Thứ Tư, 12 tháng 5, 2021

Không có tổ chức nào ngoài công đoàn xứng đáng là đại diện, bảo vệ quyền lợi người lao động

 Các ý kiến cho rằng, hiện nay không có tổ chức nào tại doanh nghiệp có đủ tính chính danh, sự tín nhiệm và năng lực để thay thế công đoàn trong việc chăm lo bảo vệ lợi ích của công nhân, NLĐ. Báo Quân đội nhân dân trích đăng một số ý kiến:  

Chị Võ Thúy Hòe, Công nhân Công ty Cổ phần TaeKwang Vina (Biên Hòa, Đồng Nai):

Công đoàn luôn đấu tranh giúp đời sống của công nhân ngày càng tốt hơn  

Tôi đã làm việc tại Công ty Cổ phần TaeKwang Vina đã hơn 23 năm và luôn tin tưởng vào tổ chức công đoàn trong việc đấu tranh bảo vệ lợi ích của công nhân, giúp đời sống của chúng tôi ngày càng tốt hơn.  

Công ty Cổ phần TaeKwang Vina là công ty sản xuất 100% hàng xuất khẩu, đang tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 37.000 lao động, với thu nhập bình quân 9,3 triệu đồng/người/tháng. Công đoàn cơ sở (CĐCS) công ty thành lập năm 1996, đã luôn thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ của mình, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp. 100% công nhân, NLĐ của công ty đều tham gia tổ chức công đoàn.

CĐCS đã chủ động xây dựng, đấu tranh và thương lượng, đàm phán thành công bản Thỏa ước lao động tập thể với nhiều điều khoản có lợi hơn cho NLĐ, tổng lợi ích mang lại cho NLĐ công ty mỗi năm hơn 850 tỷ đồng, một số nội dung như: Tăng thêm số ngày nghỉ có lương và nghỉ việc riêng cho NLĐ; tăng thêm số tiền lương tiền công cho NLĐ làm việc theo ca, tăng ca; tăng tiền thưởng hằng tháng, thưởng dịp lễ 30/4, 2/9, Tết cho NLĐ; các loại trợ cấp: Chuyên cần, đi lại, nhà ở, sinh hoạt...; xây dựng trường mầm non...

Không có tổ chức nào ngoài công đoàn xứng đáng là đại diện, bảo vệ quyền lợi người lao động
 Ảnh minh họa: TTXVN

Công đoàn đã chủ động kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ chính sách trong công ty đảm bảo đúng quy định của pháp luật và đúng các thỏa thuận đã ký kết. Toàn bộ NLĐ trong công ty được ký hợp đồng lao động và đóng các loại bảo hiểm đúng quy định pháp luật. CĐCS đã luôn gần gũi NLĐ để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, qua đó có các phương án tốt nhất chăm lo đời sống NLĐ. 
—————

Chị Nguyễn Thị Hồng Xuyến, Công ty Samsung Electro-Mechanics Việt Nam:

Doanh nghiệp và công đoàn đã chung tay chăm lo đời sống công nhân

Đã trải qua rất nhiều công việc khác nhau, nhưng khi được nhận vào làm việc ở Công ty Samsung Electro-Mechanics Việt Nam (SEMV) tại Thái Nguyên, nơi có tổ chức công đoàn luôn nỗ lực xây dựng các chế độ phúc lợi tốt, tôi cảm thấy yên tâm và muốn gắn bó lâu dài với công ty. Tôi thấy rằng, không có tổ chức nào ngoài công đoàn có thể đại diện, bảo vệ quyền lợi của công nhân, NLĐ. 

Công đoàn cơ sở Công ty SEMV luôn phối hợp với công đoàn các cấp trong tỉnh Thái Nguyên tổ chức các hoạt động đầy ý nghĩa, như: Tặng quà cho NLĐ nhân dịp các ngày lễ, tết, Tháng công nhân; tặng vé xe cho công nhân về quê ăn Tết, tặng quà cho công nhân, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ xây dựng nhà mái ấm công đoàn và nhà tình nghĩa; hỗ trợ vay vốn, tư vấn, khám sức khỏe cho NLĐ... Công đoàn đã đề nghị để từ đó Công ty SEMV có nhiều chính sách tốt cho công nhân, ví dụ như với đối tượng nhân viên nữ mang thai và nuôi con nhỏ. Ngay khi nữ công nhân có xác nhận mang thai sẽ được tiến hành đăng ký thuộc diện bà mẹ mang thai và nuôi con nhỏ, được bảo hộ và tạo điều kiện làm việc trong dây chuyền riêng dành cho bà bầu và bữa ăn đặc biệt; được phép nghỉ ngơi hoặc xuống khám và tư vấn tại phòng y tế trong công ty khi có nhu cầu... Cùng với đó, công ty tổ chức ký túc xá cho công nhân, trong đó có khu tập thể dục-thể thao; tổ chức xe buýt đưa đón công nhân; thường xuyên có hoạt động đối thoại để đoàn viên, NLĐ bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, từ đó công ty kịp thời giải quyết những khó khăn, bức xúc và mong muốn chính đáng của NLĐ.

