Tệ quan liêu ở nước ta được Đảng nhận định: “Tệ quan liêu,
tham nhũng, lãng phí, sách nhiễu nhân dân trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng
viên diễn ra nghiêm trọng, kéo dài, chưa được ngăn chặn, đẩy lùi… Đó là một
nguy cơ lớn liên quan đến sự sống còn của Đảng, của chế độ”.
Theo Đại từ điển tiếng Việt, quan liêu là “chỉ đạo xa rời thực
tế, chỉ thiên về mệnh lệnh, công văn, giấy tờ”. Do đó, quan liêu là xa rời thực
tế và bệnh giấy tờ. Xa rời thực tế là không đi sâu, đi sát quần chúng là xa
dân.
Bác
Hồ đã từng chỉ ra: “...Bệnh quan liêu là nguy cơ lớn nhất của đảng cầm quyền,
là nguyên nhân của nhiều căn bệnh khác. Quan liêu dẫn tới chủ quan, mệnh lệnh,
hấp tấp, khi gặp khó khăn thì dễ dao động, ngả nghiêng… Đối với cán bộ, đảng
viên, công chức, bệnh quan liêu dẫn tới chỉ biết dùng mệnh lệnh, không biết giải
thích, tuyên truyền, không sát công việc thực tế, không theo dõi và giáo dục
cán bộ, không gần gũi quần chúng”.
C.Mác coi bệnh quan liêu là chạy theo mục đích của cá nhân, đặt
lợi ích của cá nhân cán bộ, đảng viên lên trên hết, biến mục đích của nhà nước
thành mục đích của cá nhân. Trong tác phẩm Góp phần phê phán triết học pháp quyền
Hêghen (1843), Mác đã nêu rõ bản chất của nhà nước quan liêu là “cơ cấu quan chức
tự coi mình là mục đích cuối cùng của nhà nước”.
Theo V.I.Lênin, “chủ nghĩa quan liêu có
thể dịch ra tiếng Nga bằng danh từ: chủ nghĩa địa vị, tức là đem lợi ích của sự
nghiệp phục tùng lợi ích của tư tưởng danh vị, tức là hết sức chú trọng đến địa
vị mà không đếm xỉa đến công tác”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ, những người mắc bệnh quan
liêu “Họ tham danh trục lợi, thích địa vị, quyền hành. Họ tự cao tự đại, coi
thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền”.
Như vậy bệnh quan liêu là đối lập với dân chủ, là sự vi phạm
nguyên tắc tập trung dân chủ, là chủ nghĩa cá nhân; cán bộ, đảng viên là những
ông quan cách mạng, những quan phụ mẫu cai trị dân chúng và quên mất thực chất
nhiệm vụ của mình là phục vụ nhân dân, phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân; luôn
tìm mọi cách để thổi phồng thành tích, phỉnh nịnh cấp trên, bưng bít cấp dưới,
lừa dối dân chúng. Chỉ biết lo cho mình, không quan tâm đến nhân dân, đến đồng
chí, muốn nhân dân phụng sự mình.
Bệnh quan liêu là coi nhẹ thực tiễn, không tham gia hoạt động
thực tế, không có thói quen điều tra, nghiên cứu, khảo sát trước khi ban hành
quyết định; nói không đúng thực tế, nói nhiều làm ít, đẫn đến không kịp thời nắm
bắt được tâm tư, nguyện vọng của dân chúng, không hiểu dân; không nắm được thực
chất công việc, đưa ra chủ trương, chính sách ít có tính khả thi, bắt hiện thực
phải thay đổi, không đáp ứng được nguyện vọng, lợi ích của dân chúng, không phù
hợp với quy luật khách quan.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, bệnh quan liêu là “những người
và cơ quan lãnh đạo từ cấp trên đến cấp dưới không sát công việc thực tế…không
gần gũi quần chúng. Đối với công việc thì trọng hình thức mà không xem xét khắp
mọi mặt, không vào sâu vấn đề. Đây là một khuyết điểm mà Đảng ta đã mắc phải
trong thời kỳ trước đổi mới.
Trong quá trình đấy tranh phòng và chống bệnh quan liêu cần nắm
chắc và vận dụng sáng tạo những nguyên lý, quy luật và các phạm trù, các nguyên
tắc phương pháp luận của chủ nghĩa Mác- Lênin. Đó là vận dụng chủ nghĩa duy vật
lịch sử, chủ nghĩa duy vật biện chứng, vận dụng triệt để những nguyên tắc
phương pháp luận: Khách quan, toàn diện, lịch sử cụ thể, phát triển, lý luận thống
nhất với thực tiễn
Tư duy quá trình là
phương thức tư duy của chủ nghĩa duy vật lịch sử, sự vận động và phát triển của
xã hội là một quá trình tuân theo quy luật nhất định.
Vận
dụng tư duy quá trình để nhận định tình hình - kiên định, quyết tâm thường xuyên, liên tục chống quan liêu, đòi hỏi chúng ta phải
đặt bệnh quan liêu trong bối cảnh lịch sử và hiện tại để khảo sát, nhận định và
đánh giá. Xác định chống bệnh quan liêu là một quá trình lâu dài, phức tạp và
vô cùng gian nan.
Bệnh quan liêu là một hiện tượng lịch sử xã hội nên giải
quyết bệnh quan liêu là một quá trình mang tính lịch sử.
Xem xét trên nguyên tắc khách quan, toàn diện có thể
thấy bệnh quan liêu là vấn đề mà mọi quốc gia trên thế giới đều phải đối mặt và
cần phải giải quyết, đây là vấn đề mang tính phổ biến.
Mặt khác, đòi hỏi chúng ta phải luôn luôn đề cao cảnh
giác với các thế lực thù địch lợi dụng bệnh quan liêu để lôi kéo cán bộ đảng
viên, làm cho cán bộ thoái hóa, biến chất, tự diễn biến, tự chuyển hóa nhằm
chia rẽ nội bộ, kết hợp kích động nhân dân xung quanh bệnh quan liêu, làm cho
nhân dân không tin đảng, không tin chế độ, con đường đi lên xã hội chủ nghĩa, bắt
đầu ngay từ mất niềm tin những người cán bộ, đảng viên, thay mặt dân mà lại đi
trái với nguyện vọng của nhân dân từ đó thực hiện mưu đồ chính trị nhằm cố ý
chia rẽ, phân hóa, bôi nhọ Đảng và Nhà nước ta.
Tư duy biện chứng là sự vận dụng phương pháp tư duy
của chủ nghĩa duy vật biện chứng, nhằm nhấn mạnh tính toàn diện, tính liên kết
để nhận thức và giải quyết vấn đề. Vận dụng tư duy biện chứng để tìm ra con đường thúc đẩy
phong và chống bệnh quan liêu, không được hữu khuynh, quá xem nhẹ hay
quá coi trọng bên nào, không ngừng tăng cường tính hệ thống, tính tổng thể
trong vấn đề nói chung.
Cần vận dụng cái chung và cái riêng trong công tác phòng và chống bệnh quan liêu để thấy
được và nắm vững mối quan hệ giữa toàn cục và cục bộ. Công tác phòng và chống
bệnh quan liêu là một bộ phận quan trọng cấu thành nên toàn cục trong sự ổn
định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời xem xét phòng và chống quan liêu có mối
quan hệ tương trợ lẫn nhau, là hai mặt của một vấn đề, không thể thiên vị bên
nào. Mối quan hệ đó lại gắn liền với xây dựng đạo đức cách mạng, mà xây là chính,
là vấn đề cơ bản xuyên suốt.
Trong phòng chống bệnh quan liêu luôn cần xác
định các vấn đề trọng điểm, vấn đề cơ bản, mấu chốt, giải quyết hài hòa những
vấn đề trước mắt và lâu dài.
Tư duy thực tiễn là quan điểm, phương thức tư
duy triết học của chủ nghĩa Mác-Lênin, nhấn mạnh suy nghĩ và giải quyết vấn đề
phải dựa vào bản chất của sự vật hiện tượng, vào phương thức quan sát và nhận
thức thế giới trong hoạt động thực tiễn của con người.
Đòi hỏi khi xem xét việc phòng chống bệnh quan liêu phải
nắm chắc thực tiễn, nắm chắc thực trạng những ưu khuyết còn tồn tại, coi thực
tiễn là trung tâm, kiên trì tư tưởng tất cả đều xuất phát từ thực tế.
Với tính ưu việt của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội
ở nước ta, đòi hỏi dân tộc ta phải loại bỏ được bệnh quan liêu, để tạo ra một
thể chế vững chắc, bảo vệ và phát huy những
thành quả hơn 30 năm đổi mới, đòi hỏi chúng ta phải hành động mạnh mẽ hơn nữa
trong công cuộc đổi mới. Đảng ta đã không ngừng tìm tòi, tổng kết, đúc rút kinh
nghiệm từ thực tiễn về phương pháp chống bệnh quan liêu.
Với nhận thức như vậy, việc nghiên cứu, vận dụng tư
tưởng triết học Mác-Lênin trong chống bệnh quan liêu là một yêu cầu mang tính
khoa học, khách quan, góp phần bổ sung về mặt phương pháp luận, phù hợp với
tuyên ngôn chính trị của Đảng là “Lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí
Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”.
Ca dao, tục ngữ Việt Nam có câu: “chớ có tham bát mà bỏ mâm”
Tư duy vô cùng biện chứng, phải thấy được cái lợi toàn diện,
đại cục, chứ đừng vì cái lợi nhỏ nhặt mà quên đi lợi ích chung, đừng vì một cái
bát nhỏ mà bỏ mâm lớn, đừng vì quyền lợi của cá nhân mà xa rời lợi ích của nhân
dân, quần chúng, xa rời tập thể. Làm lãnh đạo phải lo cho quần chúng, đồng bào,
tập thể, cộng đồng, đơn vị mình, vì trong lợi ích của nhân dân, của tập thể đã
có lợi ích, quyền lợi của mình, không chỉ lo cho mỗi bản thân mình mà mắc vào bệnh
quan liêu, xa rời quần chúng.
Trong phòng và chống bệnh quan liêu cần thấm nhuần tư tưởng của
Hồ Chí Minh: Trọng dân, gần dân, tin dân, hiểu dân, mọi việc, mọi suy nghĩ,
hành động của cán bộ, đảng viên đều từ quần chúng mà ra và trở về với quần
chúng; thực sự để dân biết, dân bàn, dân quyết định, dân làm, dân kiểm tra và
dân thụ hưởng. Có như vậy, căn bệnh quan liêu mới loại bỏ được một cách triệt để.
Trong tình hình hiện
nay, phải hết sức nghiêm khắc với bệnh quan liêu, cần duy trì thường xuyên việc
phòng, chống bệnh quan liêu, xa rời nhân dân, đề cao trách nhiệm nêu gương của
cán bộ, đảng viên, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, bất kể phát sinh ở đâu, thời
gian nào, liên quan đến ai đều phải được làm sáng tỏ, đề cao vai trò của nhân
dân, đặt lợi ích của nhân dân lên trên, để giữ trọn vẹn niềm tin của nhân dân
với cán bộ, đảng viên, với sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam trên
con đường đi lên Chủ nghĩa Xã hội, dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác- Lênin, tư
tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn quá độ lên chủ nghĩa xã hội hiện nay./.
Bài viết rất hay
Trả lờiXóa