Thứ Tư, 27 tháng 12, 2017

GÓP PHẦN KHẲNG ĐỊNH GIÁ TRỊ KHOA HỌC VÀ CÁCH MẠNG CỦA HỌC THUYẾT HÌNH THÁI KINH TẾ - XÃ HỘI


                                                                                                                                  Kiên Trung
Học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C.Mác đã chỉ ra rằng, mỗi xã hội cụ thể trong một giai đoạn lịch sử - cụ thể luôn có một kiểu quan hệ sản xuất đặc trưng cho xã hội đó, phù hợp với một trình độ phát triển nhất định của lực lượng sản xuất và một kiến trúc thượng tầng tương ứng được xây dựng trên những quan hệ sản xuất ấy. Lực lượng sản xuất theo quy luật khách quan luôn tự thân vận động, biến đổi, phát triển và đến một giai đoạn nhất định sẽ mâu thuẫn gay gắt với quan hệ sản xuất hiện tồn, mâu thuẫn này được giải quyết sẽ làm cho phương thức sản xuất mới ra đời, kéo theo đó là toàn bộ kiến trúc thượng tầng thay đổi. Điều đó có nghĩa, một hình thái kinh tế - xã hội mới được ra đời từ trong lòng hình thái kinh tế - xã hội cũ. Quá trình này diễn ra một cách lịch sử - tự nhiên, không phụ thuộc ý muốn chủ quan của con người.
Mặc dù quá trình này diễn ra khách quan, nhưng lại bị ràng buộc, tác động, ảnh hưởng của các điều kiện lịch sử - cụ thể của mỗi quốc gia, dân tộc. Chính vì vậy, đã làm cho quá trình lịch sử mang tính nhiều vẻ, phong phú và đa dạng. Cũng do đó, làm cho mỗi dân tộc đều có những nét độc đáo riêng trong lịch sử phát triển của mình. Trong đó, bao gồm cả những bước quanh co, thậm chí những bước thụt lùi lớn, hay có những quốc gia, dân tộc lần lượt trải qua các hình thái kinh tế - xã hội từ thấp đến cao, nhưng cũng có những dân tộc rút ngắn, “bỏ qua” một hay một số hình thái kinh tế - xã hội nào đó. Theo đó, sự vận động của các hình thái kinh tế - xã hội vừa mang tính lịch sử - tự nhiên, vừa mang tính tự nhiên - lịch sử.
Thực tiễn lịch sử đã chứng minh một cách rõ ràng và nhất quán rằng, học thuyết hình thái kinh tế - xã hội đã giúp chúng ta nhìn nhận thực sự duy vật và khoa học về sự vận động, phát triển của lịch sử xã hội. Trong đó, đã vạch ra được nguồn gốc, động lực phát triển của lịch sử xã hội không phải do một lực lượng tinh thần hoặc lực lượng siêu nhiên thần bí nào cả, mà do hoạt động thực tiễn của con người, trước hết là thực tiễn lao động sản xuất vật chất dưới tác động sự tác động của các quy luật khách quan, cơ bản và phổ biến chung của mọi chế độ xã hội loài người, trong đó quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất là quy luật cơ bản nhất của sự phát triển xã hội, là quan hệ nền tảng làm nảy sinh ra mọi quan hệ khác của lịch sử nhân loại.
Cùng với quy luật cơ bản đó, quy luật quan hệ biện chứng giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng cho phép con người có thể nhận rõ được vai trò, tính chất, tác dụng của những mặt cơ bản nhất của xã hội, đó là lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng xã hội để có thể tự giác vận dụng quy luật và chủ động tác động vào những mặt cơ bản nhất đó của xã hội nhằm cải biến xã hội theo mục đích của mình.
          Như vậy, học thuyết hình thái hình thái kinh tế - xã hội giúp cho ta hiểu rõ kết cấu cơ bản và phổ biến của mọi xã hội, một chỉnh thể hoàn chỉnh bao gồm các bộ phận cơ bản. Do đó, muốn cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới trước hết phải tác động đến các bộ phận cơ bản đó của xã hội, bảo đảm sự tương ứng lẫn nhau của chúng.
Mặt khác, học thuyết hình thái kinh tế - xã hội chính là biểu hiện tập trung của quan niệm duy vật về lịch sử xã hội, trở thành cơ sở khoa học và vũ khí lý luận để bác bỏ quan niệm trừu tượng, duy tâm, phi lịch sử về xã hội trước đó, trở thành hòn đá tảng của khoa học xã hội, cơ sở phương pháp luận khoa học và cách mạng cho sự phân tích lịch sử xã hội. Đồng thời, cho phép con người có khả năng phân tích đúng đắn các hiện tượng lịch sử, nêu lên được bản chất của một xã hội cụ thể, thấy được sự giống nhau giữa các xã hội đó và sự khác nhau giữa xã hội này với chế độ xã hội khác.
Kể từ khi học thuyết hình thái kinh tế - xã hội ra đời cho đến nay, tuy thực tiễn xã hội và sự phát triển của nhận thức khoa học đã bổ sung, phát triển mới các quan niệm lịch sử xã hội; cho dù đã, đang và tiếp tục chịu bao sự công kích, chống phá của kẻ thù, song học thuyết vẫn chứng tỏ giá trị khoa học và cách mạng của nó.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét