Thứ Hai, 10 tháng 5, 2021

PHÊ PHÁN QUAN ĐIỂM CHO RẰNG CHỦ NGHĨA TƯ BẢN HIỆN NAY KHÔNG CÒN BÓC LỘT LAO ĐỘNG LÀM THUÊ

Gió biển

Ngày nay, chủ nghĩa tư bản đã có sự điều chỉnh lớn, do đó, có quan điểm cho rằng chủ nghĩa tư bản không còn bóc lột lao động làm thuê và đề cao, thổi phồng kết quả, điều kiện sống mà người lao động được thụ hưởng. Thực tế, cơ chế điều tiết phân phối giá trị thặng dư của các nhà tư bản được thực hiện thông qua thuế, quỹ phúc lợi xã hội, bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp... Một bộ phận công nhân có cổ phần, là cổ đông trong các công ty cổ phần; họ đầu tư dưới hình thức mua cổ phiếu, trái phiếu, tiền gửi tiết kiệm và thu được lợi tức cổ phần, lợi tức trái phiếu và lãi suất tiền gửi.

Do đó, không thể phủ nhận rằng, hiện nay, đời sống của người công nhân trong xã hội tư bản được nâng cao, thu nhập của họ không chỉ từ tiền công nhận được hằng tháng, mà còn có thêm các khoản khác như lợi tức cổ phần, tăng ca, trợ cấp khó khăn, thất nghiệp, phúc lợi xã hội... Tuy nhiên, tất cả những phần thu của người công nhân nhận được, một mặt, không bao giờ tỷ lệ thuận với sức lao động của chính bản thân bỏ ra; mặt khác, nhu cầu đòi hỏi của con người tất yếu ngày càng cao, theo đó, chi phí sẽ tăng, trong khi thu nhập không đáp ứng được.

Điều này được C.Mác chứng minh cả về lý luận và minh họa thực tế khi phân tích phương pháp sản xuất giá trị thặng dư tương đối. Ông chỉ rõ, nhờ rút ngắn thời gian lao động tất yếu (nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, tăng sức sản xuất của lao động), trước hết ở ngành sản xuất tư liệu sinh hoạt và những ngành sản xuất tư liệu sản xuất để sản xuất tư liệu sinh hoạt, với một thời gian lao động không đổi, thời gian lao động tất yếu rút ngắn lại và thời gian lao động thặng dư tăng lên, do đó tăng khối lượng giá trị thặng dư tương đối, thậm chí có thể rút ngắn ngày lao động mà vẫn thu được khối lượng giá trị thặng dư nhiều hơn trước. Vì thế, đời sống của người lao động được cải thiện; ở các nước tư bản phát triển, mức sống của đại đa số công nhân được nâng cao hơn trước nhưng mức độ bóc lột lao động không công lại tăng hơn trước. Về phía nhà tư bản, vừa có thể sống xa hoa hơn trước, vừa có thể tích lũy nhiều hơn trước để tăng quy mô sản xuất. Giả sử khi năng suất lao động tăng, giá cả của các hàng hóa tiêu dùng đều giảm, mức tiền công giảm xuống. Người công nhân vẫn có thể mua được số hàng hóa như cũ, hoặc nhiều hơn trước, tức là tiền công thực tế tăng lên nhưng không cùng mức tăng lợi nhuận nên tiền công tương đối giảm xuống. Cho nên, tuy đời sống của công nhân được cải thiện, nhưng mức độ bóc lột lại tăng hơn trước, nên chênh lệch thu nhập giữa nhà tư bản và công nhân càng giãn rộng ra.

 


1 nhận xét: