(LLCT) - Mối quan hệ giữa tôn giáo và kinh tế là một nội dung cơ bản trong quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về tôn giáo. Đó là: tôn giáo có nguồn gốc từ kinh tế, do đời sống sản xuất vật chất sinh ra, sự tồn tại hay biến đổi của tôn giáo do đời sống kinh tế - xã hội quyết định. Tôn giáo là một cơ chế che giấu các mối quan hệ của đời sống xã hội hiện thực, khi chế độ sản xuất thay đổi, khoa học phát triển, đời sống vật chất, trình độ nhận thức của con người nâng cao sẽ làm cho tôn giáo suy giảm và cuối cùng sẽ mất đi, nhưng đó là một quá trình lâu dài và phức tạp. Mặt khác, với tư cách là một bộ phận của kiến trúc thượng tầng, tôn giáo cũng có sự tác động trở lại đối với cơ sở hạ tầng, trong đó có đời sống kinh tế.
Mối quan hệ giữa tôn giáo và kinh tếlà mối quan hệ phổ biến, xuyên suốt trong lịch sử, giống như mối quan hệ giữa tôn giáo và chính trị, tôn giáo và văn hóa. Khi bàn về mối quan hệ giữa tôn giáo và kinh tế, C.Mác và Ph.Ăngghen đặt tôn giáo trong mối quan hệ với hình thái kinh tế - xã hội, bị cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội quyết định. Quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về mối quan hệ giữa tôn giáo và kinh tế thể hiện ở những nội dung chủ yếu sau đây.
Một là, tôn giáo có nguồn gốc từ kinh tế - xã hội, sự tồn tại hay tiêu vong của tôn giáo do đời sống kinh tế - xã hội quyết định. C.Mác cho rằng, tôn giáo có nguồn gốc từ kinh tế - xã hội, là sản phẩm của sản xuất vật chất do con người sáng tạo ra. Theo Mác, đời sống kinh tế hay nói cách khác là sản xuất vật chất, có ý nghĩa quyết định đối với tôn giáo ở chỗ: nền sản xuất vật chất như thế nào thì sản sinh ra loại tôn giáo ấy với: “Nhà nước ấy, xã hội ấy sản sinh ra tôn giáo”(1).
Theo Ph.Ăngghen, sự tiến hóa của các hình thức tôn giáo phản ánh sự tiến triển của nền sản xuất vật chất và các hình thái kinh tế - xã hội nói chung. Đó là tiến trình từ “tôn giáo bộ lạc” đến “tôn giáo dân tộc” và “tôn giáo thế giới”(2). Mỗi hình thái tôn giáo đều được Ph.Ăngghen phân tích dựa trên những điều kiện kinh tế, xã hội, lịch sử cụ thể để chỉ ra những đặc trưng của nó.
Khi đời sống xã hội ở trình độ thấp trong thời nguyên thủy, thì “tôn giáo bộ lạc” là đặc trưng của xã hội thị tộc, bộ lạc: “Tất cả các tôn giáo thời cổ đều là những tôn giáo tự phát của bộ lạc”(3).
Khi xã hội phát triển ở trình độ cao hơn, xuất hiện giai cấp, dân tộc, thì các “tôn giáo dân tộc” ra đời và “lớn lên trong những điều kiện chính trị và xã hội của mỗi dân tộc và cùng phát triển với dân tộc ấy. Một khi cơ sở của các tôn giáo ấy bị phá vỡ, những hình thái xã hội kế thừa cái thiết chế chính trị và nền độc lập dân tộc bị phá vỡ, thì tất nhiên là tôn giáo tương ứng với chúng cũng sụp đổ theo”(4). Khi đó, “tôn giáo thế giới” xuất hiện, như trường hợp của đạo Kitô - một tôn giáo thế giới: “đã xuất hiện vào thời kỳ sụp đổ toàn bộ về kinh tế, chính trị, trí tuệ và đạo đức đó”(5).
Theo Mác, sở dĩ tôn giáo ra đời và tồn tại là do chính cơ sở kinh tế quyết định và do sự hạn chế trong mối quan hệ giữa con người với con người và con người với tự nhiên. Trong bộTư bản,C.Mác viết: “Các cơ cấu sản xuất xã hội đó được quyết định bởi trình độ phát triển thấp kém của những sức sản xuất của lao động và tính chất hạn chế tương ứng của các quan hệ của con người trong khuôn khổ quá trình sản xuất ra đời sống vật chất, tức là tính chất hạn chế của tất cả các mối quan hệ giữa người với nhau và với thiên nhiên. Và về mặt tư tưởng, tính chất hạn chế thực tế đó đã phản ánh vào trong tôn giáo cổ đại, thần thánh hóa thiên nhiên, và vào trong tín ngưỡng của nhân dân”(6).
Tuy vậy, trong mối quan hệ giữa tôn giáo và đời sống vật chất, giữa các hình thái tôn giáo và hình thái kinh tế - xã hội, C.Mác chưa có điều kiện đi sâu giải thích tại sao con người lại sản xuất ra tôn giáo dù biết đó là “sự phản ánh hư ảo”. Ph.Ăngghen giải thích việc sản xuất ra tôn giáo để làm cho “những người đau khổ và bất hạnh từ đời sống thống khổ trên trần gian lên thiên đường vĩnh cửu”(7). Còn V.I.Lênin đã giải thích rõ hơn là do “Sự bất lực của giai cấp bị bóc lột trong cuộc đấu tranh chống bọn bóc lột tất nhiên đẻ ra lòng tin vào cuộc đời tốt đẹp hơn ở thế giới bên kia”(8).
Khi nghiên cứu mối quan hệ giữa tôn giáo và kinh tế trong xã hội tư bản, C.Mác đã phát hiện racái “thần bí”, “siêu hình”, “kỳ quái thần học”(9) của hàng hóa tư bản, mà ông gọi đó là “tính chất bái vật giáo” gắn liền với các sản phẩm lao động khi những sản phẩm này được sản xuất ra với tư cách là hàng hóa, và do đó, tính chất bái vật giáo ấy không thể tách rời khỏi phương thức sản xuất hàng hóa được và chỉ rõ: “tính chất bái vật giáo luận của thế giới hàng hóa là do tính chất xã hội độc đáo của thứ lao động sản xuất ra hàng hóa đẻ ra”(10). Như vậy, theo C.Mác, chủ nghĩa bái vật giáo hàng hóalà một đặc tính của chủ nghĩa tư bản (CNTB). Đó là loại sản phẩm do lao động của con người khi trở thành hàng hóa đã có đặc tính “linh vật và những bí quyết của nó” thông qua quy luật giá trị. C.Mác luận giải từ lao động đến hàng hóa thông qua khâu trao đổi đã chứng minh rằng việc tôn thờ linh vật (hàng hóa) hay nói cách khác là quyền cai trị của hàng hóa là cái quyết định nhất dẫn đến thế giới tôn giáo. Cũng giống như tôn giáo, hàng hóa là sản phẩm do con người sản xuất ra, nhưng nó lại quay trở lại thống trị con người. Ông viết: “Trong tôn giáo con người bị sản phẩm của chính đầu óc mình thống trị, thì trong sản xuất tư bản chủ nghĩa cũng vậy, con người cũng bị chính sản phẩm của chính bàn tay mình thống trị”(11).
Trong bộTư bản,Mác viết: “Nói chung, sự phản ánh có tính chất tôn giáo của thế giới thực tại chỉ có thể mất đi khi nào mà những quan hệ trong đời sống thực tiễn hàng ngày của con người được biểu hiện bằng những mối liên hệ rõ ràng và hợp lý giữa người ta với nhau và với thiên nhiên. Hình dáng của quá trình sinh hoạt xã hội, tức là hình dáng của quá trình sản xuất vật chất, chỉ có thể thoát khỏi đám mây mù thần bí che đậy nó khi nào nó trở thành sản phẩm của những con người tự do thành lập xã hội và được đặt dưới sự kiểm soát tự giác và có kế hoạch của những con người đó. Nhưng điều đó đòi hỏi một cơ sở vật chất nhất định của xã hội, hoặc một loạt những điều kiện tồn tại vật chất nhất định, nhưng bản thân những điều kiện này cũng lại là sản phẩm tự nhiên của một quá trình phát triển lâu dài và đau khổ”(12).
Như vậy, C.Mác đã chỉ ra tính cách xã hội của tôn giáo vốn được tạo ra bởi sản xuất kinh tế và gắn liền với quá trình sản xuất. Nghĩa là con người sản xuất ra tôn giáo, mặc dù đó là sự cần thiết đối với chế độ tư bản để hàng hóa lưu thông, nhưng tôn giáo đó vẫn là một thực tại giả tạo, cải vỏ bọc và khi các chế độ sản xuất thay đổi thì cái tôn giáo ấy cũng không còn.
Tiếp nối quan điểm của C.Mác, Ph.Ăngghen đã giải thích rõ hơn chỉ cần thay đổi chế độ sản xuất thì tôn giáo cũng dần tự nhiên mất đi, mà ông gọi là “cái chết tự nhiên” của tôn giáo. Ph.Ăngghen nêu ba điều kiện làm cho tôn giáo mất đi: (1) xóa bỏ chế độ tư hữu tư nhân và thực hiện chế độ chiếm hữu xã hội về tư liệu sản xuất; (2)xã hội sử dụng tư liệu sản xuất có kế hoạch; (3) con người có thể tự quyết định được hành động của mình. Ông viết: “Khi nào thông qua việc nắm toàn bộ các tư liệu sản xuất và sử dụng được những tư liệu ấy một cách có kế hoạch - xã hội tự giải phóng mình và giải phóng tất cả mọi thành viên trong xã hội khỏi tình trạng nô dịch, trong đó hiện nay họ đang bị giam cầm bởi những tư liệu sản xuất do chính tay họ đã làm ra nhưng lại đối lập với họ như một sức mạnh xa lạ không sao khắc phục nổi; do đó khi nào con người không chỉ mưu sự, mà lại còn làm cho thành sự nữa, thì chỉ khi đó, cái sức mạnh xa lạ cuối cùng hiện nay vẫn còn đang phản ánh vào tôn giáo mới sẽ mất đi, và cùng với nó bản thân sự phản ánh có tính chất tôn giáo cũng sẽ mất đi, vì khi đó sẽ không có gì để phản ánh nữa”(13).
Hai là, tôn giáo là một cơ chế tượng trưng che giấu các tương quan lực lượng hiện thực trong xã hội. C.Mác cho rằng, mỗi hình thái kinh tế - xã hội cần có một hệ tư tưởng để hợp thức hóa. Theo đó, tôn giáo cũng chỉ là cái vỏ che giấu tình hình thật sự của các quan hệ kinh tế và xã hội thống trị trong một số hiện thực nào đó. Trong Bản thảo kinh tế chính trị năm 1844, C.Mác viết: “Tôn giáo, gia đình, nhà nước, pháp quyền, đạo đức, khoa học, nghệ thuật v.v.. chỉ là những hình thức đặc thùcủa sản xuất và phục tùng quy luật chung của sản xuất”(14). Như vậy, tôn giáo cũng chịu sự chi phối của đời sống kinh tế. Tôn giáo là nhân tố góp phần vào sự ổn định xã hội, song nó cũng là nhân tố kìm hãm quá trình giải phóng xã hội, trước hết là những rào cản kinh tế. Điều này đã được Mác chỉ rõ: “Ngôn ngữ chung của hàng hóa là giá cả, và bản chất chung của nó là tiền tệ. Đi đôi với sự phát triển của tiền tệ thế giới đối lập với tiền tệ quốc gia, thì chủ nghĩa thế giới của người sở hữu hàng hóa cũng phát triển dưới hình thức một thứ tôn giáo của lý tính thực tiễn đối lập với những thành kiến cổ truyền về tôn giáo, quốc gia v.v.. những thành kiến gây trở ngại cho việc trao đổi chất giữa người với người”(15).
Theo C.Mác, sản xuất vật chất còn gắn rất chặt với tiến trình phát triển của cách mạng khoa học kỹ thuật trên bước đường xóa bỏ “ảo tưởng”, “mây mù của tôn giáo” cho xã hội. Nói cách khác, khi khoa học kỹ thuật phát triển sẽ có ý nghĩa quyết định trong nhận thức của nhân loại về triết lý tôn giáo, về nguồn gốc sâu xa của tôn giáo. Ông viết: “Cách mạng kỹ thuật sẽ bóc trần hành động của con người đối với thiên nhiên, tiến trình sản xuất đời sống vật chất của con người và do đó, nguồn gốc các quan hệ xã hội và các ý tưởng hay quan niệm tri thức từ đó phát sinh. Chính lịch sử tôn giáo, nếu ta trừu tượng hóa khỏi cái nền vật chất sẽ thiếu tiêu chuẩn. Quả vậy, dễ dàng nhờ phân tích mà tìm ra nội dung là cái lõi phổ quát của khái niệm mây mù của các tôn giáo, hơn là làm cho người ta thấy, qua các nẻo đường ngược lại, làm sao các điều kiện thực sự ấy của cuộc sống lại dần dà mặc lấy những hình thức cao siêu”(16).
Ba là, đạo Tin lành góp phần thúc đẩy sự ra đời của chủ nghĩa tư bản. C.Mác chỉ ra rằng, đạo Tin lành có vai trò quan trọng trong sự hình thành CNTB qua việc chuyển đổi hầu hết mọi ngày nghỉ truyền thống thành ngày làm việc. Ông đã chỉ ra sự khác biệt cơ bản giữa thời gian lao động của người nông dân với thời gian lao động sản xuất ra hàng hóa của người công nhân. Ví như tại Anh, một công nhân sẽ bị “bỏ tù vì đã phạm tội làm mất thiêng ngày lễ Chủ nhật”, chỉ vì anh ta dám làm trong cái vườn của mình. Nhưng cũng chính người công nhân ấy lại bị phạt vì lý do tín ngưỡng mà ngày Chủ nhật anh ta không đi làm ở nhà máy luyện kim, ở một xưởng giấy hay một xưởng thủy tinh nào đó. Nghị viện chính giáo đã làm ngơ trước những việc vi phạm tính thiêng của ngày chủ nhật, nếu những vi phạm đó xảy ra trong “quá trình tự tăng thêm giá trị của tư bản”(17). Ông đã chỉ ra vai trò của đạo Tin lành trong sự hình thành CNTB: “Chỉ với việc biến hầu hết những ngày nghỉ lễ có tính chất truyền thống thành những ngày lao động, đạo Tin Lành cũng đã đóng góp một vai trò quan trọng trong sự ra đời của chủ nghĩa tư bản”(18). C.Mác cũng đã chỉ rõ vai trò của Kitô giáo, nhất là đạo Tin lành trong tiến trình chuyển hóa từ tiền thành tư bản. Trong Bộ Tư bản, Mác đã phân tích “Đối với xã hội của những người sản xuất hàng hóa mà quan hệ sản xuất xã hội phổ biến bao hàm ở chỗ là những người sản xuất coi những sản phẩm của mình là những hàng hóa, do đó, là những giá trị, và dưới cái vỏ vật chất đó, các lao động tư nhân của họ quan hệ với nhau như một thứ lao động giống nhau của con người, đối với một xã hội như thế thì hình thái tôn giáo thích hợp nhất là đạo Cơ đốc với sự thờ cúng con người trừu tượng của nó, và đặc biệt các biến thể tư bản của đạo ấy, như đạo Tin lành, tự nhiên thần giáo, v.v..”(19).
Tiếp nối những nghiên cứu của Mác về vai trò của đạo Tin lành đối với sự ra đời của CNTB, khi nghiên cứu về phong trào Cải cách Tôn giáo thế kỷ XVI, Ph.Ăngghen chỉ ra rằng, với việc nêu lên thuyết tiền định tuyệt đối, giáo lý của Calvin(20) đã đáp ứng được nhu cầu buôn bán, cạnh tranh của giai cấp tư sản và CNTB. Ông viết: “Học thuyết về định mệnh của ông (tức Calvin), là biểu hiện tôn giáo của một sự thật là trong thế giới buôn bán và cạnh tranh thì quyết định sự thành công hay sự phá sản không phải là sự hoạt động hay sự khéo léo của những cá nhân riêng biệt, mà là những hoàn cảnh không phụ thuộc vào họ. Quyết định không phải ý chí hay hành động nào đó, mà là lòng nhân từ của những lực lượng kinh tế hùng mạnh nhưng không quen biết. Và điều đó đặc biệt đúng trong thời kỳ đảo lộn kinh tế, khi mà tất cả những con đường buôn bán cũ và những trung tâm buôn bán cũ đều đã thay thế bằng những con đường mới, khi mà Ấn Độ và châu Mỹ được mở ra cho thế giới, khi mà ngay cả những tín điều thiêng liêng nhất-giá trị của vàng và của bạc-cũng lung lay và sụp đổ”(21).
Như vậy, từ rất sớm, C.Mác và Ph.Ăngghen đã nhận ra mối quan hệ tương tác giữa nền đạo đức Tin lành với tinh thần của CNTB. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, Mác và Ph.Ăngghen chưa có điều kiện đi sâu nghiên cứu, giải thích tại sao giáo lý, đạo đức của đạo Tin lành, nhất là Tin lành theo giáo phái Calvin lại có vai trò thúc đẩy sự phát triển của CNTB, mặc dù các ông đã chỉ ra cái nền đạo đức “khắc khổ”, tinh thần “tích cực, cần cù” của giáo thuyết ấy như Max Weber nghiên cứu sau này.
Bốn là, đạo đức tôn giáo góp phần tạo ra những nền kinh tế tư bản chủ nghĩa khác nhau.Mác cho rằng, đặc trưng của nền sản xuất TBCN có tính thế giới, đạo Kitô - một tôn giáo thế giới với tính phổ quát của nó trên toàn cầu, do đó Kitô giáo là tôn giáo phù hợp với nền sản xuất TBCN thế giới. Ông viết: “Cùng với sự phát triển của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, thì cũng hình thành nên một trình độ trung bình của xã hội tư sản, và cùng với nó hình thành nên một tâm tính và xu hướng trung bình trong các dân tộc rất khác nhau. Cũng như đạo Cơ Đốc, về thực chất của nó, nền sản xuất tư bản chủ nghĩa có tính chất thế giới chủ nghĩa. Cũng vì thế mà đạo Cơ Đốc chính là một tôn giáo đặc biệt của tư bản. Ở tư bản, cũng như ở đạo Cơ Đốc, chỉ có con người là có ý nghĩa. Tự bản thân họ, một người không trị giá nhiều hơn hay ít hơn một người khác. Đối với đạo Cơ Đốc, tất cả tùy thuộc vào chỗ con người có lòng tin hay không, còn đối với tư bản thì con người có tín nhiệm hay không. Nhưng ngoài ra, trong một trường hợp còn phải cộng thêm định mệnh do Chúa ban cho, còn trong trường hợp kia thì cộng thêm cả sự ngẫu nhiên là con người sinh ra đã có tiền hay không”(22).
Như vậy, C.Mác đã chỉ ra đặc điểm niềm tin tôn giáo của đạo Kitô có những điểm tương hợp với tinh thần của CNTB, giữa những tín đồ Kitô giáo với người tư sản, đó là “lòng tin” tôn giáo của người tín đồ với sự “tín nhiệm” của người kinh doanh.
Khi nghiên cứu về đạo Kitô nói chung, đạo Tin lành nói riêng, C.Mác chỉ ra mối quan hệ giữa tôn giáo và hệ thống tiền tệ của CNTB. Mỗi loại hình tôn giáo này đều phù hợp với mỗi loại hình tiền tệ tư bản khác nhau khi ông cho rằng “hệ thống tiền tệ về thực chất là hệ thống của đạo Thiên Chúa. Hệ thống tín dụng về thực chất là hệ thống của đạo Tin lành. Dưới hình thái tiền giấy, sự tồn tại tiền của hàng hóa chỉ là một sự tồn tại có tính chất xã hội”(23). C.Mác còn chỉ rõ đạo đức “khắc khổ” và tinh thần “tích cực cần cù” của đạo Tin lành, nhất là phái Thanh giáo(24) theo chủ nghĩa Canvil rất phù hợp với tinh thần tinh thần khổ hạnh, ham thích làm giàu nhưng ít tiêu xài hoang phí của CNTB(25). C.Mác viết: “Chừng nào sự khắc khổ của kẻ cất trữ tiền tệ kết hợp với sự tích cực cần cù, thì về mặt tôn giáo, kẻ cất trữ tiền tệ đó thực chất là một tín đồ của đạo Tin lành, và hơn nữa là một tín đồ của Thanh giáo”(26). Như vậy, C.Mác đã chỉ ra mối quan hệ giữa đức tin tôn giáo của đạo Tin lành và sản xuất hàng hóa của CNTB, trong đó Mác vẫn khẳng định đức tin là cơ sở có yếu tố quyết định. Ông viết: “Chính lòng tinđã cứu vớt nó. Lòng tin vào giá trị tiền tệ coi đó là tinh thần nội tại của hàng hóa, lòng tin vào phương thức sản xuất và trật tự tiền định của nó, lòng tin vào những người đảm nhiệm sản xuất coi họ là hiện thân giản đơn của tư bản đang tự tăng thêm giá trị. Nhưng hệ thống tín dụng vẫn không thoát khỏi được cái cơ sở của hệ thống tiền tệ, cũng giống như đạo Tin lành vẫn không thoát được những nền tảng của đạo Thiên Chúa”(27).
Mặc dù thừa nhận đạo Tin lành với thuyết “tiền định” của nó có vai trò nhất định cho sự ra đời của CNTB, song C.Mác vẫn cho rằng cũng chỉ là một “biến thể” của đạo Công giáo cho phù hợp với giai cấp tư sản, nhưng chủ yếu lối tiếp cận của ông vẫn nhấn mạnh đến những động lực của sản xuất và kỹ thuật, đồng thời cũng không quá nhấn mạnh đến tính “dị biệt” của Tin lành trong việc thúc đẩy sự phát triển của CNTB.Đạo Tin lành chẳng qua cũng chỉ là một cơ chế che giấu các mối quan hệ xã hội giống như đạo Công giáo mà thôi.
Một số nhận xét
Trước hết, C.Mác tiếp cận mối quan hệ giữa tôn giáo và kinh tế chủ yếu dưới góc độ hình thái kinh tế - xã hội, theo đó, cơ sở kinh tế quyết định mọi quan hệ xã hội và con người, là nguồn gốc làm “tha hóa xã hội” dẫn đến thế giới tôn giáo. Tôn giáo chỉ là cái vỏ bọc bề ngoài che giấu các mối quan hệ xã hội của đời sống sản xuất vật chất, khi chế độ sản xuất thay đổi, tôn giáo cũng sẽ thay đổi theo, khi khoa học - kỹ thuật phát triển, trình độ dân trí được nâng cao, cuộc đời trở nên tốt đẹp hơn sẽ làm cho tôn giáo suy giảm rồi mất đi. Tuy nhiên, C.Mác cũng lưu ý rằng, việc mất đi của tôn giáo là “một quá trình phát triển lâu dài và đau khổ”. Theo chiều hướng đó, Ph.Ăngghen còn đưa ra điều kiện, lộ trình cho sự “suy vong và tự biến mất” của tôn giáo.
