Bùi Xuân Quỳnh
Tiến bộ và công bằng xã hội là mục tiêu chung, là ước vọng tốt đẹp của con người và xã hội loài người. Lịch sử là tiến lên, song chỉ có sự tiến lên một cách toàn diện trên các lĩnh vực, khía cạnh trong sự tương quan cân đối hài hòa với những tiêu chí xác định ở từng thời kỳ lịch sử của các giai cấp, tầng lớp xã hội là tiến bộ xã hội. Thành tựu lớn nhất trong thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ở nước ta đó chính là chúng ta đã đánh đổ phong kiến, thực dân, đề quốc giải phóng hoàn toàn dân tộc thống nhất đất nước đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội với những mục tiêu và bước đi tốt đẹp “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc”.
Đặc biệt sau 35 năm đổi mới toàn diện đất nước. Về nhận thức lý luận: “Mục tiêu, đặc trưng, những phương hướng cơ bản và những quan hệ lớn mang tính quy luật trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc tiếp tục được bổ sung, cụ thể hoá, phát triển với những nhận thức quan trọng. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình phát triển tổng quát của nền kinh tế Việt Nam. Gắn kết giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; phát huy nhân tố con người, lấy nhân dân làm trung tâm; phát huy vai trò của văn hoá - nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực của sự phát triển...”.Về thể
chế, Hiến pháp năm 2013 và hệ thống luật pháp đã thể chế hóa các
nguyên tắc, yêu cầu về tiến bộ, công bằng xã hội, các điều kiện bảo vệ và bảo
đảm các quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân. Con người được giáo dục, bảo
vệ và tạo các điều kiện ngày càng thuận lợi hơn cho sự phát triển toàn diện,
theo nguyên tắc “thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và
từng chính sách phát triển”. Quyền tự do báo chí, ngôn luận, tự do sáng tạo và
quảng bá các giá trị văn hóa, nghệ thuật; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và
không tín ngưỡng, tôn giáo; quyền tiếp cận thông tin, v.v..của người dân được
tôn trọng và bảo vệ.
Sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước ta đã thu được những thành tựu
to lớn, toàn diện có tính chất lịch sử, thúc đẩy giải quyết hài hòa, tích cực
mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ
và công bằng xã hội, cải thiện rất cơ bản và toàn diện môi trường xã hội, đời
sống vật chất, văn hóa và tinh thần cho nhân dân. Tốc độ tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức độ khá cao. Tính chung cả thời kỳ Chiến lược 2011 - 2020, tăng trưởng GDP thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực
và trên thế giới[1].
GDP bình quân đầu người tăng từ 1.331 USD năm 2010 lên khoảng gần 3000 USD năm
2020.
Việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo được
triển khai tích cực theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, xã hội hoá, dân chủ hoá
và hội nhập quốc tế. Xây dựng và triển khai hệ thống giáo dục quốc dân và khung
trình độ quốc gia mới. Mạng lưới cơ sở giáo dục, đào tạo tiếp tục được mở rộng ở
tất cả các cấp học, bậc học,
ngành học[2].
Quan tâm phát triển giáo dục vùng sâu, vùng xa,
vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm công bằng hơn trong tiếp cận giáo dục. Chương
trình, sách giáo khoa, nội dung, phương pháp giáo dục, thi cử, kiểm định chất
lượng đào tạo được đổi mới phù hợp hơn và giảm áp lực, chi phí xã hội. Chú
trọng dạy và học đạo đức, kỹ năng sống, ngoại ngữ, giáo dục thể chất. Từng bước
thực hiện cơ chế tự chủ đối với cơ sở giáo dục - đào tạo. Chất
lượng giáo dục phổ thông, giáo dục đại học, nghề nghiệp được nâng lên; các đoàn học sinh dự
thi Olympic quốc tế và thi tay nghề đều đạt kết quả cao[3]. Trong thời gian dịch bệnh
Covid-19, ngành giáo dục - đào tạo đã bước đầu tiếp cận dạy và học qua Internet, truyền hình với
nhiều hình thức khác nhau.
