Xuyên tạc trắng trợn
Thông tin được Tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW) và trang SBTN.tv đưa ra cho rằng: Từ năm 2014 đến 2016, hơn 65.000 người nghiện đã ra vào các trung tâm cai nghiện ở Việt Nam. Họ gồm những người bị cảnh sát bắt đưa vào trại cũng như những người được thân nhân gửi vào. Hầu hết họ ở trong trại cai nghiện 1 hoặc 2 năm, đôi khi tới 4 năm nếu bị cho là cai nghiện chưa tốt. Trong trung tâm, người cai nghiện thường phải lao động mỗi ngày, xem như một hình thức trị liệu. Nhiều tổ chức nhân quyền còn cáo buộc giới chức tại trung tâm cai nghiện ăn chặn tiền trợ cấp của người cai nghiện, hoặc bỏ túi những khoản lệ phí do gia đình người cai nghiện chi trả. Các tổ chức cũng cho rằng người cai nghiện đang bị giam giữ ngoài ý muốn.
Trước hết cần nói rằng, hiện ở Việt Nam không có nơi đâu dùng từ “trại cai nghiện” hay “trung tâm cai nghiện”. Hiện những nơi giúp người nghiện ma túy cai nghiện đều đã được đổi tên thành "Cơ sở cai nghiện ma túy". Ông Vũ Văn Trí, Giám đốc Cơ sở Cai nghiện ma túy (CSCNMT) số 7 Hà Nội cho biết: CSCNMT số 7 là một cơ sở đa chức năng, gồm các nhiệm vụ: Cai nghiện bắt buộc, quản lý sau cai nghiện, cai nghiện tự nguyện, điều trị cho người nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế methadone và giúp đỡ người nghiện hòa nhập cộng đồng…
Cán bộ Cơ sở Cai nghiện ma túy số 7 Hà Nội tuyên truyền cho học viên cai nghiện về tác hại của ma túy.
Rõ ràng, những thông tin mà HRW đưa ra là hoàn toàn bịa đặt, thiếu thiện chí về các chính sách nhân đạo của Nhà nước Việt Nam đối với người nghiện ma túy; cũng như sự đầu tư, quan tâm của Nhà nước trong nâng cấp, cải thiện cơ sở vật chất, phác đồ điều trị giúp người nghiện ma túy có điều kiện tốt hơn khi cai nghiện.
Chính sách nhân văn, hướng tới con người
Theo quy định của Nhà nước được ghi rõ trong tài liệu “Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam”, do Bộ Ngoại giao phát hành năm 2017, quá trình cai nghiện gồm 5 giai đoạn, được quy định tại Thông tư liên tịch số 41 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế. Hiện nay, cai nghiện ma túy tại các cơ sở cai nghiện ma túy bao gồm 2 hình thức là cai nghiện tự nguyện và cai nghiện bắt buộc. Đối với những người chưa thành niên cai nghiện theo hình thức tự nguyện phải có sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ. Cai nghiện bắt buộc tại cơ sở được áp dụng đối với người nghiện đã lệ thuộc quá nhiều vào ma túy, đã cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hoặc đã cai nghiện tự nguyện tại cơ sở nhưng không có kết quả, tái nghiện nhiều lần.
Đây là giải pháp mang tính nhân văn, giúp người nghiện có thời gian tránh xa ma túy, đồng thời cung cấp các kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp để tìm việc làm và ổn định cuộc sống. Quan điểm này cũng phù hợp với một trong những nguyên tắc điều trị nghiện ma túy hiệu quả mà Viện Nghiên cứu quốc gia về lạm dụng ma túy (NIDA) thuộc Bộ Y tế và Dịch vụ con người của Hoa Kỳ (US-DHHS) đã đưa ra. Thậm chí, Cơ quan Phòng chống tội phạm và ma túy của Liên hợp quốc (UNODC) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng nhất trí cho rằng: “Điều trị nghiện không nhất thiết phải là tự nguyện để có hiệu quả” (Nguyên tắc 10).
Các cơ sở cai nghiện đều có phòng y tế làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho học viên. Để hỗ trợ người sau cai nghiện có khả năng tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm sau khi trở về địa phương, Chính phủ đã có nghị định quy định trách nhiệm của các cơ sở trong tổ chức dạy nghề, hướng nghiệp cho các đối tượng trong thời gian cai nghiện. Việc dạy nghề thường được thực hiện theo hình thức vừa học vừa làm, kết hợp với lao động trị liệu, lao động sản xuất nhằm phục hồi chức năng, hoặc khai thác các tiềm năng sẵn có của cơ sở để làm ra các sản phẩm phục vụ sinh hoạt của học viên. Lao động trị liệu tại các cơ sở không phải là lao động sản xuất có tính chất kinh doanh. Sản phẩm từ lao động của học viên chủ yếu góp thêm vào việc cải thiện bữa ăn. Khi tham gia lao động, học viên được trang bị đầy đủ thiết bị, dụng cụ bảo hộ lao động cần thiết và hoàn toàn được hưởng thành quả lao động theo quy định.
Người cai nghiện được bảo đảm thực hiện đầy đủ các quyền và trách nhiệm theo quy định của pháp luật, như: Chỗ ở phù hợp, đủ tiện nghi sinh hoạt, học tập cần thiết; bố trí khu ở riêng cho nam, nữ, người chưa thành niên; được đón thân nhân thăm gặp; được tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, được phép có khiếu nại/góp ý kiến đối với cơ sở và các cá nhân có liên quan... Người chưa thành niên ngoài việc được bố trí khu ở riêng, còn hưởng các chính sách hỗ trợ khác về chăm sóc y tế, học tập văn hóa, học nghề và kinh phí cai nghiện. Mọi hành vi vi phạm thân thể, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của người cai nghiện tại cơ sở đều bị pháp luật nghiêm cấm.
Tận tâm giúp người nghiện cai nghiện thành công
Tại khu điều trị Methadone thuộc CSCNMT số 7 Hà Nội (thôn Xuân Khanh, xã Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội), anh Đỗ Văn Mai, 50 tuổi cho biết, khi tới đây điều trị, anh được cán bộ của cơ sở hướng dẫn tận tình, uống thuốc đúng giờ, thường xuyên tư vấn rất kịp thời về sức khỏe. “Tôi đã nghiện hơn 20 năm. Sau khi uống thuốc đều đặn tôi đã cắt cơn, không còn thấy thèm ma túy”-anh Mai nói.
Đoàn phóng viên được chứng kiến tiết học về tác hại của ma túy do thầy giáo Nguyễn Đại Yên và trợ giảng Nguyễn Thị Tuyết thực hiện trong một lớp học khang trang, sạch sẽ với máy chiếu trực quan sinh động; học viên mặc đồng phục, nghiêm chỉnh học tập và phát biểu ý kiến sôi nổi. Những phát biểu mà học viên trình bày trong giờ học cho thấy, từ khi vào CSCNMT số 7 Hà Nội, được sự giáo dục của các thầy, cô nơi đây, nhận thức của họ về ma túy, về trách nhiệm của bản thân với gia đình và cộng đồng có nhiều thay đổi. Thầy Nguyễn Đại Yên cho biết, học viên có thể tham gia nhiều tiết học, từ phổ biến giáo dục pháp luật tới các bài học về những giá trị sống cơ bản của con người…
Ngoài những lớp học khang trang, khá hiện đại, CSCNMT số 7 Hà Nội còn có thư viện, phòng đọc sách, tủ sách pháp luật giúp học viên tìm hiểu thêm những kiến thức trong thời gian rảnh rỗi.
Tới thăm khu nhà lưu trú của học viên cai nghiện tại đây, chúng tôi không khỏi bất ngờ với cơ ngơi khá khang trang, sạch sẽ. Mỗi học viên đều có giường cá nhân, chăn màn được xếp ngay ngắn, thẳng hàng. Ngay bên cạnh các phòng ngủ là khu chơi thể thao, tập gym; các phòng đa chức năng giúp học viên thư giãn, văn nghệ... Giám đốc CSCNMT số 7 Hà Nội, Vũ Văn Trí cho biết, chính những sinh hoạt tập thể lành mạnh giúp học viên khi tới đây thư thái tinh thần, nâng cao tính kỷ luật, quên đi cảm giác thèm ma túy...
NGUYỄN HÒA