Có như vậy mới bảo đảm cho cán bộ, công chức “không dám, không thể và không cần tham nhũng”-những yếu tố quyết định để phòng, chống tha hóa quyền lực.
Dẹp ngay cơ chế xin-cho
Những hệ lụy từ cơ chế xin-cho quá rõ ràng và đã được bàn rất nhiều trong những năm qua. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng đã yêu cầu: “Các cấp ủy, tổ chức đảng chỉ đạo rà soát, hoàn thiện các quy định, văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, điều hành bảo đảm công khai, minh bạch, góp phần xóa bỏ cơ chế xin-cho; ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, "lợi ích nhóm", "sân sau", trục lợi trong quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, vốn đầu tư, đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, phân bổ, quản lý và sử dụng biên chế”...
Thực hiện chỉ đạo này, những năm gần đây nước ta đã ban hành nhiều quy định về cải cách hành chính và thủ tục hành chính; yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát loại bỏ rất nhiều thủ tục hành chính, “giấy phép con” gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp... Thế nhưng cơ chế xin-cho vẫn chưa được loại bỏ và có nhiều biến tướng tinh vi hơn. Về cơ bản, việc giải quyết công việc, nhất là những vấn đề liên quan đến vật chất, kinh phí, nhân sự giữa các cơ quan, đơn vị, cá nhân cấp trên và cấp dưới, giữa người dân và doanh nghiệp với các cơ quan công quyền vẫn thực hiện theo kiểu xin-cho (dù có thể được thể hiện bằng những từ như: “Đề nghị”, “tờ trình”, “kiến nghị”...). Chưa kể, khi soạn thảo văn bản, những đề đạt của công dân, doanh nghiệp và các tổ chức cấp dưới thường vẫn có tiêu đề là “đơn xin”.
Đảng và Nhà nước coi phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ trọng tâm. Ảnh minh họa: tapchitaichinh.vn |
Lẽ đương nhiên, đã có “xin” thì ắt có “cho” hoặc “không cho”. Những tổ chức, cá nhân có thẩm quyền lẽ ra phải thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của mình là thay mặt Nhà nước bảo đảm các quyền cho người dân, doanh nghiệp và cấp dưới thì lại nghiễm nhiên được quyền ban ơn: Cho hay không cho, cho ít hay nhiều, loại tốt hay loại thường, cho sớm hay muộn... Chính điều vô lý này là nguyên nhân cơ bản, trực tiếp dẫn đến tha hóa quyền lực của không ít cán bộ, công chức mà biểu hiện rõ nhất là tác phong làm việc trì trệ, hành dân, nhũng nhiễu, tiêu cực, cố tình “gây khó để có phong bì”; đồng thời làm người dân và cấp dưới lúc nào cũng có tâm lý đi “xin” và “muốn qua sông thì phải lụy đò”, phải có “bôi trơn mới nhanh”.
Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước đã quy định rất rõ những quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân và các tổ chức. Đã là quyền thì tất yếu được hưởng; là nghĩa vụ, trách nhiệm thì tất yếu phải làm. Để ngăn chặn tha hóa quyền lực được biểu hiện bằng sự lạm quyền, tham nhũng, vụ lợi trong thực thi công vụ, việc cần làm ngay là thống nhất thay tất cả các loại “đơn xin” bằng “đơn đề nghị” hoặc “yêu cầu giải quyết”, “tờ trình” thay bằng “báo cáo” để bảo đảm sự dân chủ, bình đẳng; thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm, xóa bỏ tâm lý xin-cho. Bên cạnh đó, trong các mẫu đơn này cần ghi rõ thời hạn phải giải quyết, nếu quá hạn không trả lời thì coi như đã đồng ý, nếu không giải quyết thì người có thẩm quyền phải ghi rõ lý do...
Cùng với đó, phải có cơ chế bắt buộc các cơ quan công quyền công khai minh bạch tất cả những thủ tục hành chính, các nguồn lực, tiêu chuẩn chế độ, kinh phí, chính sách, chương trình dự án, mức phân bổ cho các cơ quan, đơn vị, địa phương (trừ trường hợp thuộc danh mục phải giữ bí mật do Nhà nước quy định) để mọi người đều có thể giám sát, tránh tình trạng “ưu tiên, thiên vị” những tập thể, cá nhân “đi cửa sau”. Ngày 23-5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 theo đúng tinh thần này. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu từng bộ, cơ quan, địa phương phải tập trung rà soát kỹ, giảm mạnh số lượng dự án, nhất là các dự án khởi công mới, kiên quyết xóa bỏ cơ chế xin-cho và chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong đầu tư công; siết chặt kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân công, phân nhiệm đi đôi với tăng cường giám sát, kiểm tra, đánh giá thực hiện và khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh... Chỉ thị này được nhân dân rất đồng tình ủng hộ.
“Có thực mới vực được đạo”
Làm cán bộ, công chức trong thời buổi kinh tế thị trường mà thu nhập chính đáng không đủ trang trải cuộc sống ở mức trung bình trong xã hội trở lên thì rất khó để giữ mình trong sạch, không tham nhũng, tiêu cực. Đó là thực tế cần phải được nhìn nhận thẳng thắn, nghiêm túc và sớm có giải pháp khắc phục, vì cổ nhân đã đúc rút “có thực mới vực được đạo”, “đói ăn vụng, túng làm liều”.
Thực tế lâu nay, mức thu nhập chính đáng của đa số cán bộ, công chức (bao gồm lương, thưởng và phụ cấp) còn thấp so với mặt bằng xã hội. Lương khởi điểm của một công chức, viên chức tốt nghiệp đại học ở ngạch cao nhất là A1 cũng chỉ có hệ số 2,34 x 1.490.000 đồng = 3.486.000 đồng/tháng (tiền thưởng và phụ cấp không đáng kể). Mức thu nhập này rất thấp so với người làm ở tất cả các ngành nghề, kể cả những nghề đơn giản nhất không mất thời gian để học. Còn với những cán bộ sau nhiều năm phấn đấu và cống hiến, được giữ chức vụ cao như chủ tịch UBND cấp tỉnh (hệ số lương 7,64 và phụ cấp chức vụ lãnh đạo mức 1,3) cũng chưa được 15 triệu đồng/tháng.
Thử hỏi, mức lương, phụ cấp đó có tương xứng với trình độ, công sức, trí tuệ, đóng góp của cán bộ ở từng cấp. Hiện không ít người mới tốt nghiệp đại học đi làm cho các doanh nghiệp đã có thu nhập từ 10 đến 30 triệu đồng/tháng. Doanh nghiệp ở các đô thị mà trả lương người lao động dưới 8 triệu đồng/tháng thì khó thu hút người làm việc. Trong khi lương, phụ cấp của chủ tịch UBND cấp xã chỉ khoảng 5-7 triệu đồng (tùy thời gian công tác) thì khoản này... không đủ trả tiền xăng xe, cước điện thoại và đi dự đám hiếu, hỷ vì ở cương vị phải quan hệ rộng, có rất nhiều đồng nghiệp, bạn bè mời...; rồi gia đình trông chờ, anh em họ hàng “trăm sự nhờ bác là lãnh đạo giúp đỡ”! Với thực tế đó thì thật khó để cán bộ giữ vững quyết tâm chỉ sống bằng lương. Đây là điều mọi người đều biết rõ và như vậy, khi có cơ hội để lạm quyền, “vừa được thể hiện uy quyền mà lại được cảm ơn... bằng tiền” thì không phải cán bộ nào cũng có thể giữ mình liêm chính, chí công vô tư.
Nhận rõ điều này, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã xác định một trong những giải pháp phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên là phải cải cách chế độ công vụ, đổi mới chính sách tiền lương; xây dựng và thực hiện chính sách nhà ở nhằm tạo động lực cho cán bộ, công chức... Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vừa qua cũng nêu rõ, chính sách cán bộ chưa thực sự tạo động lực để cán bộ toàn tâm, toàn ý với công việc; do đó phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách chính sách tiền lương, nâng cao thu nhập và có chính sách nhà ở, bảo đảm cuộc sống để cán bộ, công chức, viên chức yên tâm công tác.
Có thể khẳng định, việc quan tâm bảo đảm chế độ, chính sách thỏa đáng cho cán bộ, công chức đúng với những đóng góp và trách nhiệm trên từng cương vị là một trong những biện pháp hàng đầu để phòng, chống tha hóa quyền lực, tham nhũng, lợi dụng chính sách. Thực tế, tại hầu hết các nước và trong các doanh nghiệp, chế độ, chính sách của cán bộ các cấp luôn cao hơn hẳn, bảo đảm cho họ đủ trang trải cuộc sống gia đình ở trên mức trung bình để chuyên tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chắc chắn, đại đa số người dân sẽ ủng hộ việc trả lương cho cán bộ, công chức tương xứng, nhưng phải gắn liền với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và nâng cao hiệu quả phục vụ nhân dân, đất nước. Làm được như vậy chính là thực hiện công bằng xã hội, tạo động lực mạnh mẽ để cán bộ, công chức phấn đấu, cống hiến; cùng với siết chặt kỷ luật, kỷ cương, gắn trách nhiệm cụ thể sẽ ngăn chặn hiệu quả tha hóa quyền lực. Cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, nguồn lực của đất nước bị thất thoát do tham nhũng, lãng phí có khi còn nhiều hơn nguồn lực để cải thiện đời sống cho cán bộ, công chức. Vì thế, để kiểm soát được quyền lực thì đây cũng là việc cần quan tâm làm ngay.
Cùng với sớm giải quyết hiệu quả 3 vấn đề mang tính quyết định để kiểm soát quyền lực (loại bỏ những nguyên nhân cơ bản, trực tiếp dẫn đến tha hóa quyền lực) là: Kiên quyết chống tiêu cực trong công tác cán bộ, xóa bỏ cơ chế xin-cho và chăm lo đời sống cán bộ, công chức thỏa đáng; Đảng, Nhà nước cần tiến hành đồng bộ các giải pháp quan trọng khác, như: Xây dựng văn hóa chống tham nhũng, tiêu cực trong nhân dân, làm cho mọi người đều thống nhất “nói không với lạm dụng quyền lực, tha hóa quyền lực”; thực hiện công khai, minh bạch một cách triệt để (trừ những nội dung pháp luật quy định cần thiết phải bảo mật) và phát huy tối đa vai trò giám sát, cùng tham gia phòng, chống tham nhũng của nhân dân, báo chí... Chỉ khi nào các giải pháp bảo đảm những người có chức quyền “không dám, không thể và không cần tham nhũng” thì việc kiểm soát quyền lực mới thực sự hiệu quả. |
CÁT HUY QUANG
Rất cần thiết phải xóa bỏ cơ chế xin cho
Trả lờiXóa