AIDS là người nghèo, dân tộc thiểu số được chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế. Mức chi trả cho người cận nghèo, người đã nghỉ hưu là 95% và cho các đối tượng khác là 80%. Như vậy, người có HIV/AIDS khi tham gia Bảo hiểm y tế sẽ chỉ phải trả tối đa là 20% chi phí điều trị cho các dịch vụ y tế như khám bệnh, xét nghiệm, mua thuốc ARV, điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội... Hiện nay, toàn quốc có 312 phòng khám ngoại trú, 526 điểm cấp phát thuốc ARV tại các xã, phường; đặc biệt thuốc ARV cũng được cấp phát tại các trại giam cho phạm nhân nhiễm HIV/AIDS. Tính tới năm 2015, có 95.752 bệnh nhân điều trị ARV, trong đó có 4.596 trẻ em; tỷ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con đã giảm từ 10,8% năm 2010 xuống 3,2% năm 2014. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 227.000 người có HIV/AIDS còn sống; số ca nhiễm mới mỗi năm vào khoảng 12.000 đến 14.000 người. Nhìn chung, tích lũy số người nhiễm HIV còn sống vẫn tăng nhưng số người nhiễm HIV mới có xu hướng giảm. Tính đến cuối năm 2015, số ca nhiễm mới đã giảm hơn 60% và số người tử vong do AIDS giảm 50% so với năm 2007.
Bên cạnh những biện pháp mang tính chuyên môn y tế, Chính phủ, trực tiếp là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cũng thực thi nhiều giải pháp hỗ trợ sinh kế cho người có HIV/AIDS. Ví dụ như Quyết định 29/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ký năm 2014 về tín dụng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV/AIDS và người sau cai nghiện. Theo đó, từ ngày 15-6-2015, người có HIV/AIDS và người sau cai nghiện được vay vốn sản xuất nhiều lần với mức tối đa đối với cá nhân là 20 triệu đồng và hộ gia đình là 30 triệu đồng. Quyết định này đã được thực hiện thí điểm tại 15 địa phương cấp tỉnh trong giai đoạn 2015-2016 và được triển khai rộng rãi trên toàn quốc từ năm 2017. Những giải pháp này không chỉ giúp người bệnh có được thu nhập để cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn góp phần cởi bỏ tâm lý mặc cảm, tự ti của người có HIV/AIDS, giúp họ bình đẳng hơn trong cộng đồng dân cư và đối với các tầng lớp xã hội khác. Thông qua lao động, họ cũng khẳng định được giá trị bản thân, giành lại được sự tôn trọng, đóng góp vào nền kinh tế quốc dân và tiến bộ xã hội.
Mặt khác, có thể thấy Việt Nam đã có bước tiến dài trong thay đổi nhận thức của cá nhân và tổ chức về vấn đề HIV/AIDS. Các cơ quan báo chí, truyền thông và các cơ quan tuyên truyền đặc biệt (như Phòng truyền thông và huy động cộng đồng - Cục Cục phòng chống HIV/AIDS Việt Nam) đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức về virus HIV và đại dịch AIDS, từ đó giảm kỳ thị, định kiến đối với nhóm người có HIV/AIDS, đặc biệt là giảm kỳ thị trong điều trị và tạo sinh kế, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của cộng đồng, xóa đi mặc cảm cho người bệnh. Thực tế cho thấy, nhiều đơn vị, doanh nghiệp hiện nay không còn phân biệt đối xử với người có HIV/AIDS. Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị sản xuất đã quan tâm hơn, trực tiếp chỉ đạo các cơ quan chức năng chăm sóc sức khoẻ, sắp xếp công việc phù hợp cho người lao động có HIV/AIDS. Người có HIV/AIDS ở cộng đồng cũng được tham gia các hoạt động và hưởng quyền lợi như mọi người… Theo số liệu thống kê, chỉ riêng trong quý I năm 2015, đã có 2,9 triệu lượt người được truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS. Theo đó, người dân được giải thích cụ thể về cơ chế lây nhiễm, khả năng xử lý hiệu quả trong trường hợp xảy ra phơi nhiễm. Việt Nam cũng chú trọng đẩy mạnh xã hội hóa công tác phòng, chống HIV/AIDS nhằm đảm bảo cung cấp có hiệu quả các dịch vụ an sinh xã hội cho người có HIV/AIDS và những người bị ảnh hưởng, phát huy truyền thống tương thân, tương ái, chăm sóc, giúp đỡ của cộng đồng, chống định kiến, kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người có HIV/AIDS.
Dù còn khó khăn trong thực tế triển khai, những giải pháp đề ra trong hệ thống chính sách, cơ chế ưu tiên đã đem lại nhiều kết quả tích cực, thể hiện sự quan tâm chăm lo đặc biệt của Đảng, Nhà nước Việt Nam đối với các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nói chung và nhóm người có HIV/AIDS nói riêng.
HỮU DƯƠNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét