Thứ Ba, 12 tháng 12, 2017

Bút chống quan liêu





Tháng 9-1963, nhân dịp Quốc khánh, trong phiên họp Hội đồng Chính phủ, Bác Hồ mang đến một hộp bút và nói: “Hôm nay tôi xin tặng các vị, các chú mỗi người một cây bút để làm việc ”. Bác đưa tận tay từng bộ trưởng, từng uỷ viên. Mọi người nhìn lên nắp bút thấy dòng chữ Bác cho khắc “ Bút chống quan liêu. 2-9-63”. Đây chỉ là một chi tiết trong thái độ cương quyết chống căn bệnh quan liêu của Bác.
Căn bệnh quan liêu mang lại nhiều hậu quả nặng nề. Vì đã mắc bệnh quan liêu là xa rời nhân dân, xa rời thực tế. Đối với công việc không kiểm tra kỹ lưỡng, chỉ đạo đại khái, chung chung, tác phong thiếu dân chủ, sợ phê bình, tự phê bình, không giữ đúng nguyên tắc lãnh đạo tập thể, cá nhân phụ trách. Vì vậy ở đâu có bệnh quan liêu thì ở đó có nạn tham ô, lãng phí. Quan liêu thường cặp đôi với lãng phí, tham nhũng. Nó là tiền đề và hệ quả của nhau. Trong mối quan hệ này, quan liêu là một yếu tố tạo điều kiện cho tham nhũng. Tham nhũng, lãng phí cũng làm cho quan liêu trầm trọng hơn. Nguy hại nhất của tệ quan liêu là buông lỏng quản lý, xa rời đời sống thực tế của nhân dân, độc đoán chuyên quyền, chủ quan, duy ý chí.
Mỗi khi tết đến, xuân về, Bác dành thời gian đi thăm đồng bào, đồng chí, những nơi, những người khó khăn nhất về đời sống tinh thần, vật chất để hiểu rõ cuộc sống của nhân dân. Những chuyến thăm của Bác không bao giờ báo trước gia chủ. Tết đầu tiên, khi nước nhà mới được độc lập, Bác thăm một gia đình làm nghề kéo xe ở phố Nguyễn Khuyến, thăm một viên chức nghèo ở phố Hàm Long, thăm một gia đình công chức ở phố Hàng Vải. Giao thừa, Bác còn cải trang giống một cụ đồ nho, khăn xếp, áo the, quần lĩnh, thong thả hoà vào dòng người đi đón giao thừa ở đền Ngọc Sơn.
Cứ đến giao thừa và ngày mồng một tết, Bác đi thăm, tặng quà, và chúc tết nhân dân. Giao thừa năm 1956 Bác thăm trường Thương binh hỏng mắt Hà Nội, Tết năm 1961 Bác thăm một gia đình công nhân ở nhà máy gỗ Cầu Đuống, thăm một gia đình cán bộ Công đoàn của nhà máy cơ khí Hà Nội; Tết năm 1962 Bác thăm nhiều gia đình ở phố Khâm Thiên như nhà anh Nguyễn Mộc, nhà chị Chín... Hiện nay ngày tết cán bộ cũng đi chúc tết nhưng đa phần chúc tết cấp trên, cán bộ lãnh đạo. Nếu chúc tết nhân dân thì báo trước, trống giong, cờ mở, hình thức và càng khó biết được đời sống thực của dân ra sao.
Nhiều người tưởng cán bộ, đảng viên cứ ở cơ sở là gần dân, sát dân, làm sao có thể quan liêu. Không hẳn thế. Không ít cán bộ lãnh đạo, quản lý sống ở thôn, ở xã, nhưng họ rất ít tiếp xúc với dân. Những tranh chấp đất đai, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, giải quyết việc làm không ai hiểu thấu, trở thành nỗi bức xúc của dân, khiếu kiện tập thể rồi thành đám đông, có khi giăng cả băng cờ biểu ngữ. Đến lúc ấy họ mới hốt hoảng, tại vì không nắm được tình hình nên không dám đối thoại với dân, cán bộ chủ chốt sợ trách nhiệm, sợ chất vấn, đưa đẩy cho cấp dưới tiếp dân, dân phản đối đòi gặp người có trách nhiệm cao nhất, thế là trở thành chuỵện lớn. Cũng có người cho rằng họ không muốn tiếp dân vì trong cuộc chia chác ai cũng đã có phần, mà từ quan liêu đến tham nhũng chỉ là gang tấc 
Bác Hồ khẳng định: muốn chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí  thì phải dân chủ. Lời dạy của Bác đã đi qua một nửa thế kỷ nhưng càng ngẫm càng thấy chính xác như một nguyên lý, bao quát như một định luật. Ngày nay bệnh quan liêu, tham nhũng, lãng phí đã ở mức trầm trọng, trở thành quốc nạn, tầm cỡ phá hoại quốc gia, lời nói của Bác nóng bỏng tính  thời sự. Học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người có nghĩa là mọi cấp, mọi ngành, mọi người cần thực hành dân chủ, chống bệnh quan liêu - bài học chưa bao giờ cũ. 
Trần Công Huyền

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét