Thứ Năm, 27 tháng 12, 2018

“Phủ nhận Chủ nghĩa Mác - Lênin trong thời đại mới, lý luận phiếm diện, siêu hình”




Chủ nghĩa Mác - Lênin từ khi ra đời đến nay đã liên tục đi trên con đường không bằng phẳng. Hơn 100 năm qua, tư tưởng của các nhà kinh điển đã vượt qua thử thách của thời đại cũng như sự phê phán, công kích của các thế lực đối lập, thù địch. Thời gian qua, một số kẻ mượn cớ những khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển đất nước để xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, cho rằng chủ nghĩa Mác - Lênin đã lỗi thời, lạc hậu, không còn phù hợp với thời đại ngày nay, đòi hỏi phải xoá bỏ hoàn toàn chủ nghĩa Mác - Lênin.
Những người bài bác Chủ nghĩa Mác-Lênin đưa ra quan điểm sai trái, thù địch phủ nhận tính khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin. Họ cố chứng minh rằng: Mác, Ăngghen, Lênin không phải là các nhà khoa học. Họ cố tình xuyên tạc rằng “Chủ nghĩa Mác chỉ là một thứ ý thức hệ hư ảo”, “Một thứ nói dối có ý thức”, “Những vở kịch trá hình”, “Chứa đầy tính chất huyễn tưởng”, còn Lênin thì làm tăng sự huyễn tưởng ấy của Mác “lên hơn một lần”…
Bất chấp những luận điệu xuyên tạc nói trên, thực tiễn đã chứng minh Chủ nghĩa Mác-Lênin là một khoa học, hơn nữa là một khoa học biện chứng, hiện đại, khoa học về những quy luật phát triển của tự nhiên và xã hội, về cách mạng của quần chúng bị áp bức và bóc lột, về thắng lợi của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.
Với linh hồn sống là phép biện chứng duy vật, với hòn đá tảng kinh tế là học thuyết giá trị thặng dư, với những phát kiến vĩ đại về chủ nghĩa duy vật lịch sử mà nội dung cơ bản là học thuyết hình thái kinh tế-xã hội, vai trò lịch sử của giai cấp công nhân, Chủ nghĩa Mác-Lênin cho đến nay vẫn là đỉnh cao của trí tuệ loài người, là khoa học chính xác và hoàn bị, chưa có gì thay thế được. Cho dù có những kẻ cố tình bóp méo, xuyên tạc thì Chủ nghĩa Mác-Lênin vẫn có sức sống dẻo dai và giá trị bền vững, xanh tươi của nó.
Ngoài ra, một số người cho rằng chủ nghĩa Mác - Lênin ra đời trong bối cảnh CNTB giai đoạn đầu, vì vậy không còn phù hợp để lý giải CNTB phát triển ở trình độ cao như ngày nay. Họ cho rằng tư tưởng của C.Mác do ra đời hơn 150 năm trước nên đã lỗi thời, lại càng không phù hợp với một nước phương Đông như Việt Nam. Đây là quan điểm sai lầm với ý đồ phủ nhận giá trị của chủ nghĩa Mác – Lênin trong thời đại ngày nay.
Từ góc độ triết học thì triết học Mác - Lênin vẫn là một hệ thống đỉnh cao, bởi vì triết học Mác - Lênin đã nêu lên những quy luật chung nhất của tự nhiên, xã hội và tư duy. Một số người cho rằng triết học phản ánh tinh thần của cả một thời đại, là tinh tuý của tinh thần thời đại, vì vậy thời đại thay đổi thì cũng cần thay đổi triết học. Điều này mới nghe qua thì hợp lý, song thực tế lại có không ít sai lầm.
Đúng là triết học là tinh tuý của tinh thần thời đại, song không có nghĩa thời đại thay đổi thì triết học được sinh ra trong thời đại đó mất đi giá trị của mình. Chủ nghĩa Mác-Ăngghen ra đời là sự kết hợp thiên tài giữa những hạt nhân cơ bản của chủ nghĩa duy vật của Phoiơbắc với những hạt nhân hợp lý trong phép biện chứng của Hêghen gắn với thực tiễn phong trào cách mạng của công nhân. Lịch sử biến thiên qua nhiều giai đoạn, song không vì thời đại thay đổi mà các học thuyết, hệ tư tưởng này mất đi tinh hoa, giá trị đối với nhân loại. Tương tự như vậy, so với thời của C.Mác hơn một thế kỷ trước, mặc dù đặc trưng thời đại, các vấn đề căn bản phải đối mặt của chúng ta ngày nay đã thay đổi, song điều đó hoàn toàn không làm lay chuyển sứ mệnh lịch sử của chủ nghĩa Mác - Lênin.
Có thể thấy rõ ràng là không phải học thuyết càng mới thì càng có giá trị. Một học thuyết trong lịch sử đối với đương thời có hay không có giá trị không phải chỗ học thuyết đó ra đời ở thời đại nào mà căn bản nhất ở chỗ tự bản thân học thuyết đó có tính chân lý hay không, có cung cấp đủ tri thức và trí tuệ hay không.
Một đặc điểm không thể không nhắc đến của khoa học xã hội là tri thức khoa học xã hội, khoa học nhân văn khác với công nghệ, kỹ thuật hay công cụ sản xuất. Con người khi có công cụ sản xuất mới thì có thể không cần công cụ sản xuất cũ nữa, có kỹ thuật mới tiên tiến thì có thể thay thế kỹ thuật cũ lạc hậu. Song tri thức khoa học xã hội, khoa học nhân văn thì lại khác: chỉ cần có tính chân lý hoặc mang lại trí tuệ cho con người thì những tri thức này có giá trị tồn tại. Tri thức khoa học xã hội, khoa học nhân văn vì vậy mang đặc trưng tích luỹ chứ không mang đặc trưng thay thế như kỹ thuật, công nghệ. Chính vì vậy mà có những học thuyết tồn tại hàng nghìn năm qua vẫn còn giá trị. 
Bản thân Ph.Ăngghen trong “Biện chứng của tự nhiên” cũng ca ngợi trí tuệ thiên tài của các nhà triết học Hy Lạp, La Mã cổ đại cách thời của ông hơn 2000 năm. Các triết gia có thể chết, song tư tưởng của họ thì không chết. Chân lý thì không có cũ và mới, chỉ có sự đối lập giữa chân lý và sai lầm. Chính vì vậy mà giá trị của một học thuyết không thể đo bằng khoảng cách thời gian.
Một học thuyết trong lịch sử đối với đương thời có hay không có giá trị không phải chỗ học thuyết đó ra đời ở thời đại nào mà căn bản nhất ở chỗ tự bản thân học thuyết đó có tính chân lý hay không, có cung cấp đủ tri thức và trí tuệ hay không.
Trong hơn 30 năm đổi mới vừa qua, những thành tựu đạt được của nước ta đã khẳng định sự đúng đắn và sáng tạo, chứng minh khả năng lãnh đạo và bản lĩnh chính trị vững vàng của Đảng Cộng sản Việt Nam trên cơ sở những nguyên lý của  Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh vận dụng trong thời đại mới. Đó là minh chứng hùng hồn nhất để bác bỏ mọi quan điểm sai trái, xuyên tạc phủ nhận vai trò và sức sống của Triết học Mác - Lênin nói riêng và Chủ nghĩa Chủ nghĩa Mác-Lênin nói chung.

1 nhận xét:

  1. Tất cả những kẻ phản quốc, hại dân phải bị trừng trị thật nghiêm khắc

    Trả lờiXóa