Thứ Ba, 8 tháng 6, 2021

CHẤP LÀM GÌ MẤY KẺ NÓI CÀN

 

Phương Ngọc

          Câu chuyện vắc-xin Covid tiếp tục là chủ đề được dư luận quan tâm nhiều trên các trang mạng xã hội. Ngày 05/6/2021, Quỹ vắc-xin phòng chống Covid-19 của Việt Nam đã chính thức ra mắt với mục đích huy động các nguồn tài trợ, đóng góp để cùng với ngân sách nhà nước lo đủ vắc-xin tiêm phòng cho khoảng 75 triệu người dân trong nước.

          Tiêm vắc-xin nhằm đạt được miễn dịch cộng đồng là giải pháp căn cơ, lâu dài, mang tính chiến lược và quyết định để thoát khỏi đại dịch đang diễn biến hết sức phức tạp. Trong bối cảnh việc tiêm vắc-xin đang được đẩy rất nhanh tại nhiều quốc gia trên thế giới, thì việc làm sao không để chậm chân trong cuộc chiến chống Covid-19, làm ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế rõ ràng phải coi là một ưu tiên hàng đầu và Việt Nam đang làm hết sức mình để đạt được mục tiêu này.

          Lợi dụng tình hình hình này, những đối tượng cơ hội, chống đối đã tung lên mạng xã hội nhiều thông tin, bình luận xuyên tạc tình hình dịch bệnh trong nước và kế hoạch mua, sản xuất và tiêm vắc-xin của Việt Nam, đại loại như: “Việt Nam toang rồi. Tình hình dịch bệnh hiện nay ở Việt Nam gần như mất kiểm soát”, “Chính phủ tắc trách làm cho dịch bệnh thêm nghiêm trọng”, “Thành quả ba lần chống dịch trước đây đang bị đổ xuống sông, xuống bể”, “Việt Nam quá chủ quan trong vấn đề vắc-xin”, “Tỉ lệ tiêm vắc-xin Covid ở Việt Nam thấp nhất trên thế giới”, “Việt Nam chỉ ưu tiên tiêm cho công an, quân đội”, “Vắc-xin chỉ dành cho những người có tiền; người nghèo sẽ không có cơ hội tiêm vắc-xin”, “Việt Nam không minh bạch trong việc mua và sử dụng vắc-xin”, “Chính quyền ép buộc người dân đóng góp tiền mua vắc-xin”…

          Rõ ràng, những kẻ xấu muốn thổi phồng câu chuyện vắc-xin để gây hiểu lầm, hoang mang trong dư luận, kích động tâm lý nghi ngờ trong cộng đồng, tìm cách phủ nhận thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống dịch bệnh, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, đánh vào lòng tin của người dân đối với hệ thống chính trị, gây khó khăn cho công tác phòng chống đại dịch Covid-19.

          Nhưng thực tế những ngày qua cho thấy, âm mưu xấu xa của những kẻ chống đối đã chẳng đạt được điều gì ngoài sự coi thường của người dân trong nước. Hình như chẳng mấy ai buồn để ý tới những thông tin bịa đặt, luận điệu xuyên tạc của mấy kẻ chuyên “chọc gậy bánh xe”, phát ngôn bừa bãi, bất chấp thực tế, đi ngược lại dư luận trong nước và quốc tế.

          Mọi người đều biết, chính quyền Việt Nam không hề chủ quan về vai trò của vắc-xin phòng Covid-19. Thực tế là ngay sau khi được thành lập cuối tháng 01/2020, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 đã xác định nhiều khả năng virus SARS-CoV-2 còn tồn tại lâu, chỉ khi nào có vắc xin hoặc thuốc đặc trị thì mới ngăn chặn được đại dịch này. Vì vậy, Việt Nam đã xác định phải có vắc-xin càng sớm càng tốt. Từ đầu năm 2020, Bộ Y tế được giao tiếp xúc với tất cả các công ty có tiềm năng sản xuất vắc xin trên thế giới để đàm phán mua, nhập khẩu vắc xin hoặc nhận chuyển giao công nghệ. Chính phủ đã chuẩn bị kế hoạch bố trí nguồn từ ngân sách nhà nước và xã hội hóa một phần việc mua vắc-xin. Đồng thời, việc nghiên cứu, phát triển vắc xin trong nước cũng được triển khai ngay từ sớm và theo dự kiến vắc-xin “made in Vietnam” sẽ có mặt trên thị trường vào khoảng gần cuối năm nay. Đến giờ này, có thể nói Việt Nam sẽ hoàn thành việc tiêm vắc-xin theo đúng kế hoạch đề ra.

          Về việc tỉ lệ tiêm vắc-xin ở Việt Nam còn thấp và lượng vắc-xin về chưa nhiều không phải vì ngân sách nhà nước thiếu tiền, hay phải chờ xã hội hoá mà bởi vì nguồn cung khan hiếm và một phần do Việt Nam khống chế dịch hiệu quả nên nguồn vắc-xin theo chương trình hợp tác, hỗ trợ quốc tế đã được ưu tiên cho những nước bị ảnh hưởng nhiều hơn.

          Người dân Việt Nam rất ủng hộ chủ trương của Chính phủ tiêm vắc-xin trước cho những đối tượng cần ưu tiên. Không ai phản đối việc những người như các bác sĩ, nhân viên y tế đang ở tuyến đầu chống dịch; các cán bộ chiến sĩ, công an ngày đêm ứng trực, cắm chốt biên giới; những người làm công tác xuất nhập cảnh; những người cung ứng dịch vụ thiết yếu cho cuộc sống; các cán bộ ngoại giao; những người ở vùng có dịch… cần phải được tiêm vắc-xin đầu tiên. Bên cạnh đó, trong danh sách các đối tượng được ưu tiên còn có những người mắc các bệnh mãn tính, người trên 65 tuổi, người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội. Tất cả đều rất rõ ràng, minh bạch, hợp lý và rất nhân văn.

          Mạng xã hội luôn mở rộng cửa đối với tất cả mọi người, nhưng không thể chấp nhận những kẻ dân chủ giả hiệu, những người luôn có suy nghĩ tiêu cực, thích chỉ trích, nói năng thiếu cân nhắc, bất chấp thực tế. Họ đang tự đặt mình vào vị trí đối lập với nhân dân, tự loại mình ra khỏi một xã hội tốt đẹp, nơi đang là mảnh đất mơ ước của rất nhiều người trên thế giới./.

 

1 nhận xét:

  1. Mỗi người dân Việt Nam hãy thể hiện là người yêu nước chân chính, không biến mình thành con rối cho bọn phản động giật dây

    Trả lờiXóa