Phạm Trung
Ngày 23/5/2021 vừa qua, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã thành công tốt đẹp; đảm bảo dân chủ, đúng luật và an toàn. Sự kiện chính trị trọng đại này tiếp tục khẳng định đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đó là:
Một là, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước của
dân, do dân và vì dân; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.
Hai là, quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm
soát chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập
pháp, hành pháp và tư pháp.
Ba là, nhà nước được tổ chức và hoạt động trên cơ sở Hiến pháp, pháp luật
và bảo đảm cho Hiến pháp và các đạo luật giữ vị trí tối thượng trong việc điều
chỉnh các quan hệ thuộc tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Bốn là, nhà nước tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền công dân;
nâng cao trách nhiệm pháp lý giữa nhà nước và công dân; thực hành dân chủ, đồng
thời tăng cường kỷ cương, kỷ luật.
Năm là, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ
nghĩa Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, đồng thời bảo đảm sự giám
sát của nhân dân, sự phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ
chức thành viên của Mặt trận.
Đặc trưng cơ bản trên phản ánh bản chất Nhà nước pháp quyền xã hội chủ
nghĩa Việt Nam, tạo ra sự khác biệt về chất so với nhà nước pháp quyền tư sản.
Sự khác nhau này thể hiện: pháp quyền dưới chế độ tư bản chủ nghĩa là công cụ bảo
vệ và phục vụ cho lợi ích của giai cấp tư sản, còn pháp quyền dưới chế độ xã hội
chủ nghĩa là công cụ thể hiện và thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm
và bảo vệ lợi ích của đại đa số nhân dân. Đúng như Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt
Nam Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Chúng ta nhận thức rằng, nhà nước pháp quyền
xã hội chủ nghĩa về bản chất khác với nhà nước pháp quyền tư sản là ở chỗ: pháp
quyền dưới chế độ tư bản chủ nghĩa về thực chất là công cụ bảo vệ và phục vụ
cho lợi ích của giai cấp tư sản, còn pháp quyền dưới chế độ xã hội chủ nghĩa là
công cụ thể hiện và thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm và bảo vệ lợi
ích của đại đa số nhân dân.”[1].
Hiểu rõ bản chất tốt đẹp của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt
Nam là một trong những lý do quan trọng thôi thúc 99,63% cử tri cả nước tham
gia bầu cử ngày 23/5/2021 vừa qua để thực hiện quyền làm chủ của mình, tạo ra sự
khác biệt rất lớn so với tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu ở nhiều nước tư bản trên thế
giới hiện nay.
[1]
Nguyễn Phú Trọng
(2021), “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi
lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Báo
Quân đội nhân dân online, ngày 16/5/2021, 20:38.
Bài viết rất hay và rất ý nghĩa, cảm ơn tác giả
Trả lờiXóa