QĐND - Cách đây 20 năm, ngày 19-11-1997, Việt Nam chính thức kết nối với internet toàn cầu, đánh dấu cột mốc quan trọng trong lịch sử của ngành thông tin và truyền thông nói riêng, Việt Nam nói chung. 20 năm qua, với những tính năng ưu việt của internet, Việt Nam đã phát triển một cách khá toàn diện.
Thế nhưng đây đó vẫn có những cái nhìn chủ quan, phiến diện, thông tin không đúng về tự do internet ở Việt Nam. Bức tranh sinh động về internet ở Việt Nam cùng những ghi nhận của cộng đồng quốc tế đã bác bỏ hoàn toàn luận điệu sai trái đó.
1. Nhìn lại chặng đường 20 năm qua, có thể khẳng định rằng, sau 20 năm hòa mạng toàn cầu, internet Việt Nam đạt được rất nhiều thành tựu, thể hiện qua những chỉ số rất đáng khích lệ. Nếu như thời đầu của internet quay số qua mạng điện thoại công cộng, số người sử dụng internet chỉ đạt đến 205.000 người, thì 10 năm sau, con số này đạt 17 triệu người. Thế nhưng, so sánh với con số hơn 31 triệu người dùng internet vào năm 2012 với hơn 50 triệu người năm 2017 thì mới thấy được sự phát triển như vũ bão của internet ở Việt Nam. Theo thống kê của Hiệp hội Internet Việt Nam, với hơn 50 triệu người dùng internet, chiếm 54% dân số, cao hơn mức trung bình 46,64% của thế giới, Việt Nam nằm trong tốp những quốc gia và vùng lãnh thổ có tỷ lệ người dùng internet cao nhất tại châu Á.
Từ con số 0 những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, Việt Nam đã trở thành một trong những nước triển khai mạng 2G từ rất sớm và tiếp tục phát triển lên 3G và 4G với hạ tầng viễn thông, internet hiện đại phủ rộng khắp lãnh thổ từ thành thị đến nông thôn, miền núi, hải đảo. Internet giờ đây trở thành công cụ rất quen thuộc với phần lớn người dân Việt Nam trong cuộc sống hằng ngày, trong giao tiếp, trong giải trí, kể cả trong làm kinh tế cũng như các vấn đề khác liên quan, như: Giáo dục, văn hóa, y tế... Từ người nông dân, công nhân đến học sinh, sinh viên, kỹ sư, bác sĩ đều có thể tìm được những thông tin cần thiết trên internet. Chính internet đã dần làm thay đổi thói quen, cuộc sống của người dân Việt Nam hiện nay. Đặc biệt, người Việt Nam dùng internet chủ yếu là giới trẻ. “Giới trẻ rất háo hức với những lợi ích mà internet mang lại. Họ đã biết ứng dụng internet trong học tập và làm việc”, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính viễn thông (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) Mai Liêm Trực khẳng định. Theo ông Mai Liêm Trực, trong thế giới phẳng, lớp trẻ hiện nay đang có một tương lai tươi sáng nhờ internet. Internet là một môi trường mới, một nền kinh tế mới và ở đó cần có tri thức của những người trẻ tuổi.
Ảnh minh họa. |
Bên cạnh đó, chi phí để sử dụng internet Việt Nam thuộc loại thấp nhất khu vực, tạo điều kiện cho số đông người dân Việt Nam có thể sử dụng. Bên lề Diễn đàn Internet Việt Nam 2017 diễn ra mới đây tại Hà Nội, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Pereric Högberg nhận định rằng, nhờ chi phí thấp mà Việt Nam đang tận dụng tốt cơ hội từ internet. Giải thích cho nhận định trên, Đại sứ Pereric Högberg cho hay, thế giới hiện đang liên kết với nhau hơn bao giờ hết và Việt Nam là một trong những nước đi đầu ở Đông Nam Á về kết nối và phát triển internet. “Với sự lưu động và băng thông rộng đang phát triển nhanh chóng khắp Việt Nam, chúng ta nhận thấy khả năng kết nối các mạng lưới và giới doanh nhân từ các lĩnh vực khác nhau, bao gồm truyền thông, công nghệ thông tin và khoa học. Việt Nam đang tận dụng tốt những cơ hội này!”- Đại sứ Pereric Högberg nói.
2. Ghi được dấu ấn trên “bản đồ internet toàn cầu” đã khẳng định chủ trương đúng đắn, chính sách mở cửa của Đảng và Nhà nước Việt Nam, cùng sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet (ISP), các doanh nghiệp phát triển nội dung số.
Thế nhưng, trong Báo cáo tự do internet 2017 mới đây của "Ngôi nhà tự do" (Freedom House)-một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Washington DC, Hoa Kỳ, tổ chức này xếp Việt Nam điểm số 76 trên thang điểm 100, lọt vào danh sách các quốc gia không có tự do internet. Cần phải nói thêm rằng, đây không phải là lần đầu tiên Freedom House đưa ra những thông tin mang tính chất bịa đặt, vu khống về tình hình tự do dân chủ, nhân quyền nói chung và tự do internet ở Việt Nam nói riêng. Bản báo cáo tự do internet 2017 của Freedom House lần này vẫn là những luận điệu cũ rích như bày tỏ sự quan ngại về việc “tự do internet ở Việt Nam bị kiểm soát chặt chẽ do sự gia tăng bắt bớ và đe dọa”, hay “Chính phủ kiến tạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, kể từ khi điều hành quốc gia hồi nửa năm 2016 đến nay đã không có một biểu hiện nào cho thấy cố gắng cải thiện môi trường tự do internet”... Song bản phúc trình này chẳng được mấy ai quan tâm, bởi lẽ “nói vậy song thực tế không phải vậy”...
Nhưng có câu hỏi đặt ra là vì sao Freedom House lại phát ra những giọng điệu hồ đồ, vô căn cứ như vậy? Không khó để có câu trả lời. Thứ nhất, cần phải thấy những thông tin của Freedom House không được kiểm chứng mà chỉ dựa vào tài liệu được cung cấp bởi những phần tử bất mãn, cơ hội chính trị phản động trong nước. Mặt khác, hãy xem ai là người đứng đằng sau và nuôi sống Freedom House thì sẽ thấy rõ những thông tin mà họ đưa ra về tự do internet đã bị áp đặt bởi một số tư tưởng và ý đồ xấu, thiếu thiện chí với Việt Nam.
Chẳng cần nói đâu xa, cứ lấy bảng xếp hạng Inclusive Internet Index của tờ Economist công bố đầu năm nay ra so sánh thì thấy rõ. Bảng xếp hạng Inclusive Internet Index này được thực hiện tại 75 nước và được xét trên nhiều khía cạnh. Chỉ số thể hiện rõ nhất là độ phổ cập (Availability) của internet, bao gồm chất lượng và sự phổ biến của cơ sở hạ tầng cần thiết cho việc truy cập internet. Bên cạnh đó, còn những yếu tố khác được xem xét như giá cước so với thu nhập (Affordability), sự tương ứng của thông tin (Relevance)-đo sự tồn tại và phổ biến của các nội dung bằng ngôn ngữ địa phương, độ sẵn sàng (Readiness)-xét đến kỹ năng, sự giáo dục, chuẩn bị sẵn sàng cho việc sử dụng internet, các chính sách hỗ trợ... Theo đó, Việt Nam đứng thứ 32 trong tổng số 75 nước trong bảng xếp hạng và ở khoảng giữa so với các nước châu Á. Việt Nam gây ấn tượng mạnh ở hạng mục Relevance khi đứng thứ 18/75 nhờ sự phong phú của nội dung địa phương như tin tức, thông tin tài chính, sức khỏe, giải trí, kinh doanh... bằng ngôn ngữ địa phương.
Từ thực tế và kết quả khảo sát, đánh giá được tờ Economist công bố thì cũng đủ để khẳng định: Những luận điệu mà Freedom House đề cập đến vấn đề tự do internet ở Việt Nam là hoàn toàn bịa đặt.
3. Với sự bùng nổ của internet, Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ về mọi mặt, từ chính trị, kinh tế, xã hội đến văn hóa, giáo dục. Trong lĩnh vực báo chí, bên cạnh báo in, nhiều tờ báo điện tử cũng đã ra đời, góp phần làm cho đời sống tinh thần của người dân càng thêm phong phú. Bên cạnh đó, Việt Nam hiện có 35 triệu người, chiếm 1/3 dân số (92 triệu người) sở hữu tài khoản Facebook, trong đó, 21 triệu người truy cập hằng ngày thông qua thiết bị di động; nhiều cơ quan, tổ chức và công chức Việt Nam đã sử dụng mạng Facebook để trực tiếp liên hệ với người dân…
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mà internet mang lại, các hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ, đánh cắp công nghệ, bản quyền trên internet cũng ngày càng tăng; nguy cơ gián điệp mạng trở nên phức tạp, nguy hiểm. Bên cạnh đó, kẻ xấu cũng sử dụng môi trường internet để tán phát thông tin bịa đặt, không kiểm chứng, độc hại nhằm vu khống, bôi nhọ cá nhân, tổ chức, thương hiệu; tổ chức các hoạt động khủng bố, phá hoại… Do vậy, thời gian tới, Việt Nam cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật và các quy tắc về hoạt động trên internet, sẵn sàng tham gia vào việc hình thành hệ thống pháp luật an toàn về internet... Bên cạnh đó, cần trang bị kỹ năng ứng xử khi sử dụng internet, mạng xã hội cho người sử dụng. Những ai cố tình lợi dụng sự tự do internet với cái cớ “dân chủ”, “tự do ngôn luận”, “tự do báo chí” để xâm hại đến lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân sẽ bị lên án và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Đây là lẽ đương nhiên, phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế.
NGỌC MINH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét