Thứ Ba, 5 tháng 12, 2017

VIỆT NAM KHÔNG THỂ CÓ MỘT NGÀY NGHỈ LỄ NOEL


Hồng Thủy

Gần đến những ngày lễ Giáng sinh (Lễ Noel) của những người theo đạo Kitô giáo, trên một số trang mạng xã hội, có đăng nội dung bày tỏ mong muốn của Linh mục Trần Xuân Mạnh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam là ước ao: “Việt Nam có một ngày nghỉ lễ Noel”. Vậy, Nhà nước Việt Nam có thể dành một ngày nghỉ để toàn dân tổ chức mừng Giáng sinh không? 

Lễ Noel còn gọi là Lễ Thiên Chúa Giáng sinh (vào đêm ngày 24 và ngày 25 tháng 12 hằng năm), là ngày lễ lớn nhất của tín đồ Kitô giáo, nhằm kỷ niệm ngày sinh ra của Chúa Giêsu, người mà họ cho là Thiên Chúa xuống thế làm người (Chúa Giêsu ra đời).
Theo linh mục Trần Xuân Mạnh lễ Noel là niềm vui chung của mọi người, không chỉ là những người Kitô giáo, mà cả những người không theo đạo. Ông cho rằng: “Lễ Noel làm cho mọi người đều vui. Nhân dân phấn khởi lao động sản xuất, bảo vệ tổ quốc, các cháu nhỏ phấn khởi học hành. Mọi người sống khiêm nhường, cố gắng hơn trong bổn phận của mình đối với gia đình, quê hương, tổ quốc”. Linh mục Mạnh cho biết, ở các nước có nhiều tín đồ theo đạo Kitô giáo đã cho phép người dân nghỉ lễ và dành một ngày nghỉ để toàn dân tổ chức mừng Chúa Giáng sinh. Tuy nhiên, ở Việt Nam vẫn chưa có ngày nghỉ cho dịp lễ Noel, người dân và học sinh vẫn đi làm, đi học bình thường. Vì vậy, ông bày tỏ mong muốn: “Để có nhiều thời gian hơn cho ngày trọng đại này, chúng tôi ước ao Nhà nước cho phép nghỉ lễ Noel một ngày”. Đó là những ước ao mang tính cá nhân của linh mục Trần Xuân Mạnh. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận, xem xét thật khách quan và công bình về sự bày tỏ mong ước của một vị linh mục với tư cách là Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam.
Nói về lịch sử ra đời của lễ Giáng sinh, bắt đầu vào khoảng thế kỷ thứ IV, sau khi chính quyền La Mã công nhận Cơ đốc giáo là một tôn giáo hợp pháp, Giáo hoàng Liberius công bố ngày 25 tháng 12 là ngày chính thức để cử hành lễ Giáng sinh của Đức Giêsu, các tín hữu Cơ đốc giáo tổ chức ăn mừng lễ Giáng sinh. Nhưng dần dần, theo thời gian trong nhiều thế kỷ, lễ Giáng sinh từ phương Tây được du nhập vào Việt Nam cùng với quá trình mở rộng sự phát triển của đạo Kitô giáo.
Ngày nay, ở Việt Nam lễ Giáng sinh (Lễ Noel) là ngày của những tín đồ theo đạo Kitô giáo. Theo xu hướng đa dạng hóa, thế tục hóa tôn giáo, trong dịp này, người Kitô giáo có nhiều hoạt động chuẩn bị đón Giáng sinh như: trang trí nhà thờ, văn nghệ ca hát giáng sinh, thánh lễ…, trong đó, quan trọng và thiêng nhất là thánh lễ kỷ niệm Thiên Chúa giáng sinh, được tổ chức vào tối 24 và kéo sang ngày 25 tháng 12. Đối với những người không theo đạo Công giáo, Tin lành…, họ cùng cư trú, sinh sống hòa thuận trong các thôn, bản, xóm, làng với những người theo đạo … thì ngày lễ Noel ở một số nơi, địa phương được coi như một ngày vui chung, một dịp sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Một số công ty, tổ chức tư nhân có thể tổ chức đón mừng, tặng quà, hoặc cho nhân viên theo đạo nghỉ trong ngày Giáng sinh, nhưng số này không nhiều. Đối với những đôi tình nhân không theo đạo, thì dịp Lễ Noel, đặc biệt trong đêm Giáng sinh, là cơ hội để họ âu yếm tặng quà cho nhau, một số trẻ em của gia đình theo đạo háo hức chờ sự xuất hiện của ông già Noel để được nhận quà… Như vậy, ngày lễ Noel là ngày mừng lễ Giáng sinh của riêng những người theo đạo Kitô giáo, chứ không phải phổ biến là ngày vui chung giống như các ngày lễ tết truyền thống trong năm của tất cả mọi người dân Việt Nam, khắp phố phường, nhà nhà tất bật chuẩn bị đón Giáng sinh được.
Việt Nam là quốc gia đa tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó Công giáo có gần 7 triệu tín đồ. Tin lành có khoảng hơn 1 triệu tín đồ. Như vậy, tín đồ theo đạo Kitô giáo có khoảng 8 triệu tín đồ (chiếm hơn 8% dân số cả nước). Tỉ lệ rất nhỏ ấy, thì không thể mong ước gần 90 triệu người dân không theo đạo hoặc theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác phải nghỉ theo những tín đồ Kitô giáo một ngày để tổ chức mừng Giáng sinh.

Những mong ước của linh mục Trần Xuân Mạnh có được một ngày nghỉ lễ Noel, cần lưu ý rằng: Những ngày nghỉ lễ, tết ở Việt Nam phải tuôn thủ theo quy định của Pháp luật!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét