Thứ Năm, 27 tháng 12, 2018

Bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lê-nin trong điều kiện mới



Ngay từ khi ra đời, chủ nghĩa Mác – Lê-nin với bản chất cách mạng và khoa học đã trang bị cho giai cấp vô sản, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên thế giới vũ khí tư tưởng, lý luận sắc bén để đấu tranh vì mục tiêu cao cả của nhân loại là xóa bỏ chế độ thống trị của giai cấp tư sản, tiến lên xây dựng một xã hội mới - xã hội xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa. Sức sống và ảnh hưởng của nó được minh chứng bởi những biến đổi sâu sắc trong thế kỷ XIX, XX với cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại và sự ra đời chủ nghĩa xã hội hiện thực, mở ra thời đại mới - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. Bước sang thế kỷ XXI, xu thế toàn cầu hóa và hội nhập, cách mạng khoa học - công nghệ, sự bùng nổ thông tin, kinh tế tri thức cùng với sự biến đổi dồn dập, khó lường trên nhiều lĩnh vực đang là những yếu tố tác động sâu sắc đến mọi mặt của đời sống xã hội, hối thúc mạnh mẽ các quốc gia phải ra sức đổi mới, chủ động hội nhập, tìm kiếm mô hình phát triển phù hợp.
Trong bối cảnh đó, chủ nghĩa Mác – Lê-nin không chỉ là sự quan tâm của những người cộng sản và các nước lựa chọn con đường phát triển chủ nghĩa xã hội, mà còn thu hút sự quan tâm nghiên cứu, vận dụng của những người không theo chủ nghĩa Mác – Lê-nin, xét trên bình diện ý thức hệ. Với một cách nhìn đa chiều, thái độ khách quan, khoa học, những nghiên cứu về chủ nghĩa Mác – Lê-nin đều coi đây là một hệ thống mở chứ không khép kín, luôn được bổ sung và phát triển, dung nạp những thành tựu lý luận mới phù hợp với đời sống hiện thực. Bản chất cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác – Lê-nin đã được khẳng định trong thực tiễn, trở thành nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của các Đảng Cộng sản và công nhân trên thế giới và đến nay vẫn còn nguyên giá trịSự chống phá, xuyên tạc đó, đầu tiên là phê bình một số luận điểm, khiếm khuyết, rồi tiến tới phê phán những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lê-nin; coi hệ tư tưởng đó đã thuộc về quá khứ, không còn phù hợp với thời đại ngày nay. Các thế lực chống chủ nghĩa Mác – Lê-nin tìm hiểu, nghiên cứu và nắm rất chắc những vấn đề cơ bản của hệ thống lý luận này. Bởi thế, chúng ta phải đứng vững trên lập trường của chủ nghĩa Mác – Lê-nin để đấu tranh với những quan điểm sai trái, thù địch. Học thuyết Mác – Lê-nin mang bản chất cách mạng và khoa học triệt để nên nó giải quyết những vấn do thực tiễn đặt ra theo quy luật khách quan, toàn diện, lịch sử, cụ thể nhằm cải tạo thế giới theo chiều hướng tiến bộ và mang tính nhân văn sâu sắc. Thực tế lịch sử cho thấy, từ khi chủ nghĩa Mác hình thành, phát triển vào giữa thế kỷ XIX, hệ thống các tư tưởng, quan điểm và những nguyên lý, quy luật kinh tế - xã hội mà hệ thống khoa học đó phát hiện ngày càng được thừa nhận rộng rãi và trở thành nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam và là vũ khí lý luận sắc bén cho hành động cách mạng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các đảng tiên phong, chân chính của giai cấp đó. Sức sống của chủ nghĩa Mác – Lê-nin không chỉ thể hiện ở sự cảm phục, ngưỡng mộ, sự vận dụng sáng tạo vào quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của các Đảng Cộng sản, công nhân, lực lượng yêu chuộng hòa bình, tiến bộ trên thế giới, là cuốn cẩm nang không thể thiếu trong kho tàng tri thức nhân loại, mà còn là cơ sở khoa học để đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch. Chỉ có đứng vững trên lập trường của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, cuộc đấu tranh mới thể hiện sự tự tin, kiên định, vững vàng, kiên quyết trước những mưu đồ đen tối; khắc phục được những biểu hiện do dự, thiếu bản lĩnh, ý chí, hoặc không dám đương đầu với những khó khăn, thách thức và các mũi tiến công hiểm hóc của các thế lực thù địch. Do vậy, để đấu tranh bảo vệ tính đúng đắn chủ nghĩa Mác – Lê-nin trong thời đại ngày nay, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu, nắm vững những nguyên lý cơ bản, bản chất cách mạng, khoa học và giá trị thực tiễn của hệ tư tưởng đó đối với quá trình phát triển của thế giới hiện thực; đi sâu làm rõ âm mưu phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lê-nin của các thế lực thù địch.
Một trong những nguyên nhân để các thế lực lợi dụng công kích chủ nghĩa Mác – Lê-nin là trong quá trình vận dụng hệ tư tưởng này vào xác định đường lối, chủ trương lãnh đạo, một số Đảng Cộng sản đã tiến hành một cách máy móc, giáo điều, ít tiếp thu cái mới. Điều đó đã làm cho chủ nghĩa Mác – Lê-nin mất đi tính sống động và hơi thở của cuộc sống, trở thành lạc hậu, không thể lý giải được những vấn đề mới do thực tiễn đặt ra, tạo kẽ hở để kẻ thù công kích, chĩa mũi nhọn chống phá. Bởi vậy, việc đấu tranh phải đi đôi với phát triển chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Nghiên cứu chủ nghĩa Mác – Lê-nin cho thấy, ngoài những vấn đề cơ bản, nó còn chứa đựng nhiều nội dung tri thức thuộc các ngành khoa học khác nhau và còn rất nhiều luận điểm đặc sắc khác về sự hình thành, phát triển của chủ nghĩa xã hội, cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị, trở thành hệ tư tưởng, kim chỉ nam cho giai cấp công nhân và cả nhân loại để cải tạo thế giới..                 Giá trị của học thuyết Mác – Lê-nin không phải ở chỗ mọi câu nói của C.Mác đều là chân lý vĩnh cửu, những người cách mạng cứ thế mà áp dụng không cần xem xét điều kiện, hoàn cảnh cụ thể. Chúng ta không nên coi lý luận Mác – Lê-nin như một cái gì đã “xong xuôi hẳn” và “bất khả xâm phạm”, mà phải “đẩy” nó lên, phát triển nó phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn.
Đấu tranh có hiệu quả với các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, Đảng ta tiếp tục kiên định lấy chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hoạt động. Đối với nước ta, sức sống của chủ nghĩa Mác – Lê-nin được thể hiện trong toàn bộ tiến trình vận động, phát triển của cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, thông qua việc truyền bá, vận dụng sáng tạo vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể trong từng giai đoạn, làm cho học thuyết này luôn tràn đầy sức sống trên mảnh đất hiện thực Việt Nam. Thực tiễn cách mạng Việt Nam hơn 85 năm qua, đặc biệt là những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, được soi sáng, dẫn đường bởi chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh càng củng cố vững chắc niềm tin, lòng tự hào của mỗi đảng viên, cán bộ và nhân dân vào chủ nghĩa Mác – Lê-nin, vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Qua các kỳ đại hội, nhất là trong Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng, Đảng ta tiếp tục khẳng định phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đổi mới không phải xa rời mà là nhận thức đúng, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Lịch sử đã chứng minh, nếu mơ hồ, dao động về hệ tư tưởng thì sẽ lúng túng, thâm chí sai lầm trong hoạch định chủ trương, đường lối, rối loạn trong tổ chức và tất yếu dẫn đến thất bại trong hành động. Vì vậy, kiên định và vận dụng sáng tạo, linh hoạt chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là vấn đề có tính nguyên tắc đối với Đảng ta, là nhiệm vụ quan trọng trong toàn bộ công tác tư tưởng, lý luận, nhất là trong bối cảnh mới của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đồng thời, đó cũng là câu trả lời đanh thép phản bác các quan điểm sai trái, thù địch nhằm vào chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trước thềm Đại hội XII của Đảng.


1 nhận xét: