Thứ Năm, 27 tháng 12, 2018

CÓ PHẢI TÔN GIÁO ĐỘC LẬP VỚI NHÀ NƯỚC VÀ KHÔNG CHỊU SỰ QUẢN LÝ CỦA NHÀ NƯỚC?



HT
Mối quan hệ giữa nhà nước và tôn giáo thực chất là mối quan hệ giữa nhà nước và giáo hội; giữa thế quyền và thần quyền, giữa đời với đạo. Mối quan hệ đó đã từng tồn tại qua nhiều giai đoạn lịch sử, tuy nhiên vai trò và vị trí của mối quan hệ ấy tại mỗi thời kỳ lịch sử và ở mỗi quốc gia có những điểm khác biệt nhất định. Nhận thức về mối quan hệ này, đã có nhiều người nhầm lẫn và các thế lực thù địch ngày nay đã lợi dụng để xuyên tạc, chống phá Nhà nước Việt Nam.
Trong tác phẩm “Chủ nghĩa xã hội và tôn giáo” V.I.Lênin khẳng định: “Tôn giáo phải được tuyên bố là một việc tư nhân, đó là câu nói mà người ta thường dùng để chỉ thái độ của những người xã hội chủ nghĩa đối với tôn giáo”[1]. Nhà nước coi tôn giáo là việc tư nhân nghĩa là: Trong quan hệ giữa nhà nước và tôn giáo thì nhà nước và giáo hội hoàn toàn tách khỏi nhau, đó là điều mà cả nhà nước và giáo hội phải thực hiện: “Nhà nước không được dính đến tôn giáo, các đoàn thể tôn giáo không được dính đến chính quyền nhà nước”[2] và các đoàn thể này được “hoàn toàn độc lập và tự do với chính quyền”[3]. Và Lênin còn yêu cầu: “Giáo hội hoàn toàn tách khỏi nhà nước, nhà trường hoàn toàn tách khỏi giáo hội”[4]. Tuy nhiên, tôn giáo với tính cách vừa là một hình thái ý thức xã hội, vừa một thực thể xã hội có tính tổ chức, tính cộng đồng và những hoạt động tôn giáo cụ thể nhất định bên cạnh đó có những hoạt động tôn giáo đôi khi vượt ra ngoài mục đích thuần tuý tôn giáo. Do vậy, cũng như mọi tổ chức xã hội khác, việc quản lý đối với tôn giáo là một tất yếu ở mọi quốc gia dù có chế độ chính trị như thế nào. Quản lý Nhà nước về hoạt động tôn giáo không ngoài mục đích là nhằm bảo đảm cho hoạt động tôn giáo diễn ra trong khuôn khổ của Hiến pháp và Pháp luật, vì lợi ích chung, trong đó có cả lợi ích của đồng bào có tín ngưỡng tôn giáo và lợi ích của các giáo hội.
Hoạt động tôn giáo không cần sự quản lý nhà nước là một luận điểm hoàn toàn sai trái, không đúng cả trên phương diện lý luận và thực tiễn. Trước hết, tổ chức tôn giáo là một tổ chức mang tính xã hội, mà đã là một tổ chức thì ở bất cứ quốc gia nào khi thành lập, hoạt động đều phải chịu sự quản lý của Nhà nước. Khi chưa được cơ quan nhà nước công nhận cũng có nghĩa là tổ chức đó chưa có tư cách pháp nhân. Khi đã có tư cách pháp nhân, tổ chức đó hoạt động phải tuân thủ các quy định pháp luật, chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động của mình.
Hoạt động tôn giáo không chỉ thuần túy nhằm thoả mãn nhu cầu tinh thần của tín đồ, chức sắc nhà tu hành, mà còn liên quan đến các lĩnh vực đời sống xã hội. Ví như việc xây dựng nơi thờ tự, không chỉ đơn thuần là việc củng cố, phát triển cơ sở vật chất của giáo hội, mà còn liên quan đến những quy định của Nhà nước về đất đai, quy hoạch, xây dựng; hoạt động in ấn kinh bổn, sản xuất đồ dùng việc đạo, liên quan đến những quy định về văn hoá, xuất bản; hoạt động quan hệ với các tổ chức, cá nhân tôn giáo nước ngoài liên quan đến chính sách, pháp luật trên lĩnh vực đối ngoại, xuất nhập cảnh của Nhà nước, hoạt động đào tạo chức sắc liên quan đến Luật Giáo dục... Mọi hoạt động của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội và mọi công dân liên quan đến các lĩnh vực đời sống xã hội đều phải tuân thủ pháp luật của Nhà nước. Tôn giáo và hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng ở bất kỳ quốc gia nào cũng không thể đứng ngoài pháp luật của quốc gia đó.
Luật pháp quốc tế và của nhiều quốc gia đều quy định quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo là một quyền cơ bản của công dân, nhưng vẫn phải chịu sự điều chỉnh của nhà nước. Các công ước quốc tế về nhân quyền đều quy định: các quốc gia phải tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, song các quyền này vẫn phải giới hạn bởi pháp luật của nhà nước. Công ước quốc tế về Các quyền dân sự và chính trị được Liên hợp quốc phê chuẩn ngày 16/12/1966, trong đó Điều 18 ghi rõ: “Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo”. Tuy nhiên, quyền tự do này vẫn “bị giới hạn bởi những quy định của pháp luật và những giới hạn này là cần thiết cho việc bảo vệ an toàn, trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức của công chúng hoặc những quyền tự do cơ bản của người khác”.
Các quốc gia trên thế giới đều quan tâm đến công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo. Tại các nước phát triển, tôn giáo cũng phải tuân thủ pháp luật, chịu sự quản lý của nhà nước. Luật pháp của nhiều nước đã có những quy định về tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Ở Việt Nam, mỗi khi Nhà nước bổ sung hoặc ban hành những văn bản pháp luật mới để điều chỉnh về hoạt động tôn giáo cho phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, phù hợp với tâm tư, tình cảm, nhu cầu tín ngưỡng của tín đồ thì họ lại dấy lên chiến dịch đòi bãi bỏ các văn bản pháp luật này hoặc xuyên tạc, tìm cách ngăn cản chức sắc, tín đồ thực hiện. Luận điệu của họ là tôn giáo phải độc lập với Nhà nước, không chịu sự quản lý của Nhà nước. Họ tâng bốc, ca ngợi tự do tôn giáo ở các nước tư bản, tôn giáo được tự do hoạt động, chính quyền không can thiệp vào các hoạt động tôn giáo, vì đây là quyền tự do của công dân. Những luận điệu này đã làm cho không ít tín đồ các tôn giáo hoài nghi chính sách, pháp luật tôn giáo của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Nhiều người ngộ nhận cho rằng tất cả các hoạt động tôn giáo đều không phải xin phép chính quyền; thậm chí có những hành vi chống lại việc thực hiện các chính sách, pháp luật về tôn giáo của Đảng, Nhà nước Việt Nam.
Ở Việt Nam, quản lý nhà nước về hoạt động tôn giáo đã được hình thành từ các triều đại phong kiến. Từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã xác định quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo là một nhiệm vụ quan trọng trong quản lý nhà nước. Đến nay, Nhà nước Cộng hòa xã nhội chủ nghĩa Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh những quan hệ xã hội liên quan đến tôn giáo và hoạt động tôn giáo. Luật tín ngưỡng, tôn giáonăm 2016 đã trở thành một bộ phận không thể thiếu trong hệ thống pháp luật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực tôn giáo ngày càng được củng cố, hoàn thiện, góp phần quan trọng bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, đoàn kết đồng bào các tôn giáo trong khối đại đoàn kết dân tộc và đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo xâm phạm an ninh quốc gia. Chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam đã cơ bản đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo nhân dân, củng cố niềm tin, tạo động lực, sự phấn khởi cho đồng bào các tôn giáo đồng hành cùng dân tộc, cùng toàn dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.




[1] Lênin Toàn tp, tp 12, Nxb Tiến B, M, 1979, tr. 170
[2] Sđd, tr. 171
[3] Sđd, tr. 171
[4] Sđd, tr. 172

1 nhận xét:

  1. Chúng ta phải nâng cao cảnh giác và đấu tranh chống lại âm mưu của các thế lực thù địch, phản động

    Trả lờiXóa