Thứ Hai, 28 tháng 6, 2021

TIẾP TỤC BÀN VỀ “TỰ DO NGÔN LUẬN”

 

Cương Trực

Trước hết, cần làm rõ, “tự do ngôn luận” khác về bản chất với “ngôn luận tự do”. “Tự do ngôn luận” cần bảo đảm tuân thủ chuẩn mực pháp lý, chuẩn mực văn hóa, giao tiếp, là quyền cơ bản của công dân tham gia trao đổi, chia sẻ, tranh luận và phản biện xã hội vì mục đích xây dựng, vì lợi ích công chứ không phải lợi dụng quyền này để thỏa mãn và mưu lợi cá nhân, để xâm hại lợi ích công và chuẩn mực văn hóa cộng đồng. Trái lại “ngôn luận tự do” là tự do nói năng, phát ngôn, bình luận, chia sẻ, tán phát thông tin một cách tùy tiện, vô lối. Trên thực tế, không có quyền tự do nào là tuyệt đối mà chỉ có quyền tự do tương đối. Nếu để tự do tuyệt đối nghĩa là tự do vô giới hạn, vô chính phủ sẽ dẫn đến tình trạng mất kiểm soát, gây ra rối loạn xã hội. Quyền tự do ngôn luận cũng vậy. Nếu ai cũng nói năng bừa bãi, phát ngôn tùy tiện, chia sẻ thông tin bất chấp đúng-sai, thật-giả lẫn lộn, không chỉ làm cho xã hội rơi vào tình trạng rối nhiễu thông tin mà còn có thể tạo ra những cuộc khủng hoảng thông tin xã hội một cách trầm trọng, từ đó gây mất ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. 

Trên thế giới, nhất là các nước tư bản, mặc dù trong hiến pháp của họ đều ghi công dân có quyền ngôn luận, hội họp, xuất bản, tự do lập hội, nhưng không coi quyền này là “tự do tuyệt đối”. Pháp, Ðạo luật 1881 nêu rõ các giới hạn trong tự do báo chí khi đưa ra các định nghĩa về tội phạm báo chí. Ở Italia, nhiều nhà báo bị đe dọa đến tính mạng khi họ viết về tội phạm và hoạt động của maphia... Bên cạnh đó, trong hiến pháp của các nước tư bản còn giữ lại rất nhiều điều kiện bảo lưu, giúp cho giai cấp tư sản khi cảm thấy sự thống trị của mình bị đe dọa, thì sẽ “có khả năng điều động quân đội đến đàn áp, hoặc thực hiện giới nghiêm...”. Anh, mọi người có thể công khai diễn thuyết trong trường hợp nhất định, tuyên truyền cho chủ trương của mình, thậm chí có thể thóa mạ cả thủ tướng, nhưng nếu có người hô “đả đảo Chính phủ Anh”, “đả đảo Nữ hoàng” hoặc tuyên truyền bạo lực cách mạng, thì sẽ bị bắt.

Nước Mỹ được một số người coi là “hình mẫu của tự do” nhưng ngôn luận không hề có “tự do tuyệt đối”. Nghị viện Mỹ đưa ra “Luật Trấn áp bạo động phản loạn”, trong đó quy định rõ: “Những ngôn luận, sách báo lăng mạ, hoặc kích động nhân dân, khinh thường chính thể Mỹ, tình hình nước Mỹ, Hải, Lục, Không quân Mỹ, đều bị nghiêm trị”. Những người cho rằng ở nước Mỹ có “tự do báo chí tuyệt đối” nếu thấy được pháp lệnh này chắc sẽ có nhận thức mới về “tự do ngôn luận” ở Mỹ.

Như vậy, có thể thấy rõ, trong xã hội tư bản, hoạt động báo chí luôn nằm trong khuôn khổ của pháp luật tư sản. Pháp luật ấy thể hiện ý chí thống trị của giai cấp tư sản nên không thể có tự do báo chí thuần túy nằm ngoài sự kiểm soát của nhà nước tư sản. Việc thực hiện “tự do ngôn luận” ở các nước tư bản hiện nay chỉ mang tính hình thức, nó không thể làm tổn hại đến quyền lợi của giai cấp thống trị và nếu có làm tổn hại, lẽ dĩ nhiên sẽ bị cấm. Ở các nước tư bản, không phải như một số người nghĩ là muốn nói gì thì nói, muốn nói như thế nào cũng được, mà bị hạn chế bởi những điều kiện nhất định. Không một nhà nước nào cho phép công dân chê bai, nhục mạ, chống lại chính quyền, cũng không cho phép tuyên truyền, ca ngợi cho chính thể đối lập. Đó là sự thật không thể chối cãi, và do đó hãy dừng lại việc mang cái gọi là “tự do ngôn luận” ở các nước tư bản ra để đòi hỏi ở Việt Nam.

1 nhận xét:

  1. Chúng ta phải nhận biết và đấu tranh mạnh mẽ chống lại các luận điệu xuyên tạc, chống phá Việt Nam của bọn phản động và các thế lực thù địch

    Trả lờiXóa