—————

Ông Trần Quang Dũng, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy, Trưởng ban Truyền thông và Văn hóa doanh nghiệp, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam:

Chưa ghi nhận nhu cầu thành lập tổ chức đại diện công nhân ngoài công đoàn 

Tôi rất đồng tình với các quan điểm trong vệt bài "Mưu đồ đằng sau việc phủ nhận vai trò của Công đoàn Việt Nam". Tại Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), tổ chức công đoàn đã thực hiện tốt vai trò cầu nối giữa lãnh đạo doanh nghiệp và NLĐ. Công đoàn luôn chủ động thông tin chủ trương, chính sách để NLĐ nắm vững, luôn động viên tinh thần NLĐ thi đua về đích trên các công trình, dự án trọng điểm. Trong thời gian qua, tổ chức công đoàn đã phối hợp với lãnh đạo doanh nghiệp thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hiện tốt đối thoại với NLĐ, xây dựng thỏa ước lao động tập thể. Công đoàn luôn nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của NLĐ, từ đó kịp thời đề xuất với lãnh đạo tập đoàn các biện pháp giải quyết thỏa đáng, nhất là khi tập đoàn thực hiện rất mạnh việc sắp xếp lại tổ chức, biên chế.

Do vậy, trong thời gian qua tại PVN không có đơn thư khiếu kiện kéo dài, không có tình trạng đình công. Tập đoàn đã gây dựng được mối quan hệ lao động hài hòa, đoàn kết. Mặc dù, tập đoàn đã phổ biến về Bộ luật Lao động 2019 nhưng tại PVN chưa ghi nhận được bất cứ nhu cầu, nguyện vọng nào của công nhân đề xuất thành lập, hay tham gia tổ chức bảo vệ quyền lợi công nhân, NLĐ khác ngoài công đoàn; bởi chắc chắn rằng tại doanh nghiệp không có tổ chức nào sát sao, bảo vệ quyền lợi của công nhân, NLĐ tốt hơn công đoàn.   
—————

Ông Đặng Văn Cường, Trưởng phòng Phát triển văn hóa doanh nghiệp và truyền thông nội bộ, Công ty Cổ phần công nghệ Sapo:

Công đoàn luôn đề xuất chính sách vì lợi ích người lao động

Công ty Cổ phần công nghệ Sapo rất coi trọng tổ chức công đoàn, coi đây là nơi gắn kết mối quan hệ giữa lãnh đạo công ty và NLĐ. Công đoàn công ty luôn đưa ra những đề xuất về chính sách, chế độ mới để cán bộ, công nhân viên của Sapo ngày càng hài lòng hơn với môi trường làm việc và văn hóa doanh nghiệp tại đây.

Là một công ty công nghệ có đội ngũ nhân sự rất trẻ, do vậy, chúng tôi xác định phải liên tục đổi mới trong tư duy và cách làm để nâng cao tinh thần, sự gắn kết của toàn thể NLĐ, từ đó, thúc đẩy quá trình làm việc, tạo ra hiệu suất cao, đem lại sự phát triển ngày một lớn mạnh cho Sapo. Hằng năm, Công đoàn Sapo tổ chức nhiều sự kiện và hoạt động nội bộ như: Tổng kết công ty, du lịch, sinh nhật, hội thao, thi The Voice... Đặc biệt, công đoàn còn tổ chức các hoạt động thiện nguyện như: Dân văn phòng hiến máu vì bệnh nhân Thallassemia, quỹ từ thiện vì đồng bào miền Trung, tham gia Quỹ "Cặp lá yêu thương"... thu hút đông đảo NLĐ tham gia. Với những hiệu quả trong hoạt động công đoàn, Sapo được tập thể NLĐ đánh giá cao về môi trường làm việc và văn hóa doanh nghiệp. Các sự kiện do Công đoàn công ty tổ chức luôn thu hút sự hào hứng tham gia của 100% NLĐ.

—————-

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG:

Phát huy vai trò giám sát, phản biện của tổ chức công đoàn

Đối với Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG, mạng lưới công đoàn được tổ chức đến tổ sản xuất. Để bảo đảm tính độc lập của tổ chức công đoàn, người làm công tác này không tham gia quản lý hay công việc chuyên môn. Chúng tôi đặt ra chương trình với mục tiêu không để NLĐ nào bị vi phạm chế độ, quyền lợi theo quy định của pháp luật. Nếu ai phát hiện sai phạm, báo cho công ty, chúng tôi sẽ kiểm tra ngay. Khi quyền lợi của NLĐ bị ảnh hưởng, lãnh đạo công ty nghiêm túc nhận lỗi và khắc phục để bảo đảm đầy đủ mọi quyền lợi của NLĐ. Trong việc này, vai trò của cán bộ công đoàn được phát huy tối đa. Đây cũng là những người gần gũi nhất với công nhân, nắm bắt được tâm tư, tình cảm, ghi nhận ý kiến của NLĐ.

Công ty chúng tôi có 16.000 NLĐ, trong việc bảo đảm chế độ, chính sách không tránh khỏi có lúc sai sót, nhưng quan trọng là phát hiện kịp thời để nhanh chóng khắc phục. Tôi cho rằng, một trong những vai trò chính của tổ chức công đoàn là phản biện đối với chế độ, chính sách của công ty. Từ nội quy, quy chế đến tất cả chế độ, chính sách liên quan, nếu gây ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ thì công đoàn sẽ kịp thời có ý kiến, phản biện để sửa chữa, hoàn thiện, bảo đảm sát thực tế, bảo đảm quyền lợi của NLĐ.

—————

Bà Lê Hoàng Thủy Vân, Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Hoàn Kiếm (TP Hà Nội):

Luôn nỗ lực vì đoàn viên, người lao động

Hiện nay, Liên đoàn Lao động quận Hoàn Kiếm (TP Hà Nội) quản lý 490 công đoàn cơ sở với 29.110 đoàn viên, công nhân viên chức lao động, trong đó có 402 đơn vị doanh nghiệp và 24.667 công nhân lao động khu vực các doanh nghiệp.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng lớn tới mọi mặt của đời sống xã hội, công tác công đoàn cũng chịu tác động không nhỏ, tuy nhiên, bằng nhiều cố gắng, hoạt động của Liên đoàn Lao động quận vẫn được triển khai tích cực, chất lượng và hiệu quả. Mọi đề xuất của công đoàn cơ sở luôn được công đoàn quận xem xét hỗ trợ thỏa đáng. Không chỉ tích cực tham gia giải quyết việc làm, chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, công nhân viên chức lao động, Liên đoàn Lao động quận đã đồng hành cùng NLĐ, doanh nghiệp xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ. Rõ ràng, càng khó khăn, NLĐ càng mong được quan tâm chăm lo và vai trò của công đoàn càng phải thể hiện rõ nét. Chính vì vậy, công nhân, viên chức, NLĐ trên địa bàn quận có đời sống ngày càng được cải thiện và họ luôn tin tưởng, gắn bó với tổ chức công đoàn.

—————

Bà Nguyễn Thị Khánh Huyền, Chủ tịch Công đoàn Chi nhánh Công ty Cổ phần Quốc tế Phong Phú-Tuyên Quang:

Vai trò của công đoàn được phát huy thì hiệu quả sản xuất, kinh doanh được đẩy mạnh

Khi đọc vệt bài “Mưu đồ đằng sau việc phủ nhận vai trò của Công đoàn Việt Nam” được đăng trên Báo Quân đội nhân dân, chúng tôi đồng tình với những thông tin được đưa ra. May mặc là một ngành thâm dụng lao động và nhiều công nhân nữ. Qua thực tiễn tại nhà máy, có thể khẳng định, công đoàn là cầu nối quan trọng giữa NLĐ với người sử dụng lao động; tạo mối quan hệ hài hòa, ổn định giữa các chủ thể tham gia lao động. Khi vai trò của tổ chức công đoàn trong công ty được phát huy hiệu quả thì hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng được đẩy mạnh. NLĐ yên tâm được bảo vệ các quyền lợi, nhờ vậy, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển bền vững và xây dựng đội ngũ lao động vững mạnh, góp phần nâng cao sức cạnh tranh, thương hiệu của doanh nghiệp trên thị trường. 

—————

Bà Đỗ Tuệ Tâm, Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Thương mại Hà Nội-Công ty cổ phần:

Luôn bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của công nhân

Công đoàn Tổng công ty Thương mại Hà Nội-Công ty cổ phần (Hapro) là công đoàn cấp trên cơ sở trực thuộc Liên đoàn Lao động TP Hà Nội, hiện có 23 tổ chức công đoàn cơ sở trực thuộc với 1.681 công đoàn viên. Hapro đã chuyển sang mô hình tổng công ty cổ phần không có vốn Nhà nước từ tháng 6-2018, tuy vậy Công đoàn Tổng công ty vẫn được Liên đoàn Lao động TP Hà Nội, Đảng ủy Tổng công ty quan tâm, sát sao, qua đó đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc triển khai các nhiệm vụ của tổng công ty đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và phát huy được vai trò, chức năng của tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp.  

Mặc dù, tổng công ty bị ảnh hưởng và chịu sự tác động của đại dịch Covid-19 nhưng về cơ bản các đơn vị trong hệ thống Công đoàn Hapro, cùng với lãnh đạo doanh nghiệp vẫn cố gắng đảm bảo việc làm, thu nhập cho NLĐ; trợ cấp 2 đợt dành cho các đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ kịp thời các trường hợp bị bệnh hiểm nghèo. Khi có xung đột lợi ích giữa lãnh đạo Hapro và NLĐ, công đoàn tổ chức đối thoại ba bên giữa người sử dụng lao động, NLĐ và công đoàn để giải quyết ổn thỏa, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của công nhân, NLĐ.                                                                                                

1 nhận xét: