Nhận thức rõ sự nguy hại của “chạy chức”, “nâng đỡ không trong sáng”, ngày 23-9-2019, Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Quy định số 205-QĐ/TW “về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”. Theo quy định này, người vi phạm bị xử lý kỷ luật; nếu liên quan đến việc đưa, nhận hối lộ hoặc các hành vi vi phạm khác đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật; nghiêm cấm giữ lại để xử lý hành chính.
Thế nhưng thực tế cho thấy, để có bằng chứng về việc đưa và nhận hối lộ nhằm “chạy chức”, “chạy quyền” là vô cùng khó vì nó diễn ra hết sức tinh vi, bí mật, rất khó có bằng chứng để xử lý. Do đó, rất cần thiết phải siết chặt quy trình, quy định về công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ theo hướng: Gắn trách nhiệm cụ thể của người đề cử cán bộ và người đứng đầu cấp ủy đề nghị bổ nhiệm cán bộ, ví dụ nếu cán bộ có sai phạm trong 5 năm đầu kể từ khi được bổ nhiệm thì người đề cử cán bộ đó và người đứng đầu cấp ủy đề nghị bổ nhiệm cán bộ đó cũng bị xem xét xử lý kỷ luật (tránh tình trạng núp bóng tập thể cấp ủy để “nâng đỡ không trong sáng”). Bên cạnh đó, cần thực hiện ngay việc công khai danh sách cán bộ từ quy hoạch đến đề bạt, bổ nhiệm, đánh giá, luân chuyển để quần chúng biết và cùng giám sát. Bác Hồ đã khẳng định rằng: “Thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi khó khăn”.
Đặc biệt, Đảng, Nhà nước phải kiên quyết đổi mới công tác đánh giá cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức theo nguyên tắc lấy hiệu quả công việc làm thước đo chủ yếu; chuyển từ đánh giá định tính sang định lượng rõ ràng bằng hình thức chấm điểm theo thang điểm trên từng nội dung, từng mặt công tác... để tránh tình trạng đánh giá chung chung, cào bằng, đại đa số cán bộ, đảng viên được đánh giá hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ nhưng sau đó vẫn phát hiện người hoàn thành tốt và xuất sắc vi phạm pháp luật, kỷ luật. Cần nghiên cứu ban hành cơ chế lấy phiếu tín nhiệm cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý sao cho thực chất.
Bên cạnh đó, việc tổ chức thi tuyển cán bộ cần được triển khai thống nhất theo lộ trình ở từng cấp đối với những chức vụ có thể thi tuyển đã được kiểm nghiệm qua thí điểm ở một số địa phương, bộ, ngành trong thời gian qua. Với mỗi chức vụ cần bổ nhiệm, trên cơ sở quy hoạch cán bộ, tổ chức đảng giới thiệu hai ứng viên trở lên cùng trình bày chương trình hành động để bảo đảm cạnh tranh lành mạnh. Đó là những biện pháp hiệu quả phòng ngừa nạn “chạy chức”, “nâng đỡ không trong sáng”, đồng thời tạo động lực để cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phấn đấu không ngừng, chống tha hóa quyền lực...
Một bất cập nữa cần khắc phục ngay, đó là mặc dù pháp luật đã có quy định về những hành vi phạm tội hình sự liên quan đến nhóm tội phạm về chức vụ, như: Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, vi phạm các quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng... với các mức án phạt tù rất nghiêm khắc; song trong nhóm tội này chưa có quy định nào về xử lý hình sự đối với hành vi liên quan đến việc thiếu trách nhiệm hay vi phạm các quy định về công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ. Trong khi đó, việc lợi dụng chức vụ quyền hạn, thiếu trách nhiệm dẫn đến “bổ nhiệm nhầm cán bộ” có khi còn gây hậu quả nghiêm trọng hơn rất nhiều so với những thiệt hại về kinh tế, sức khỏe, môi trường... của các tội danh khác đã được Bộ luật Hình sự quy định.
Thủ đoạn của những người “chạy chức”, “chạy quyền”, “nâng đỡ không trong sáng” là rất tinh vi, nguy hại khôn lường, ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của Đảng và sự phát triển của đất nước. Muốn phòng, chống tha hóa quyền lực thì trước hết phải khắc phục triệt để những hạn chế, tiêu cực trong công tác cán bộ. Tục ngữ có câu “Thuốc đắng dã tật”, do đó cần phải có thái độ kiên quyết và biện pháp đồng bộ, chặt chẽ, xử lý thật nghiêm khắc để đủ sức răn đe. Nếu “giơ cao đánh khẽ” sẽ không thể giải quyết được.
Đại hội XIII của Đảng xác định: Tiếp tục hoàn thiện thể chế Đảng lãnh đạo công tác cán bộ, cải cách thủ tục hành chính và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền về công tác cán bộ. Kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong từng khâu của công tác cán bộ, nhất là đối với người đứng đầu cấp ủy đồng thời là thủ trưởng cơ quan, đơn vị, chủ tịch UBND. Giữ vững kỷ luật, kỷ cương; tăng cường kiểm tra, giám sát, chống chạy chức, chạy quyền... Kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực trong công tác cán bộ... Thí điểm chủ trương người đứng đầu lựa chọn, giới thiệu với cấp có thẩm quyền để bầu cử, bổ nhiệm cấp phó của mình; bí thư cấp ủy giới thiệu để bầu ủy viên ban thường vụ và chịu trách nhiệm về việc giới thiệu; giao quyền cho người đứng đầu bổ nhiệm, miễn nhiệm đối với cấp trưởng cấp dưới trực tiếp và chịu trách nhiệm về quyết định đó... |
Bài viết rất hữu ích
Trả lờiXóa