Lối tiếp cận tôn giáo từ phương diện kinh tế của C.Mác và Ph.Ăngghen vẫn còn nguyên giá trị thời đại, bởi nó đã chỉ ra phương pháp luận mácxít trong nghiên cứu tôn giáo, đó là các nguyên nhân kinh tế, khoa học - kỹ thuật vẫn là nguyên nhân cơ bản nhất đối với sự tồn tại và biến đổi của tôn giáo.Nhưng, như chính C.Mác và Ph.Ăngghen đã từng nhấn mạnh, mặc dù nguyên nhân kinh tế giữ vai trò quyết định, nhưng không phải là yếu tố “duy nhất” của đời sống tôn giáo. Giữa chúng “có sự tác động qua lại”, thậm chí trong nhiều trường hợp cụ thể, tôn giáo (cũng như văn hóa), “lại chiếm ưu thế trong việc quyết định”, nhưng “trong đó sự vận động kinh tế, như một cái tất yếu, cuối cùng”. Các ông cũng lưu ý, không nên “nhấn mạnh quá mức vào mặt kinh tế” một chiều mà cần phải xem xét cả các yếu tố khác.
Mặt khác, trong khi nhấn mạnh tôn giáo là một hình thái ý thức, một yếu tố của kiến trúc thượng tầng xã hội, do đó, sự tồn tại và phát triển của tôn giáo, xét đến cùng, là do những quan hệ kinh tế quyết định, C.Mác và Ph.Ăngghen cũng đã chỉ ra rằng, cũng như các hình thức ý thức xã hội khác, tôn giáo có sự tác động trở lại đối với sự phát triển của đời sống xã hội. Sự tác động trở lại của tôn giáo đối với kinh tế, đời sống sản xuất, thể hiện rõ nhất ở vai trò của đạo Tin lành đối với sự ra đời của CNTB, lối sống đạo cũng góp phần tạo nên những nét đặc trưng riêng của nền kinh tế TBCN giữa những nước theo đạo Công giáo và những nước theo đạo Tin lành. Tuy nhiên,các ông chưa có điều kiện nghiên cứu sâu về niềm tin tôn giáo, tâm lý, lối sống và đạo đức tôn giáo... đã tác động như thế nào đến sự tăng trưởng kinh tế hoặc ngược lại các nhân tố liên quan đến tôn giáo ấy có ảnh hưởng như thế nào đến sự suy giảm, thậm chí cản trở của các nền kinh tế, như chính Ph.Ăngghenđã thừa nhận “Chúng tôi cũng ít có thì giờ, có địa điểm và có cơ hội để mang lại một vị trí xứng đáng cho những yếu tố khác tham gia vào sự tương tác qua lại ấy”. Mặc dù vậy, những chỉ dẫn của các ông về sự tác động trở lại của tôn giáo đối với kinh tế là những gợi mở hữu ích, đặt nền móng cho chuyên ngành kinh tế học tôn giáo ra đời và phát triển, mà người có công đầu trong việc phát triển bộ môn khoa học ấy chính là nhà xã hội học tôn giáo Đức hiện đại Max Waber.
____________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 6-2017
(1) Nhà nước ấy, xã hội ấy mà Mác nói ở đây được hiểu là nhà nước hiện thực của lịch sử cụ thể ở mỗi quốc gia, khu vực trên thế giới với những đặc điểm về điều kiện tự nhiên, trình độ phát triển kinh tế, xã hội, truyền thống lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán, tâm thức tôn giáo,... khác nhau đã tạo ra tôn giáo khác nhau.
(2) Mô hình nêu trên được Ph.Ănggghen trình bày trong các tác phẩm: Lútvích Phoiơbắc và sự cáo chung của nền triết học cổ điển Đức, Brunô Bauơ và đạo Cơ đốc sơ kỳ.
(3), (4) C.Mác - Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.19, Nxb Chính trị quốc gia Hà Nội, 1995, tr.444, 444.
(5) C.Mác - Ph.Ăngghen: Toàn tập, Sđd, t.21, tr.446-447.
(6), (9), (10), (11), (12), (16), (17), (18), (19) C.Mác -Ph.Ăngghen: Toàn tập, Sđd, t.23, tr.125-126, 112- 113, 116, 875, 126, 125-126, 387, 125, 402.
(7), (21) C.Mác - Ph.Ăngghen: Toàn tập, Sđd, t.22, tr.687, 440-441.
(8) V.I.Lênin: Toàn tập, t.12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.169-170.
(13) C.Mác - Ph.Ăngghen: Toàn tập, Sđd, t.20, tr.438-439.
(14) C.Mác - Ph.Ăngghen: Toàn tập, Sđd, t.44, tr.126-146.
(15) C.Mác - Ph.Ăngghen: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.181.
(20) Jean Calvin (1509-1564), người Pháp, tích cực tham gia phong trào cải cách tôn giáo của Martin Luther (1483-1546) và trở thành một trong những người nổi tiếng nhất của phong trào. Điểm nổi bật trong giáo thuyết của ông là thuyết Tiền định tuyệt đối, sau này được nhiều nhà thần học Tin lành khác phát triển. Áp dụng giáo thuyết vào cuộc sống, Calvin chủ trương một lối sống đạo (Tin Mừng), lòng tin giữa đời thường qua công việc, nghề nghiệp và lối sống khổ hạnh tại thế, mang lại cho đời thường giữa thế gian một giá trị tôn giáo. Giáo phát Calvin phát triển mạnh hơn cả giáo phái Luther, nhất là ở Anh, Scotlen, Pháp, Hà Lan, một số vùng ở Đức, Trung Âu và các nước nói tiếng Anh ở Bắc Mỹ, đặc biệt là ở Hoa Kỳ.
(22) C.Mác - Ph.Ăngghen: Toàn tập, Sđd, t.26-III, tr.126.
(23) C.Mác - Ph.Ăngghen: Toàn tập, Sđd, 1993, t.25, tr.207.
(24) Thanh giáo (Puritanist) là giáo phái ra đời vào thế kỷ XVI trong Giáo hội Anh giáo, dựa trên nền tảng giáo thuyết Calvin đòi cải cách triệt để, thiết lập một giáo hội Tin lành thực sự, được “thanh luyện”, xóa mọi dấu tích của Công giáo (độc lập với nhà nước, dựa duy nhất vào Kinh thánh, bãi bỏ hàng giám mục, đơn giản hóa việc thờ phụng), nên gọi là Thanh giáo. Thần học của Thanh giáo theo khuynh hướng Calvin, thực hành lối sống khổ hạnh tại thế. Mặc dù chiếm số lượng không nhiều, song Thanh giáo lại rất mạnh và ảnh hưởng lớn đến tầng lớp thương nhân, buôn bán ở Anh đầu thế kỷ XVII. Dưới thời nữ hoàng Elisabeth I (1558-1603) và hoàng đế James I (1603-1625), Thanh giáo bị đàn áp dãn man tại Anh, nhiều người phải trốn sang Hà Lan và Bắc Mỹ. Tại Mỹ, Thanh giáo phát triển mạnh và hình thành nhiều hệ phái khác nhau. Phái Thanh giáo là một trong bốn hệ phái Tin lành khác (gồm Baptist, Pietist (Sùng tín) và Methodist (Giám lý), được Max Weber chọn nghiên cứu trong tác phẩm Nền đạo đức Tin lành và tinh thần của chủ nghĩa Tư Bản.
(25) Xem Max Weber: Nền đạo đức Tin lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2008.
(26) C.Mác - Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, t.13, tr.153.
(27) C.Mác - Ph.Ăngghen: Toàn tập, Sđd, t.25, tr.207.
PGS, TS Nguyễn Phú Lợi
Viện Nghiên cứu tôn giáo, tín ngưỡng,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét