Thứ Hai, 22 tháng 1, 2018

Chuẩn mực đạo đức của người đảng viên Cộng sản trong di sản lý luận của V.I. Lê-nin về xây dựng Đảng




Yêu cầu về các chuẩn mực đạo đức của người đảng viên cộng sản luôn được V.I.Lê-nin quan tâm và không tách rời với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức - Nguồn: bantuyengiao.cantho.gov.vn
Trong diễn văn đọc tại Đại hội III toàn Nga của Đoàn Thanh niên cộng sản Nga (ngày 02-10-1920), V.I. Lê-nin không chỉ đưa ra quan niệm về đạo đức cộng sản - “đạo đức đó là những gì góp phần phá hủy xã hội cũ của bọn bóc lột và góp phần đoàn kết tất cả những người lao động chung quanh giai cấp vô sản đang sáng tạo ra xã hội mới của những người cộng sản”, mà còn nói rõ về nguồn gốc, yêu cầu, mục đích, cơ sở của đạo đức cộng sản. Ông nhấn mạnh: “Đạo đức của chúng ta là từ những lợi ích của cuộc đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản mà ra”; “Đạo đức của chúng ta phải hoàn toàn phục tùng lợi ích đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản”; đạo đức cộng sản “là đạo đức nhằm đoàn kết những người lao động chống mọi sự bóc lột, chống mọi chế độ tư hữu nhỏ”; “Cơ sở của đạo đức cộng sản là cuộc đấu tranh để củng cố và hoàn thành công cuộc xây dựng chủ nghĩa cộng sản”(1).
Các chuẩn mực đạo đức của người đảng viên cộng sản được nói tới trong nhiều tác phẩm, bài viết, diễn văn, thư từ của V.I.Lê-nin được viết vào giai đoạn sau Cách mạng Tháng Mười, như qua các tác phẩm: Những nhiệm vụ trước mắt của Chính quyền Xô-viết; Sáng kiến vĩ đại; Bệnh ấu trĩ “tả khuynh” trong phong trào cộng sản; Khủng hoảng của Đảng; Về vấn đề thanh đảng; Về tác dụng của chủ nghĩa duy vật chiến đấu; Thà ít mà tốt;... qua một số bài viết: Lập trường của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Công nhân dân chủ-xã hội (b) Nga trong việc ký hòa ước riêng rẽ và có tính chất thôn tính; Trả lời câu hỏi của một nông dân; Lại bàn về công đoàn, về tình hình trước mắt; Về những điều kiện kết nạp đảng;... và qua các diễn văn tại Đại hội I toàn Nga; tại Đại hội toàn Nga các hội đồng kinh tế quốc dân; tại Đại hội I các công xã và ác-ten nông nghiệp; tại phiên bế mạc Đại hội IX Đảng Cộng sản (b) Nga;... và qua nhiều bức thư cuối cùng gửi đại hội đảng, gửi các ủy viên Bộ Chính trị, gửi Ban Chấp hành Trung ương, gửi các đồng chí lãnh đạo đảng và nhà nước Xô-viết,...
Dưới đây là khái quát một số chuẩn mực đạo đức của người đảng viên cộng sản từ các tác phẩm, bài viết, diễn văn và thư từ nói trên của V.I. Lê-nin.
Phẩm chất trung thành 
Phẩm chất trung thành của những người đảng viên cộng sản, theo V.I. Lê-nin được thể hiện ở chỗ: Trước hết, đó là lòng trung thành tuyệt đối với Đảng. Trong “Thư gửi P.A. Da-lu-txơ-ki, A.A. Xôn-txơ và tất cả các ủy viên Bộ Chính trị về vấn đề thanh đảng và những điều kiện kết nạp đảng” và “Những nhận xét về Dự thảo Nghị quyết của Hội nghị XI Đảng Cộng sản (b) Nga về việc thanh đảng”, khi kết luận về vấn đề thời gian dự bị đối với đảng viên mới, V.I. Lê-nin cho rằng: “Trong những trường hợp đặc biệt, thời gian dự bị này có thể giảm xuống một nửa, khi mà lòng trung thành với đảng và tinh thần kiên cường cộng sản đã được chứng minh đầy đủ…”(2). Tiếp theo, đó là lòng trung thành với cách mạng. Lòng trung thành của người cộng sản với sự nghiệp cách mạng của Đảng là một trong những điều kiện cơ bản để thực hành và giữ vững “kỷ luật sắt” của Đảng. Khi lý giải “cái gì làm cho kỷ luật của đảng cách mạng của giai cấp vô sản được vững chắc?” V.I. Lê-nin nhấn mạnh: “…đó là sự giác ngộ của đội tiên phong của giai cấp vô sản và lòng trung thành của nó đối với cách mạng,…”(3). Thứ nữa, đó là trung thành với sự nghiệp giải phóng nhân dân lao động. Đây là một trong những điều kiện bắt buộc kết nạp Đảng. Trong Diễn văn Bế mạc Đại hội IX Đảng Cộng sản (b) Nga, V.I. Lê-nin yêu cầu: “Chỉ có những người thực sự trung thành với sự nghiệp giải phóng của nhân dân lao động, mới có thể gia nhập đảng được”(4). 
Tinh thần tự giác gánh vác nhiệm vụ và lòng hy sinh phục vụ chủ nghĩa cộng sản
Trong bối cảnh Chính quyền Xô-viết non trẻ đang phải dốc sức cho những nhiệm vụ vừa tái thiết nền kinh tế đất nước bị kiệt quệ, vừa đối phó với sự chống phá điên cuồng từ phía các thế lực “thù trong, giặc ngoài” thì việc vận động đảng viên xung phong ra mặt trận hay tham gia những ngày thứ bảy cộng sản, theo V.I. Lê-nin, đã thực sự là những biện pháp hữu hiệu nhất để thanh trừ ra khỏi đảng “bọn luồn lọt vào đảng”. Trong bối cảnh như vậy, chỉ có những đại biểu ưu tú của quần chúng, những con người luôn thường trực trong mình một tinh thần tự giác “gánh một công tác gian khổ hơn lúc bình thường và lại nguy hiểm hơn” và sẵn sàng “hy sinh quên mình phục vụ chủ nghĩa cộng sản”(5) mới xứng đáng là những đảng viên cộng sản chân chính.
Giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng
V.I. Lê-nin luôn nhấn mạnh: sự thống nhất và đoàn kết trong Đảng, sự hoàn toàn tín nhiệm, tin tưởng lẫn nhau và tình đồng chí, đồng tâm hợp lực trong công tác ở những đảng viên cộng sản là yêu cầu đặc biệt cần thiết. Người cộng sản phải giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, trước hết, trên quan điểm của Đảng và của giai cấp vô sản. Trong Dự thảo Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về việc khai trừ X.A. Lô-dốp-xki ra khỏi Đảng, V.I. Lê-nin đã chỉ rõ lý do phải khai trừ X.A. Lô-dốp-xki - một trong những người giữ chức vụ quan trọng trong phong trào công đoàn Nga khi đó - ra khỏi đảng, bởi ông ta đã công khai tuyên bố những quan điểm hoàn toàn khác hẳn những quan điểm của Đảng và của giai cấp vô sản cách mạng, như phủ nhận nền chuyên chính vô sản - một thời kỳ tất yếu của bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội; phủ nhận vai trò của giai cấp vô sản trong cách mạng xã hội chủ nghĩa; …
Giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong đảng phải trên tinh thần thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ. Tranh luận, thảo luận, theo V.I.Lê-nin, là cần thiết để phát huy dân chủ trong Đảng. Những bất đồng, thậm chí cả bất đồng trong nội bộ Ban Chấp hành Trung ương đều cần thiết phải được đưa ra trước toàn Đảng để tranh luận, có như vậy mới vạch ra được một cách cụ thể thực chất và phạm vi của những bất đồng, mới chấm dứt được những lời đồn đại, xuyên tạc hay thổi phồng những sự bất đồng. Song, yêu cầu của việc tranh luận, thảo luận được đặt ra là “sau những cuộc tranh luận và bàn cãi, chúng ta phải mạnh hơn khi mới bắt đầu tranh luận…”. Và “Một khi quyết định đã được thông qua, thì toàn đảng phải ủng hộ nó…toàn thể đảng viên, vì nghĩa vụ đảng viên của mình, và để duy trì sự thống nhất trong chính ngay hàng ngũ của đảng, - đều phải chấp hành những quyết định của cơ quan lãnh đạo trung ương của mình, tức là Ban Chấp hành trung ương đảng”(6).
Giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong đảng phải trên tinh thần triệt để tuân theo kỷ luật đảng. Phê phán “những người cộng sản cánh tả” có thái độ “đối lập” trong nội bộ đảng sau khi hòa ước Bret được ký kết, như việc Bu-kha-rin đã từ chối không nhận chức vụ ủy viên Ban Chấp hành Trung ương do đại hội đảng giao cho; Xmiếc-nốp, Ô-bô-len-xki, I-a-cô-vlê-va đã từ chức bộ trưởng dân ủy và chủ nhiệm Hội đồng kinh tế quốc dân tối cao,…V.I. Lê-nin đã thẳng thắn vạch rõ: “Đó là những hành động hoàn toàn không trung thực, không đồng chí, vi phạm kỷ luật của đảng; …”(7).
Giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong đảng phải trên tinh thần kiên quyết đấu tranh chống các hoạt động bè phái. V.I.Lê-nin cảnh báo: bất kỳ bè phái nào cũng là tai hại,…hoạt động bè phái nhất định sẽ làm yếu sự đồng tâm hợp lực trong công tác và tạo cho những kẻ thù, đang luồn vào đảng chấp chính, có điều kiện để tăng cường những mưu toan khoét sâu thêm sự chia rẽ, và lợi dụng sự chia rẽ đó để thực hiện những mục đích phản cách mạng. Trong Dự thảo quyết định của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản (b) Nga (năm 1921), V.I. Lê-nin yêu cầu: Chấm dứt hoàn toàn và triệt để cuộc đấu tranh bè phái và ai đấu tranh bè phái sẽ bị khai trừ ra khỏi đảng.
Tận tâm, tận tụy, trách nhiệm với công việc
Chuẩn mực đạo đức này, trước tiên, được xem là một trong những điều kiện để kết nạp những quần chúng ưu tú vào Đảng. Trong “Ghi chép về những điều kiện kết nạp Đảng” cùng với những điều kiện về thành phần bản thân là công nhân hay nông dân; trên cơ sở kết quả thẩm tra; lấy ý kiến đánh giá của quần chúng ngoài đảng; …V.I.Lê-nin yêu cầu: người được kết nạp vào đảng phải có “Thái độ tận tâm đối với công tác”. 
Thái độ tận tâm, tận tụy với công việc còn là một tiêu chí để các xô-viết lựa chọn những người đảm đương cương vị công tác được giao. V.I.Lê-nin mong muốn: “Phải làm cho nước Nga hết sạch “những rơi rớt” của lối sống địa chủ và tư bản; bọn này tự cho phép mình xử sự như những tên ‘trưởng quan” trong khi theo pháp luật của nước cộng hòa công nông của chúng ta thì họ phải là những người do các xô-viết bầu ra và phải là tấm gương làm việc tận tụy và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật…”(8).
Để phát huy được tinh thần trách nhiệm cá nhân đối với việc thực hiện nhiệm vụ được giao, bên cạnh ý thức tự giác của mỗi người, duy trì chế độ lãnh đạo tập thể là cần thiết, V.I.Lê-nin đòi hỏi phải thiết lập và thi hành một chế độ trách nhiệm cá nhân rõ ràng, cụ thể, chính xác, nghĩa là một người nhất định hoàn toàn chịu trách nhiệm về thực hiện một công việc nhất định. Đó chính là nguyên tắc quản lý cơ bản theo tinh thần của tất cả các nghị quyết của Đảng và các cơ quan xô-viết. Khi quyết định về công tác của các phó chủ tịch Hội đồng bộ trưởng dân ủy và Hội đồng lao động và quốc phòng (tháng 4-1922), cùng với yêu cầu về trách nhiệm, trước hết là của các ủy viên các ban lãnh đạo và của những cán bộ xô-viết trọng yếu, sau nữa của toàn thể cán bộ xô-viết, đều được quy định một cách cực kỳ chính xác cho từng người một, V.I. Lê-nin còn nhấn mạnh sự cần thiết phải đấu tranh không khoan nhượng với hiện tượng không dứt khoát, không rành mạch về nhiệm vụ được giao cho mỗi người và tình trạng hoàn toàn vô trách nhiệm do hiện tượng đó gây ra. Thực hiện nghiêm túc chế độ trách nhiệm cá nhân còn là biện pháp khắc phục hiện tượng lề mề và hiện tượng trốn tránh trách nhiệm.
Tuy nhiên, V.I. Lê-nin cũng nhắc nhở việc lựa chọn người giao nhiệm vụ phải rất chú trọng đến khả năng lãnh đạo công tác thực tiễn của cán bộ đó, tránh sai lầm trong việc giao nhiệm vụ, như tình trạng mà V.I. Lê-nin đã chỉ ra “Ở ta hiện nay cương vị lãnh đạo một cơ quan thường được giao cho một người cộng sản - một người có tấm lòng trung thực không còn phải nghi ngờ gì nữa,…nhưng lại là một người không biết buôn bán; và căn cứ vào đấy người ta đã cử đồng chí đó lãnh đạo một tờ-rớt quốc doanh…”(9).
Tinh thần gương mẫu
Trong Diễn văn tại hội nghị các bí thư chi bộ thuộc Đảng bộ Mát-xcơ-va ngày 26-11-1920, V.I.Lê-nin yêu cầu toàn thể các đảng viên cộng sản nói chung và các bí thư chi bộ dự Hội nghị nói riêng “phải lấy gương mẫu để tuyên truyền: phải làm gương mẫu cho người ngoài đảng”. Tinh thần gương mẫu, nêu gương, làm gương của người đảng viên cộng sản được V.I. Lê-nin đề cập đến trong một số bài viết, bài diễn văn với những nội dung như: 
Làm gương về lòng trung thành đối với lợi ích của quần chúng lao động và tinh thần kiên quyết đấu tranh, sẵn sàng hy sinh trong cuộc đấu tranh chống đế quốc. Tổng kết Tuần lễ đảng ở Mat-xcơ-va trong tháng 10-1919, V.I. Lê-nin đánh giá: “Tầng lớp tiên tiến của giai cấp vô sản nắm chính quyền nhà nước…đã tự mình làm gương cho quần chúng lao động thấy một mẫu mực về lòng trung thành đối với lợi ích của những người lao động, về tinh thần kiên quyết đấu tranh với kẻ thù của những người lao động …, về thái độ kiên định trong những giờ phút gay go, về tinh thần đấu tranh một lòng hy sinh chống bọn đế quốc ăn cướp trên toàn thế giới”(10).
Làm gương về kỷ luật lao động. Trong Chỉ thị gửi các tổ chức đảng dưới tiêu đề Hãy đấu tranh với nạn khủng hoảng nhiên liệu được đăng trên báo Sự thật và Tin tức của ban chấp hành các Xô-viết toàn Nga vào ngày 13-11-1919, khi chỉ đạo các tổ chức đảng phải tiến hành thường xuyên hơn, tích cực hơn, có hệ thống và có tổ chức hơn những ngày thứ bảy cộng sản, V.I. Lê-nin cũng đồng thời đặt ra yêu cầu “các đảng viên phải đi trước tất cả về mặt kỷ luật lao động và nỗ lực công tác” trong hoạt động đó.
Nêu tấm gương lao động thật sự cộng sản chủ nghĩa. Đến dự Đại hội I các công xã và ac-ten nông nghiệp (tháng 12-1919), V.I. Lê-nin nhấn mạnh: “Không gì có thể làm tăng thêm uy tín của đảng cộng sản…(khi) các đảng viên của đảng cộng sản đang cầm quyền đã gánh lấy những nghĩa vụ của mình… nêu lên những tấm gương lao động thật sự cộng sản chủ nghĩa”.
Khiêm tốn, cầu thị, không “kiêu ngạo cộng sản”, không tự phụ, không tự cao tự đại
Trong bài viết Chính sách kinh tế mới và những nhiệm vụ của các ban giáo dục chính trị để báo cáo tại Đại hội II toàn Nga các ban giáo dục chính trị ngày 17-10-1921, V.I.Lê-nin đã vạch ra ba thứ kẻ thù chính - kẻ thù “nội xâm” mà những người cộng sản Nga phải kiên quyết đấu tranh tiêu diệt chúng. Một trong ba thứ kẻ thù ấy, kẻ thù mà V.I. Lê-nin nói đến đầu tiên, chính là “tính kiêu ngạo cộng sản chủ nghĩa”, tức “tưởng rằng chỉ bằng những pháp lệnh cộng sản là có thể giải quyết được tất cả mọi nhiệm vụ của mình”. V.I.Lê-nin cảnh báo, rằng “Không có gì nguy hại và tai hại đối với chủ nghĩa cộng sản bằng thói lên mặt ta đây là cộng sản”(11); rằng “nếu một người cộng sản cứ tưởng rằng ta biết tất cả rồi, … thì chính cái tâm trạng ngự trị trong chúng ta đó làm cho chúng ta thất bại”(12).
Để thủ tiêu được kẻ thù nguy hại và tai hại này, V.I.Lê-nin dạy, trước hết, những người đảng viên cộng sản phải nhận thức rõ rằng không thể xây dựng chủ nghĩa cộng sản bằng việc chỉ dựa vào những kết luận cộng sản và chỉ thuộc lòng những khẩu hiệu cộng sản. Người ta chỉ có thể trở thành người cộng sản khi biết làm giàu trí óc của mình bằng sự hiểu biết tất cả những kho tàng trí thức mà nhân loại đã tạo ra; đồng thời phải khắc phục triệt để “tư tưởng hết sức ngây thơ và sai lầm là chỉ trông vào bàn tay của những người cộng sản để xây dựng xã hội cộng sản” mà không hiểu rằng những người cộng sản chỉ là “một giọt nước trong đại dương nhân dân” mà thôi;Thứ hai, phải biết gạt bỏ thái độ huênh hoang “cộng sản” “tính tự phụ kiểu trí thức”; “tính tự cao tự đại của người cộng sản”. V.I. Lê-nin đã từng cảnh báo thái độ tự cao tự đại cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến các đảng cách mạng đi đến chỗ tiêu vong. Thứ ba, phải ra sức học tập bằng nhiều cách, như “phải học tập làm việc một cách có hệ thống”; phải học những chuyên gia và bác học tư sản nhiều hơn nữa và “phải học tập để biết phân tích một cách thiết thực và kỹ lưỡng vô số các sai lầm thực tế của chúng ta, và sửa chữa các sai lầm đó dần, nhưng triệt để”; “nghiên cứu nhiều hơn nữa những cái mà kinh nghiệm thực tế của chúng ta, ở trung ương cũng như ở địa phương, đem lại, và những cái mà khoa học đã đem lại cho chúng ta”; “phải có thái độ khiêm tốn và tôn trọng công tác thiết thực của “các chuyên gia khoa học và kỹ thuật”;…
Thái độ khách quan, không thiên vị, không hẹp hòi, không có đầu óc bè phái, phường hội
Nói về những nhiệm vụ trước mắt của công tác xây dựng Đảng tại Hội nghị IX toàn Nga của Đảng ngày 24-9-1920, khi phân tích hoàn cảnh khó khăn chưa từng thấy của nước Cộng hòa xô-viết trong những năm đầu sau Cách mạng Tháng Mười, V.I. Lê-nin nhấn mạnh sự cần thiết tất yếu phải đặc biệt chú trọng tập trung sức lực và tiền của không chỉ vào những ngành mà còn vào những nhóm cán bộ, những người “có thâm niên, có uy tín, không có đầu óc thiên vị,…” để giải quyết tình trạng và nguy cơ trên. Thừa nhận sự cần thiết phải thành lập Ban Kiểm tra Trung ương song song với Ban Chấp hành Trung ương, V.I. Lê-nin yêu cầu: “thành phần ban này phải gồm những đồng chí có trình độ nhất định trong lĩnh vực công tác đảng, có kinh nghiệm nhất, không thiên vị và có khả năng thực hiện công tác kiểm tra hoàn toàn theo tinh thần của đảng”. Yêu cầu này cũng được V.I. Lê-nin nhắc lại trong Đề án gửi Đại hội XII của Đảng về Kế hoạch cải tổ cải Bộ dân ủy thanh tra, đó là “những ủy viên Ban kiểm tra trung ương có nhiệm vụ tham dự…vào mỗi phiên họp của Bộ chính trị, sẽ phải là một nhóm cố kết, nó, “không được vị nể cá nhân”, …, và nói chung, nắm được tình hình hết sức rõ ràng và xử lý mọi việc hết sức đúng đắn”(13).
Cùng với yêu cầu những đảng viên cộng sản phải có thái độ khách quan, không thiên vị, V.I.Lê-nin còn nhắc nhở những người đảng viên cộng sản không được tiêm nhiễm trong mình “đầu óc bè phái” hay bệnh hẹp hòi, thiên kiến phường hội, “phải thực sự công tác làm sao cho đoàn kết hơn, gắn bó hơn trước kia, để loại trừ hẳn những dấu vết dù nhỏ nhất của đầu óc bè phái,…nhất quyết không để một dấu vết nào của óc bè phái tồn tại…”. Phê phán thiên hướng công đoàn chủ nghĩa và vô chính phủ của nhóm”đối lập công nhân” trong Đảng, V.I. Lê-nin nhấn mạnh: “chỉ có chính đảng của giai cấp công nhân… mới có thể chống lại nổi những truyền thống và sự tái phạm không thể tránh khỏi của bệnh hẹp hòi phường hội hoặc của những thiên kiến phường hội trong giai cấp vô sản”(14). 
Không tham ô, hối lộ
Một kẻ thù chính - kẻ thù “nội xâm” nữa là tệ tham ô, hối lộ. V.I. Lê-nin coi tệ nạn tham ô, hối lộ như “một cái ung nhọt” cần phải cắt bỏ một cách cấp bách và không thể trì hoãn. Một đạo luật chỉ có thể đưa đến kết quả xấu hơn, nếu trên thực tiễn nó được đem áp dụng trong điều kiện nạn tham ô, hối lộ vẫn còn hoành hành và vẫn chưa bị xử nghiêm. Để đấu tranh chống nạn tham ô, hối lộ, theo V.I.Lê-nin, trước hết, những người đảng viên cộng sản, nhất là những người được giao trọng trách, phải không được mắc vào tệ bệnh này. Thứ hai, thẳng tay xử lý những kẻ tham ô, hối lộ. Trong Dự thảo quyết định của hội đồng bộ trưởng dân ủy (tháng 3-1918) V.I.Lê-nin yêu cầu: “Thành lập những tòa án nhanh chóng kịp thời và thực sự thẳng tay - cách mạng đối với bọn ăn hối lộ…” với khung hình phạt tùy theo mức độ vi phạm, từ lao động cưỡng bức, tù giam đến tử hình. Trong thư Gửi Đ.I. Cuốc-xki (tháng 5-1918), V.I. Lê-nin chỉ đạo “Cần phải đệ trình ngay, hết sức cấp tốc, dự luật quy định rằng mức trừng phạt về tội ăn hối lộ (ăn của đút, mua chuộc, môi giới cho việc hối lộ và những tội khác,…) phải không dưới mười năm ngồi tù và thêm vào đó mười năm lao động cưỡng bức”. Còn trong thư Gửi Ia.Kh. Pê-téc-xơ (tháng 3-1922), V.I.Lê-nin yêu cầu “Cục bảo vệ chính trị nhà nước có thể và phải đấu tranh và đưa ra tòa xử bắn về tội ăn hối lộ” và trên thực tế Chính quyền xô viết đã tử hình không ít những đảng viên có cương vị công tác nhưng đã thoái hóa, biến chất, đã sa vào tệ tham ô, hối lộ... Thứ ba, nghiêm khắc xử lý cả những đảng viên dung túng cho những kẻ tham ô, hối lộ, với các hình thức xử lý từ truy tố trước pháp luật đến khai trừ ra khỏi đảng. Thứ tư, phải nâng cao trình độ dân trí. V.I.Lê-nin nhấn mạnh chỉ có nâng cao trình độ học vấn (của quần chúng) lên mới có thể đấu tranh hữu hiệu với nạn hối lộ, mà trước hết là cần cần tiêu diệt nạn mù chữ - mảnh đất dung dưỡng cho nạn hối lộ tồn tại.
Tiết kiệm, tránh lãng phí
Trong tác phẩm Những nhiệm vụ trước mắt của Chính quyền Xô-viết, những khẩu hiệu, như “Hãy tính toán tiền nong cho cẩn thận và thành thực”, “Hãy chi tiêu tiết kiệm”, “Hãy triệt để tuân theo kỷ luật trong lao động”…được V.I. Lê-nin coi là những khẩu hiệu chủ yếu trước mắt của Chính quyền Xô-viết và đã nhấn mạnh ý nghĩa to lớn của việc thực hiện những khẩu hiệu đó ở chỗ: Một mặt, việc quần chúng lao động áp dụng trong thực tiễn những khẩu hiệu ấy là điều kiện duy nhất để cứu đất nước đã bị cuộc chiến tranh đế quốc tàn phá một cách khủng khiếp; mặt khác, việc Chính quyền Xô-viết áp dụng trong thực tiễn những khẩu hiệu ấy là điều kiện cần thiết và đầy đủ để bảo đảm thắng lợi triệt để của chủ nghĩa xã hội.
Phát biểu tại Đại hội VII bất thường của Đảng (tháng 3-1918), V.I. Lê-nin kêu gọi việc tổ chức thi đua giữa tất cả các công xã tiêu dùng và sản xuất trong nước không chỉ để nhằm nâng cao không ngừng tính tổ chức, tính kỷ luật, năng suất lao động, nhằm chuyển lên một trình độ kỹ thuật cao hơn, mà còn nhằm tiết kiệm lao động và sản phẩm
Trong thư gửi Đoàn Chủ tịch Đại hội V Công đoàn những người làm công tác xô-viết toàn Nga (tháng 11-1922), V.I. Lê-nin nhắc đến việc phải tiết kiệm các khoản chi tiêu phi sản xuất. “Nhiệm vụ cấp thiết chủ yếu nhất trong lúc này, và cũng vẫn còn là nhiệm vụ quan trọng nhất trong những năm sắp tới, là không ngừng tinh giản bộ máy xô-viết và giảm bớt chi phí của nó bằng cách giảm nhẹ biên chế, cải tiến tổ chức, …và giảm bớt các khoản chi tiêu phi sản xuất”(15).
Ở tác phẩm Thà ít mà tốt V.I. Lê-nin căn dặn những người cộng sản phải thực hành tiết kiệm nghiêm ngặt để trừ bỏ được cả đến những lãng phí nhỏ nhất trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội, phải thực hành tiết kiệm tột mức trong bộ máy nhà nước.
Tiết kiệm để không ngừng tăng năng suất lao động, để tăng kinh phí cho các trường học, tổ chức nhà đọc sách nhằm xóa bỏ nạn mù chữ hay cho các chuyến thâm nhập thường xuyên của giáo viên về nông thôn để thông qua họ làm cho giai cấp nông dân ngày càng liên minh chặt chẽ hơn với giai cấp công nhân;…
Cùng với thực hành tiết kiệm phải đồng thời đấu tranh chống lãng phí. V.I.Lê-nin kịch liệt phê phán “những người cộng sản lên mặt là quan cai trị… Họ không lo tiết kiệm cái đồng cô-pếch đã giao cho họ, và họ không tìm cách làm cho nó một biến thành hai, mà lại đi xây dựng những kế hoạch hàng tỉ, thậm chí cả hàng tỉ tỉ đồng xô-viết nữa. Đấy chính là cái bệnh mà chúng ta phải tiến hành đấu tranh”.
Không ham địa vị, không lạm quyền, không đặc quyền, đặc lợi
V.I. Lê-nin đòi hỏi những đảng viên cộng sản nêu cao tinh thần gánh vác nhiệm vụ, tuyệt đối không ham địa vị, không nhiễm tư tưởng lạm quyền để hưởng đặc quyền đặc lợi khi đảng cầm quyền. Trong Diễn văn tại phiên họp của Ban Chấp hành Đảng bộ Mat-xcơ-va được tổ chức vào ngày 16-8-1918 về việc tổ chức những nhóm cảm tình đảng, V.I.Lê-nin tuyên bố: “Không thể thu nhận những kẻ vào đảng để kiếm địa vị; phải đuổi những kẻ đó ra khỏi đảng”.
Vạch ra những nhiệm vụ cơ bản của chuyên chính vô sản ở Nga trong Dự thảo Cương lĩnh của Đảng cộng sản (B) Nga (tháng 2-1919), V.I.Lê-nin nhấn mạnh, rằng một trong những nhiệm vụ hàng đầu trong việc lựa chọn những biện pháp cải tạo xã hội chủ nghĩa “là đấu tranh chống những sự lạm quyền của những người đại diện Chính quyền xô-viết lạm dụng danh hiệu đảng viên cộng sản…” và ông cũng kiên quyết tuyên bố “phải thẳng tay đuổi cổ những bọn người như vậy” ra khỏi đảng bằng cách lập ra một chế độ kiểm soát chặt chẽ hơn”(16).
Trong hoàn cảnh vừa phải đối phó với “thù trong, giặc ngoài”, vừa phải tập trung sức cho nhiệm vụ xây dựng kinh tế, để tiến hành đấu tranh làm trong sạch đảng thì việc động viên người ra mặt trận và tham gia những ngày thứ bảy cộng sản, như V.I. Lê-nin đã nói đến trong bài viết “Nhà nước của công nhân và tuần lễ Đảng” (tháng 10-1919), đã trở thành những biện pháp hữu hiệu “để tranh trừ ra khỏi đảng những kẻ chỉ tìm cách “lợi dụng” những đặc lợi do địa vị đảng viên của đảng chấp chính đưa lại”.
Trung thực, không che giấu, dũng cảm nhận và quyết tâm sửa chữa sai lầm, khuyết điểm
V.I. Lê-nin từng dạy rằng, thái độ của một chính đảng trước những sai lầm của mình là một trong những tiêu chuẩn quan trọng nhất và chắc chắn nhất để xem xét đảng ấy có nghiêm túc không và có thực sự làm tròn nghĩa vụ của mình đối với giai cấp mình và đối với quần chúng lao động hay không. Ông viết “Công khai thừa nhận sai lầm, tìm ra nguyên nhân sai lầm, phân tích hoàn cảnh đã đẻ ra sai lầm, nghiên cứu cẩn thận những biện pháp để sửa chữa sai lầm ấy, - đó là dấu hiệu chứng tỏ một đảng nghiêm túc, đó là đảng làm tròn nghĩa vụ của mình,…”(17). Từ lịch sử thực tiễn phong trào đấu tranh của giai cấp vô sản ở Nga nói riêng và trên thế giới nói chung, V.I. Lê-nin đã cảnh báo, rằng tất cả những đảng cách mạng đã bị tiêu vong cho tới nay, đều bị tiêu vong vì không biết nhìn rõ cái gì tạo nên sức mạnh của mình và vì che giấu, không dám nói lên những nhược điểm của mình.
Đối với mỗi đảng viên cộng sản, V.I. Lê-nin coi việc dũng cảm nhận sai lầm, khuyết điểm và quyết tâm sửa chữa sai lầm, khuyết điểm không chỉ là việc tự giác phải làm mà còn phải là trách nhiệm của người đảng viên cộng sản. Trong Những luận cương để trình bày tại Đại hội II của Đảng được tổ chức vào tháng 7-1920, V.I.Lê-nin chỉ rõ: “Trách nhiệm của những người cộng sản không phải là giấu giếm những nhược điểm trong phong trào của mình, mà là công khai phê phán những nhược điểm đó, để khắc phục được chúng một cách nhanh chóng và triệt để hơn…(bằng cách) vạch rõ những con đường và phương pháp sửa chữa những thiếu sót trong phong trào…”(18).
Ngoài thái độ công khai, không giấu giếm những sai lầm, khuyết điểm của mình, người đảng viên cộng sản còn phải dũng cảm, không sợ phải thừa nhận và phải thật tỉnh táo thừa nhận những sai lầm, khuyết điểm, từ đó rút ra những bài học từ mỗi mỗi sai lầm, mỗi khuyết điểm. V.I. Lê-nin nhắc nhở: Những việc gì đã làm không tốt thì phải làm lại chu đáo hơn, thận trọng hơn và có hệ thống hơn. Ông nghiêm khắc phê phán những đảng viên cộng sản, những người cho rằng thừa nhận một thất bại cũng giống như bỏ một vị trí, sẽ gây ra tâm trạng chán nản và làm nhụt chí đấu tranh. Những nhà cách mạng như thế, theo V.I.Lê-nin, “thì phải nói rằng họ không đáng giá một đồng xu”.
Trung thực là một chuẩn mực đạo đức của người cộng sản mà V.I. Lê-nin nói đến khi khi phê phán những người cho rằng, sẽ lập tức thoát khỏi chủ nghĩa quan liêu nếu chỉ cần thông qua các cương lĩnh chống chủ nghĩa quan liêu. V.I. Lê-nin chỉ đích danh đó là những “kẻ bịp bợm, thích nói cho văn hoa mà thôi. Cần phải lập tức sửa chữa chủ nghĩa quan liêu cực đoan đó… không nói xấu thành tốt, không nói đen thành trắng”(19). 
Không quan liêu
Thái độ và phong cách quan liêu là biểu hiện xa lạ với tư cách đạo đức của những người đảng viên cộng sản chân chính. Song ở nước Nga Xô-viết sau Cách mạng Tháng Mười, mặc dù đã hoàn toàn “san phẳng được những thành trì” của bọn quan liêu (bộ máy nhà nước tư sản cũ), nhưng V.I.Lê-nin vẫn lưu ý, rằng cuộc đấu tranh với “bọn quan liêu” còn lâu mới chấm dứt, và khẳng định, muốn tiếp tục công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa thành công thì cần thiết và cấp bách phải tiếp tục đấu tranh chống chủ nghĩa quan liêu.
Đấu tranh chống chủ nghĩa quan liêu được V.I. Lê-nin coi là nhiệm vụ quan trọng nhất và phải được tiến hành trong tất cả các ngành, bằng nhiều biện pháp mà biện pháp trước hết là dựa vào quần chúng nhân dân. V.I. Lê-nin viết “Cuộc đấu tranh chống sự lệch lạc quan liêu chủ nghĩa đối với tổ chức xô-viết, được đảm bảo bởi tính vững chắc của những mối liên hệ gắn liền các xô-viết với “nhân dân”, nghĩa là với những người lao động và những người bị bóc lột; bởi tính chất linh hoạt và mềm dẻo của những mối liên hệ đó”(20).
Biện pháp tiếp theo là nâng cao trình độ văn hóa của cả quần chúng lẫn những người đảng viên cộng sản. V.I. Lê-nin từng dạy: Một người không biết chữ là người đứng ngoài chính trị. Chống nạn mù chữ là cần nhưng chưa đủ, cần phải có một nền văn hóa để giáo dục người ta chống bệnh quan liêu giấy tờ và cả nạn hối lộ.
Biện pháp sau nữa là thiết lập chế độ trách nhiệm cá nhân đối với công việc, nâng cao tinh thần trách nhiệm và cải tiến công tác, kiểm tra việc thực hiện công việc thực tế
Bám sát và tổng kết kinh nghiệm thực tiễn ở cơ sở cũng luôn là biện pháp hữu hiệu trong đấu tranh chống bệnh quan liêu. Tại Hội nghị X toàn Nga của Đảng (tháng 5-1921), V.I.Lê-nin nhắc nhở: những người cộng sản phải nghiên cứu những vấn đề ở địa phương, phải tính đến thực tế ở cơ sở và phải biết tổng kết kinh nghiệm thực tiễn từ công tác ở cơ sở.
Một biện pháp không thể thiếu là phải xử lý nghiêm khắc những người phạm căn bệnh này, kẻ cả truy tố trước tòa, thậm chí là tử hình. Trong thư gửi N.N.Cre-xtin-xki (tháng 12-1918) V.I.Lê-nin yêu cầu: “Nhất thiết phải tìm ra kẻ phạm vào tội quan liêu giấy tờ và đem truy tố trước tòa”; trong bức điện gửi Ủy ban đặc biệt Cuốc-xcơ (tháng 1-1919) có nội dung “…thái độ hình thức chủ nghĩa và quan liêu đối với công việc, thái độ không nhiệt tình giúp đỡ các công nhân…sẽ bị trừng trị nghiêm khắc, kể cả bị xử bắn”.
Tôn trọng, gần gũi, tin tưởng và phục vụ lợi ích của nhân dân
V.I. Lê-nin luôn nhắc nhở, muốn bảo đảm cho bất cứ hành động cách mạng quan trọng nào đi đến thành công, thì cũng đều phải hiểu và biết thực hành tư tưởng là: những người cộng sản chỉ có thể đóng vai trò đội tiên phong của giai cấp vô sản và chỉ làm tròn được sứ mệnh của mình khi biết gắn bó mật thiết và dắt dẫn toàn thể quần chúng tiến lên. Không có sự đồng tình ủng hộ của đại đa số nhân dân lao động đối với đội tiên phong của giai cấp vô sản, thì cách mạng vô sản không thể thực hiện được. Sự đồng tình ủng hộ đó không thể có ngay trong một sớm một chiều, mà phải trải qua cuộc đấu tranh giai cấp lâu dài, khó khăn, gian khổ mới giành được. Sau khi giành được chính quyền, cuộc đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản để giành lấy sự đồng tình và ủng hộ của đa số nhân dân lao động vẫn tiếp tục với các hình thức mới mà một trong những hình thức trước nhất là phải biết phát hiện và thu hút những tài năng từ quần chúng vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong tác phẩm Nhà nước của công nhân và tuần lễ đảng (tháng 10-1919), V.I.Lê-nin lưu ý: Tìm ra được những tài năng mới và lôi cuốn những người công nhân và nông dân bình thường tham gia công tác nhà nước không phải là việc dễ dàng. Nhưng những người cộng sản nhất thiết phải tiến hành công việc không dễ làm đó để khai thác những lực lượng mới trong giai cấp công nhân và nông dân lao động vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Đảng liên hệ chặt chẽ với giai cấp và với quần chúng, trước hết, thông qua các tổ chức công đoàn và sau nữa là thông qua những hội nghị công nhân và nông dân ngoài đảng, bởi chính qua những hội nghị này giúp Đảng “nhận xét tâm trạng của quần chúng, gần gũi họ, giải quyết những nhu cầu của họ, giao cho những phần tử tốt nhất trong số họ đảm nhiệm những chức vụ trong bộ máy nhà nước,…”(21).
Để thắt chặt hơn nữa mối liên hệ với quần chúng lao động V.I.Lê-nin cho rằng cần đưa những người không đảng xuất thân từ quần chúng công nhân và nông dân thường tham gia công tác của các xô-viết, mà trước hết là các công tác kinh tế. Dựa vào quần chúng, phát huy vai trò của quần chúng còn thể hiện trong việc “thu hút những người không đảng phái, làm cho những người không đảng phái kiểm soát hoạt động của các đảng viên để đẩy mạnh hoạt động của các Xô-viết.
Những chuẩn mực đạo đức của người đảng viên cộng sản theo tư tưởng của V.I.Lê-nin được trình bày trên đây, như phẩm chất trung thành; tinh thần tự giác gánh vác nhiệm vụ gian khổ, hiểm nguy và hy sinh quên mình phục vụ chủ nghĩa cộng sản; giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong đảng; tận tâm, tận tụy, trách nhiệm với công việc; tinh thần gương mẫu, nêu gương, làm gương; khiêm tốn, cầu thị, không “kiêu ngạo cộng sản”, không tự phụ, không tự cao tự đại; thái độ khách quan, không thiên vị, không hẹp hòi, không có đầu óc bè phái, phường hội; không tham ô, hối lộ; tiết kiệm, tránh lãng phí; không ham địa vị, không lạm quyền, không đặc quyền, đặc lợi; trung thực, không che giấu sai lầm, khuyết điểm, dũng cảm nhận sai lầm, khuyết điểm và quyết tâm sửa chữa; không quan liêu; tôn trọng, gần gũi, tin tưởng và phục vụ lợi ích của nhân dân;...vẫn có ý nghĩa và còn nguyên giá trị đối với chúng ta trong việc nghiên cứu, làm sáng tỏ nội dung xây dựng Đảng về đạo đức và hình thành bộ tiêu chí về phẩm chất đạo đức của người đảng viên cộng sản, nhằm góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng và chỉnh đốn Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh hiện nay./.
----------------------------------------------------------------------------------
(1) V.I.Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t.41, tr. 367-372
(2) V.I.Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t.44, tr.349
(3) V.I.Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t.41, tr.7-8
(4) V.I.Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t.40, tr.326
(5) V.I.Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t.39, tr.255-256
(6) V.I.Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t.35, tr.473
(7) V.I.Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t.36, tr.96
(8) V.I.Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t.37, tr.588
(9) V.I.Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t.45, tr.18
(10) V.I.Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t.39, tr.268
(11) V.I.Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t.52, tr.159
(12) V.I.Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t.45, tr.117
(13) V.I.Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t.45, tr.440
(14) V.I.Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t.43, tr.112
(15) V.I.Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t.45, tr.359
(16) V.I.Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t.38, tr.125
(17) V.I.Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t.41, tr.51
(18) V.I.Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t.41, tr.224
(19) V.I.Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t.42, tr.309
(20) V.I.Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t.36, tr.253
(21) V.I.Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t.41, tr.38
Nguyễn Tiến Nghĩa
Nguồn: Tạp chí Cộng sản

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét