Thứ Hai, 26 tháng 9, 2016

QUAN HỆ THỐNG NHẤT BIỆN CHỨNG GIỮA TỰ NHIÊN VÀ XÃ HỘI



Theo nghĩa rộng, tự nhiên là toàn bộ thế giới vật chất tồn tại khách quan, trong đó con người và xã hội là một bộ phận đặc thù của nó. Theo nghĩa hẹp, tự nhiên là toàn bộ thế giới vật chất đang vận động, nhưng không kể tới hình thức vận động xã hội. Còn xã hội theo nghĩa rộng là một bộ phận đặc thù của giới tự nhiên, là hình thái vận động cao nhất của vật chất, hình thái vận động này lấy mối quan hệ của con người và sự tác động lẫn nhau giữa người với người làm nền tảng. Theo nghĩa hẹp, xã hội được hiểu là một kiểu hệ thống xã hội cụ thể trong lịch sử.
Tính thống nhất vật chất của thế giới là cơ sở triết học của sự thống nhất biện chứng giữa tự nhiên và xã hội. Vì rằng, tự nhiên- xã hội- con người đều là những dạng thức cụ thể của vật chất đang vận động và đều thống nhất ở tính vật chất. Trong hệ thống đó, con người là hạt nhân của sự thống nhất biện chứng giữa tự nhiên và xã hội. Hoạt động lao động sản xuất của con người là cơ sở, cầu nối trong sự tác động qua lại giữa xã hội và tự nhiên.
 Các quá trình diễn ra trong tự nhiên và trong xã hội đều chịu sự chi phối của các qui luật phổ biến. Sự thống nhất biện chứng của của hệ thống xã hội và tự nhiên được xây dựng trên cơ sở cấu trúc liên hoàn chặt chẽ của sinh quyển, được biểu hiện ra ở chu trình trao đổi chất, năng lượng, thông tin của các hệ thống vật chất sống với môi trường tồn tại của chúng trong tự nhiên.Tác động của các qui luật đã nối liền các yếu tố trên thành một thể thống nhất, thường xuyên tác động lẫn nhau.
Quan hệ thống nhất biện chứng giữa tự nhiên và xã hội còn được biểu hiện ở vai trò của tự nhiên đối với xã hội và và sự tác động trở lại của xã hội đối với tự nhiên. Tự nhiên là điều kiện đầu tiên, thường xuyên và tất yếu của sự tồn tại, phát triển xã hội; là một trong những yếu tố cơ bản hợp thành những điều kiện sinh hoạt vật chất của xã hội. Mặt khác, con người và xã hội tác động, biến đổi tự nhiên mạnh mẽ và nhanh chóng nhất so với tất cả các thành phần khác của chu trình sinh học. Nhưng để duy trì sự thống nhất giữa xã hội và tự nhiên, con người cần phải biết điều khiển một cách có ý thức mối quan hệ của mình với tự nhiên.
Nắm vững mối quan hệ thống nhất biện chứng giữa tự nhiên và xã hội, là cơ sở để xác định đúng đắn vai trò, vị trí của con người và xã hội trong hệ thống tự nhiên-xã hội. Nhận thức và vận dụng một cách chính xác cả qui luật tự nhiên và qui luật xã hội trong hoạt động thực tiễn, để đảm bảo sự phát triển bền vững của cả hệ thống tự nhiên- xã hội.

                                                                                                                  L.M

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét