Các thế lực thù địch, phản động luôn ý thức được rằng, muốn đánh đổ chế độ xã hội chủ nghĩa thì không chỉ tấn công vào hệ tư tưởng Mác - Lênin, cường điệu các sai lầm, khuyết tật của Đảng Cộng sản Việt Nam, của cán bộ, đảng viên mà còn phải “hạ bệ thần tượng”, đánh đổ “huyền thoại”- người tiêu biểu nhất cho ý chí cách mạng, khát vọng của nhân dân, trí tuệ của dân tộc, hòng làm sụp đổ tận gốc niềm tin của nhân dân đối với con đường cách mạng do Đảng, Bác Hồ lựa chọn và lãnh đạo.
Không cần nói, cũng có thể biết tác giả của những bài viết xuyên tạc về hình ảnh lãnh tụ Việt Nam và tư tưởng Hồ Chí Minh là ai. Đó đa phần là những kẻ bất mãn về chính trị, chống đối chế độ. Một bộ phận khác là những người nhẹ dạ, thiếu hiểu biết nên bị lợi dụng, trở thành những “cái loa” phát ngôn không công cho lực lượng chống đối chế độ, đi ngược lại lợi ích của dân tộc.
Một số người tự nhận là “học giả”, những “chuyên gia” nghiên cứu, "người am hiểu" sâu sắc về Hồ Chí Minh, thường dựa vào đặc điểm ngôn ngữ và cách diễn đạt của Hồ Chí Minh để lập luận, xuyên tạc rằng "không có tư tưởng Hồ Chí Minh". Họ cho rằng, Hồ Chí Minh không hề có ý định viết lý luận, không hề có ý định trở thành nhà tư tưởng, nhà lý luận, không để lại những công trình lớn, "dày cộp" mang tính chuyên luận mà chỉ toàn là những bài viết, bức thư ngắn gọn vài trang nên không thể coi là tư tưởng, là lý luận được (!?).
Trước hết, cần phải khẳng định: Tư tưởng, lý luận không nhất thiết sinh ra từ những cuốn sách "dày cộp". Giá trị tư tưởng, lý luận không phụ thuộc vào số trang, số tập mà ở ý nghĩa, tác dụng đối với sự biến đổi của lịch sử, ở sự đóng góp vào sự phát triển của đời sống dân tộc và nhân loại.
Đức Thích Ca, chúa Giêsu có viết dài không? Thế mà các ông lại được coi là những nhà tư tưởng lớn, có ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống tinh thần của nhân loại suốt mấy nghìn năm nay? Tác phẩm của Khổng Tử, Lão Tử như Luận ngữ, Đạo đức kinh cũng chỉ là những lời giảng đạo của hai ông, được học trò đời sau ghi chép lại, ai dám bảo các ông không phải là những nhà tư tưởng, những nhà sáng tạo học thuyết.
Đúng là Bác Hồ không viết dài. Phần lớn những bài viết của Người là diễn văn, thư từ, lời kêu gọi, bài nói chuyện… rất giản dị, mộc mạc. Cần nói ngay rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết giản dị không phải vì Người không viết được uyên bác. Xuất thân trong một gia đình khoa bảng, từ nhỏ Người đã được hấp thụ một nền Quốc học sâu sắc.
Trong những năm bôn ba tìm đường cứu nước, Người đã sống, học tập, hoạt động thực tiễn và lý luận ở giữa trung tâm văn hóa, khoa học và cách mạng châu Âu; đã gần gũi và làm việc bên cạnh những chính khách hàng đầu của phong trào giải phóng dân tộc, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế… Một người có trí tuệ lỗi lạc và học vấn uyên thâm như Hồ Chí Minh, muốn viết lý luận kiểu hàn lâm không phải là chuyện không làm được.
Tùy đối tượng, khi cần uyên bác, Người cũng đã từng viết rất uyên bác. Đó là những bài báo, luận văn, bút chiến,… được viết một cách đanh thép, sắc sảo nhằm chống lại ngôn luận dối trá của bọn chính khách tư sản và lên án tội ác của chủ nghĩa thực dân được viết vào đầu những năm 20 của thế kỷ XX tại Pháp. Đó là những bài phát biểu, tham luận, tranh luận về các vấn đề lý luận phức tạp trên các diễn đàn quốc tế Cộng sản, các đại hội ở Paris và Moscow. Đó còn là cách nói hàm súc, ẩn dụ, "ý tại ngôn ngoại" để nói với các bậc đại nho ở trong nước.
Nhưng từ những lớp huấn luyện cán bộ cách mạng Việt Nam ở Quảng Châu (Trung Quốc), nhất là từ sau khi về nước, Người không thể dùng cách viết “tầm chương trích cú” với hơn 90% đại đa số người Việt Nam là nông dân lúc bấy giờ được, mà bằng cách viết, cách nói dễ hiểu, dễ nhớ, Người làm cho lý luận trở nên gần gũi với tất cả mọi người.
Thức tỉnh lòng yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của hàng chục triệu người mù chữ, từ chỉ quen sống yên phận, dám vùng dậy đấu tranh đòi giải phóng, đó là một sự nghiệp gian nan và phi thường. Phải nói và viết sao cho họ hiểu được, hiểu để làm được, đó là mục tiêu, là cứu cánh của lý luận. Người chủ trương: “Lý luận cốt để áp dụng vào thực tế”.
Có thể hiểu được mục đích và quan điểm về cách viết lý luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh mới hiểu được phong cách lý luận Hồ Chí Minh, một phong cách thống nhất với lý tưởng, đạo đức của Người.
Cũng như việc Chủ tịch Hồ Chí Minh không hề nhận mình là nhà thơ nhưng sự nghiệp thơ ca của Người để lại đã đưa Người lên hàng những nhà thơ xuất sắc của dân tộc, việc Người không hề có tham vọng trở thành nhà lý luận, nhà tư tưởng, càng không thích lý luận một cách dông dài, nhưng sự nghiệp tư tưởng, lý luận của Người để lại đã làm cho Người được thừa nhận là một nhà tư tưởng lỗi lạc, nhà lý luận sáng tạo.
Luận điệu xuyên tạc hòng bôi nhọ chân dung, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tìm cách hạ bệ hình ảnh của Người trong lòng nhân dân Việt Nam là chiêu bài xảo trá của các thế lực thù địch, song những di sản mà Người để lại có sức sống lâu bền, là những giá trị không thể phủ nhận.
Đinh Bá Âu (Học viện Chính trị CAND)
Chúng ta cần nâng cao cảnh giác với các luận điệu chống phá của bọn phản động và các thế lực thù địch; đồng thời tích cực đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu thủ đoạn hiểm độc, tinh vi của chúng
Trả lờiXóa