Thứ Hai, 31 tháng 12, 2018

Không thể đưa tin một cách vội vã, sai sự thật

TƯ NGUYÊN
Ngày 15-12-2018, tại Westminster (California, Mỹ) diễn ra một cuộc biểu tình phản đối một chính sách của Chính phủ Mỹ. Ngay sau đó, tin tức cuộc biểu tình đã được công bố; các bức ảnh, video-clip cho thấy số người tham gia khoảng 100 người, và thành phần chủ yếu là người Mỹ gốc Việt. Chuyện sẽ không có gì cần bàn nếu khi khai thác, công bố tin tức về cuộc biểu tình kể trên, một số tờ báo trong nước lại phóng đại con số “khoảng 100 người” tham gia thành “hàng nghìn người”, và bị một số người làm báo là người Mỹ gốc Việt phản ứng.
Thí dụ, sau khi đưa lại video-clip trong đó một nhà báo người Mỹ gốc Việt có mặt tại hiện trường khẳng định “khoảng 100 người tham gia biểu tình”, tác giả Derek Phạm nhận xét rằng khi đưa tin này, phóng viên của một số tờ báo trong nước “không có mặt tại hiện trường, nếu có mặt tại hiện trường thì càng sai hơn vì đã không viết đúng sự thật”. Và dù coi “đây không phải lỗi quá nặng”, đồng thời “hoan nghênh các tờ báo trong nước đưa tin về người Việt ở hải ngoại”, nhưng tác giả Derek Phạm vẫn khuyến cáo một số tờ báo trong nước cần đưa thông tin về hoạt động của người Việt ở nước ngoài thật sự trung thực, đúng sự thật, trước khi công bố cần kiểm tra, kiểm chứng thông tin qua nhiều nguồn, không thể đưa tin một cách vội vã, thiếu thận trọng.
Lại nhớ tháng 11-2018, cũng nhà báo Derek Phạm công bố một video-clip có nhan đề “Truyền thông chính thống tại Việt Nam đưa tin và hình ảnh của bà Janet Nguyễn và ông Tạ Đức Trí trong bản tin về bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ”, và coi đó là “chuyện lạ, hiện tượng lạ”. Nhận xét của nhà báo Derek Phạm là có cơ sở, vì hẳn là ông biết Janet Nguyễn và Tạ Đức Trí là hai nhân vật chống cộng nổi tiếng trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Vậy tại sao một số phóng viên trong nước lại đưa tin, giới thiệu sự “thành đạt” của họ? Và cần tham khảo ý kiến của Derek Phạm, vì chẳng nhẽ khi đưa tin, một số tờ báo ở trong nước lại không biết Janet Nguyễn từng tuyên bố: “Từ ngày chúng tôi bắt đầu làm chính trị, việc làm của chúng tôi đã cho thấy vấn đề tranh đấu cho tự do, dân chủ và nhân quyền trong nước là một sự chú trọng đầu tiên”, còn Tạ Đức Trí đã từng “hãnh diện” coi TP Westminster, nơi ông ta làm thị trưởng, là “thủ đô của người Việt tị nạn cộng sản, chỉ công nhận lá cờ vàng ba sọc đỏ là biểu tượng của người Việt quốc gia”...
Xét đến cùng, báo chí phát triển trước hết để đáp ứng nhu cầu thông tin của người đọc. Trong bối cảnh nhu cầu đó ngày càng mở rộng với sự đa dạng và yêu cầu cập nhật thường xuyên… báo chí như phải “căng mình” mới có thể đáp ứng. Tuy nhiên, từ đây có thể đẩy tới nhiều hệ lụy nguy hại như đưa tin không kiểm chứng, xuyên tạc bản chất sự kiện, thậm chí “đổi trắng thay đen”… Thông tin như vậy gây tác hại khôn lường đến tâm thế, nhận thức của người đọc và báo chí trong nước đã quyết liệt phê phán, các cơ quan chức năng cũng đã xử phạt nghiêm minh. Nhưng xem ra một số tờ báo vẫn chưa coi trọng vấn đề. Nên thật đáng tiếc, trong khi trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp đã và đang là yêu cầu hàng đầu đối với người làm báo Việt Nam, thì vẫn còn một số phóng viên tại các tờ báo trong nước bị khuyến cáo về tính trung thực của thông tin. Thiết nghĩ đây là bài học mà một số tờ báo cần nghiêm túc rút kinh nghiệm và sớm khắc phục.

1 nhận xét: