Thứ Hai, 8 tháng 1, 2018

Không có vùng cấm với bất cứ người nào phạm tội


Hôm nay 8-1, vụ án cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) được đưa ra xét xử công khai tại Hà Nội. Ðây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng mà hầu hết bị can là cán bộ chủ chốt được giao quản lý và thực hiện các dự án, công trình lớn của quốc gia, trong đó có Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 (NMNÐTB 2).
Vì nhiều động cơ khác nhau, các bị can đã cố ý làm trái quy định, gây thiệt hại đặc biệt lớn về kinh tế. Một số bị can còn lập chứng từ khống để rút tiền của dự án, chia nhau. Dư luận tin rằng, pháp luật là thượng tôn, bất cứ người nào phạm tội, dù là cán bộ cấp cao hay ở cương vị nào đều bị xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật.
Cố ý làm trái quy định; lập chứng từ khống rút tiền chia nhau
Sai phạm tại PVN và PVC đã được nói đến từ lâu và dư luận rất bức xúc, quan tâm theo dõi. Những "mảng tối" ở tập đoàn kinh tế lớn này bắt đầu bị đưa ra ánh sáng từ vụ Trịnh Xuân Thanh (nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC, kinh doanh thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng, nhưng vẫn được bổ nhiệm nhiều cương vị lãnh đạo cao hơn) do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trực tiếp chỉ đạo, yêu cầu phải làm rõ và xử lý nghiêm minh. Sau đó, hàng loạt cán bộ lãnh đạo của tập đoàn lần lượt bị sa vào vòng lao lý. Riêng vụ án cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô tài sản xảy ra tại PVN và PVC dự kiến xét xử hôm nay có tới 22 bị can, trong đó 12 bị can bị khởi tố về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; tám bị can bị khởi tố về tội tham ô tài sản; hai bị can bị khởi tố về cả hai tội danh nêu trên.
Theo Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, hành vi phạm tội của các bị can là cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Dự án NMNÐTB 2, như làm trái quy định trong việc triển khai, lựa chọn nhà thầu và ký hợp đồng tổng thầu EPC (hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình), trong tạm ứng và sử dụng tiền từ hợp đồng này... Thực tế, từ ngày 11-10-2011, PVC mới chính thức là nhà thầu có tư cách pháp lý để thực hiện hợp đồng tổng thầu EPC Dự án NMNÐTB 2 do PVN làm chủ đầu tư, nhưng trước đó, từ ngày 28-4-2011 đến ngày 12-7-2011, PVN đã làm các thủ tục tạm ứng cho PVC số tiền 6.607.500 USD và 1.312.076.568.646 đồng. Việc làm này trái với các quy định của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình; về hợp đồng trong hoạt động xây dựng; Ðiều lệ tổ chức và hoạt động của PVN do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cáo trạng cũng khẳng định việc sử dụng 1.115.868.979.065 đồng tiền tạm ứng của Dự án NMNÐTB 2 không đúng mục đích gây hậu quả nghiêm trọng.
Tháng 7-2011, Nguyễn Anh Minh, Phó Tổng Giám đốc PVC được phân công phụ trách Ban Ðiều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch. Trịnh Xuân Thanh và Vũ Ðức Thuận giao Nguyễn Anh Minh chỉ đạo một số người chuyển tiền đến để cùng sử dụng. Sau đó, các bị can đã lập khống hồ sơ thiết kế, thi công, nghiệm thu, thanh quyết toán bốn hạng mục phụ trợ của Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1, Quảng Trạch 1 để rút và chiếm đoạt tổng số tiền 13.066.262.471 đồng do PVC có trách nhiệm quản lý. Trong đó, Trịnh Xuân Thanh chiếm hưởng bốn tỷ đồng, Vũ Ðức Thuận 800 triệu đồng, Nguyễn Anh Minh 3.648.240.000 đồng, một số đồng phạm khác từ 400 triệu đến hơn 1,96 tỷ đồng. 1,5 tỷ đồng còn lại, Trịnh Xuân Thanh, Vũ Ðức Thuận, Nguyễn Anh Minh và một đồng phạm khác sử dụng chung. Ngoài hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước, coi thường pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng, bị can Trịnh Xuân Thanh còn có nhiều việc làm khuất tất để "leo" đến chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, khi bị phát hiện đã bỏ trốn ra nước ngoài hòng thoát tội.
Xử phạt nghiêm minh dù là cán bộ cấp cao
22 bị can trong vụ án này hầu hết đều nguyên là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu PVN và PVC. Bị can Ðinh La Thăng, từng trải qua các chức vụ quan trọng: Ủy viên T.Ư Ðảng, Bộ trưởng Giao thông vận tải; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; Ủy viên T.Ư Ðảng, Phó Trưởng ban Kinh tế T.Ư. Nhiều sai phạm của bị can Ðinh La Thăng đã được Ủy ban Kiểm tra T.Ư chỉ rõ trong kết luận kỳ họp thứ 14, diễn ra từ ngày 24 đến 26-4-2017. Tiếp đó, tại Hội nghị Trung ương 5, sau khi nghe Tờ trình của Bộ Chính trị và bị can Ðinh La Thăng phát biểu ý kiến, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận rất kỹ, xem xét toàn diện, khách quan, cân nhắc nhiều mặt và nhận thấy, mặc dù có những đóng góp nhất định cho PVN, nhưng trên cương vị Ủy viên T.Ư Ðảng khóa X, Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN giai đoạn 2009 - 2011, bị can đã vi phạm rất nghiêm trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và công tác cán bộ.
Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII thống nhất thi hành kỷ luật bị can bằng hình thức cảnh cáo và cho thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII với tỷ lệ phiếu biểu quyết hơn 90%. Sau đó, bị can được phân công làm Phó Trưởng ban Kinh tế T.Ư. Ngày 8-12-2017, bị can bị đình chỉ sinh hoạt Ðảng, sinh hoạt cấp ủy (bao gồm cả sinh hoạt Ban Chấp hành Trung ương); tạm đình chỉ nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội; bị Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam để làm rõ liên quan của bị can đến hai vụ án kinh tế nghiêm trọng mà cơ quan công an đang điều tra: (1) Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại 800 tỷ đồng trong việc góp vốn của PVN vào Ngân hàng Thương mại cổ phần Ðại Dương (Oceanbank); (2) Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; tham ô tài sản xảy ra tại PVC liên quan Dự án NMNÐTB 2.
Trong vụ án xảy ra tại PVC liên quan đến Dự án NMNÐTB 2, bị can Ðinh La Thăng có vai trò chính trong việc đề ra chủ trương và chỉ định PVC thực hiện gói thầu EPC, chỉ đạo Tổng Công ty Ðiện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower) ký hợp đồng EPC số 33 với PVC trái quy định, sau đó chỉ đạo cấp dưới tại PVN và Ban quản lý dự án căn cứ hợp đồng này cấp tạm ứng 6.607.500 USD và 1.312.076.568.646 đồng cho PVC để Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng 1.115.868.979.065 đồng sai mục đích, gây thiệt hại cho Nhà nước 119.804.660.196 đồng. Một con số vô cùng lớn.
Trong vụ án này, phạm tội cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, còn có các bị can: Phùng Ðình Thực, nguyên Tổng Giám đốc PVN; Nguyễn Quốc Khánh và Nguyễn Xuân Sơn nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN... Phạm tội tham ô tài sản, có các bị can: Nguyễn Anh Minh, nguyên Phó Tổng giám đốc PVC; Lương Văn Hòa, nguyên Giám đốc Ban điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch thuộc PVC; một số đồng phạm trong Ban điều hành dự án này,... Hai bị can Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC; Vũ Ðức Thuận nguyên Tổng Giám đốc PVC bị khởi tố cả hai tội danh nêu trên.
Hành vi phạm tội của các bị can xảy ra từ lâu. Vì hầu hết các bị can đều là đảng viên, để xử lý vi phạm theo Ðiều lệ Ðảng, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã phải mất khá nhiều công sức, thời gian đến hàng năm trời để kiểm tra công phu, thận trọng, kết luận chính xác, khách quan. Từ kết quả kiểm tra, trên cơ sở nội dung, tính chất, mức độ vi phạm, Ủy ban Kiểm tra T.Ư tiến hành thảo luận cân nhắc mọi mặt có lý, có tình, nhưng kiên quyết đưa ra các hình thức kỷ luật thỏa đáng, nghiêm minh và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét kỷ luật một số đảng viên vi phạm; công bố vi phạm của từng trường hợp trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nội dung kết luận, hình thức xử lý kỷ luật về Ðảng đối với các bị can được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đánh giá cao, đồng tình ủng hộ và tin tưởng rằng không còn bất cứ "vùng cấm" nào.
Niềm tin và mong đợi của nhân dân
Việc triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Ðảng với quyết tâm chính trị cao nhất của toàn Ðảng đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực, góp phần từng bước đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Trong xu thế đó, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng cũng được thực hiện quyết liệt như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: " Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy… Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được,…".
Với quyết tâm bất cứ trường hợp nào vi phạm kỷ luật đều phải xử lý nghiêm, làm nghiêm từ trên xuống dưới để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Ðảng, tại phiên họp Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng ngày 25-11-2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo đã yêu cầu các cơ quan chức năng tập trung khẩn trương để sớm đưa một số vụ án phức tạp ra xét xử và phải xét xử nghiêm minh đúng pháp luật. Trước ngày diễn ra phiên tòa, một số người tham gia điều hành phiên tòa và Hội đồng xét xử cho rằng, phiên tòa sẽ bảo đảm tối đa tính độc lập và tuyệt đối tuân thủ theo pháp luật; bảo đảm tối đa quyền tranh tụng của những người tham gia tố tụng, cũng như nguyên tắc suy đoán vô tội với bị can, bị cáo. Tuyệt đối tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân. Tòa sẽ xét xử công minh, bất cứ người nào phạm tội đều bị xét xử đúng pháp luật, không có bất cứ sức ép nào.
Có công thì thưởng, có tội phải chịu tội. Người có địa vị xã hội, có chức vụ càng cao, có trình độ chuyên môn, am hiểu pháp luật mà phạm tội càng phải được xử lý nghiêm minh; người thành khẩn, biết ăn năn hối cải, tự nguyện trả lại tiền tham ô sẽ được xem xét, hưởng khoan hồng. Pháp luật là tối thượng, là công bằng với tất cả mọi người. Ðó là niềm tin và mong đợi của nhân dân.
BẮC VĂN
Nguồn: Báo ND online

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét