Quân đội nhân dân Việt Nam là quân đội kiểu mới của giai cấp
công nhân do Đảng cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, lãnh đạo,
giáo dục và rèn luyện. Lịch sử xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt
Nam luôn gắn liền với sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng
sản Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Quân đội ta có sức
mạnh vô địch, vì nó là một quân đội nhân dân do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh
đạo và giáo dục”1.
Thế nhưng, hiện nay, các thế
lực thù địch với dã tâm chống phá đến cùng cách mạng Việt Nam đã và đang nêu ra
Quan điểm “cần phải xây dựng Quân đội
nhân dân Việt Nam trở thành một quân đội quốc gia. Ở đó Quân đội không chịu sự
lãnh đạo của bất tổ chức Chính trị nào”. Thực chất của quan điểm này là gì ?
Có hay không “quân đội không chịu sự lãnh đạo của bất kỳ tổ chức chính trị
nào”? Những người tỉnh táo có thể dễ dàng nhận ra: quan điểm này về thực chất
chỉ là sự diễn đạt khác đi của quan điểm “phi chính trị hóa” quân đội - một thủ
đoạn nham hiểm trong chiến lược “Diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch
hòng chống phá cách mạng nước ta. Đây là một luận điệu phản khoa học xuất phát
từ những cơ sở lý luận, thực tiễn vững chắc sau.
Trước
hết, xuất phát từ thực tiễn lịch sử ra đời, hình thành, phát triển của
Quân đội ta. Theo lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, sự xuất hiện của
chiến tranh và quân đội gắn chặt với sự xuất hiện của giai cấp và nhà nước. Bất
cứ quân đội nào cũng đều do giai cấp thống trị xã hội đó tổ chức ra và là công
cụ bạo lực vũ trang để bảo vệ lợi ích và địa vị thống trị của giai cấp ấy. Như
vậy, không có bất cứ quân đội nào trung lập về chính trị, không bảo vệ lợi ích
của giai cấp nào trong một chế độ xã hội nhất định.
Đối với Quân đội nhân dân Việt Nam sự lãnh đạo của Đảng
trở thành nguyên tắc căn bản quyết định bản chất giai cấp, mục tiêu lý tưởng
chiến đấu. Sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân
đội và sự trung thành tuyệt đối của Quân đội đối với Đảng là hai mặt thống nhất
của một vấn đề; hai mặt đó có mối quan hệ biện chứng, không tách rời, được thực
tiễn kiểm nghiệm trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của
Quân đội ta.
Hai
là, xuất phát từ bản chất chính trị của Quân đội và mối quan hệ
của Quân đội với Đảng, Nhà nước và nhân dân. Bản chất giai cấp,
mục tiêu chiến đấu và chức năng, nhiệm vụ của Quân đội phụ thuộc vào bản chất
giai cấp, mục đích chính trị của nhà nước tổ chức ra và nuôi dưỡng nó, không có
quân đội trung lập về chính trị, quân đội đứng ngoài giai cấp và nhà nước.
` Đảng
Cộng sản Việt Nam là người lãnh đạo, dẫn dắt nhân dân Việt Nam đấu tranh giành
độc lập dân tộc, mang lại quyền tự do, dân chủ, hòa bình, hạnh phúc cho nhân
dân. Đảng là đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân
lao động và của dân tộc. Vì thế, lợi ích của Đảng, Nhà nước và Nhân dân
là thống nhất. Quân đội là công cụ bạo lực của Nhà nước thực chất cũng
chính là công cụ bạo lực của Nhân dân; Quân đội bảo vệ Nhà nước xét đến cùng
cũng chính là bảo vệ Nhân dân. Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, tất yếu phải
lãnh đạo Quân đội.
Ba
là, xuất phát từ thực tiễn xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và chiến
thắng vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam trong suốt 74 năm qua. Đảng
Cộng sản Việt Nam là người tổ chức và lãnh đạo Quân đội nhân dân Việt Nam; Quân
đội phục tùng sự lãnh đạo của Đảng là hai mệnh đề song hành ngay từ khi mới
thành lập Quân đội cho đến nay, đã tồn tại trong suốt quá trình xây dựng,
trưởng thành và chiến thắng của Quân đội ta. Trong Báo cáo tại Hội nghị lần thứ
Ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá II), tháng 4 năm 1952, Chủ tịch Hồ Chí
Minh chỉ rõ: Quân đội ta là quân đội "quyết chiến quyết thắng", “có
lập trường vững chắc, lập trường quân đội của nhân dân do giai cấp công nhân
lãnh đạo". Dưới sự lãnh đạo của Đảng
Quân đội luôn nhận rõ kẻ thù của nhân dân, của dân tộc; xác định đúng đối tượng
tác chiến; vận dụng, phát triển sáng tạo nghệ thuật quân sự truyền thống của
dân tộc, luôn kề vai, sát cánh, đoàn kết, gắn bó máu thịt với nhân dân, tạo nên
sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc - sức mạnh vô cùng to lớn để chiến đấu và
giành những chiến thắng vĩ đại ở thế kỷ XX.
Bốn là, xuất phát từ
thực tiễn thế giới và những bài học rất sâu sắc về vấn đề phủ nhận tính
giai cấp của quân đội, đồng tình với quan điểm “quân đội trung lập, đứng ngoài
chính trị”. Sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu với
nguyên nhân rất quan trọng đó là những người lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quân
đội Liên Xô tuyên bố xóa bỏ Điều 6 Hiến pháp đó là chấp nhận xóa bỏ cơ chế lãnh
đạo của Đảng Cộng sản đối với lực lượng vũ trang, làm cho quân đội bị
“phi chính trị hóa” và bị vô hiệu hóa. Hay như gần đây với những cuộc “ Cách
mạng sắc màu” ở một số nước Bắc Phi-Trung Đông mang tên “Mùa xuân Arập”; đảo
chính quân sự ở Ai Cập, nội chiến ở Xyri, bạo lực và khủng bố ở Tuynidi, Libi,
Irắc điều chỉnh chính sách của Iran, xung đột vũ trang giữa Ixraen và
Palextin, và gần đây là ở Ukraina,.…. Đều phản ánh việc xem nhẹ, buông
lỏng vấn đề xây dựng quân đội về chính trị tất yếu sẽ dẫn đến kết cục làm cho
quân đội trở nên vô dụng, mất phương hướng chính trị, không đủ khả năng bảo vệ
Tổ quốc.
Từ những
minh chứng trên cho thấy tính chất phi lý, phản động, phản khoa học của quan
điểm
“Cần phải xây dựng QĐNDVN trở
thành một quân đội quốc gia, ở đó quân đội không chịu sự lãnh đạo của bất kỳ tổ
chức chính trị nào”. Bởi vậy, hơn lúc nào
hết, chúng ta phải đề cao cảnh giác, tích cực và chủ động đấu tranh làm thất
bại mọi âm mưu và hành động chống phá của chúng; tập trung xây dựng Quân đội
vững mạnh về chính trị, tư tưởng, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp và sức
mạnh chiến đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ trong mọi tình huống.
[1]- Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG,
H. 2011, tr. 217.
Mọi người dân Việt Nam phải luôn nêu cao cảnh giác, nhận rõ âm mưu, thủ đoạn của những phần tử phản động
Trả lờiXóa