Thứ Hai, 29 tháng 1, 2018

PHẢI CHĂNG LUẬN ĐIỂM CỦA V.I.LÊNIN “CHÍNH TRỊ KHÔNG THỂ KHÔNG CHIẾM ĐỊA VỊ HÀNG ĐẦU SO VỚI KINH TẾ” LÀ DUY TÂM, SIÊU HÌNH?


                                                                                     Kiên Trung
Trong khi thừa nhận tính thứ nhất của kinh tế, V.I.Lênin cũng đồng thời nhấn mạnh: “Chính trị không thể không chiếm địa vị hàng đầu so với kinh tế”[1]. Một luận điểm khoa học rõ ràng như thế, nhưng vẫn có những kẻ “ấu trĩ về mặt nhận thức”, cố tình xuyên tạc rằng đây là quan điểm duy tâm, siêu hình, trái ngược và mâu thuẫn với chính lý luận mà V.I.Lênin đã nêu ra - kinh tế quyết định chính trị.
Thực tế đã chỉ ra, với luận điểm chính trị không thể không chiếm địa vị hàng đầu so với kinh tế, V.I.Lênin muốn nhấn mạnh đến vai trò năng động, tính độc lập tương đối và sự tác động trở lại tích cực của chính trị đối với kinh tế, thông qua sức mạnh các thể chế của hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò của Nhà nước. Bởi lẽ, đó là bộ máy bạo lực tập trung của giai cấp thống trị về kinh tế, nó phản ánh trực tiếp cơ sở kinh tế, là sự biểu hiện tập trung của kinh tế; còn các bộ phận khác phản ánh cơ sở hạ tầng một cách gián tiếp thông qua kiến trúc thượng tầng về chính trị. Do đó, trong hệ thống chính trị của xã hội thì Nhà nước có vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định sự hiện thực hoá các tất yếu kinh tế. Như Ph.Ăngghen chỉ rõ: “Bạo lực (nghĩa là quyền lực nhà nước) cũng là một sức mạnh kinh tế”[2].
Thực tiễn lịch sử cũng đã chứng minh, không có nền kinh tế nào trong xã hội có giai cấp lại không chịu sự chi phối, điều tiết của chính trị, không trực tiếp thì gián tiếp, không biểu hiện ra bên ngoài thì cũng ẩn giấu ở bên trong. Điều khác nhau chỉ là nền chính trị nào, nhà nước thuộc về ai? Khi nói kinh tế có trước chính trị, quyết định chính trị có nghĩa là phải tìm nguồn gốc, nguyên nhân của chính trị trong kinh tế. Và khi nói chính trị là biểu hiện tập trung của kinh tế, chính trị ưu tiên so với kinh tế, chính trị không thể không chiếm địa vị hàng đầu so với kinh tế,.. là nói đến tác động tích cực của chính trị khi giải quyết nhiệm vụ kinh tế. Theo đó, khi có một nền chính trị đúng đắn, khoa học, hợp lý với cơ sở kinh tế của xã hội hiện tại thì nó sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế phát triển, và vì thế nó sẽ góp phần to lớn vào tăng trưởng kinh tế, giải phóng sức sản xuất, làm lành mạnh các quan hệ xã hội. Ngược lại, nếu chính trị sai lầm, lạc hậu, không tiến bộ, không theo kịp với thực tiễn kinh tế, đời sống xã hội thì nó sẽ là lực lượng cản trở, “trói buộc”, thậm chí đẩy nền kinh tế rơi vào khủng hoảng, đổ vỡ, hệ lụy khôn lường là mất ổn định chính trị - xã hội.
Do vậy, với những người cố tình xuyên tạc luận điểm trên của V.I.Lênin là duy tâm, siêu hình thì chính họ mới là những người duy tâm, siêu hình theo đúng nghĩa.





[1]. V.I.Lênin toàn tập, tập 42, Nhà xuất bản Tiến bộ Mátcơva, 1977, tr. 349.
[2]. C.Mác và Ph.Ăngghen toàn tập, tập 37, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 1997, tr. 683.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét