Thứ Năm, 27 tháng 12, 2018

PH.ĂNG-GHEN - NHÀ TƯ TƯỞNG, LÃNH TỤ VĨ ĐẠI CỦA GCCN VÀ NHỮNG NGƯỜI CỘNG SẢN



Ph. Ăng-ghen sinh ngày 28/11/1820 trong một gia đình chủ xưởng tại Bác-men, tỉnh Ranh của Vương quốc Phổ (thuộc nước Đức ngày nay). Sau khi rời quân đội, cuối năm 1842, ông sang Anh và sống, tại đây Ph. Ăng-ghen đã tập trung nghiên cứu đời sống kinh tế - chính trị nước Anh; trực tiếp tham gia phong trào công nhân mới. Chứng kiến sự khổ cực của giai cấp công nhân (GCCN) và các tầng lớp nhân dân lao động ngay trong xã hội tư bản, ông đã viết tác phẩm Tình cảnh giai cấp công nhân Anh (năm 1844). Qua đó, ông được coi là người đầu tiên phát hiện sứ mạng lịch sử vĩ đại của GCCN trong công cuộc đấu tranh giải phóng người lao động, xây dựng xã hội mới không có áp bức, bóc lột. Đồng thời, ông công bố cuốn Góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị, tác phẩm mà Các Mác coi đó là một tác phẩm thiên tài về khoa học chính trị, kinh tế học của giai cấp vô sản. Cuối tháng 8/1844, Ph. Ăng-ghen gặp Các Mác ở thành phố Pa-ri (Pháp), mở đầu cho một “tình bạn vĩ đại”, gắn bó hai nhà bác học thiên tài, hai lãnh tụ của phong trào cộng sản và công nhân thế giới trong thế kỷ XIX. Trong thời gian từ năm 1844 cho đến lúc Các Mác từ trần (3/1883), hai ông đã viết cho nhau hơn 1.386 bức thư, trao đổi về nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, khoa học, quân sự, xã hội... Đặc biệt, Các Mác và Ph. Ăng-ghen đã dày công nghiên cứu thực tiễn xã hội tư bản, tổng kết lý luận, sáng lập ra Chủ nghĩa xã hội (CNXH) khoa học; cùng hợp sức viết và công bố nhiều tác phẩm lý luận nổi tiếng, như: Gia đình thần thánh, Hệ tư tưởng Đức…, nhằm phê phán triết học của phái Hê-ghen và phái Phoi-ơ-bách để đặt cơ sở cho triết học duy vật biện chứng và duy vật lịch sử. Năm 1847, Đại hội “Liên đoàn những người cộng sản” đã ủy nhiệm cho Các Mác và Ph. Ăng-ghen cùng soạn thảo bản Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản. Cuốn Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản xuất bản lần đầu tiên vào tháng 2/1848 bằng tiếng Anh ở Luân Đôn. Đó là một văn kiện có tính chất cương lĩnh đấu tranh của giai cấp vô sản quốc tế. Tháng 2/1848, cách mạng bùng nổ ở Pháp rồi lan sang Đức và nhiều nước châu Âu. Phong trào công nhân phát triển mạnh mẽ. Các Mác và Ăng-ghen trở về Đức, xuất bản tờ “Báo Rê-na-ni mới”. Tháng 5/1849, Ăng-ghen trực tiếp tham gia cuộc khởi nghĩa nhân dân vũ trang ở Tây Nam Đức. Sau đó, ông trở về Luân Đôn gặp gỡ Các Mác. Trong hai mươi năm (1850 - 1870), Ph. Ăng-ghen sống ở thành phố Man-chet-xtơ (Anh). Ông viết nhiều bài tổng kết kinh nghiệm cuộc cách mạng vừa qua ở Đức; đi sâu nghiên cứu về kinh tế chính trị học và giúp đỡ Các Mác rất nhiều trong việc biên soạn bộ Tư bản. Ông viết những bài quan hệ quốc tế, về nghệ thuật quân sự và về nhiều vấn đề khác. Qua những công trình của mình, Ăng-ghen đã thể hiện sự hiểu biết rộng lớn, một tầm nhìn sâu sắc, một khả năng nhận định thiên tài trên nhiều lĩnh vực khoa học và cuộc sống. Mác rất tự hào khi gọi người bạn mình là một bộ “Bách khoa”. Ông đã trả lời một cách nghiêm túc, đầy đủ và cặn kẽ mọi vấn đề do Mác đặt ra. Ông sử dụng gần 20 thứ tiếng nước ngoài, nói thành thạo 12 thứ tiếng, bao gồm các ngôn ngữ chính và nhiều ngôn ngữ địa phương. Ăng-ghen luôn luôn gần gũi với phong trào đấu tranh của GCCN. Tham gia Quốc tế thứ nhất, ông cùng với Các Mác đấu tranh chống lại các trào lưu tư tưởng phi vô sản. Ông nhiệt liệt ủng hộ và tích cực giúp đỡ các chiến sỹ Công xã Pari (1871). Trong thời gian này, Ph. Ăng-ghen đã viết một số tác phẩm có giá trị lý luận, đặc biệt là cuốn Chống Đuy-rinh (1878) góp phần to lớn cho việc hoàn thiện lý luận cho chủ nghĩa Mác. Năm 1883, sau khi Các Mác qua đời, Ph. Ăng-ghen đảm nhiệm vai trò lãnh đạo tổ chức những người theo CNXH ở châu Âu; dành nhiều thời gian, công sức truyền bá tư tưởng, lý luận cách mạng và khoa học của Các Mác; xây dựng các tổ chức cách mạng của GCCN; đấu tranh chống các trào lưu tư tưởng cải lương, xét lại, cơ hội chủ nghĩa, bảo vệ sự trong sáng của học thuyết Các Mác. Ông nhận trách nhiệm hoàn thành và xuất bản công trình đồ sộ Tư bản của Các Mác. Ông cho xuất bản quyển II (1885) và quyển III (1894). Cống hiến của Ph. Ăng-ghen đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế nói chung, với học thuyết Mác nói riêng là rất to lớn, trường tồn. Với một bộ óc bách khoa, Ph. Ăng-ghen đã có những cống hiến thật to lớn trên các lĩnh vực lịch sử, triết học, khoa học tự nhiên, khoa học quân sự, chiến lược và sách lược đấu tranh của giai cấp vô sản. Ph. Ăng-ghen dành nhiều công sức, thời gian để bảo vệ tư tưởng của Các Mác trước sự tấn công, xuyên tạc của các lực lượng thù địch. Đồng thời, ông cũng kiên quyết lên án khuynh hướng và những mưu toan biến học thuyết do Các Mác và ông sáng lập ra trở thành những công thức giáo điều, bất biến, hoặc tuyệt đối hóa những luận điểm của học thuyết này. Ông cũng viết nhiều tác phẩm nổi tiếng vào những năm cuối đời: Nguồn gốc gia đình, Chế độ tư hữu và Nhà nước (1884), Lút-vích Phơ-bách và sự cáo chung của triết học cổ điển Đức (1866), Biện chứng tự nhiên, Vấn đề nông dân ở Pháp và Đức (1894)... Đánh giá những cống hiến to lớn của Ph. Ăng-ghen, V.I.Lênin viết: Muốn đánh giá đúng đắn những quan điểm của Mác, tuyệt đối phải đọc những tác phẩm của người cùng tư tưởng và người cộng tác gần gũi nhất của Mác là Phri-đrích Ăng-ghen. Không thể nào hiểu được chủ nghĩa Mác và trình bày đầy đủ được chủ nghĩa Mác, nếu không chú ý đến toàn bộ những tác phẩm của Ăng-ghen. Và: Sau bạn ông là Các Mác, Ph.Ăng-ghen là nhà bác học và người thầy lỗi lạc nhất của giai cấp vô sản hiện đại trong toàn thế giới văn minh. Cùng với GCCN và những người cộng sản trên toàn thế giới, GCCN và những người cộng sản Việt Nam tự hào và bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với Ph. Ăng-ghen, nhà tư tưởng, lãnh tụ vĩ đại của mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước đã tìm thấy ở chủ nghĩa Mác - Lê-nin, lý luận cách mạng để cứu dân, cứu nước. Người đã truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào Việt Nam, kết hợp chủ nghĩa Mác - Lê-nin với chủ nghĩa yêu nước, phong trào công nhân và phong trào yêu nước, sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam để lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.

1 nhận xét: