Thứ Tư, 9 tháng 6, 2021

ĐA HÌNH THỨC SỞ HỮU, ĐA THÀNH PHẦN KINH TẾ KHÔNG ĐỒNG NGHĨA VỚI CẦN ĐA NGUYÊN, ĐA ĐẢNG

 

Cương Trực

Đại hội XIII xác định Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó: kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố, phát triển; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển phù hợp với chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”[1]. Có một số đối tượng vì thế “hô hào” rằng Đảng đã “đổi màu”, từ đó cổ súy cho đa nguyên, đa đảng. Do vậy, cần làm rõ vấn đề này.

Từ Đại hội VI của Đảng ta đến nay, chúng ta đã chủ trương xây dựng một nền kinh tế đa hình thức sở hữu. Với chủ trương này, chế độ sở hữu ở nước ta trên thực tế đã là chế độ đa sở hữu gồm: sở hữu nhà nước, sở hữu hợp tác, sở hữu tư nhân cá thể, sở hữu tư bản trong và ngoài nước… Tất cả các quan hệ sở hữu ở nước ta hiện nay đều có tính định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong thời kỳ quá độ, do trình độ phát triển khác nhau của lực lượng sản xuất, nên còn nhiều chế độ sở hữu, nhiều hình thức sở hữu khác nhau. Vì vậy còn nhiều thành phần kinh tế trong nền kinh tế là một tất yếu khách quan. Việc phân định các thành phần kinh tế mới hiểu được các đặc trưng cơ bản và xu hướng vận động của chúng để có chính sách phù hợp nhằm phát huy được tiềm lực của chúng vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Tính chất nhiều thành phần của nền kinh tế ở nước ta là biểu hiện tính đa dạng của một kết cấu kinh tế. Đây là một kết cấu mang tính chất quá độ chứ không biểu hiện sự mâu thuẫn của các thành phần kinh tế với nhau. Và sự thật trong 35 năm đổi mới là các thành phần kinh tế ở nước ta đã luôn “tồn tại” một cách hài hòa, hợp lý trong tổng thể nền kinh tế đất nước, đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước. “Kinh tế nhà nước là công cụ, lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước ổn định kinh tế vĩ mô, định hướng, điều tiết, dẫn dắt, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội”[2]. “Kinh tế tư nhân được khuyến khích phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà luật pháp không cấm”[3].

Những vấn đề trên khẳng định sự khác biệt giữa nền kinh tế nước ta với các quốc gia tư bản khi thể chế đa nguyên, đa đảng là sự biểu hiện “mâu thuẫn”, chia rẽ lợi ích giữa các lực lượng xã hội. Do vậy, dù “nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế” nhưng Việt Nam không cần và không có chỗ cho đa nguyên, đa đảng.



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb CTQG, H. 2021, tr.128-129.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb CTQG, H. 2021, tr.129.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb CTQG, H. 2021, tr.130.

1 nhận xét:

  1. Chúng ta phải nhận biết và đấu tranh mạnh mẽ chống lại các luận điệu xuyên tạc, chống phá Việt Nam của bọn phản động và các thế lực thù địch

    Trả lờiXóa