Thứ Hai, 10 tháng 5, 2021

ĐẶC ĐIỂM CỦA TIẾN BỘ XÃ HỘI Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

Bùi Xuân Quỳnh

Bàn về đặc điểm tiến bộ xã hội ở nước ta hiện nay cần nắm chắc phương phương pháp luận của chủ nghĩa Mác – Lê nin. Đặc biệt, cần nhìn nhận đúng những dấu hiệu, thuộc tính chung nhất, đến cái đặc thù do điều kiện lịch sử của nước ta quy định. Về mặt lý luận, tiến bộ xã hội được xác định là quá trình đi từ thấp lên cao có tính hợp lôgíc, hợp quy luật lịch sử. Tiến bộ xã hội nói chung và ở nước ta thống nhất với quá trình phát triển xã hội.

Tiến bộ xã hội và phát triển xã hội không phải là phạm trù đồng nhất. Phát triển với đặc trưng là xuất hiện cái mới, phát triển xã hội chính là phát triển lực lượng sản xuất. Song với tiến bộ xã hội không chỉ là sự phát triển xã hội mà quan trọng hơn là tính chất tiến bộ của quan hệ sản xuất trong mối quan hệ thống nhất với lực lượng sản xuất. Tính chất tiến bộ của quan hệ sản xuất là ở sự phù hợp thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển và mục đích của nền sản xuất phục vụ cho những người lao động. Trong khi đó, ở các nước tư bản có phát triển xã hội, nhưng tiến bộ xã hội lại không song hành. Bởi, quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa thực hiện mục đích lợi nhuận cho nhà tư bản, không vì người lao động. Tiến bộ xã hội gắn với phát triển có tính tổng hợp trên tất cả những lĩnh vực một cách đồng bộ, không quá thiên lệch về một lĩnh vực cụ thể.

Trải qua 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước ta từ nghèo nàn lạc hậu đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và năng lực sản xuất tăng lên một bước mới. Từ chỗ sản xuất không đáp ứng nhu cầu thiết yếu của nhân dân và nền kinh tế, đến nay lương thực, thực phẩm và nhiều mặt hàng tiêu dùng không những đảm bảo đủ nhu cầu và chiếm lĩnh thị trường trong nước mà còn được xuất khẩu. Tất cả những yếu tố trên đây đã tạo ra những khả năng cho tiến bộ trên tất cả các mặt kinh tế chính trị - xã hội văn hoá tư tưởng của xã hội. Tuy nhiên, thực hiện chuyển đổi từ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bên cạnh những tác động tích cực cũng đan xen tiêu cực. Đảng ta chỉ rõ: “Cơ chế thị tr­ường và sự hội nhập quốc tế, bên cạnh những tác động tích cực, to lớn, cũng đã bộc lộ mặt trái của nó, ảnh hưởng tiêu cực đến ý thức t­ư t­ưởng, đạo đức, lối sống của nhân dân ta”[1]. Những biểu hiện cụ thể của mặt trái kinh tế thị tr­ường có biểu hiện dễ nhận thấy, nh­ư chạy theo lối sống thực dụng, cá nhân vị kỷ; coi thường kỷ cương, pháp luật; suy thoái về đạo đức, lối sống; các tệ nạn xã hội gia tăng, v.v… Chúng ta đi lên chủ nghĩa xã hội từ một nước thuộc địa nửa phong kiến với một nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu lại ít kinh nghiệm trong quản lý kinh tế quản lý xã hội, bên cạnh đó những thói quen tàn dư của xã hội cũ còn ảnh hưởng nặng nề. Công cuộc đổi mới sâu sắc đang đặt ra cho chúng ta khó khăn và thách thức, đặc biệt là xu thế hội nhập quốc tế, trong tình hình thế giới và khu vực đang có nhiều biến động, nhà nước và hệ thống chính trị được củng cố hoàn thiện và ổn định.

Tiến bộ xã hội ở nước ta hiện nay mang đặc điểm của tiến bộ xã hội chủ nghĩa và nó mang dấu ấn của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Nó có sự đan xen giữa tiến bộ xã hội với tiến bộ xã hội của xã hội mới tức là những thái độ cũ còn tồn tại như đạo đức lối sống. Tiến bộ xã hội xã hội chủ nghĩa có xu hướng ngày càng hài hòa với nhau, đối lập với tiến bộ xã hội trong các xã hội có giai cấp, với mâu thuẫn giữa tốc độ phát triển lực lượng sản xuất nhanh với sự bất bình đẳng, sự bóc lột, sự tha hóa con người ngày càng lớn.

Tiến bộ xã hội ở nước ta hiện nay mang bản chất tiến bộ xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, bản chất ấy cũng có những sự khác nhau giữa các giai đoạn, thời kỳ cụ thể. Trong đó có giai giai đoạn đầu là tiến bộ trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Giai đoạn tiếp theo là sự phát triển xã hội chủ nghĩa và cuối cùng là cộng sản chủ nghĩa văn minh. Giữa các giai đoạn ấy khác nhau, nhưng thống nhất trong một lô gích và lịch sử, không tách biệt nhau. Tiến bộ xã hội ở nước ta hiện nay là trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển, 2011) ghi rõ: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống âm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”[2].

Đại hội XIII của Đảng khẳng định “Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay[3]. Đó chính là sự khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với xu thế lịch sử, sự khẳng định sự giải quyết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ xã hội ở nước ta hiện nay.

Tiến bộ xã hội ở nước ta hiện nay thật sự là một cuộc cải biến cách mạng sâu sắc, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa quản lý và nhân dân làm chủ. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển, 2011) ghi rõ: “Đây là một quá trình cách mạng sâu sắc, triệt để, đấu tranh phức tạp giữa  cái cũ và cái mới nhằm tạo ra sự biến đổi trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất thiết phải trả qua một thời kỳ quá độ lâu dài với nhiều bước phát triển”[4].

Xu hướng phát triển đa dạng giữa tiến bộ cái mới và thoái bộ, xét về tiến bộ và thoái bộ luôn có sự chuyển hoá, tuy nhiên tiến bộ xã hội trong xã hội chủ nghĩa là chủ đạo. Tiêu chuẩn động lực tiến bộ xã hội ở nước ta diễn ra phức tạp như xác định quan niệm động lực cá nhân trong hoặc hệ giá trị ở nước ta hiện nay rất đa dạng cả giá trị phương tiện tiêu dùng, vật chất và giá trị phương diện tinh thần, trong đó có biểu hiện chạy theo giá trị vật chất và xem nhẹ giá trị đạo đức, tinh thần./.

 



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.52.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.70.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tr.105.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.70.


1 nhận xét: