QĐND Online - Giữa tháng 12-2017, một số tờ báo phản động và một số tổ chức phi chính phủ đã đưa thông tin sai lệch rằng, cuộc sống của người cai nghiện trong “trại cai nghiện ở Việt Nam hoàn toàn không có nhân quyền”.
Trong chuyến thực tế tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 7 Hà Nội, hàng chục phóng viên của hơn 30 cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đã ghi nhận thực tế và thấy rằng, thông tin trên là không chính xác. Nhiều người đã cai nghiện thành công, tránh xa ma túy, trở lại cuộc sống bình thường.
Chính sách nhân ái hướng tới con người
Ông Vũ Văn Trí – Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy số 7 Hà Nội, cho biết cơ sở hiện là một cơ sở đa chức năng gồm các nhiệm vụ cai nghiện bắt buộc, quản lý sau cai nghiện, cai nghiện tự nguyện, điều trị cho người nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế methadone và giúp đỡ người nghiện hòa nhập vào cộng đồng…
Anh Đỗ Văn Mai trò chuyện với phóng viên các cơ quan báo chí đi thực tế. |
Thầy Nguyễn Đại Yên và trợ giảng đang giảng bài cho các học viên cai nghiện về tác hại của ma túy.
|
Theo quy định của Nhà nước được ghi rõ trong tài liệu “Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam”, do Bộ Ngoại giao phát hành năm 2017, quy trình cai nghiện bao gồm 5 giai đoạn. Điều này đã được quy định tại Thông tư liên tịch số 41/2010 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế hướng dẫn quy trình cai nghiện ma túy, bao gồm: (i) Tiếp nhận, phân loại, điều trị cắt cơn, giải độc (5% thời gian); (ii) Điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội (5% thời gian); (iii) Giáo dục, tư vấn, phục hồi hành vi nhân cách (30% thời gian); (iv) Lao động nghề (40% thời gian); (v) Phòng chống tái nghiện, chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng (20% thời gian). Quy trình này kéo dài từ 1 đến 2 năm tùy thuộc mức độ lệ thuộc vào ma túy của người nghiện.
Hiện nay, cai nghiện ma túy tại các Cơ sở cai nghiện ma túy bao gồm 2 hình thức là cai nghiện tự nguyện và cai nghiện bắt buộc. Thời gian cai nghiện tự nguyện do người nghiện hoặc gia đình người nghiện quyết định, nhưng không dưới 6 tháng. Đối với những người chưa thành niên cai nghiện theo hình thức tự nguyện phải có sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ. Cai nghiện bắt buộc tại cơ sở cai nghiện được áp dụng đối với người nghiện đã lệ thuộc quá nhiều vào ma túy, đã cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hoặc đã cai nghiện tự nguyện, nhưng không có kết quả, tái nghiện nhiều lần. Đây là giải pháp mang tính nhân văn, giúp người nghiện có thời gian tránh xa ma túy, đồng thời cung cấp cho họ các kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp để tìm việc làm và ổn định cuộc sống. Quan điểm này cũng phù hợp với một trong những nguyên tắc điều trị nghiện ma túy hiệu quả mà Viện Nghiên cứu quốc gia về Lạm dụng ma túy (NIDA) thuộc Bộ Y tế và Dịch vụ con người của Hoa Kỳ (US-DHHS) đã đưa ra và được Cơ quan Phòng chống tội phạm và ma túy của Liên Hợp quốc (UNODC) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhất trí cho rằng: “Điều trị nghiện không nhất thiết phải là tự nguyện để có hiệu quả” (Nguyên tắc 10).
Các Cơ sở cai nghiện đều có Phòng Y tế làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho các học viên, được bảo đảm về cơ sở vật chất, được trang bị cơ số thuốc theo quy định và quản lý theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 30/1999 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bảo hiểm Y tế. Mỗi Cơ sở đều có khu cách ly bệnh truyền nhiễm. Cơ sở phối hợp với các Bệnh viện và Trung tâm Y tế dự phòng của địa phương để định kỳ tư vấn, khám, điều trị bệnh cơ hội, chăm sóc sức khỏe cho các học viên. Tính đến ngày 30-6-2015, cả nước có 173 cơ sở điều trị Methadone (cai nghiện) tại 46 tỉnh, thành phố, điều trị cho hơn 32.000 lượt bệnh nhân.
Để hỗ trợ người sau cai nghiện có khả năng tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm để ổn định cuộc sống sau khi trở về địa phương, Chính phủ đã có Nghị định 135/2004/NĐ-CP ngày 10/06/2004 (sau đó được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 61/2011/NĐ-CP ngày 26/07/2011) quy định trách nhiệm của các cơ sở cai nghiện trong tổ chức dạy nghề, hướng nghiệp cho các đối tượng trong thời gian cai nghiện tại đây. Việc dạy nghề thường được thực hiện theo hình thức vừa học vừa làm, kết hợp với lao động trị liệu, lao động sản xuất nhằm phục hồi chức năng, hoặc khai thác các tiềm năng sẵn có của cơ sở cai nghiện để làm ra các sản phẩm phục vụ cho sinh hoạt của các học viên. Lao động trị liệu tại các cơ sở cai nghiện không phải là lao động sản xuất có tính chất kinh doanh. Sản phẩm từ lao động của các học viên chủ yếu góp thêm vào việc cải thiện bữa ăn cho chính bản thân họ. Khi tham gia lao động, học viên được trang bị đầy đủ các thiết bị, dụng cụ bảo hộ lao động cần thiết, phù hợp với từng loại công việc và được hưởng các chế độ về an toàn lao động, bảo hộ lao động, bảo hiểm và hoàn toàn được hưởng thành quả lao động theo quy định của Bộ luật Lao động.
Người cai nghiện được đảm bảo thực hiện đầy đủ các quyền và trách nhiệm theo quy định của pháp luật, cụ thể như: Chỗ ở phù hợp, đủ tiện nghi sinh hoạt, học tập cần thiết; bố trí khu ở riêng cho nam, nữ, người chưa thành niên; được đón thân nhân thăm gặp; được tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, được phép có khiếu nại/góp ý kiến đối với cơ sở cai nghiện và các cá nhân có liên quan; được khen thưởng khi có thành tích xuất sắc trong học tập, rèn luyện; được giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn phần thời gian còn lại khi có thành tích, ốm đau hoặc thai sản; được hưởng các sản phẩm hay thu nhập làm ra khi có tham gia lao động sản xuất. Người chưa thành niên, ngoài việc được bố trí khu ở riêng, còn được hưởng các chính sách hỗ trợ khác về chăm sóc y tế, học tập văn hóa, học nghề và kinh phí cai nghiện. Mọi hành vi vi phạm thân thể, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của người cai nghiện tại cơ sở cai nghiện đều bị pháp luật nghiêm cấm.
Hiểu rõ tác hại mới cai nghiện thành công
Trong chuyến đi thực tế tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 7 Hà Nội (thôn Xuân Khanh, xã Xuân Sơn, Thị xã Sơn Tây, TP. Hà Nội), phóng viên của hàng chục cơ quan báo chí trung ương và địa phương đã tận mắt thấy, tai nghe cuộc sống của học viên và thầy cô giáo tại một cơ sở cai nghiện ma túy. Thực tế tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 7 Hà Nội đã chứng minh cái nhìn sai lệch, thiếu thiện chí và luận điệu cũ rích của một số tờ báo và tổ chức mang danh nhân quyền ở nước ngoài trong nhìn nhận vấn đề quyền con người ở Việt Nam hiện nay. Thông tin họ đưa ra là hoàn toàn sai lệch.
Tại khu điều trị Methadone thuộc Cơ sở cai nghiện ma túy số 7 Hà Nội, anh Đỗ Văn Mai, 50 tuổi, cho biết, khi tới đây điều trị, anh được cán bộ của cơ sở cai nghiện hướng dẫn tận tình, uống thuốc đúng giờ; thường xuyên có những tư vấn rất kịp thời về sức khỏe: “Bản thân tôi đã nghiện hơn 20 năm. Sau khi uống thuốc đều đặn tại cơ sở cai nghiện này, tôi đã cắt cơn, không còn thấy thèm ma túy. Tôi cũng mong những người như tôi, đặc biệt là các bạn trẻ, đừng bao giờ thử một lần, sẽ ân hận cả đời”.
Nơi ăn ở gọn gàng, sạch sẽ của học viên cai nghiện. |
Đoàn phóng viên đã được chứng kiến tiết học về tình thương với những người trong gia đình, trách nhiệm với xã hội; về tác hại của ma túy với bản thân và cộng đồng của thầy giáo Nguyễn Đại Yên và trợ giảng Nguyễn Thị Tuyết trong một lớp học khang trang, sạch sẽ với máy chiếu, trực quan sinh động, học viên mặc đồng phục, nghiêm chỉnh học tập và phát biểu ý kiến sôi nổi. Những nhận thức mà học viên viết ra, những phát biểu mà họ trình bày trong giờ học cho thấy, từ khi vào Cơ sở cai nghiện ma túy số 7 Hà Nội, được sự giáo dục của các thầy, cô nơi đây, nhận thức của họ về ma túy, về trách nhiệm của bản thân với gia đình và cộng đồng đã có nhiều thay đổi. Thầy Nguyễn Đại Yên cho biết, tại cơ sở này, các học viên có thể tham gia nhiều tiết học, từ phổ biến giáo dục pháp luật, tới các bài học về những giá trị sống cơ bản của con người…nhằm truyền đạt cho học viên các quy định của pháp luật liên quan đến phòng chống ma túy, tác hại của ma túy, lợi ích công tác cai nghiện, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, đường máu…Tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 7 Hà Nội, ngoài những lớp học khang trang, khá hiện đại, cơ sở còn có thư viện, phòng đọc sách, tủ sách pháp luật giúp học viên tìm hiểu thêm những kiến thức trong giờ rảnh rỗi.
Tới thăm khu nhà lưu trú của các học viên cai nghiện tại đây, đoàn phóng viên ấn tượng với cơ ngơi khá khang trang, sạch sẽ, có hệ thống phun sương, đảm bảo mùa hè mát mẻ, còn mùa đông thì ấm áp. Mỗi học viên đều có giường cá nhân, chăn màn được xếp ngay ngắn, thẳng hàng. Ngay bên cạnh các phòng ngủ là khu chơi thể thao, tập gym; các phòng đa chức năng giúp học viên thư giãn, văn nghệ... Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy số 7 Hà Nội, Vũ Văn Trí cho biết, chính những sinh hoạt tập thể lành mạnh giúp học viên khi tới đây thư thái tinh thần, nâng cao tính kỷ luật, giúp quên đi cảm giác thèm ma túy.
Chia sẻ với phóng viên, ông Vũ Văn Trí cho biết thêm, việc giúp người nghiện từ bỏ được ma túy tại cơ sở gặp rất nhiều khó khăn: “Trong số những người đang cai nghiện ở cơ sở có nhiều người là đối tượng có tiền án, tiền sự, đi cai nghiện nhiều lần. Chính vì vậy, những người đang cai nghiện tại đây sức khỏe yếu, nhiều người mắc các bệnh xã hội do đã nghiện ma túy nhiều năm, khiến cho việc chăm sóc rất vất vả. Có những thời điểm ở cơ sở có đến 30-40% người cai nghiện nhiễm HIV. Nhiệm vụ của cơ sở là nâng sức khỏe học viên để họ có sức khỏe điều trị đúng phác đồ, cai nghiện thành công là công việc rất vất vả”.
Bài, ảnh: NGUYỄN HÒA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét