Thứ Tư, 9 tháng 6, 2021

TỪ “NGUYÊN TẮC ĐỊNH NGHĨA KHÁI NIỆM” HIỂU RÕ HƠN BỘ MẶT THẬT CỦA NGUYỄN ĐÌNH CỐNG

 

Phạm Trung

Lúc 01:09 ngày 02 tháng 6 năm 2021, Nguyễn Đình Cống có đăng bài “Phản biện Bài báo của GS Nguyễn Phú Trọng (Phần 1)” trên trang web Tiếng Dân News. Đây là sự xuyên tạc trắng trợn bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”.

Núp dưới danh nghĩa “phản biện”, Nguyễn Đình Cống đã xuyên tạc nhiều nội dung trong bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong đó ông ta cho rằng: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã vi phạm “nguyên tắc định nghĩa khái niệm” khi đưa ra khái niệm về chủ nghĩa xã hội. Theo Nguyễn Đình Cống, “định nghĩa, nhận thức hay mô tả thì cũng phải dựa vào cái có thật”, còn chủ nghĩa xã hội là cái chưa có thật, chưa tồn tại, Tổng Bí thư “đã đem những phán đoán, những mong ước về một xã hội hiện hữu thành điều khẳng định, có thật, biến một dự báo thành một định nghĩa”, như thế là ngụy biện.

 Khoa học lôgic học đã chỉ ra: Khái niệm là một hình thức cơ bản của tư duy, phản ánh những thuộc tính, những mối liên hệ bản chất, đặc trưng của sự vật, hiện tượng trong thế giới khách quan. Có nhiều thao tác lôgic đối với khái niệm, ví dụ: Định nghĩa khái niệm; mở rộng, thu hẹp khái niệm; phân chia khái niệm, v.v.. Đối với thao tác định nghĩa khái niệm, cần phải tuân thủ những quy tắc cơ bản sau: Định nghĩa phải cân đối; không được vòng quanh; phải ngắn gọn, chính xác; không được định nghĩa thông qua phủ định cái đối lập với cái cần định nghĩa. Nguyễn Đình Cống đã “sáng tạo” thêm một “nguyên tắc định nghĩa” mới: “định nghĩa, nhận thức hay mô tả thì cũng phải dựa vào cái có thật”. Nguyên tắc định nghĩa khái niệm mà Nguyễn Đình Cống “sáng tạo” ra chứng tỏ rằng hắn ủng hộ quan điểm của chủ nghĩa thực chứng.

Chủ nghĩa thực chứng (positivism: xác thực, chắc chắn) là khuynh hướng triết học chỉ tin vào tri thức xác thực, bác bỏ các loại tri thức không gắn liền với kinh nghiệm và nằm ngoài khả năng có thể được chứng minh bằng lôgic, quan sát và thực nghiệm. Chủ nghĩa thực chứng ra đời vào đầu thế kỷ 19 do A.Côngtơ khởi xướng, với các đại biểu H.Spenxơ, J.S.Minlơ nhằm chống lại triết học tư biện, duy tâm của G.V.Ph.Hêghen. Từ cuối thế kỷ 19 đến chiến tranh thế giới lần thứ nhất, chủ nghĩa thực chứng được E.Makhơ, A.Bôganốp, R.Avênariút phát triển thành “chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán”, tuyệt đối hoá vai trò của cảm giác, coi cảm giác là cái có trước và quyết định sự vật, hiện tượng, sự vật là phức hợp cảm giác. Năm 1908, V.I.Lênin đã kịch liệt phê phán chủ nghĩa thực chứng thông qua tác phẩm Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán, từ đó Người đã đưa ra định nghĩa kinh điển về vật chất. Chủ nghĩa thực chứng mới ra đời sau chiến tranh thế giới thứ nhất và phát triển đến đỉnh cao vào những năm 50 của thế kỷ XX với trường phái: Chủ nghĩa nguyên tử lôgíc của B.Rútseo; triết học phân tích ngôn ngữ; chủ nghĩa thực chứng lôgíc của R.Carơnáp; chủ nghĩa hậu thực chứng K.Pốppơ.

Chủ nghĩa thực chứng là sản phẩm của chủ nghĩa tư bản, được chủ nghĩa tư bản ra sức rêu rao, tâng bốc. Đây là công cụ mà giai cấp tư sản, chủ nghĩa tư bản thường sử dụng để chống phá chủ nghĩa Mác. Không thể phủ nhận một số cống hiến mà chủ nghĩa thực chứng đem lại đó là nhấn mạnh yêu cầu về tính rõ ràng, chặt chẽ của tư duy, chống lại triết học tư biện. Tuy nhiên, tư duy thực chứng chỉ phù hợp với một số khoa học cụ thể, đặc biệt là khoa học tự nhiên. Nếu tuyệt đối hóa chủ nghĩa thực chứng sẽ làm cho tư duy của con người sa vào kinh nghiệm, vụn vặt; hạn chế khả năng khái quát hóa, trừu tượng hóa của tư duy; thủ tiêu bản chất năng động, sáng tạo của ý thức con người; phủ định tính vượt trước của ý thức xã hội đối với tồn tại xã hội. Con người sẽ không dự báo được khuynh hướng phát triển của tự nhiên, xã hội và tư duy, làm cho con người và xã hội loài người phát triển một cách tự phát, hỗn độn, không có mục tiêu, phương hướng rõ ràng. Xã hội loài người mãi luẩn quẩn trong vòng xoáy của chủ nghĩa tư bản. Đây chính là mục tiêu cần đạt được của các học giả tư sản và bọn ăn bám như Nguyễn Đình Cống.

Để luận giải chính xác sự liên hệ, phát triển của tự nhiên, xã hội và tư duy nhất định phải dựa vào thế giới quan duy vật biện chứng và phương pháp luận biện chứng duy vật của triết học Mác - Lênin. Bản chất cách mạng và khoa học của học thuyết này đã được thế giới thừa nhận. Không phải ngẫu nhiên mà các học giả tư sản lại bầu chọn C.Mác là nhà tư tưởng của thiên niên kỷ. Triết học Mác - Lênin chỉ ra rằng, hoạt động của con người bao giờ cũng theo đuổi một mục đích nhất định.

Theo đó, để nhận thức và hoạt động thực tiễn có hiệu quả tất yếu con người phải xác định được mục đích, phương hướng hoạt động. Để lãnh đạo một quốc gia, dân tộc phát triển đúng hướng, tất yếu chủ thể lãnh đạo quốc gia, dân tộc ấy phải xác định rõ mục tiêu, lý tưởng, con đường phát triển và mô hình xã hội trong tương lai. Việc xây dựng một mô hình xã hội trong tương lai không nhất thiết phải đặt ra một nguyên tắc là mô hình ấy đã tồn tại, đã có thực. Cũng giống như việc Nguyễn Đình Cống phải vẽ một bản thiết kế trước khi xây dựng một công trình mà không nhất định phải đòi hỏi rằng công trình ấy đã tồn tại, đã có thực. Bởi vì, nếu như vậy thì xã hội loài người nói chung và ngành xây dựng - chuyên ngành của giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Đình Cống sẽ không phát triển được như ngày nay.

Triết học Mác - Lênin giúp loài người hiểu ra một chân lý rằng, xã hội loài người sẽ luôn luôn vận động, phát triển. Sự phát triển của các hình thái kinh tế - xã hội là một quá trình lịch sử tự nhiên. Chủ nghĩa xã hội sẽ chiến thắng chủ nghĩa tư bản như chủ nghĩa tư bản chiến thắng các hình thái kinh tế - xã hội trước nó. Xã hội loài người không thể dừng lại ở chủ nghĩa tư bản - một xã hội vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người, phân hóa giàu nghèo, bất bình đẳng, “cá lớn nuốt cá bé”, tuyệt đối hóa lợi ích cá nhân, hủy hoại môi trường sống, dân chủ giả hiệu, không vì lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, v.v. Đây là chân lý mà chủ nghĩa tư bản và những tên ăn bám như Nguyễn Đình Cống biết nhưng không bao giờ dám thừa nhận quy luật này. Chúng tìm mọi cách để che đậy, xuyên tạc, mà việc lợi dụng, tâng bốc, tuyệt đối hóa chủ nghĩa thực chứng là một thủ đoạn.

Từ khi ra đời đến nay, nhờ việc trung thành và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa duy vật biện chứng và phép biện chứng duy vật, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định rõ mục tiêu, lý tưởng, lựa chọn đúng đắn con đường phát triển, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX; lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Trong sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam hiện nay, để giữ vững định hướng và đi đến thắng lợi cuối cùng nhất định phải xác định rõ mô hình xã hội chủ nghĩa với những đặc trưng, dấu hiệu nội hàm cụ thể. Đây là một quá trình phát triển tư duy lý luận lâu dài của Đảng ta. Trên cương vị là người đứng đầu của Đảng, một nhà nghiên cứu lý luận mácxít chân chính, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khái quát lại 8 đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa xã hội mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đồng lòng hướng tới xây dựng đó là “một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới.”[1]. Việc xác định rõ những đặc trưng cơ bản của một mô hình chủ nghĩa xã hội phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam là mục tiêu, định hướng lớn cho sự nghiệp đổi mới ở nước ta hiện nay, giúp Việt Nam vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam. Nếu tuân thủ nghiêm ngặt “nguyên tắc định nghĩa khái niệm” mà Nguyễn Đình Cống đã “sáng tạo” ra thì không bao giờ Đảng ta có một bước tiến về mặt lý luận to lớn như vậy.

Để xuyên tạc một bài viết có tính định hướng cao, giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Đình Cống không còn cách nào khác là phải dựa vào quan điểm của chủ nghĩa thực chứng, “sáng tạo” ra một “nguyên tắc định nghĩa khái niệm” mới đó là “định nghĩa, nhận thức hay mô tả thì cũng phải dựa vào cái có thật”. Nguyên tắc định nghĩa khái niệm mà Nguyễn Đình Cống đưa ra đã lột tả bộ mặt thật của một vị giáo sư được sinh ra và lớn lên dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, được hưởng đầy đủ những chế độ ưu đãi của Đảng và Nhà nước, công danh, sự nghiệp khó ai sánh bằng nhưng lại ngang nhiên công khai đưa ra những quan điểm sai trái, xuyên tạc, phản động, hòng kéo lùi lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam. Đây là hành động không thể chấp nhận!



[1]Nguyễn Phú Trọng (2021), “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Báo Quân đội nhân dân online, ngày 16/5/2021, 20:38.

1 nhận xét:

  1. Chúng ta cần nâng cao cảnh giác với các luận điệu chống phá của các thế lực thù địch; đồng thời tích cực đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu thủ đoạn hiểm độc, tinh vi của chúng

    Trả lờiXóa