Thứ Tư, 20 tháng 12, 2017

Kỷ niệm 45 năm chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không: Khẳng định ý chí, sức mạnh Việt Nam




Ảnh minh họa.
Nhân 45 năm Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không lịch sử, nhiều hoạt động kỷ niệm đã diễn ra nhằm ôn lại truyền thống hào hùng, giáo dục tinh thần yêu nước, quyết tâm chiến thắng xâm lược, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. 
Gắn biển lưu niệm 4 trận địa tên lửa bắn rơi máy bay Mỹ
Nhân dịp kỷ niệm 45 năm Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tổ chức gắn biển lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến tại 4 trận địa tên lửa bắn rơi máy bay Mỹ bảo vệ Hà Nội giai đoạn 1965 - 1972. 
Trận địa Đại Đồng, xã Đại Mạch, huyện Đông Anh là trận địa phòng không đánh trả các cuộc tiến công của không quân Mỹ từ hướng Đông - Đông Bắc để bảo vệ Thủ đô Hà Nội. Trong 4 năm (1967, 1968, 1970 và 1972), lực lượng phòng không không quân của ta đã hiệp đồng chặt chẽ, bắn rơi 6 máy bay Mỹ. Đặc biệt trong chiến dịch phòng không bảo vệ Thủ đô cuối tháng 12 năm 1972, Tiểu đoàn 57, Trung đoàn 261 đã cùng lực lượng vũ trang và nhân dân huyện Đông Anh chiến đấu anh dũng, bắn rơi 4 pháo đài bay B52 (2 chiếc rơi tại chỗ) góp phần vào Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không. 
Trận địa Thượng Thụy, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức là trận địa phòng không đánh trả các cuộc tiến công đường không của không quân Mỹ từ hướng Tây Bắc để bảo vệ Thủ đô. Trong 4 năm (1966, 1967, 1968 và 1972), lực lượng phòng không không quân của ta đã hợp đồng chặt chẽ với lực lượng vũ trang và nhân dân huyện Hoài Đức tiêu diệt 6 máy bay Mỹ, trong đó có 1 pháo đài bay B52. Tại trận địa này, vào hồi 19 giờ 44 phút ngày 18-12-1972, Tiểu đoàn 78, Trung đoàn 257 đã phóng 2 quả tên lửa đầu tiên, mở màn chiến dịch phòng không bảo vệ Thủ đô cuối tháng 12-1972. 
Trận địa Thanh Mai, xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai là trận địa phòng không đánh trả các cuộc tiến công của không quân Mỹ từ hướng Tây Nam để bảo vệ Thủ đô Hà Nội. Trong 5 năm, các tiểu đoàn đã hiệp đồng chặt chẽ tiêu diệt 14 máy bay Mỹ. Trong chiến dịch phòng không bảo vệ Thủ đô cuối tháng 12-1972, Tiểu đoàn 78, Trung đoàn 257 cùng lực lượng vũ trang và nhân dân huyện Thanh Oai chiến đấu anh dũng, bắn rơi 2 pháo đài bay B52 (1 chiếc rơi tại chỗ). 
Trận địa Phú Thụy, xã Phú Thị, huyện Gia Lâm là trận địa phòng không đánh trả các cuộc tiến công của không quân Mỹ từ hướng Đông Nam để bảo vệ Thủ đô. Trong 5 năm (1966, 1967, 1968, 1969 và 1972), tại trận địa này, các tiểu đoàn đã bắn rơi 14 máy bay của không quân Mỹ. Trong chiến dịch phòng không bảo vệ Thủ đô cuối tháng 12 năm 1972, Tiểu đoàn 93 Trung đoàn 261 đã hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng vũ trang và nhân dân huyện Gia Lâm bắn rơi tại chỗ 3 pháo đài bay B52. 
Trong dịp này, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đề nghị các quận, huyện, thị xã tổ chức các hoạt động phù hợp tại các di tích, địa điểm lưu niệm sự kiện lịch sử cách mạng kháng chiến đã được gắn biển trước đó hoặc liên quan đến sự kiện 45 năm Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không. Đồng thời, các địa phương tổ chức kiểm tra, tu bổ, sửa chữa, chỉnh trang, vệ sinh môi trường các di tích, đài tưởng niệm các địa điểm máy bay B52 bị bắn rơi tại các trận địa phòng không. Một mặt, các địa phương cũng tổ chức tuyên truyền về Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không, tổ chức các hoạt động tham quan, giới thiệu ý nghĩa lịch sử, giao lưu với các cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu 12 ngày đêm tháng 12 năm 1972.
Triển lãm “Trận Điện Biên Phủ trên không và Căn hầm chỉ huy tác chiến T1”
Chiều 15-12, triển lãm "Trận Điện Biên Phủ trên không và Căn hầm chỉ huy Tác chiến T1" do Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức đã được khai mạc tại Hoàng thành Thăng Long. 
Với gần 200 hình ảnh, tài liệu, hiện vật, triển lãm giới thiệu 2 nội dung chính: Vai trò của của Hầm chỉ huy tác chiến T1 và Trận Điện Biên Phủ trên không (18 đến 29-12-1972). Triển lãm lần đầu tiên giới thiệu một số hình ảnh, hiện vật của các nhân chứng lịch sử nguyên là lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ đã từng làm việc tại Căn hầm chỉ huy tác chiến T1 trong 12 ngày đêm Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không. 
Trong khuôn khổ triển lãm, các chuyên gia nghiên cứu lịch sử quân sự, các nhân chứng lịch sử, những người từng làm việc trực tiếp tại Hầm chỉ huy tác chiến trong 12 ngày đêm năm 1972 nói chuyện, giao lưu với khách tham quan. 
Hầm chỉ huy tác chiến T1 của Bộ Tổng Tham mưu thuộc cơ quan Tổng Hành dinh Quân đội Nhân dân Việt Nam, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Căn hầm này được xây dựng vào năm 1964, là nơi tiếp nhận những báo cáo cũng như trực tiếp truyền đi các mệnh lệnh chỉ đạo của Bộ Tổng tư lệnh đến khắp các chiến trường trên cả nước. Đặc biệt, trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, Hầm T1 là nơi đã phát ra những hồi còi đầu tiên báo động phòng không toàn thành phố Hà Nội. Từ hầm chỉ huy tác chiến, mệnh lệnh chiến đấu chính xác, kịp thời được truyền tới các đơn vị tên lửa, phòng không, quyết đánh trúng đích, đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B-52 của Mỹ. 
Di tích Hầm chỉ huy tác chiến T1 đã được khôi phục, trưng bày và mở cửa đón du khách từ tháng 12-2012. Hiện nay, căn hầm là một trong những di tích cách mạng quan trọng, góp phần làm nổi bật giá trị của Khu di sản Hoàng thành Thăng Long. 
Triển lãm khẳng định vai trò của Hầm chỉ huy tác chiến T1 cũng như những nhân chứng lịch sử từng làm việc, cống hiến đã góp phần làm nên kỳ tích chiến thắng Điện Biên Phủ trên không cuối năm 1972. 
Triển lãm được tổ chức là dịp ôn lại truyền thống lịch sử đầy tự hào của quân và dân Thủ đô; đồng thời, nhấn mạnh vai trò của Hầm chỉ huy tác chiến T1 cũng như những nhân chứng lịch sử đã từng làm việc, cống hiến, góp phần làm nên kỳ tích chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972. Triển lãm diễn ra đến Tết Nguyên đán 2018.
Khẳng định ý chí, sức mạnh và tầm vóc Việt Nam
Chiến thắng lịch sử Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không đã khẳng định ý chí, sức mạnh và tầm vóc Việt Nam. Đó là ý kiến chung của các đại biểu dự Hội nghị nói chuyện chuyên đề kỷ niệm 45 năm Chiến thắng lịch sử Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không do Công an thành phố Hà Nội tổ chức, ngày 14-12. Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cùng gần 600 cán bộ chủ chốt các đơn vị của Công an thành phố Hà Nội dự hội nghị. 
Các đại biểu đã cùng ôn lại ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không cách đây 45 năm. Chiến thắng này thể hiện ý chí độc lập tự chủ, tự cường của quân dân ta góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đi đến thắng lợi hoàn toàn. Từ bức tranh toàn cảnh về sự kiện chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không tháng 12-1972, các đại biểu cũng nêu lên nhiều bài học ý nghĩa về đấu tranh bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay. 