Tập trung các nguồn
lực xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với các công trình hiện đại, nhất
là hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn. Vốn đầu tư phát triển giai đoạn
2011 - 2020 đạt gần 15 triệu tỉ đồng (tương đương 682 tỉ USD), tăng bình quân
10,6%/năm, trong đó vốn ngân sách
nhà nước và trái phiếu chính phủ là 3,1 triệu tỉ đồng (144 tỉ USD), chiếm 20,8%
tổng đầu tư xã hội, tập trung cho các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội
trọng điểm, nhất là giao thông, thuỷ lợi, giáo dục, y tế, nông nghiệp, nông
thôn, giảm nghèo, an ninh, quốc phòng... Năng lực hệ thống kết cấu hạ tầng được nâng lên đáng kể góp phần quan trọng thay đổi diện mạo đất nước, tạo
động lực cho phát triển và thu hút các nguồn lực ngoài nhà nước.
Phát triển văn hoá, xây dựng con người Việt Nam đạt
kết quả tích cực. Nhận thức
về giá trị di sản văn hoá và truyền thống văn hoá ngày càng được nâng cao. Đời
sống văn hoá của nhân dân ngày càng phong phú, nhiều giá trị văn hoá truyền thống
tốt đẹp của dân tộc được đề cao và phát huy. Sản phẩm văn hoá, văn học nghệ thuật
ngày càng đa dạng và có chất lượng. Xã hội hoá các hoạt động văn hoá được mở rộng.
Nhiều di sản văn hoá vật thể, phi vật thể, di sản thiên nhiên và di sản ký ức
thế giới được công nhận, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị[4]. Hoạt động giao lưu, quảng bá giá trị văn
hoá Việt Nam được thực hiện chủ động và tích cực.
Tỉ lệ hộ nghèo cả
nước giảm nhanh, từ 14,2% năm 2010 xuống còn 7% năm 2015 (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015) và giảm từ 9,2% năm 2016
xuống dưới 3% vào năm 2020 (theo chuẩn nghèo đa chiều). Cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các huyện nghèo, xã
nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tăng cường. Đời sống người dân không
ngừng được cải thiện; tạo sinh kế và nâng cao
khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Thu nhập bình quân đầu người tăng 3,1 lần, từ 16,6 triệu đồng
năm 2010 lên 51,5 triệu đồng năm 2019[5]. Thực hiện nhiều giải pháp tạo việc làm,
nâng cao thu nhập cho người lao động. Tỉ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động
trong độ tuổi khu vực thành thị có xu hướng giảm dần, từ mức 4,3% năm 2010 xuống
còn khoảng 3,1% năm 2019, riêng
năm 2020 do tác động của dịch
bệnh Covid-19 nhiều doanh nghiệp phải giãn, dừng, chấm dứt hoạt động, tỉ lệ lao
động mất việc làm, thất nghiệp gia tăng. Quan hệ lao động ngày càng hài hoà, tiến bộ; số vụ tranh chấp
lao động tập thể, đình công giảm dần qua các năm[6].
Thực hiện tốt các
chính sách người có công, bảo đảm an sinh xã hội. Phát huy truyền thống uống nước
nhớ nguồn, huy động toàn xã hội tham gia chăm sóc gia đình chính sách, người có
công. Đến nay, cả nước đã xác nhận được trên 9,2 triệu người có công, trong đó,
số người đang hưởng chế độ ưu đãi hằng tháng gần 1,4 triệu người; trên 500
nghìn thân nhân người có công đang hưởng trợ
cấp hằng tháng. Diện bao phủ bảo hiểm xã hội ngày càng được mở rộng, số
người tham gia tăng từ 9,5 triệu người năm 2010 lên 14,7 triệu người năm 2018
(chiếm 30,4% lực lượng lao động trong độ tuổi). Số người tham gia bảo hiểm thất
nghiệp tăng nhanh[7]. Thực hiện hiệu quả các chính sách bảo hiểm
xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động; mở rộng và thực
hiện tốt các chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên và đột xuất. Nhà nước
đã dành nhiều nguồn lực đối phó với đại dịch Covid-19; thực hiện nhiều
biện pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn; giảm, giãn thuế, phí, lệ phí; giảm giá điện,
nước, dịch vụ viễn thông; khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất tín dụng…
Đẩy mạnh hỗ trợ nhà ở cho người có công, người nghèo ở nông thôn và các vùng thường xuyên bị thiên
tai, bão lũ[8]; phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập
thấp tại đô thị và công nhân khu công nghiệp. Diện tích bình quân nhà ở tăng từ 17,9 m2/người năm
2010 lên khoảng 25 m2/người năm 2020.
Bình đẳng giới được
thực hiện có hiệu quả trên các lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội;
đặc biệt, đã thu hẹp khoảng cách giới trong việc làm, tiền lương. Công tác bảo
vệ, chăm sóc trẻ em được quan tâm cả về tổ chức bộ máy, chính sách, pháp luật,
nguồn lực và được triển khai thực hiện ở cả ba cấp độ: Phòng ngừa, can thiệp giảm
thiểu các nguy cơ và hỗ trợ phục hồi, hoà nhập cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Đã hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Việc xây dựng
gia đình tiến bộ, hạnh phúc được quan tâm; nhiều mô hình phòng, chống bạo lực
gia đình được nhân rộng. Trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đã nổi
lên những giá trị đạo đức xã hội, nhiều gương người tốt, việc tốt được nhân rộng,
phát huy.
Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân được quan tâm. Y tế
dự phòng được tăng cường, cơ bản không để dịch bệnh lớn xảy ra. Việt Nam từng bước kiểm soát được dịch bệnh
Covid-19, không để lây lan trên diện rộng, được ghi nhận, đánh giá cao. Mạng lưới cơ sở y tế
phát triển rộng khắp, năng lực, chất lượng khám, chữa bệnh và y đức được nâng
lên; y tế cơ sở được chú trọng. Nhiều bệnh viện công lập được thực hiện tự chủ.
Công nghiệp dược phát triển nhanh, năng lực sản xuất thuốc trong nước có nhiều
tiến bộ. Thuốc sản xuất trong nước chiếm 74% mặt hàng, đáp ứng được trên 50% về
lượng và 40% về giá trị; đã sản xuất được nhiều loại thuốc đòi hỏi công nghệ
cao, yêu cầu kỹ thuật ngặt nghèo; đã sản xuất được 11/12 loại vắc-xin sử dụng
trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Ứng dụng rộng rãi công nghệ
thông tin trong khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ nhân dân, đặc biệt là triển khai nền tảng hỗ trợ tư vấn
khám, chữa bệnh trực tuyến, từ xa. Nhiều dịch vụ y tế kỹ thuật cao, tiên tiến được
áp dụng. Tình trạng quá tải bệnh viện, nhất là tuyến Trung ương và tuyến cuối từng
bước được khắc phục.
Tuổi thọ trung bình tăng từ 72,9 tuổi năm 2010 lên 73,7 tuổi vào năm 2020,
trong đó nam giới 71,2 tuổi, nữ giới 76,5 tuổi[9]. Số bác sĩ trên 1 vạn
dân tăng từ 7,2 bác sĩ năm 2010 lên khoảng 9 bác sĩ năm 2020. Số giường bệnh
trên 1 vạn dân tăng từ 21,9 giường năm 2010 lên 28 giường năm 2020, vượt mục
tiêu đặt ra (26 giường). Thay đổi căn bản về bảo hiểm y tế, hướng tới bảo hiểm
y tế toàn dân; tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế tăng nhanh từ 60,9% dân số năm 2010
lên 90,7%[10]
vào năm 2020. Mức sinh thay thế được duy trì, chất lượng dân số được cải thiện.
Tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh[11].
Công tác phòng,
chống tệ nạn xã hội được tăng cường; đã hình thành hệ thống cơ quan chuyên
trách phòng, chống tệ nạn xã hội ở địa phương. Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt
Nam liên tục được cải thiện[12],
thuộc nhóm các nước có mức phát triển con người trung bình cao của thế giới. Đã
hoàn thành trước thời hạn nhiều mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, được đánh giá
là điểm sáng trong lĩnh vực giảm nghèo, y tế, giáo dục và tích cực triển khai
thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.
Việc
thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa được đẩy mạnh làm cho môi trường xã hội của đất nước ngày
càng tốt đẹp, các quyền tự do dân chủ của công dân được thực hiện rộng rãi với
những chế định đảm bảo ngày càng chặt chẽ. Việc thực hiện “Quy chế dân chủ ở cơ
sở” đã có đóng góp tích cực vào việc thực hiện quyền làm chủ của người dân, bảo
vệ những quyền và lợi ích chính đáng của họ trong các quyết định về kinh tế -
xã hội ở các địa phương.
Cuộc
đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, được đẩy mạnh, không chỉ hạn chế
những thiệt hại về của cải tài sản của nhà nước, của nhân dân; mà quan trọng
hơn là loại khỏi các cơ quan đảng, nhà nước những phần tử cơ hội, lợi dụng chức
vụ, quyền hạn để đục khoét nhà nước, đục khoét nhân dân, làm cho bộ máy hệ
thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, qua đó mà
lấy lại và củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.
Tự
do tôn giáo, tín ngưỡng và tự do không tôn giáo, tín ngưỡng được tôn trọng và được
Đảng, Nhà nước, hệ thống luật pháp bảo vệ. Các tín ngưỡng truyền thống được tôn
trọng và phát huy ý nghĩa xã hội tốt đẹp. Các tôn giáo chính thức được hoạt
động và phát triển thuận lợi theo chính sách, pháp luật nhà nước.
Những
thành tựu về nhận thức và giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với
phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường
trong thời gian vừa qua là rất to lớn, toàn diện. Những kết quả đó, một mặt là
hệ quả trực tiếp của đường lối đổi mới của Đảng về phát triển văn hóa, quản lý
phát triển xã hội trong thời gian vừa qua, mặt khác, trở thành nguồn vốn xã
hội, nguồn lực nội sinh cho sự tăng trưởng kinh tế, xây dựng và phát triển đất
nước./.
[1] Theo số liệu
của Ngân hàng Thế giới và Cơ quan Thống kê Liên hợp quốc, tăng trưởng của Việt Nam trong giai đoạn
2011 - 2017 cao hơn mức bình quân của nhóm nước có thu nhập trung bình thấp
(5,4%) và các nước Đông Nam Á (5%).
[2] Số lượng các trường đại học, cao
đẳng có hơn 440 trường. Mạng lưới dạy nghề có khoảng 2.000 cơ sở.
[3] Theo PISA, kết quả giáo dục phổ
thông nước ta vượt mức trung bình của học sinh các nước khối OECD. Theo Bảng
xếp hạng đại học thế giới Quacquarelli Symonds, đã có 5 trường đại học nằm
trong nhóm 400 trường hàng đầu Châu Á, 2 trường đại học nằm trong nhóm 1.000
trường tốt nhất thế giới.
[4] Có thêm 6 di sản văn hoá phi vật
thể được thế giới công nhận, tôn vinh: Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ
(năm 2012); Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ (năm 2013); Dân ca Ví, Giặm Nghệ
Tĩnh (năm 2014); Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt (năm
2016); Hát Xoan Phú Thọ (năm 2017); Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ (năm 2017). Có
8 di sản thế giới được UNESCO công nhận, trong đó có 5 di sản văn hoá (Quần thể
di tích Cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Thánh địa
Mỹ Sơn, Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long và Thành nhà Hồ), 2 di
sản tự nhiên (Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Vịnh Hạ Long).
[5] Theo số liệu khảo sát mức sống dân
cư của Tổng cục Thống kê.
[6] Năm 2013 xảy ra 355 cuộc đình
công; năm 2014: 269 cuộc; năm 2015: 245 cuộc; năm 2016: 242 cuộc; năm 2017: 167 cuộc; năm 2018: 101 cuộc.
[7] Số lượt người được hưởng bảo hiểm
xã hội từ 7,8 triệu năm 2010 tăng lên 14,5 triệu năm 2018; số người tham gia
bảo hiểm thất nghiệp tăng từ 7,2 triệu lên 12,6 triệu.
[8] Đã hoàn thành chương trình hỗ trợ
nhà ở cho gần 400 nghìn hộ người có công; xây dựng hơn 4,1 triệu m2
nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại đô thị và công nhân khu công nghiệp;
hỗ trợ nhà ở cho trên 1 triệu người nghèo ở nông thôn và các vùng thường xuyên
bị thiên tai, bão lũ.
[9] Theo Tổ chức Y
tế thế giới, tuổi thọ trung bình của Việt Nam đạt 76,3 tuổi, số năm sống khoẻ
sau tuổi 60 đạt 17,2 năm,
đứng thứ 42/183 nước.
[10] Nếu tính cả bảo hiểm thương mại
thì đạt trên 93%.
[11] Tỉ
lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm từ 17,5% năm 2010 xuống 12% năm 2020.
Tỉ suất chết của người mẹ trong thời gian thai sản trên 100.000 trẻ đẻ
sống giảm từ 69 người năm 2010 xuống 52 người năm 2020.
[12] Từ mức 0,654 năm 2010 (thứ hạng
117/189 quốc gia và vùng lãnh thổ) lên mức 0,694 năm 2017 (thứ hạng 116/189
quốc gia và vùng lãnh thổ).
Những thành tựu này cần được phát huy hơn nữa
Trả lờiXóa