Thứ Ba, 8 tháng 6, 2021

BÀN VỀ TỰ DO NGÔN LUẬN, TỰ DO BÁO CHÍ

 

Văn Hóa

Nhân Ngày Tự do báo chí thế giới (03/5) và chuẩn bị đến Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6), trên một số trang mạng và phương tiện truyền thông quốc tế, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, bất mãn trong và ngoài nước đã có những thông tin sai lệch, xuyên tạc thực tế tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam. Lực lượng này lấy danh nghĩa “dân chủ, nhân quyền” để xuyên tạc thực tế tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam, vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền, bóp nghẹt tự do ngôn luận, tự do báo chí. Lợi dụng danh nghĩa đấu tranh “tự do báo chí” để tập hợp lực lượng, hình thành các tổ chức chống đối lật đổ chính quyền.

Thực tế cho thấy, Việt Nam là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, luôn tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Điều 19, Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền: “Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và biểu đạt; bao gồm tự do giữ ý kiến mà không bị can thiệp, cũng như tự do tìm kiếm, thu nhận và truyền bá thông tin và tư tưởng bằng bất cứ phương tiện truyền thông nào và không giới hạn về biên giới”. Điều 25 Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam ghi rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Tiếp đó Quốc hội Việt Nam đã ban hành Luật Tiếp cận thông tin và Luật Báo chí sửa đổi năm 2016. Trong đó, Điều 3 Luật Tiếp cận thông tin quy định: “Mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin; thông tin được cung cấp phải chính xác, đầy đủ; việc cung cấp thông tin phải kịp thời, minh bạch, thuận lợi cho công dân; Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật, người sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn thực hiện quyền tiếp cận thông tin”. Điều 13 chỉ rõ: “Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình; báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ. Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân; báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, truyền dẫn và phát sóng”.

Như vậy, ở Việt Nam quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí luôn được tôn trọng, bảo đảm và ngày càng được thực thi trong cuộc sống một cách nghiêm túc. Nhà nước bảo vệ, tôn trọng, bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và được luật hóa rất cụ thể. Việt Nam phê phán mạnh mẽ những thông tin với mưu đồ phá hoại công cuộc đổi mới, phát triển đất nước hiện nay./.

1 nhận xét:

  1. Hiện nay, các thế lực thù địch không từ thủ đoạn nào để chống phá sự nghiệp cách mạng, chống phá Đảng, chống phá chế độ ta; dã tâm của chúng là không thay đổi. Do đó, cần nhận diện những âm mưu, thủ đoạn của chúng để phòng ngừa.

    Trả lờiXóa