Phát biểu tại hội nghị, Thiếu tướng Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội nhấn mạnh: Trong suốt 12 ngày đêm, không quân Mỹ đã oanh tạc bầu trời miền Bắc, rải thảm hàng nghìn tấn bom hủy diệt, nhằm biến miền Bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá. Với ý chí, niềm tin sắt đá, bản lĩnh, trí tuệ, sáng tạo, quân và dân cả nước đã anh dũng chiến đấu kiên cường và giành chiến thắng vang dội trong cuộc đối đầu với không quân của đế quốc Mỹ. Chiến thắng lịch sử này đã đánh dấu một mốc son chói lọi, sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân và dân ta, đánh bại cuộc tập kích chiến lược bằng đường không lớn nhất của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải ký hiệp định Paris ngày 27-01-1973 chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, góp phần vào Chiến thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước. Đó là minh chứng sống động khẳng định vai trò lãnh đạo sáng suốt và to lớn của Trung ương Đảng, Chính phủ; sự phối hợp hiệp đồng chặt chẽ, hiệu quả của các lực lượng vũ trang Trung ương, các đơn vị địa phương và Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang nhân dân Thủ đô. 
Theo Thiếu tướng Đào Thanh Hải, hội nghị nói chuyện chuyên đề kỷ niệm 45 năm Chiến thắng lịch sử Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không là đợt học tập chính trị, giáo dục truyền thống hết sức ý nghĩa cho các cán bộ, chiến sỹ trong toàn Công an thành phố Hà Nội. Chuyên đề này một lần nữa giúp cán bộ, chiến sỹ công an thành phố tự hào về ý chí, sức mạnh Việt Nam, góp phần bồi dưỡng tinh thần yêu nước, cách mạng, lòng tự hào dân tộc, nêu cao tinh thần trách nhiệm của bản thân mỗi cán bộ, chiến sỹ lực lượng Công an thành phố quyết tâm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, bảo vệ an ninh Tổ quốc, đấu tranh với các loại tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, góp phần đem lại sự bình yên cho Thủ đô và Tổ quốc.
Ký ức 12 ngày đêm trong hầm chỉ huy tác chiến T1 
Nhân dịp kỷ niệm chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không,Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh, Nguyên Phó Cục trưởng Cục tác chiến - Bộ Tổng Tham mưu đã chia sẻ cảm xúc về những ngày gian khổ song đầy hào hùng trong 12 ngày đêm đánh máy bay B52 của Mỹ. Đã 45 năm trôi qua nhưng ông vẫn nhớ rõ từng chi tiết nhỏ về trận đánh. 
Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh đầy nhiệt huyết kể về tinh thần quả cảm của quân và dân Hà Nội, về những chiến thắng cũng như nghệ thuật quân sự... Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh tự hào giới thiệu về bức ảnh chụp cùng lãnh đạo Cục tác chiến đến hiện trường máy bay B52 rơi ở huyện ngoại thành Đông Anh, khi đó, ông là Thiếu tá, trợ lý tên lửa của Cục Tác chiến đồng thời là trực ban tác chiến phòng không Sở Chỉ huy tác chiến tại hầm chỉ huy tác chiến T1 - Bộ Tổng Tham mưu đóng tại Thành cổ Hà Nội (nay là Hoàng Thành Thăng Long). Căn hầm mà ông gọi là nơi đấu trí với Lầu Năm Góc. 
Thiếu tướng Nguyên Văn Ninh kể, ngày 28-6-1972, tại Nhà D67 (cũng tại Thành cổ Hà Nội), Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp giao nhiệm vụ cho đồng chí Lê Văn Tri, Tư lệnh Phòng không Không quân chuẩn bị tinh thần chiến đấu với quyết tâm đánh thắng cuộc tập kích bằng máy bay B52 ném bom xuống Hà Nội, Hải Phòng quy mô lớn. Đến sáng 24-11, tại hầm chỉ huy tác chiến T1, khi đó tình hình đang căng thẳng, đồng chí Nguyễn Văn Ninh truyền lệnh của Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng cho Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân tập trung mọi khả năng đánh trúng đối tượng chính là B52 mà tiêu diệt. Chiều 18-12, Phó Tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài đến hầm chỉ huy tác chiến T1 chỉ thị cho đồng chí Nguyễn Văn Ninh: Mỹ sẽ đánh Hà Nội, đồng chí phải trực chiến tại hầm. 
Đúng như dự báo, chiều tối cùng ngày, nhiều tốp máy bay B52 cất cánh từ đảo Guam hướng vào miền Bắc Việt Nam. Đồng chí Vũ Lăng, Cục trưởng Cục tác chiến cùng kíp trực ban nhận định B52 sẽ đánh vào Hà Nội tối 18-12 và đồng chí Nguyễn Văn Ninh nhẩm tính Mỹ sẽ ném bom vào khoảng 19 giờ 30 phút. Tại hầm chỉ huy tác chiến T1, các cô tiêu đồ tập trung nghe tín hiệu của Trung tâm ra-đa, vẽ đường bay của B52 lên bảng mica, máy bay tập kết tại Thái Lan dọc theo sông Mê Kông ra miền Bắc Việt Nam. 
19 giờ, đồng chí Nguyễn Văn Ninh trực tiếp báo cáo với Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng và đề nghị cho bấm còi báo động phòng không sớm hơn quy định. Khi đó, tất cả mọi người đều chưa ăn gì và cũng không ai thấy đói, chỉ tập trung cao độ để chỉ huy đánh trả B52. Đồng thời, đồng chí Nguyễn Văn Ninh báo cáo với Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng chỉ thị, thông báo ngay cho Quân chủng Phòng không Không quân, báo động Hà Nội, Hải Phòng. Thời điểm cấp thiết, đồng chí trực ban trưởng Trần Độ báo cáo tình hình lên Bộ Chính trị, đồng chí Nguyễn Văn Ninh ấn còi báo động phòng không liên hồi báo động cho thành phố Hà Nội. Còi điện được đặt trên nóc tòa nhà Quốc hội - Ba Đình, trước khi Mỹ ném bom 25 phút. Đây là còi điện quan trọng nhất, sau khi nhấn còi lập tức 15 còi điện khác toàn thành phố cũng rú theo báo động cho nhân dân xuống hầm ẩn nấp, các lực lượng ra vị trí chiến đấu.
Cũng ngay tối hôm đó, quân dân Hà Nội bắn rơi 3 máy bay B52 (một chiếc ở huyện Đông Anh, một chiếc ở huyện Thanh Oai, máy bay còn lại rơi xa). Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh bày tỏ: “Nghe tin chiếc đầu tiên rơi ở Đông Anh lúc 20 giờ 18 phút, chúng tôi vui sướng tột độ, anh em ôm nhau mừng reo, rơm rớm nước mắt và nói chúng ta đã thắng rồi”. Sáng hôm sau, ông cùng Phó Tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài và một số đồng chí khác về Đông Anh xác minh để báo cáo Bộ Chính trị. 
Ông xúc động kể về trận đánh đêm 20-12, lực lượng của ta bắn rơi 7 máy bay B52, đêm 26-12 bắn rơi 8 máy bay B52. Đặc biệt đêm 28-12, nghe tin phi công Vũ Xuân Thiều lái máy bay MIG-21 bắn hai quả tên lửa, lao máy bay vào triệt hạ B52 trên bầu trời Sơn La, anh dũng hy sinh khiến mọi người lặng trong cảm xúc. 
Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh cho biết, tại hầm chỉ huy tác chiến T1, kíp trực ban tác chiến làm việc liên tục 24/24 giờ, có nhiệm vụ nắm chắc tình hình quân địch và cả lực lượng của ta, diễn biến chiến đấu để đề xuất cách giải quyết các tình huống lên cấp trên. Đồng thời, kíp trực cũng truyền đạt mệnh lệnh, chỉ thị của cấp trên đến các quân binh chủng, quân khu, quân đoàn… đảm bảo hoàn thành cả ba nhiệm vụ: Đánh máy bay địch nhất là B52, công tác phòng không nhân dân, công tác giao thông vận tải chi viện chiến trường. Suốt 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972, tại hầm chỉ huy tác chiến T1, nhiều thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu đã chỉ huy quân dân miền Bắc tiến hành trận quyết chiến chiến lược trên bầu trời Hà Nội giành thắng lợi to lớn. 
Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh cho biết, Mỹ đã sử dụng ưu thế gần như tuyệt đối toàn bộ lực lượng không quân, nhất là máy bay ném bom chiến lược B52, với chiến tranh công nghệ cao lần đầu tiên trên thế giới để tập kích ồ ạt, hủy diệt Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng. Họ dự đoán Việt Nam sẽ không chịu nổi 3 ngày đêm và không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải chấp nhận các yêu cầu của Mỹ. Nhưng với tinh thần quả cảm, quyết tâm đánh thắng của quân dân ta, Mỹ đã nhận thất bại, phải ký Hiệp định Paris theo thỏa thuận và rút hết quân khỏi miền Nam nước ta. 
“Toàn quân và dân ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng đã làm nên một trận quyết chiến chiến lược trên bầu trời Hà Nội năm 1972”, Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh đúc kết như vậy./.
TH tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét