Thứ Hai, 29 tháng 1, 2018

Ở VIỆT NAM THỰC HIỆN KINH TẾ NHIỀU THÀNH PHẦN TẤT YẾU DẪN ĐẾN "ĐA NGUYÊN CHÍNH TRỊ, ĐA ĐẢNG ĐỐI LẬP"?


                                                                                          Vĩnh Chân
Các lý luận gia tư sản lập luận rằng, kinh tế thị trường là kinh tế nhiều thành phần; ứng với mỗi thành phần có một giai cấp hoặc tầng lớp; mỗi giai cấp hoặc tầng lớp lại có một đảng phái hoặc tổ chức chính trị tương ứng. Do đó, ở Việt Nam thực hiện kinh tế nhiều thành phần mà lại chủ trương chỉ có một đảng duy nhất lãnh đạo là “mâu thuẫn”, là “nghịch lý”.
Cần thấy rằng, kinh tế thị trường là sản phẩm của quá trình phát triển kinh tế lâu dài của nhân loại, được vận dụng vào trong mỗi nước, trong các chế độ chính trị khác nhau, phụ thuộc vào mục đích cao nhất của phát triển kinh tế. Kinh tế thị trường dựa trên nền kinh tế nhiều thành phần, mỗi thành phần kinh tế có những lợi ích riêng khác nhau ở một số điểm nhất định, do đó có thái độ chính trị khác nhau đối với thể chế chính trị đang tồn tại. Tuy nhiên, điều ấy cũng không có nghĩa là thể chế kinh tế thị trường tất yếu và cần thiết phải có đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Vấn đề cần thiết nhất cho sự phát triển là phải đảm bảo ổn định về chính trị để vận hành nền kinh tế thị trường hiệu quả.
Thực tế cho thấy, có quốc gia chỉ có một đảng duy nhất cầm quyền nhưng là một nước có nền kinh tế thị trường rất phát triển với đời sống nhân dân sung túc, có quốc gia có chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng nhưng mất ổn định về chính trị đã dẫn tới phá hoại nền kinh tế, phá vỡ sự phát triển. Ở Ucraina từ năm 2004, ở Thái Lan từ năm 2006 là vi dụ điển hình.
Ở Việt Nam phát triển kinh tế thị trường nhưng không để nền kinh tế thị trường vận động một cách tự phát, mù quáng mà có sự lãnh đạo, hướng dẫn, điều tiết của nhà nước để phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực, vì lợi ích của đại đa số nhân dân lao động, vì một xã hội công bằng, văn minh. Lực lượng có khả năng và điều kiện thực hiện sứ mệnh đó không thể ai khác ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam - đội tiên phong có tổ chức và là tổ chức cao nhất của giai cấp công nhân, đại diện và bảo vệ lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn thể dân tộc. Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định nhất bảo đảm định hướng XHCN của kinh tế thị trường, cũng như toàn bộ sự nghiệp phát triển đất nước.
Với nền kinh tế thị trường ở Việt Nam, các thành phần kinh tế đều là những bộ phận quan trọng hợp thành nền kinh tế đất nước, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, có sự quản lý, điều tiết của nhà nước, phát triển theo định hướng XHCN. Quan điểm cho rằng, ở Việt Nam thực hiện kinh tế nhiều thành phần tất yếu dẫn đến “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”, đó là một trong những chiêu bài nhằm thực hiện âm mưu “đa nguyên chính trị, đa đảng” ở Việt Nam của các thế lực thù địch, nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với cách mạng mà thôi.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét