Thứ Tư, 19 tháng 12, 2018

Trách nhiệm báo chí trong cuộc chiến chống tin giả


Đến nay, những đối tượng quá khích, gây bạo loạn tại Bình Thuận hồi tháng 6-2018 đã bị xử lý theo quy định của pháp luật, nhưng hẳn nhiều người vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại “cơn lên đồng tập thể” của một nhóm người. Trong vụ việc này, không thể không nhắc đến một hiện tượng tưởng là bình thường nhưng có vai trò như việc thêm dầu vào lửa. Đó là thông tin “20.000 cảnh sát cơ động đến trấn áp tại Bình Thuận” mà một số đối tượng đưa lên mạng xã hội, rồi lan truyền với tốc độ chóng mặt. Thông tin giả mạo bóp méo sự việc đến mức phi lý này ngay lập tức đã góp phần kích động, dẫn đến hành động sai trái trong một bộ phận nhân dân thiếu thông tin, hoặc tin theo tin giả một cách cảm tính, và là nguyên nhân đẩy một số người tới thái độ chống đối chính quyền. Hậu quả nguy hại của vụ việc là trụ sở cơ quan nhà nước bị đập phá, xe cộ bị đốt cháy, lực lượng chức năng bị tiến công và hành hung, cuộc sống của người dân trong vùng bị đảo lộn, trật tự xã hội bị ảnh hưởng. Hay gần đây nhất là việc thị trường nhà đất Đà Nẵng liên tục biến động bất thường. Lý do sốt đất là do hàng loạt dự án hạ tầng giao thông đô thị được “vẽ” ra trên mạng mà đỉnh điểm là thông tin chính quyền thành phố đồng ý xây cầu nối hai khu đô thị khiến không ít người nhầm tưởng vội vã xuống tiền mua các lô đất ở đây với giá cao ngất ngưởng. Nhiều tin giả khác như máy bay rơi, vỡ đập thủy điện, bắt cóc… lan truyền với tốc độ chóng mặt gây không ít hoang mang, bất ổn. Đó chỉ là một số thí dụ điển hình của nạn tin giả (fake news) đang hoành hành trong đời sống, với mức độ ngày càng ngang nhiên, trắng trợn, gây tác hại ngày càng nguy hiểm, khó lường, tác động đến các lĩnh vực hoạt động xã hội, đe dọa sự an toàn của các tổ chức, cá nhân.

Điều đáng nói là bên cạnh các tin giả xuất phát từ sự nông nổi, thiếu hiểu biết của một số người, còn xuất hiện sự gia tăng tin giả với ý đồ rõ ràng, mà mục đích chính là phá hoại uy tín của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, tiến công vào hệ thống chính trị, vào chế độ…

Không chỉ tại Việt Nam, ở nhiều quốc gia khác trên thế giới tin giả cũng là vấn nạn, tác động tiêu cực từ chính trị, kinh tế đến văn hóa, giáo dục, y tế... Một khảo sát năm 2018 của Viện thăm dò dư luận (Gallup) và Quỹ Hiệp sĩ (Knight Foundation) tại Mỹ cho thấy 65% người dân đánh giá thông tin trên phương tiện truyền thông xã hội mà họ tiếp xúc là thông tin sai lệch. Đánh giá tác hại của fake news, D.Patrikarakos (D.Pa-trích-ka-ra-cốp) tác giả cuốn sách Chiến tranh trong 140 nhân vật phân tích đại ý: tin giả không hoạt động như tuyên truyền truyền thống, nó cố gắng làm vẩn đục nước, cố gắng gieo càng nhiều nhầm lẫn và càng nhiều thông tin sai lệch càng tốt, để khi mọi người nhìn thấy sự thật, họ khó nhận ra hơn… Lùi thời gian về trước, hồi cuối tháng 11-2017 một hội thảo quốc tế với chủ đề “Những hậu quả nghiêm trọng của tin giả đối với an ninh quốc gia và các thiết chế xã hội” được tổ chức tại Ca-na-đa thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia đến từ châu Âu và châu Á, Mỹ, Ca-na-đa,... đã đi đến kết luận: tin giả đã đầu độc những diễn đàn xã hội, đe dọa trực tiếp sự phát triển lành mạnh, dân chủ của xã hội. Đáng chú ý, tại hội thảo, Ủy ban An toàn Thông tin Ca-na-đa (SCRS) công bố báo cáo có nhan đề “Chống lại tin giả - Một cuộc chiến tổng lực, không biên giới” cho biết: “Sự phổ cập, khả năng truyền bá thông tin nhanh chóng của Internet và các mạng xã hội, chủ yếu là Facebook và Twitter, đã góp phần làm trầm trọng thêm các hậu quả gây ra bởi các tin giả. Vai trò của báo chí truyền thống, với tư cách là người đảm bảo chất lượng của thông tin đại chúng đã bị suy giảm nghiêm trọng. Thông tin của báo chí truyền thống đã bị nhấn chìm trong dòng thác các dữ liệu được đưa ra từ vô số nguồn của các cá nhân hay tổ chức ẩn danh khác nhau, mà đa phần là tin tức giả mạo hay sự nhào trộn khéo léo giữa tin thật và tin giả”. Các chuyên gia đã đi đến đồng thuận: “Không thể có một giải pháp duy nhất để giải quyết vấn đề về nạn tin tức giả, một vấn đề phức tạp và đa chiều. Những giải pháp như tăng cường vai trò của báo chí truyền thống, kiểm tra chi tiết các thông tin nhận được, cải tiến công nghệ để thay đổi phương thức truyền tải thông tin và việc đưa ra các bài giảng để nâng cao nhận thức của người dân có được năng lực phân biệt tin thật và tin giả, tất cả có vai trò quan trọng và phải được phối hợp đồng bộ. Từng quốc gia cũng cần xây dựng những điều luật để chống lại nạn tin giả và cộng đồng quốc tế phải sát cánh cùng nhau xây dựng được một Công ước Quốc tế để chống lại nạn tin giả”.
Nỗ lực chống lại sự gia tăng của tin tức giả mạo với chiều hướng ngày càng phức tạp, khó lường, trở thành một tác nhân gây chia rẽ chính trị, cổ súy cho chủ nghĩa cực đoan, chủ nghĩa dân túy đang được nhanh chóng triển khai, thực thi tại nhiều quốc gia. Mới đây, ngày 5-12, Liên hiệp châu Âu (EU) chính thức công bố Hệ thống Kế hoạch hành động chống tin tức giả (APAD) giúp các nước thành viên chủ động cảnh báo nhau trước các thông tin trực tuyến sai sự thật. Dự kiến APAD sẽ chính thức được thiết lập vào tháng 3-2019, có nhiệm vụ chia sẻ dữ liệu, phân tích các chiến dịch tuyên truyền, đồng thời thúc đẩy việc kết nối, trao đổi thông tin giữa các thành viên trong khối nhằm cùng ứng phó với tình trạng tung tin giả mạo, sai sự thật và nâng cao cảnh giác cho cộng đồng. Đây được đánh giá là động thái quyết liệt của các quốc gia thuộc EU trước nạn tin giả. Trước đó, ngày 2-4-2018, với việc thông qua Luật Chống tin giả, Chính phủ Ma-lai-xi-a đã trở thành một trong các quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành luật này. Theo đó, Luật quy định tin giả mạo là tin “sai một phần hoặc toàn bộ tin tức, thông tin, dữ liệu và báo cáo, dù dưới dạng tài liệu, hình ảnh hoặc ghi âm hay bất kỳ hình thức nào khác có khả năng gợi từ hoặc ý tưởng”. Luật được áp dụng với tất cả tài khoản mạng xã hội, các blog và diễn đàn trực tuyến, cũng như các cá nhân, tổ chức trong và ngoài Ma-lai-xi-a, nếu có hành vi cung cấp “tin giả” liên quan đến đất nước hoặc người dân Ma-lai-xi-a...

Thật ra, tin giả không phải là vấn đề mới. Tuy nhiên, chỉ đến khi có sự “trợ giúp từ việc phát triển nhanh chóng của các trang mạng xã hội mới thật sự trở thành một “đại dịch” với sức tàn phá khủng khiếp. Các trang mạng xã hội với những đặc tính riêng nhằm phục vụ tối đa cho người sử dụng còn có mặt trái là môi trường lý tưởng để tin giả nhanh chóng phát tán. Bởi vậy không ngạc nhiên khi hàng loạt quốc gia đã lên tiếng yêu cầu các trang mạng xã hội phải chịu trách nhiệm về việc kiểm soát thông tin. Chính nhờ sức ép mạnh mẽ từ các quốc gia, Facebook, Google, Twitter, Mozilla… đã phải thừa nhận trách nhiệm về nạn tin giả trên trang mà họ tạo dựng, đồng thời phải đưa ra các biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng này. Tháng 9-2018, Facebook đã thiết lập một văn phòng đặc biệt mang tên “War Room” có trụ sở tại Thung lũng Silicon (Mỹ) với nhiệm vụ ngăn chặn việc sử dụng mạng xã hội để can thiệp các cuộc bầu cử sắp tới tại quốc gia này thông qua việc tung tin tức giả mạo. Hoặc với việc ra mắt APAD, EU cũng đưa ra yêu cầu buộc các mạng xã hội phải nghiêm túc tuân thủ cam kết bảo đảm quảng bá chính trị minh bạch, chặn các tài khoản giả mạo và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để xác định các chiến dịch tung tin sai lệch. Cụ thể, ngay từ tháng 1 đến tháng 5-2019, các nền tảng trực tuyến có trách nhiệm báo cáo hằng tháng về kết quả đánh giá việc tuân thủ các yêu cầu của Ủy ban châu Âu (EC), các nền tảng trực tuyến không tuân thủ những cam kết nêu trên sẽ bị xử lý nghiêm.

Ở Việt Nam, liên tục trong nhiều năm qua, nạn tin giả với nhiều hệ lụy, gây hoang mang, đe dọa ổn định trật tự xã hội đã liên tục được cảnh báo trên phương tiện thông tin đại chúng. Các cơ quan chức năng cũng tích cực vào cuộc, yêu cầu các trang mạng xã hội như Facebook, Google gỡ bỏ hàng nghìn tài khoản vi phạm pháp luật, vi-đê-ô clíp có nội dung xấu độc, bịa đặt, vu khống cá nhân, chính quyền, kêu gọi biểu tình, kích động nhân dân chống phá Đảng, Nhà nước... gây bất ổn trong xã hội, đất nước. Song cũng cần thẳng thắn khẳng định rằng trong một số trường hợp, không ít báo chí chính thống dường như lép vế, phản ứng chậm trước tin giả, không kịp thời phát hiện để cung cấp thông tin xác thực mà dư luận quan tâm. Đã có không ít trường hợp báo chí cũng bị mắc bẫy tin giả, hoặc mất phương hướng; thậm chí có tờ báo còn sản xuất ra tin giả, mà thí dụ điển hình là mới đây, một tờ báo có lượng phát hành lớn đăng bài phản ánh việc xuất hiện pa-nô có tiếng nước ngoài ở rừng tràm Trà Sư (An Giang) tạo những ồn ào, phản ứng trái chiều không đáng trong dư luận, trong khi đó chỉ là tấm biển hướng dẫn khách du lịch bằng ba thứ tiếng Việt - Anh - Trung Quốc, nhưng thông tin đã bị “cắt cúp” nhằm làm sai lạc bản chất...

Ngày 12-6-2018, Luật An ninh mạng đã được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực từ 1-1-2019 là cơ sở pháp lý cần thiết, quan trọng để ngăn chặn, xử phạt nạn tin giả. Nhưng cuộc chiến chống tin giả sẽ vẫn còn vô cùng cam go, khốc liệt bởi hằng ngày, hằng giờ, tin giả giống như một bệnh dịch vẫn tìm mọi con đường, mọi cách thức để len lỏi, gieo rắc, phát tán trong cộng đồng thông tin sai sự thật, xuyên tạc, thổi phồng sự sợ hãi, gây hoang mang trong dư luận xã hội. Thực tế cho thấy, cùng với sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị và việc cảnh báo người dân trong lựa chọn thông tin khi mà mỗi ngày họ đang tiếp cận rất nhiều nguồn cung cấp thông tin dễ dẫn đến nhiễu loạn, mất phương hướng, thì vai trò của báo chí đang được gửi gắm nhiều kỳ vọng. Vì trong “cuộc đua” về thông tin, nhất là với thông tin trên mạng xã hội, hơn ai hết báo chí đang nắm giữ nhiều lợi thế.

Đưa tin đúng là chưa đủ mà các nhà báo cần có nghĩa vụ vạch trần và dập tắt tin giả cũng như thông tin bị bóp méo, vốn thường được nhiều người đọc và chia sẻ trên mạng hơn là sự thật; tăng thêm lượng thông tin sạch cho người dân, hạn chế cơ hội cho những đối tượng lợi dụng sự kém hiểu biết, sự tò mò của người dân… để kích động, trục lợi. Do đó, để phát huy vai trò của báo chí trong cuộc chiến chống tin giả, chắc chắn không có gì hơn là tăng cường sự lành mạnh của báo chí, cung cấp thông tin nhanh nhạy song trung thực, chính xác. Khi không còn niềm tin và hiểu rõ bản chất tin tức vô căn cứ trên mạng xã hội, người dân sẽ đặt niềm tin vào các kênh thông tin chính thức để xác minh thông tin họ quan tâm. Từ đó định vị và khẳng định sự tin cậy.

Thành Sơn/Nhân dân

1 nhận xét:

  1. Để ngăn chặn các thông tin xuyên tạc, bịa đặt, chống đối chính quyền trên các trang MXH; thì các lực lượng chức năng cần chủ động phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật.

    Trả lờiXóa