Thứ Hai, 11 tháng 12, 2017

Xuyên tạc bản chất, chức năng, nhiệm vụ của Quân đội - một thủ đoạn thường thấy của các thế lực thù địch


Xuyên tạc bản chất, chức năng, nhiệm vụ của Quân đội là một thủ đoạn trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, nhằm thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ, tiến tới “phi chính trị hóa”, “dân sự hóa” Quân đội. Thời gian gần đây, thủ đoạn này càng được tiến hành ráo riết hơn, vì vậy, cần phải nhận diện và kiên quyết đấu tranh bác bỏ.
Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, quân đội là một hiện tượng xã hội mang tính lịch sử, là sản phẩm của đấu tranh giai cấp. Bất cứ quân đội nào cũng đều mang bản chất giai cấp của giai cấp thống trị đã sinh ra nó. Không có quân đội phi giai cấp, siêu giai cấp, quân đội trung lập. V.I. Lê-nin đã khẳng định: “Quân đội không thể và không nên trung lập. Không lôi kéo quân đội vào chính trị - đó là khẩu hiệu của bọn tôi tớ, giả nhân, giả nghĩa của giai cấp tư sản”1. Quán triệt, vận dụng tư tưởng đó vào thực tiễn xây dựng Quân đội ở Việt Nam, Đảng ta đã tổ chức xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp vô sản từ không đến có, từ chưa hoàn thiện đến hoàn thiện. Các đội tự vệ công nông, đội du kích Bắc Sơn, đội du kích Ba Tơ, đội Cứu quốc quân,… là những mầm mống đầu tiên của lực lượng vũ trang nhân dân, quân đội nhân dân. Trong Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “chính trị trọng hơn quân sự”, “tuyên truyền trọng hơn tác chiến”, “người trước, súng sau”. Ngày 22-12-1964, kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Người khẳng định: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”2. Đó là luận điểm khái quát nhất về bản chất, truyền thống, chức năng, nhiệm vụ của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Thế nhưng, với mưu đồ đen tối, các thế lực thù địch ra sức chống phá, xuyên tạc, hòng “phi chính trị hóa”, “dân sự hóa” Quân đội. Chúng coi đây là một trong ba trọng tâm chống Đảng, Nhà nước và hướng lái, chuyển hóa cách mạng Việt Nam. Kế hoạch của chúng là: lấy phá vỡ nền tảng chính trị là then chốt; chống phá về kinh tế là biện pháp cơ bản, thường xuyên, lâu dài; “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang là nhiệm vụ trọng yếu. Thủ đoạn đó không mới, nhưng cực kỳ nguy hiểm, nhằm xóa nhòa bản chất giai cấp, chức năng chính trị, xã hội của lực lượng vũ trang cách mạng; phủ nhận nguyên tắc Đảng lãnh đạo Quân đội, làm cho Quân đội mất phương hướng chính trị, xa rời mục tiêu, lý tưởng chiến đấu và bị vô hiệu hóa. Để đạt được mục tiêu đề ra, chúng đã và đang sử dụng mọi biện pháp hòng làm thay đổi bản chất chính trị của Quân đội và sự nghiệp xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, v.v. Chúng lập luận trơ trẽn rằng, việc tổ chức ra quân đội chỉ để bảo vệ “lợi ích dân tộc”, “lợi ích quốc gia”; rằng, quân đội phải “trung lập”, “đứng ngoài chính trị”, “không cần đặt dưới sự lãnh đạo của đảng phái nào”. Chúng còn viện dẫn những hiện tượng cá biệt, đơn lẻ để đánh giá, xuyên tạc bản chất, chức năng, nhiệm vụ của Quân đội, v.v. Gần đây, các thế lực thù địch tiếp tục tuyên truyền, xuyên tạc về việc Quân đội tham gia sản xuất, phát triển kinh tế xây dựng đất nước. Thâm độc hơn, chúng tỏ vẻ thân thiện góp ý rằng “Quân đội nhân dân Việt Nam không nên thực hiện sản xuất, lao động”, mà chỉ thuần túy làm nhiệm vụ quốc phòng; “Quân đội không làm kinh tế là sự đột phá về tư duy”; mừng vì “Quân đội sẽ không làm kinh tế”; hay “đáng lẽ Quân đội phải ngừng làm kinh tế lâu rồi”, vì làm kinh tế thì “lợi ít, hại nhiều”, v.v.bdlktktkammca Những luận điệu thâm độc không có gì khác là nhằm xuyên tạc bản chất, truyền thống, chức năng của Quân đội, tách Quân đội khỏi sự gắn bó máu thịt với nhân dân và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời hạ thấp uy tín của Quân đội trong đời sống xã hội, v.v.
Cần thấy rằng, quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội ta luôn gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Đảng, cuộc đấu tranh của quần chúng nhân dân. Trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, dù thời bình hay thời chiến, Quân đội luôn mang bản chất cách mạng, là chỗ dựa vững chắc cho Đảng, Nhà nước trong bảo vệ chế độ và nền độc lập dân tộc; gắn bó mật thiết với nhân dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh, lập nên những chiến công hiển hách, đánh đuổi thực dân, đế quốc và là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đó là cơ sở thực tiễn khẳng định chức năng, bản chất, truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam. Lý luận và thực tiễn đã cho thấy Quân đội nhân dân Việt Nam có ba chức năng cơ bản. Cùng với chức năng “đội quân chiến đấu” còn là “đội quân công tác”, “đội quân lao động sản xuất”. Đó là nhiệm vụ được Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân giao cho Quân đội. Hiểu đầy đủ và nắm vững chức năng của Quân đội phải là như vậy. Trong vấn đề này, các thế lực thù địch đã rất thâm độc khi chỉ đề cập tới chức năng “đội quân chiến đấu” và coi đó là duy nhất, trong khi lờ đi hai chức năng cơ bản còn lại, thậm chí còn xuyên tạc, phê phán việc Quân đội tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế. Thật trơ trẽn, lố bịch!
Ngay sau khi Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, trong điều kiện phải tiến hành cuộc chiến tranh chống thù trong, giặc ngoài, V.I. Lê-nin vẫn không coi nhẹ nhiệm vụ phát triển kinh tế, mà đặt kinh tế và quốc phòng trong mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại. Theo quan điểm đó, mối quan hệ giữa tổ chức quân sự với kinh tế và văn hóa của nước ấy chưa bao giờ bị lơi lỏng. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, việc kết hợp kinh tế với quốc phòng được thể hiện rõ trong chính sách “ngụ binh ư nông” của các thời Lý, Trần, Lê. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “…quyết tâm xây dựng Quân đội ta thành một quân đội hùng mạnh, sẵn sàng chiến đấu, học tập giỏi, công tác giỏi, sản xuất giỏi”3. Nhiệm vụ lao động, sản xuất của Quân đội được thể hiện trong các văn kiện chính thức của Đảng qua các kỳ đại hội, mới nhất là văn kiện Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ X: “... kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng - an ninh...” và “quốc phòng - an ninh với kinh tế”, v.v. Thực tiễn cho thấy, những năm sau chiến tranh, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội luôn phát huy truyền thống và bản chất tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, thực hiện tốt chức năng “đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động, sản xuất”, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Khi xem xét những luận điểm đề cập bản chất, chức năng, nhiệm vụ của Quân đội, nhất là Quân đội tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế, với cách nhìn nhận khách quan, toàn diện, chúng ta không “vơ đũa cả nắm”, không đánh đồng người tốt, kẻ xấu, nhưng cần nhận diện, phân biệt rõ quan điểm nào là sai trái, quan điểm nào là thù địch để có cách
ứng xử phù hợp. Đối với những người do thiếu thông tin, nhận thức chưa đầy đủ về chức năng, nhiệm vụ của Quân đội thì phải tuyên truyền, thuyết phục để họ nhận thức đúng vấn đề, không có những hành động vô tình tiếp tay cho kẻ xấu, làm tổn hại đến uy tín, thanh danh Quân đội. Đối với những kẻ thù địch, cố tình xuyên tạc, chống phá Quân đội thì phải kiên quyết đấu tranh, nghiêm trị theo pháp luật. Đó là cách làm thiết thực nhất, hữu hiệu nhất trong bối cảnh các thế lực thù địch và những phần tử cơ hội chính trị đang sử dụng mọi “mưu ma, chước quỷ” chống phá Quân đội nhân dân Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét