Thứ Ba, 8 tháng 6, 2021

NGUYỄN ĐÌNH CỐNG: VỊ GIÁO SƯ XƯA VÀ KẺ PHẢN ĐẢNG HIỆN NAY

 

Phương Ngọc

          Trước hết, xin có đôi lời với Giáo sư Nguyễn Đình Cống, ông được sinh ra và lớn lên dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, những năm đất nước còn khó khăn, trong khi lớp lớp thanh niên đều ra chiến trường, với biết bao hy sinh xương máu, không tiếc thân mình vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thì Giáo sư được Đảng, Nhà nước ưu ái tạo điều kiện cho đi ăn học ở Liên Xô. Bao nhiêu năm đứng trên bục giảng trường Đại học Xây dựng, bao thế hệ sinh viên đã học Giáo sư ra trường và trở thành những người thành đạt.

Còn đối với Giáo sư, ở tuổi đã xế chiều, được Đảng và Nhà nước cho nghỉ chế độ, học vấn đủ đầy, công danh, sự nghiệp khó ai sánh bằng. Tại sao Giáo sư không an phận với những gì Đảng và Nhà nước đã ưu ái mà lại quay ra phản bội lại lý tưởng một thời ông theo đuổi, phản bội lại chính tổ chức đã nuôi dưỡng và cho Giáo sư tất cả vinh quang trong cuộc đời. Việc Giáo sư cố tình “công khai tuyên bố” rời bỏ lý tưởng mà mấy chục năm phấn đấu là việc riêng của cá nhân Giáo sư, tôi không quan tâm nhiều. Nhưng Giáo sư lại ngang nhiên công khai đưa ra những quan điểm sai trái, xuyên tạc, phản động, chống đối Đảng, chống đối cách mạng - đó là một tội lỗi còn trên cả sự tha hóa, suy thoái của cá nhân. Thái độ vong ơn, bội nghĩa đối với đất nước, dân tộc, với chế độ xã hội chủ nghĩa của Giáo sư hoàn toàn trái với đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.

          Thứ hai, gần đây đọc trên mạng xã hội thấy bài viết của Giáo sư với các nội dung: Phản biện lại các bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Thực chất đây không phải là một phản biện khách quan, khoa học, mà là sự hằn học cá nhân, cố tình xuyên tạc sự thật, phủ nhận sạch trơn quan điểm, chủ trương, thành quả của Đảng. Toàn bộ bài viết sặc mùi chống đối, sau khi vòng vo dẫn luận một hồi, cuối cùng vẫn quay về cái đích: Đảng phải từ bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; Đảng phải từ bỏ vai trò lãnh đạo; phủ nhận con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh và toàn thể nhân dân Việt Nam đã lựa chọn. Phản biện cái giọng điệu này là Giáo sư đang tiếp tay cho các thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

          Thứ ba, Giáo sư Nguyễn Đình Cống cho rằng: Thực tiễn công cuộc đổi mới, đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong thời gian qua chủ yếu là phần kể công, khoe khoang. Đây là luận điệu cố tình phủ nhận một cách sạch trơn những thành tựu của Đảng ta đối với sự nghiệp đổi mới đất nước. Thực tiễn đã cho thấy rất rõ, trước đổi mới (năm 1986), Việt Nam vốn là một nước nghèo lại bị chiến tranh tàn phá rất nặng nề, để lại những hậu quả hết sức to lớn cả về người, về của và môi trường sinh thái. Tôi chỉ nêu thí dụ, cho đến nay vẫn có hàng triệu người chịu các bệnh hiểm nghèo và hàng trăm ngàn trẻ em bị dị tật bẩm sinh bởi tác động của chất độc da cam/dioxin do quân đội Mỹ sử dụng trong thời gian chiến tranh ở Việt Nam. Theo các chuyên gia, phải mất đến hơn 100 năm nữa Việt Nam mới có thể dọn sạch hết bom mìn còn sót lại sau chiến tranh. Sau chiến tranh, Mỹ và phương Tây đã áp đặt cấm vận kinh tế với Việt Nam trong suốt gần 20 năm. Tình hình khu vực và quốc tế cũng diễn biến phức tạp, gây nhiều bất lợi cho chúng ta. Lương thực, hàng hoá nhu yếu phẩm hết sức thiếu thốn, đời sống nhân dân hết sức khó khăn, khoảng 3/4 dân số sống dưới mức nghèo khổ. 

          Nhờ thực hiện đường lối đổi mới, nền kinh tế bắt đầu phát triển và phát triển liên tục với tốc độ tương đối cao trong suốt 35 năm qua với mức tăng trưởng trung bình khoảng 7% mỗi năm. Quy mô GDP không ngừng được mở rộng, năm 2020 đạt 342,7 tỷ đô la Mỹ (USD), trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN. Thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng 17 lần, lên mức 3.512 USD; Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008. Từ một nước bị thiếu lương thực triền miên, đến nay Việt Nam không những đã bảo đảm được an ninh lương thực mà còn trở thành một nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản khác đứng hàng đầu thế giới. Công nghiệp phát triển khá nhanh, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ liên tục tăng và hiện nay chiếm khoảng 85% GDP. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh, năm 2020 đạt trên 540 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt trên 280 tỷ USD. Dự trữ ngoại hối tăng mạnh, đạt 100 tỷ USD vào năm 2020. Đầu tư nước ngoài tăng nhanh, đăng ký đạt gần 395 tỷ USD vào cuối năm 2020. Về cơ cấu nền kinh tế xét trên phương diện quan hệ sở hữu, tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam hiện nay gồm khoảng 27% từ kinh tế nhà nước, 4% từ kinh tế tập thể, 30% từ kinh tế hộ, 10% từ kinh tế tư nhân trong nước và 20% từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

          Như vậy, có thể nói, việc thực hiện đường lối đổi mới đã đem lại những chuyển biến rõ rệt, hết sức sâu sắc và tích cực ở Việt Nam: kinh tế phát triển, lực lượng sản xuất được tăng cường; nghèo đói giảm nhanh, liên tục; đời sống nhân dân được cải thiện, nhiều vấn đề xã hội được giải quyết; chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được bảo đảm; đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng được mở rộng; thế và lực của quốc gia được tăng cường; niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng được củng cố.

          Cuối cùng, tôi muốn nói với Giáo sư một điều là: Đối với dân tộc Việt Nam, đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là con đường đã lựa chọn đúng đắn và duy nhất, không thể có thế lực nào xoay chuyển nổi mục tiêu này. Những hành động phá hoại, xuyên tạc của Giáo sư và các thế lực thù địch chỉ là “vô tích sự” mà thôi.

1 nhận xét:

  1. Mọi người dân phải tích cực đấu tranh chống lại các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động

    Trả lờiXóa